Bài tham khảo số 9

Có người đã nói về thơ bằng một so sánh rất đỗi mới mẻ như này: “Thơ là cây đàn muôn điệu của tâm hồn, của nhịp thở con tim. Xưa nay thơ vẫn là cuộc đời, là lương tri, là tiếng gọi con người hãy quay về bản chất thực của mình để vươn lên cái chân, thiện, mỹ, tới tầm cao của khát vọng sống, tới tầm cao của giá trị sống”. Và “Sóng” của Xuân Quỳnh có lẽ là một trong những dẫn chứng thuyết phục nhất cho nhận định này, đặc biệt là hai khổ thơ cuối của bài thơ.


“Sóng” được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi công tác ở vùng biển Diêm Điền. Trước khi “sóng” ra đời, Xuân Quỳnh đã phải nếm trải những đổ vỡ trong tình yêu cho nên tâm và tình của nữ sĩ như được đổ dồn vào cảm xúc của lời thơ. Bài thơ được in trong tập “Hoa dọc chiến hào”. Cả bài thơ gồm chín khổ thơ, mỗi khổ là một nét tâm tư của của người con gái trong tình yêu đôi lứa. Từ quy luật của tình yêu đến hành trình tìm kiếm nguồn cội tình yêu, từ nỗi nhớ đến tấm lòng thủy chung, hai khổ cuối của “sóng” lại trao cho người đọc niềm tin và khát vọng bất tử hóa tình yêu, đó là ý thức về một tình yêu cao đẹp của người con gái khao khát yêu đương, luôn sống trọn với tình yêu và trái tim mình.


Con người ta có yêu thì mới có lo. Càng yêu tha thiết thì nỗi lo càng da diết khôn nguôi. Với trái tim đa cảm và tâm hồn đầy trắc ẩn, Xuân Quỳnh rất nhạy cảm với sự trôi chảy của thời gian và sự hữu hạn của đời người. Vì thế, thơ của nữ sĩ thường có những thoáng lo âu dự cảm về những điều bất trắc:


“Em không dám nghĩ là vĩnh viễn

Hôm nay yêu mai đã phải xa rồi”


Hay:


“Lời yêu mỏng mảnh như màu khói

Ai biết lòng anh có đổi thay”


Nỗi khắc khoải thường trực ấy cũng được hiện hiện trong sóng:


“Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa”


Giọng thơ lắng lại, pha chút suy tư ngậm ngùi, nhà thơ đã nhận thấy có những giới hạn. Cuộc đời tuy dài nhưng vẫn có điểm kết thúc. Biển cả tuy rộng nhưng vẫn có bờ, và như vậy, tình yêu con người cũng không phải là vĩnh viễn, nó có thể biến đổi nhạt phai trong dòng chảy thời gian. Lời thơ của nữ sĩ thoáng chút buồn bã tiếc nuối về sự hữu hạn của đời người và sự mong manh không vững bền của tình yêu, hạnh phúc.


Với cá tính mạnh mẽ và trái tim hừng hực ngọn lửa tình yêu, trong nỗi thấp thỏm lo âu, niềm tin về tình yêu của Xuân Quỳnh cũng phần nào hé lộ. “Năm tháng” và “mây trời” không chỉ là thời gian rộng lớn, không gian mênh mông mà nó còn là tượng trưng cho sức mạnh vô hạn. “Cuộc đời” và “biển cả” cũng không chỉ là cái dài cuộc đời, cái rộng của không gian mà nó còn là khoảng cách, là trở ngại. Cái tài của người nghệ sĩ là khiến cho câu thơ trở nên đa nghĩa. Không chỉ làm hiển hiện lên nỗi lo âu, đoạn thơ còn khẳng định, ở đời không có giới hạn nào, không có thử thách khó khăn nào mà con người không vượt qua được. Sự bao la của biển cả đã khơi dậy trong lòng nữ sĩ niềm tin với tình yêu là hành lý, con người có thể đến với cái đích của cuộc đời mình, có thể viết lên những giới hạn của đời sống.


Cặp quan hệ từ “dẫu - vẫn”, “tuy - vẫn” mang tính chất khẳng định khiến nỗi lo chỉ thoáng như những đợt sóng trào lên rồi tan vào lòng biển cả, còn niềm tin thì mãi luôn ở lại làm điểm tựa tâm hồn.


Thời gian chảy trôi, đời người ngắn ngủi nhưng khát vọng được yêu, được sống của con người lại hướng đến cái vô biên vô tận. Phải làm sao để hóa giải nghịch lý này? Mỗi trái tim yêu dường như lại chọn cho mình một giải pháp riêng. Trước đây, ông hoàng thơ tình Xuân Diệu từng hối thúc nhịp sống vội vàng, gấp gáp, chạy đua với thời gian để tận hưởng hạnh phúc:


“Mau lên chứ vội vàng lên với chứ

Em ơi em tình non sắp già rồi”


Giờ đây, Xuân Quỳnh lại ao ước được tan ra thành trăm con sóng nhỏ để hòa vào biển lớn tình yêu:


“Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ”


Tha thiết với tình yêu, đắm đuối với người tình, luôn khát khao hạnh phúc, đó là những xúc cảm luôn thổn thức trong trái tim của người phụ nữ. Hòa mình vào mạch chung đó, Xuân Quỳnh vẫn tìm cho mình một tiếng nói riêng. Những người phụ nữ Việt Nam thời xưa thường ít xuất đầu lộ diện, trực tiếp giãi bày khát khao, tình yêu, hạnh phúc của mình. Nếu có, họ cũng chỉ dám ước mơ nên duyên vợ nên chồng:


“Có phải duyên nhau thì thắm lại

Đừng xanh như lá bạc như vôi”


Hoặc cũng chỉ dám khát khao hạnh phúc trăm năm:


“Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”


Khát vọng tình yêu của Xuân Quỳnh mãnh liệt hơn thế. Hai chữ “làm sao” đã lột tả hết những trăn trở băn khoăn của người con gái khi yêu. “Tan ra” không phải là mất đi, không phải vào cõi hư vô mà đó là khát vọng được hóa thân vào sóng để được hòa cùng cái vô tận của không gian biển cả, của cái vô cùng của ngàn năm. Khát vọng ấy là khát vọng muốn vĩnh viễn hóa tình yêu, muốn bất tử hóa tình yêu, muốn dùng tình yêu để nối dài cuộc đời với sự ngắn ngủi và hữu hạn của cuộc đời con người. Khát vọng ấy còn gợi nhớ đến hình ảnh nàng tiên cá hóa thân thành bọt biển để người yêu mình được hạnh phúc trọn vẹn. Liên tưởng đậm màu cổ tích đó gợi mở hình ảnh của một cô gái đắm say khát khao hi sinh và cống hiến, khao khát được sống hết mình vì tình yêu.


Có như thế, tình yêu mới có thể tồn tại vĩnh hằng với thời gian, chiến thắng được cái hữu hạn, mong manh của đời người như con sóng vỗ ngàn năm giữa biển tình rộng lớn. Khát vọng bất tử hóa tình yêu không chỉ được Xuân Quỳnh bộc lỗ trong “Sóng”. Sau này, trong “Tự hát”, nữ sĩ cũng thể hiện niềm ao ước:


“Em trở về đúng nghĩa trái tim em

Là máu thịt đời thường ai chẳng có

Vẫn ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa

Biết yêu anh ngay cả khi chết đi rồi”


“Thơ khởi phát từ trong lòng người ta”. Sự khám phá vẻ đẹp của người phụ nữ trong tình yêu ở bài thơ chính là sự thể hiện chiều sâu tâm hồn thi sĩ. Với nét mới mẻ hiện đại mà vẫn có cội rễ từ truyền thống dân tộc, vừa say đắm trong tình yêu vừa khao khát được yêu, “Sóng” đã làm nên vị trí hàng đầu của dòng thơ tình dân tộc.

Bài tham khảo số 9
Bài tham khảo số 9
Bài tham khảo số 9
Bài tham khảo số 9

Top 10 Bài văn phân tích hai khổ thơ cuối trong bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7
  8. top 8 Bài tham khảo số 8
  9. top 9 Bài tham khảo số 9
  10. top 10 Bài tham khảo số 10

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy