Bài tham khảo số 7

Nguyễn Bính là một nhà thơ “Chân quê”, thơ của ông có nhiều bài viết về làng quê. Ông cũng có rất nhiều bài thơ viết về mùa xuân làng quê: “Xuân về”, “Xuân tha hương”, “Nhạc xuân”, “Thơ xuân”… Và trong số những bài thơ xuân đó còn có bài thơ “Mưa xuân”. Đan xen trong “Mưa xuân” là tiếng lòng của một cô gái trẻ đang yêu. Mưa xuân là đêm hội chèo, sự hò hẹn đôi lứa và những nỗi niềm của cô gái quê.


Mở đầu bài thơ, Nguyễn Bính giới thiệu một khung cảnh gia đình có lối sống nề nếp, có mẹ già và cô gái tuổi hoa niên. Dường như tác giả đã thấu hiểu được tâm trạng của cô gái trong gia đình ấy và đã nói thay tiếng lòng của cô gái:


Em là cô gái trong khung cửi

Dệt lụa quanh năm với mẹ già

Lòng trẻ còn như cây lụa trắng

Mẹ già chưa bán chợ làng xa.


Đây là một cô gái dịu dàng, ngây thơ, trong sáng. Song cuộc sống gia đình và công việc lao động cần mẫn quanh năm dường như đã tách biệt cô với cuộc sống bên ngoài. Hình ảnh thơ khiến ta liên tưởng tới câu ca dao:


“Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”


Hình ảnh “lụa trắng” gợi lên cái trinh trắng của một cô gái ít giao lưu, tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Có lẽ cô gái này đã lâu lắm rồi mới nghĩ đến chuyện gia đình. Thay lời muốn nói của cô gái. Nguyễn Bính đã mở đầu câu chuyện bằng khung cảnh thiên nhiên của một đêm xuân:


Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy


Chỉ có hai câu thơ thôi mà khiến lòng con người ta xốn xang và gợi không khí. Nếu như những ngày mưa bình thường chỉ là những giọt nước rơi thì “mưa xuân” của Nguyễn Bính lại “phấp phới bay” đã gợi cho ta một hình ảnh ngày xuân thật đẹp.


Hoa xoan ở làng quê không khoe hương khoe sắc mà lại rất quen thuộc. Những chùm hoa xoan tàn rụng, những cánh hoa bé li ti rụng đầy trên đường làm cho nỗi lòng của con người thêm buồn. Thiên nhiên nhiều màu vẻ đã làm mất đi không khí và cảm xúc bình lặng, nhất là gánh chèo làng Đặng đi qua càng gợi lên không khí vui chơi ngày xuân.


Nguyễn Bính đã diễn tả tình yêu của một cô gái quê thật nhẹ nhàng, tinh tế. Khởi đầu là dung cảm nhẹ như tơ vương gợi chút xao xuyến trong lòng. Những rung động lớn dần, con thoi dường như không đi về được như bình thường khi trái tim cô gái đã có những nhịp đập khác thường.


Hình bóng của một người con trai đã hiện lên trong suy nghĩ của cô gái mà cô cảm thấy có chút gì đó ngượng ngùng. Cô không soi gương cũng biết má mình bừng đỏ. Đó là tâm trạng đang yêu của những cô gái trẻ.


“Mưa xuân” cũng như nhiều bài thơ khác của Nguyễn Bính, thường có những yếu tố của cốt truyện: Từ tâm tình của cô gái chuyển sang hành động. Cô gái chỉ nghĩ đến chàng trai và những lời hò hẹn. Trời đã tối, hàng xóm đã lên đèn, mưa xuân vẫn bay phủ kín cả bầu trời đêm. Cô gái như có chút đắn đo ngập ngừng trước trời mưa lạnh nhưng ý nghĩ đó nhanh chóng bị lướt qua khi nghĩ đến sự có mặt của chàng trai trong đêm hội.


“Mưa bụi nên em không ướt áo

Thôn Đoài cách có một thôn Đê.”


Cô gái xin phép mẹ rồi vội vàng đi. Hình ảnh cô gái trẻ mải miết tìm người yêu trong đêm hội, không thiết đến chuyện xem hát cũng nói lên sức mạnh của tình yêu và gợi lòng thương cảm trong lòng con người ta. Không còn là chuyện lầm lẫn trong hẹn hò mà tuổi trẻ mạnh dạn dấn thân vào và nhận lại những sự bất ngờ và đau đớn của cảnh ngộ, tình yêu chung thủy và sự bội bạc phũ phàng.


Ở đây có sự đối lập giữa khung cảnh hội hè vui vẻ và cảnh cô đơn tủi phận của riêng ai:


Chờ mãi anh sang anh chẳng sang

Thế mà hôm nọ hát bên làng

Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn

Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng.


Trong ý thơ có lời trách cứ giận hờn. Chính ở giây phút đáng giận, đáng căm ghét này cô gái vẫn tỏ ra hiền dịu và chỉ biết trách cứ chàng trai. “Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn” nhung đã sớm quên lời hẹn ước.

Nếu như ở khổ thơ đầu, nhân vật trữ tình còn mong đợi, còn náo nức, còn hăng hái thì tất cả đến đây dường như đảo ngược. Thời gian trôi qua chưa lâu, vẫn là đêm xuân ấy nhưng sự cảm nhận về thời gian vẫn hoàn toàn khác biệt “Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng?”


Sự lỡ hẹn trong tình yêu của đôi lứa có thể dẫn đến sự nhỡ nhàng. Từ đây, mùa xuân với đơn vị thời gian vốn có đã được tác giả sử dụng với nhiều ý tứ nghệ thuật. Con đường trở về nhà của cô gái chắc là con đường xa.


Nếu như trước đây “Thôn Đoài cách có một thôn Đê” thôi thì bây giờ là “Có ngắn gì đâu một dải đê” và lúc đó mưa xuân còn nhẹ hạt thì bây giờ “Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt”, lòng cô gái dường như nặng trĩu. Giữa tâm trạng của cô gái như vậy mưa xuân không còn “phơ phới” mà đã ngại bay. Hoa xoan cũng bị chà đạp trên lối về và “mùa xuân đã cạn ngày”.


Bây giờ chỉ còn nỗi buồn của cô gái, một nỗi buồn phải âm thầm chịu đựng. Nhưng niềm tin của cô gái vẫn chưa mất hẳn. Một câu hỏi không thể tìm được lời đáp vẫn được thốt lên “Bao giờ em mới gặp anh đây?”. Người con gái trong “mưa xuân” vẫn cứ chờ đợi một cái gì đó rất xa xôi.


Mùa xuân của trời đất hàng năm thì vẫn trở lại. Mưa xuân lại phơi phới bay nhưng mùa xuân của cuộc đời thì chỉ đến có một lần. Bài thơ “Mưa xuân” đã ghi lại cả hai mùa xuân ấy và gợi lên biết bao ngậm ngùi xót xa cho số phận và hạnh phúc của tuổi trẻ trong cuộc đời của thời đại cũ trước đây.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Top 10 Bài văn phân tích bài thơ "Mưa xuân" của Nguyễn Bính (Ngữ văn 11) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7
  8. top 8 Bài tham khảo số 8
  9. top 9 Bài tham khảo số 9
  10. top 10 Bài tham khảo số 10

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy