Top 11 Điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng ở Ninh Bình

Gia Trinh Tran 3571 1 Báo lỗi

Mặc dù là một trong 10 tỉnh thành có diện tích nhỏ nhất của Việt Nam, nhưng Ninh Bình lại có một tiềm năng du lịch vô cùng hứa hẹn với những danh thắng và địa ... xem thêm...

  1. Địa chỉ: Xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình

    Lễ hội chính: Từ ngày 06 đến ngày 08 tháng 3 âm lịch hàng năm


    Điểm đến đầu tiên không thể thiếu khi đến Ninh Bình chính là Cố đô Hoa Lư, được biết đến là một trong những kinh đô phong kiến đầu tiên của Việt Nam, đây chính là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của nước Đại Cồ Việt xưa, là trung tâm của nền phong kiến tập quyền Việt Nam, tồn tại trong vòng 42 năm qua ba vương triều nối tiếp nhau là Đinh - Tiền Lê - Lý (968-1010)


    Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Cố đô Hoa Lư là một quần thể gồm nhiều đền thờ, lăng tẩm, di tích văn hóa có giá trị về văn hóa lịch sử được lưu giữ qua hàng nghìn năm, hiện nay Cố đô Hoa Lư còn lưu giữ những chứng tích lịch sử hào hùng của dân tộc trong công cuộc thống nhất giang sơn (đánh Tống - dẹp Chiêm) và phát tích quá trình dời đô của vua Lý Thái Tổ về Hà Nội ngày nay. Đặc biệt khi trở về với Cố đô Hoa Lư, chúng ta sẽ được chiêm bái những ngôi đền thờ, lăng của vua Đinh và vua Lê hết sức cổ kính và uy nghiêm, đây chính là những vị vua tiên khởi của nước Đại Cồ Việt chúng ta.

    Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình
    Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình
    Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng
    Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng

  2. Địa chỉ: Thôn Sinh Dược, Xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình

    Lễ hội chính: Từ ngày 06 tháng 01 đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm


    Là một điểm nhấn du lịch tâm linh ở Ninh Bình, Chùa Bái Đính là sự tổng hòa giữa những linh thiêng, trầm mặc của Bái Đính cổ tự và sự nguy nga của Bái Đính tân tự. Chùa Bái Đính hiện nay là công trình kiến trúc Phật giáo đồ sộ nhất Việt Nam với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam đã được xác lập như: tượng Thích Ca bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, àng lang 500 vị La Hán dài nhất châu Á, tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Việt Nam, đại hồng chung lớn nhất Việt Nam… Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ sáu viên ngọc xá lợi, bảo vật quý của Đức Phật. Với những kỷ lục và vẻ đẹp kỳ vĩ Bái Đính xứng đáng là điểm đến tiếp theo trong chuyến hành trình tâm linh về với Ninh Bình.


    Chùa Bái Đính hiện nay được mệnh danh là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á với kiến trúc vô cùng độc đáo, tọa lạc trên ngọn núi cao chót vót do đó khi đến đây du khách được phóng tầm mắt để chiêm ngưỡng toàn cảnh của Ninh Bình tạo nên điểm đặc biệt làm chúng ta choáng ngợp trước vẻ đẹp và sự hùng vĩ của ngôi chùa.

    Toàn cảnh Chùa Bái Đính
    Toàn cảnh Chùa Bái Đính
    Chính điện Chùa Bái Đính
    Chính điện Chùa Bái Đính
  3. Địa chỉ: Thôn Đàm Khê, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình


    Chùa Bích Động nằm trong quần thể khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, là một công trình kiến trúc cổ xưa, do có sự kết hợp hài hòa giữa núi, động và chùa ẩn hiện dưới những tán cây đại thụ xanh biếc tạo nên bức tranh phong cảnh thiên nhiên vô cùng đặc sắc, mang sắc thái của chốn tâm linh huyền bí nên đây chính là nơi hội tụ Bích Sơn Bát Cảnh (8 cảnh đẹp), được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhị động” tức là đẹp thứ nhì của trời Nam, sau “Nam thiên đệ nhất động” là Chùa Hương.


    Chùa Bích Động được xây dựng từ năm 1428 đầu thời Hậu Lê, theo kiểu chữ Tam trong Hán Tự, ba tòa không liền nhau, tam cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp đến cao thành ba ngôi chùa riêng biệt: chùa Hạ, Chùa Trung, chùa Thượng…

    Đường vào Chùa Bích Động
    Đường vào Chùa Bích Động
    Chùa Bích Động
    Chùa Bích Động
  4. Địa chỉ: Thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình

    Lễ hội chính: Từ ngà 14 đến ngày 17 tháng 3 âm lịch hàng năm


    Ghé thăm Ninh Bình, du khách cũng không nên bỏ qua Đền Thái Vi, một ngôi đền được xây dựng để tưởng nhớ bốn đời vua Trần là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông và Hiển Từ Hoàng thái hậu Thuận Thiên nhằm tưởng nhớ công ơn các vua Trần đã chiến thắng giặc Nguyên Mông, giữ yên sơn hà xã tắc.


    Đền được xây dựng trên nền cung điện hành cung Vũ Lâm của các vua Trần thời xưa, có kiến trúc kiểu “Nội công ngoại quốc”, trước đền có giếng ngọc, phía trong sân đền có gác chuông hai tầng tám mái làm bằng gỗ lim, tại đây có treo một quả chuông đồng được đúc từ năm Chính Hòa thứ 19 tức năm 1689.

    Cổng vào đền Thái Vi
    Cổng vào đền Thái Vi
    Chính điện đền Thái Vi
    Chính điện đền Thái Vi
  5. Địa chỉ: Thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình

    Lễ hội chính: Tháng 3 âm lịch hàng năm


    Động Thiên Tôn nằm ở khu vực núi Dũng Đương, phía Đông của Cố đô Hoa Lư. Cũng giống như Thăng Long Tứ Trấn, Động Thiên Tôn cùng với Đền Thánh Nguyễn, Đền Trần (Đền Quý Minh), Đền Cao Sơn tạo thành Hoa Lư tứ trấn, trấn giữ bốn phía của Kinh đô Hoa Lư trước kia.


    Trong động có Đền thờ Thánh Trấn Vũ Thiên Tôn hay còn gọi là Chân Vũ Đế Quân chính là Huyền Thiên Thượng đế Kim Thuyết hóa thân, với vai trò tổng chỉ huy thiên binh, thiên tướng, được cử xuống trần để trừ yêu, đẹp loạn. Tượng Thánh Trấn vũ Thiên Tôn trong động được đúc bằng đồng, đứng trên lưng rùa.

    Cổng vào đông Thiên Tôn
    Cổng vào đông Thiên Tôn
    Bên trong động Thiên Tôn
    Bên trong động Thiên Tôn
  6. Địa chỉ: Xã Gia Thắng, xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình

    Lễ hội chính: Tháng 3 âm lịch hàng năm


    Đền thờ Đức Thánh Nguyễn thờ Lý Triều Quốc Sư Nguyễn Minh Không (hay Lý Quốc Sư), là vị cao tăng có chức vụ đứng đầu triều đình nhà Lý trong lịch sử Việt Nam do có nhiều công lao trong việc chữa bệnh cho vua Lý và nhân dân. Đền được xây dựng trên nền ngôi chùa Viên Quang do chính Nguyễn Minh Không dựng vào năm 1121. Sau khi ông mất người dân đã thờ ông tại đây. Đền Thánh Nguyễn trấn ở phía Bắc Kinh thành Hoa Lư, là một trong Hoa Lư tứ trấn thời xưa.


    Ngoài giá trị lịch sử, đền còn được ghi nhận có giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc bởi nghệ thuật chạm trổ, điêu khắc tinh xảo. Hiện nay đền còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ. Trước tiền đường thiêu hương là 2 con sóc đá thời Lê sơ, trong tiền đường có 2 chiếc trống tương truyền thời Lý – Trần rất quý hiếm, toàn bộ khám thờ thời Nguyễn,... Đền Thánh Nguyễn đã được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia năm 1989.

    Cổng vào đền thờ Đức Thánh Nguyễn
    Cổng vào đền thờ Đức Thánh Nguyễn
    Chính điện đền thờ thánh Nguyễn
    Chính điện đền thờ thánh Nguyễn
  7. Địa chỉ: Xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình

    Lễ hội chính: Ngày 18 tháng 3 âm lịch hàng năm


    Đền Trần (trấn phía Nam của Kinh thành Hoa Lư) là một điểm đến tâm linh nổi tiếng của Ninh Bình. Đền thờ Thần Quý Minh và hoàng phi Quý Nương là phu nhân của thần Quý Minh. Theo truyền thuyết thần Quý Minh là một trong ba anh em - ba vị tướng đã được phong Thánh (Đức thánh Tản Viên, Đức thánh Cao Sơn và Đức thánh Quý Minh), là người có công trấn ải Sơn Nam, bảo vệ đất nước thời vua Hùng Duệ Vương (tức Hùng Vương thứ 18). Ngài là một "thượng đẳng thần”, được các triều vua qua nhiều triều đại ban chiếu sắc phong, được nhân dân khắp nơi thờ phụng.


    Đền Trần nằm uy nghi trên ngọn núi cao từ lâu đã trở thành ngôi đền nổi tiếng linh thiêng khắp xa gần, nơi đây được coi là vịnh Hạ Long trên cạn. Đền được vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng vào thế kỷ thứ X với mong muốn mượn uy danh của Thánh để trấn trạch theo 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc. Ngôi đền cũ bằng gỗ do Đinh Tiên Hoàng đế xây dựng đã đổ nát và nhà Trần cho xây dựng lại bằng các cột đá rất nổi tiếng còn lại nguyên vẹn cho đến ngày nay và từ đó được nhân dân quen gọi là đền Trần vì được xây dựng lại từ thời nhà Trần. Đền Trần nằm giữa một vùng sơn thủy hữu tình thuộc Khu du lịch sinh thái Tràng An.Đền có 4 cột đá được trạm khắc bộ tứ linh (long, ly, quy, phượng) hết sức độc đáo.

    Đền Trần (Đền Nội Lâm)
    Đền Trần (Đền Nội Lâm)
    Chính điện Đền Nội Lâm
    Chính điện Đền Nội Lâm
  8. Địa chỉ: Xã Văn Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình

    Lễ hội chính: Tháng 3 âm lịch hàng năm


    Theo như thần thần tích thì Cao Sơn đại vương là Lạc tướng Vũ Lâm, con thứ 17 vua Lạc Long Quân. Thần đã dạy bảo và giúp đỡ người dân làm ăn sinh sống đồng thời bảo vệ khỏi các thế lực phá hoại vì vậy vì vậy đã được Vua Đinh cho phép dân lập đền thờ để bảo vệ kinh đô từ hướng tây trên núi Đính.


    Cùng với Thần Thiên Tôn trấn giữ cửa ngõ vào vòng thành phía Đông, thần quý Minh trấn giữ cửa ngõ vào thành Nam, đức thánh Nguyễn trấn giữ cửa ngõ vào thành Bắc, thần Cao Sơn trấn giữ cửa ngõ Tây kinh thành Hoa Lư tạo nên Hoa Lư tứ trấn.

    Đền Cao Sơn
    Đền Cao Sơn
    Tượng Thần Cao Sơn
    Tượng Thần Cao Sơn
  9. Địa chỉ: Xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình

    Lễ hội chính: Từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 11 âm lịch hàng năm


    Đền thờ Nguyễn Công Trứ độc đáo ở chỗ được xây dựng từ khi ông vẫn đang còn sống. Tiền thân của ngôi đền là căn nhà ba gian của Nguyễn Công Trứ ngự tại ấp Lạc Thiện. Đây là nơi để ông đi về và làm việc trong suốt quãng thời gian sống tại Kim Sơn. Năm 1852, nhân dân Kim Sơn xây dựng, cải tạo lại thành ngôi Sinh Từ (tức đền thờ sống). Hàng năm, vào dịp sinh nhật của Nguyễn Công Trứ, nhân dân nơi đây lại mở hội mừng thọ ông. Sau khi ông mất, người dân Kim Sơn xây dựng thêm một toà nữa bên cạnh gian nhà cũ gọi là Tiền đường là nơi thờ Nguyễn Công Trứ. Còn gian nhà cũ được dùng làm Chính cung. Từ đây, ngôi đền được đổi tên thành Truy Tư Từ. Năm 1992, đền thờ Nguyễn Công Trứ được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.


    Đền Nguyễn Công Trứ kiến trúc theo kiểu chữ Đinh (Hán tự), Tiền đường 5 gian, hậu cung 3 gian. Bên tả,bên hữu của Tiền đường có 2 cột đồng trụ, bên trong Tiền Đường có hương án, giá trống, giá chiêng và 3 bức đại tự là tấm lòng thành kính và ngưỡng mộ của nhân dân huyện Kim Sơn đối với Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ. Gian giữa của Hậu Cung 3 gian là nơi để bàn thờ Nguyễn Công Trứ. Trên bàn thờ có một bát hương bằng men sứ trắng vẽ hình lưỡng long chầu mặt nguyệt. Đây là bát hương cổ rất quý có từ đời nhà Trần.

    Cổng Đền thờ Nguyễn Công Trứ
    Cổng Đền thờ Nguyễn Công Trứ
    Chính điện đền thờ Nguyễn Công Trứ
    Chính điện đền thờ Nguyễn Công Trứ
  10. Địa chỉ: Thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình

    Lễ hội chính: Lễ Giáng Sinh, ngày 24, 25 tháng 12 dương lịch hàng năm


    Nhà thờ Phát Diệm còn có tên là Nhà thờ chính tòa Phát Diệm là một quần thể nhà thờ Công giáo, là một trong những nhà thờ đẹp nhất Việt Nam, được ví như "kinh đô công giáo" của Việt Nam. Đến nơi đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một quần thể kiến trúc vô cùng lạ mắt đó là kiến trúc kiểu đình, chùa phương Đông kết hợp với lối kiến trúc Gôtic phương Tây, đây chính là điểm độc đáo thu hút khách du lịch của quần thể kiến trúc này. Nhà thờ đá Phát Diệm phản ánh một nền nghệ thuật kiến trúc điêu khắc độc đáo của Việt Nam, đặc biệt là điêu khắc đá. Ngoài nhà thờ chính tòa, quần thể nhà thờ đá Phát Diệm còn có Hồ, Phương đình, 4 nhà thờ nhỏ và nhà thờ kính trái tim Đức Mẹ (hay còn gọi là nhà thờ đá) - đây được coi là “viên ngọc” của quần thể. Nhà thờ đá không chỉ là niềm tự hào của người công giáo Việt Nam mà còn nổi tiếng bởi lối kiến trúc độc đáo chỉ có ở Ninh Bình.


    Nhà thờ được khởi công xây dựng từ năm 1875 đến năm 1898. Năm 1988, nhà thờ đá Phát Diệm đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa. Hiện nay, ngoài việc phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của người dân địa phương, nhà thờ Phát Diệm còn là một điểm du lịch tâm linh, khám phá hấp dẫn đối với nhiều du khách trong và ngoài nước.

    Quần thể nhà thờ Phát Diệm
    Quần thể nhà thờ Phát Diệm
    Nhà thờ đá Phát Diệm
    Nhà thờ đá Phát Diệm
  11. Địa chỉ: Phường Thanh Bình, Thành Phố Ninh Bình


    Chùa Non Nước - ngôi chùa nằm dưới chân ngọn núi Non Nước, bên bờ sông Đáy và cửa sông Vân. Ngôi chùa vẫn nổi tiếng với góc cảnh nên thơ, đậm chất làng quê Bắc Bộ với non nước hữu tình. Đến đây du khách sau khi chiêm bái lễ chùa sẽ cùng chiêm ngưỡng cảnh sắc yên bình của làng quê Việt Nam.


    Chùa được xây dựng từ thờ vua Lý, nhưng sau đó bị đổ vỡ, đến thời Trần được xây dựng lại thờ Phật. Trải qua nhiều biến cố trong lịch sử, ngôi chùa vẫn đứng vững, hiên ngang như ngày nay. Chùa còn có tên gọi khác là Dục Thúy Sơn. Chùa có hai cổng, một cổng ra vào ở phía bắc, một cổng ở phía đông nam nhìn ra sông Đáy và và cửa này cũng chính là nơi để nhân dân địa phương thả cá chép ngày ông công ông táo.


    Chùa Non Nước mở cửa quanh năm, chính vì thế du khách đi bất cứ thời gian nào trong năm cũng thuận tiện. Hơn nữa, khi đi thăm cảnh chùa vào những ngày Tét khi không khí lạnh vẫn còn bao phủ toàn miền Bắc, du khách sẽ được tận hưởng cái rét hơi se lạnh tại đây. Một cảm giác tuyệt vời giữa vùng đồng quê non nước hữu tình.

    Chùa Non Nước
    Chùa Non Nước
    Chùa Non Nước
    Chùa Non Nước



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy