Tản mạn chuyện... tất niên

Cuối năm âm lịch, từ hôm đưa ông táo về trời đến 30 Tết, dù bận bao nhiêu bạn cũng khó từ chối những bữa tiệc tất niên ở nhà những người thân, bạn bè, thậm chí tất niên ở nhà các thủ trưởng. Cứ dặn lòng: Tránh được chừng nào hay chừng ấy, để giữ cái dạ dày bình yên đón chào năm mới. Nhưng nào có được đâu!


Năm nay, tất niên sớm nhất mà tôi vinh dự được mời là ở nhà một anh bạn kinh doanh địa ốc. Thị trường nhà đất có đóng băng đâu. Mỗi ngày cái công ty nho nhỏ của anh cũng mua bán vài ba cái nền đất qui hoạch đấy chứ. Mỗi cái cũng kiếm vài ba chục triệu. Nhưng từ sau 20 tháng Chạp, ai dại gì bán đất, vì người mua sẽ nghĩ chủ đất đang kẹt tiền nền sẽ ép giá! Mà cũng sẽ ít có ai đi mua nhà mua đất vào lúc năm cùng tháng tận như vậy! Nên anh bạn quyết định... tất niên! Cả khách lẫn chủ độ vài ba chục người. Cúm gà đang lan rộng, bạn tôi quyết định “chơi” toàn thủy sản tươi sống và một con heo sữa quay trên mâm cổ. Ăn ít, nhậu nhiều. Từ trưa đến gần tối, chừng ấy con người đã cưa hết mấy chai ông già chống gậy vàng và độ mươi thùng bia xanh chữa lửa! Rượu vào lời ra. Chủ nhà độc chiếm diễn đàn kể tài kinh doanh đất của mình. Ví dụ, một hộ tái định cư được phân một lô đất hướng Tây hoặc Bắc, không hợp tuổi đến nhờ dịch vụ địa ốc bán. Đất hướng đó khó bán đấy, nhưng anh đã ra tay giúp đỡ, tất nhiên phải giá mềm. Hay ở chỗ, khi có người mua thì lô đất ấy lại là hướng Đông Nam hoặc chính Nam với giá... hơi bị cứng! Anh ta huênh hoang tài năng của mình: Dễ như trở bàn tay! Có những đường dây ở các Ban quản lý dự án. Chỉ cần chung chi chút đỉnh, hướng nào mà không có. Kẻ ăn cơm, người ăn cháo. Lẽ đời là vậy. Tất niên nhà bạn, tôi hiểu ra thêm một ngóc ngách của cuộc mưu sinh!


Từ hai lăm tháng Chạp trở đi, các tiệc tất niên trở thành cao trào. Có hôm vài ba cái. Thực khách cũng phải chạy sô như ca sĩ. Nhưng giỏi lắm cũng chỉ được vài ba nơi là đã hết ngày và bạn cũng đã... hết sức chạy xe về nhà vì đã mềm men rượu. Mười một giờ trưa ở nhà ông tổ trưởng dân phố - chỗ này khó từ chối vì tình hàng xóm. Gắp vài miếng mồi, nói đôi câu chuyện xóm giềng, cụng vài ly “một chăm phần chăm”, thì điện thoại réo. Thằng bạn nối khố từ hồi học tiểu học giục sao trễ vậy. Nhà anh này kinh doanh toàn “phế liệu” như bù loong ốc vít, thép ống, inox lá đắt như tôm tươi. “Tới trễ hả, cứ hello table đi. Chủ và khách đã vào ve thứ tư thì mày hãy nhận giùm bốn ve, nhớ đừng để anh em chờ!”. Bạn lỡ tay đưa đũa gắp chút mồi lót bụng đã bị cản lại: Chuyện ăn cứ từ từ, hôm nay có khách! Vậy là phải nâng ly. Một hai ba, dzô! Vừa làm xong phần chào bàn thì ông già vợ gọi: Sao lâu vậy con! Ngọt quá trời! Lại phải đứng lên cáo từ và nghe những lời mắng nhiếc cuối năm như tát nước vào mặt của thằng bạn “phế liệu”. Nhưng nhạc gia đã lệnh, phải đi thôi...


Ông già vợ là chủ nhà hàng. Nhưng chuyện đó không đáng ngại bằng mấy ông anh vợ, em vợ, chú vợ, cậu vợ... nước da đã tai tái vì rượu. Dzô anh Ba! Dzô cháu rể! Dzô dượng Ba!!! Bạn sẽ nhủ thầm với vợ trong bụng: Thôi rồi em ơi. Sao nhà em đông người quá vậy!


May mắn thay, chiều đó, ông già vợ thương tình đã gọi taxi đưa về!


Nhưng có một buổi tất niên nhớ đời. Hăm sáu Tết, vợ sếp coi được ngày, bảo sếp gọi mấy đứa lính và bạn bè đến... nhậu tất niên. Năm nay Tết không được đến nhà thủ trưởng. Thì đến nhà sếp trước tết vậy! Sếp là giám đốc công ty xây dựng. Lính sếp đi hết công trường này công trường nọ, khởi công, nghiệm thu, lại quả là chuyện thường ngày nên chuyện nhậu đã... trên từng cây số! Bạn sếp là các đối tác bên A, cũng sếp tuốt! Bạn sếp còn có các nhà cung cấp vật liệu, các “chiến hữu" ở ngân hàng, vật giá và...v.v... Mình là lính văn phòng, lại mới. Sau vài ba cữ “giao ban”, sếp ra lệnh cho các đệ tử lần lượt cụng ly với quý khách. “Mới gặp lần đầu hả, cụng với nhau một cái đi!”, “Chú là lính văn phòng hả! Sao không thương anh em ở công trường! Nào hãy tỏ tình thương mến thương, đoàn kết nội bộ một ly!”. Tôi cứ bưng lên để xuống, bị sếp vặn: “Hình như chú có chân trong đội tuyển thể hình của Phạm Văn Mách hả!”. Thế là bị phạt thêm một ly... Ông khách ở ngân hàng uống chừa lại đến nửa ly, cũng bị kê: “Cuối năm làm gì mà ông anh không quyết toán luôn cho rồi!”. Vậy là ông ngân hàng không từ chối được... Bữa tất niên nhà sếp kéo dài đến gần khuya. Các chiến hữu “cho chó ăn chè” chiếm đa số. Người này xỏ lộn giày dép của người kia, hôm sau phải đi tìm đổi lại...

Các vị bạn của tôi đánh cầu lông, tennis cũng tổ chức “cúng sân” và nhậu tất niên vào ngày chơi cuối cùng. Mỗi sân bày một mâm ngũ quả, bình hoa, đĩa xôi và khổ thịt luộc, vì năm nay bị dịch cúm gà. Cúng vái đàng hoàng lắm. “Vái thần sân năm mới cho tụi con đánh độ thắng liên tục, không có đứa nào bị gãy tay, sái cột sống!”... Năm ngoái có anh đùa: “Thần sân có linh thiêng thì phù hộ cho con trị mấy đứa ăn gian, cho nó gãy vợt lên tục!”. Trong năm chỉ một sân đã gãy bốn cây vợt xịn. Thế là ai cũng bảo “thần sân” rất linh ứng. Năm nay xin vái đàng hoàng, thành khẩn! Sau khi cúng sân là tiệc đặt ở một nhà hàng bên cạnh. Trưởng sân tổng kết thành tích trong năm và báo cáo tài chính công khai. Té ra, tiền vợt, banh, cầu, tiền gởi xe, thuê sân chỉ là con số nhỏ so với tiền... nhậu. Cả hội ra “nghị quyết” năm sau phải giảm nhậu vì rất phi thể thao. Ai nấy đều giơ tay tán thành. Nhưng chỉ một tiếng đồng hồ sau, nghị quyết đã bị quên mất. Họ lại thi nhau dzô dzô chúc mừng năm mới và happy new... beer loạn xạ.

Năm nay, trên sân thể thao chúng tôi xuất hiện một nhân vật mới vào cuối năm. Anh không đến chơi thể thao mà chỉ đến thăm bạn bè vì ở nước ngoài mới về quê ăn tết. Cả vợ con cùng về đón Tết ở Việt Nam sau gần hai chục năm xa xứ. Anh mời chúng tôi đến dự tất niên vào đêm 29 tết. Đêm ấy, vợ và mấy đứa con nhỏ sẽ ngồi bên nồi bánh tét, đun củi, thay nước, hít thở múi khói cay đến chảy nước mắt nước mũi như anh đã trải qua hồi niên thiếu. Người lớn chúng tôi sẽ ngồi quanh chiếc bàn cạnh đó, lai rai nói chuyện và tận hưởng những giây phút thiêng liêng của những ngày cuối năm. Tuấn, tên anh bạn Việt Kiều nói: “Ở xa quê không được hưởng Tết vì bù đầu vào công việc. Buổi sáng ngày mùng Một tết, cả nhà quây quần trong phòng khách, chúc nhau vài câu, mở bánh chưng, dưa hành mua ở siêu thị trước đó mấy ngày ra cùng ăn, hồi tưởng lại cái tết ở quê nhà và chảy nước mắt. Rồi quay lại sở làm. Bạn bè người mình ở xa nhau chỉ biết gọi điện thoại chúc mừng chứ đâu được đi thăm nhau như ở nhà. Buồn lắm...”.

Tôi ngồi viết lại chuyện tất niên này với tất cả những màu sắc, hương vị khác nhau của một tục lệ đã ăn sâu vào con người Việt Nam chúng ta. Tất niên là một tập tục hay. Người ta kiểm điểm lại 365 ngày tất bật của cuộc mưu sinh. Người ta gặp lại hàng xóm, bạn bè mừng năm qua sức khỏe, thành đạt và uống với nhau vài ly rượu mừng. Nhưng không phải ai cũng làm được như vậy. Thường vui quá sẽ mất đi ý nghĩa của cuộc vui và ảnh hưởng đến sức khỏe. Viết và nhớ lại những buổi tiệc tất niên mình đã từng tham dự và tự nhủ lòng hãy biết kiêng cữ. Nhưng các bạn ơi, hãy tha thứ cho tôi vì phải dừng câu chuyện ở đây: Lại một nơi vừa gọi điện mời... tất niên nữa! Chỗ này, tôi không thể vắng mặt. Người gọi là một ông bạn vừa được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam: nhà văn Trần Kỳ Trung ở Hội An. Trung vừa tất niên vừa tổ chức mừng thành quả mới và chắc chắn cũng sẽ phải... nhậu lai rai...

Trương Điện Thắng

Tản mạn chuyện... tất niên
Tản mạn chuyện... tất niên
Tản mạn chuyện... tất niên
Tản mạn chuyện... tất niên

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy