Top 10 Điểm di tích lịch sử văn hóa không nên bỏ qua khi du lịch Khánh Hòa

Mai Tuyet Nguyen 1708 2 Báo lỗi

Khánh Hòa ngoài sở hữu nhiều khung cảnh nên thơ, quyến rũ còn mang đến cho du khách những hành trình tìm về với những di tích lịch sử văn hóa. Cùng Toplist tìm ... xem thêm...

  1. Nhà thờ Đá hay còn gọi là Nhà Thờ Núi (tên chính thức là: Nhà thờ chính tòa Kitô Vua) là một nhà thờ Công giáo ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Nhà thờ này còn có nhiều tên gọi bình dân như: Nhà thờ Nha Trang (vì trước đây nó thuộc họ đạo Nha Trang); Nhà thờ Ðá (vì nó được xây bằng đá); Nhà thờ Ngã Sáu (vì nó tọa lạc gần một xòng xoay giao thông); nhưng phổ biến hơn cả là tên gọi Nhà thờ Núi (vì nó được xây trên một núi nhỏ).


    Nhà thờ toạ lạc trên đỉnh đồi Hoàng Lân, đầu đường Nguyễn Trãi giao với đường Thái Nguyên (Ngã 6) được cha sứ Louis Vallet khởi công xây dựng ngày 3-9-1928 và hoàn thành vào tháng 5-1933. Để tạo được mặt bằng trên đỉnh núi Bông, với độ cao 12m, khi xây dựng người ta phải dùng khoảng 500 trái mìn. Kiến Trúc Gothic đẹp lung linh không khác gì nhà thờ Châu Âu.


    • Nhìn tổng thể, nhà thờ có bố cục chắc khỏe với những khối đá lập thể nhỏ vươn dần từ thấp lên trời xanh. Ðiểm cao nhất nhà thờ là nơi đặt Thánh Giá trên đỉnh tháp chuông, cao 38m tính từ mặt đường. Dọc theo lối đi lên, phía bên phải là những hộc nhỏ đựng di cốt những người quá cố được ghép vào tường đá. Nhà thờ có mái vòm rộng, những ô cửa hình hoa hồng theo phong cách kiến trúc gothic đặc trưng nổi bật như một dấu son giữa lòng thành phố. Phía trong nhà thờ có không gian rộng, thoáng đạt, phân thành khu vực cung thánh và khu phía sau cung thánh rất thanh tịnh, trang nghiêm.
    • Nhà thờ đá quay về phía Bắc, muốn lên đến nơi có 2 ngõ: nếu bạn đi từ đường Thái Nguyên bạn cần trải qua 53 bậc tam cấp, qua cổng rồi đến hang đá Đức Mẹ Lộ Đức. Ngõ thứ 2 bạn theo con đường lát đá chẻ, ngay cạnh ngã 6 bạn vòng lên phía sau để lên tới sân nhà thờ cao khoảng 8m so với mặt đường.
    • Tháp chuông phù phép Bước đến nhà thờ bạn sẽ thấy được kiến trúc chia làm 3 phần rõ rệt: phần trên cùng gồm hành lang và hai tháp chuông, phần giữa là những ô cửa kính đầy màu sắc, trên cửa được tô điểm những bông hoa hồng. Tầng giữa cũng là nơi diễn ra nghi lễ Công Giáo của các tín dân. Và tầng cuối cùng là cửa.
    • Điểm ấn tượng của nhà thờ đó là 2 chuông bằng đồng được treo trên tháp chuông. Được chế tạo và cung tấp trực tiếp từ hãng chuông nổi tiếng của Pháp Bourdon Carillond. Vào tháng 2/1933, vua Bảo Đại trong một chuyến kinh lý đã đến thăm công trình đang dần hoàn thiện này. Lúc này, chuông chỉ đang được treo tạm trên tháp bằng gỗ. Ngày 29/7/1934 Chuông đầu tiên có âm vực mi giáng được hành pháp và làm phép. Đến năm 1939, bộ chuông còn lại có âm vực đô và la mới được hành pháp và làm phép. Bên cạnh đó trên tháp chuông có gắn chiếc đồng hồ to, có 4 mặt quay ra 4 hướng. Người Nha Trang đôi lúc cũng không cần đến đồng hồ cá nhân vì mỗi lần muốn biết thời gian có thể nhìn lên đồng hồ tại Nhà Thờ Núi.
    • Điều tự hào nhất ở nhà thờ Đá đó chính là khu thánh đường cực độc mang phong cách gothic do những bàn tay tài hoa của thợ xây dựng. Bạn chỉ cần bước qua cửa Tiền Đàn, trước mắt sẽ là 2 hàng ghế thẳng tắp, xếp ngay ngắn và một con đường chính giữa hướng thẳng đến Chúa Giê-su. Thánh đường rất rộng lớn và rất nhiều ánh sáng được kết hợp với các vòm cuốn cong, hướng thẳng lên trời, kiểu dạng như hình mũi tên rất hài hòa và đẹp mắt. Trên các bức tường được mô phỏng bởi các bức họa cuộc sống khổ nạn của Chúa qua 14 tràng đàn. Một điểm cộng tuyệt đối với kết hợp gram màu, ánh sáng bao phủ cả Thánh Đường. Ánh sáng từ 2 hướng Đông Tây được thiết kế tận dụng tối đa. Sử dụng các gram màu xanh, đỏ, cửa hoa hồng. Ánh sáng khi chiếu vào sẽ tạo nên không gian bên trong thánh đường đủ màu sắc, thể hiện sự uy nghi, huyền bí mang tính độc đáo rất cao.

    Tuy đã trên dưới 90 năm tuổi, trải qua bao mưa nắng nhưng với lối cấu trúc độc đáo nhà thờ núi vẫn giữ nguyên vẹn những giá trị kiến trúc từ xa xưa. Hiện nay nhà thờ được đưa vào danh sách di tích và thắng cảnh của tỉnh Khánh Hoà...


    Địa chỉ: 1 Thái Nguyên, Phước Tân, Thành phố Nha Trang, Khánh Hòa

    Nhà thờ Đá
    Nhà thờ Đá
    Nhà thờ Đá
    Nhà thờ Đá

  2. Nhắc đến địa điểm du lịch Nha Trang không thể bỏ qua địa danh chốn linh thiêng Chùa Long Sơn – Long Sơn Tự, đặc biệt nổi tiếng với Kim Thân Phật Tổ như là một biểu tượng đẹp của thành phố. Vẻ đẹp của Nha Trang đa dạng theo thời gian và từng địa điểm, lúc tấp nập nơi phố phường nhộn nhịp, lúc hoang sơ yên bình nơi biển đảo mênh mông và không thể thiếu được cố là không gian trầm mặc thanh tịnh chốn Long Sơn an yên.


    Nằm ngay dưới chân núi Trại Thủy, phường Phương Sơn, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, là ngôi chùa hơn trăm năm tuổi Long Sơn uy nghi là chốn hành hương của bao Phật tử và nơi tìm bình yên trong tâm hồn của nhiều người. Chùa Long Sơn đã từng trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được nét cổ kính và trang nghiêm vốn có. Hiện đây là ngôi chùa nổi tiếng nhất của Khánh Hòa được nhiều du khách biết đến và ghé thăm khi có dịp về với Nha Trang. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các khách sạn trong trung tâm thành phố Nha Trang để thuận tiện hơn cho việc đi lại thăm thú nhiều địa điểm du lịch khác.


    Từ trên chùa nhìn xuống, bạn có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố Nha Trang xinh đẹp, hiền hòa như quy tụ mọi tinh hoa của đất trời mà phát triển rực rỡ như hôm nay. Đến với Long Sơn chính là hành trình đi tìm chốn bình yên trong tâm hồn mỗi người.


    Địa chỉ: 20 Đường 23/10, Phương sơn, TP. Nha Trang, Khánh Hòa

    Chùa Long Sơn
    Chùa Long Sơn
    Chùa Long Sơn
  3. Tháp Bà Ponagar Nha Trang còn có tên gọi khác là Yang Po Inư Nagar hay Yang Pô Ana Gar (Inư, Ana trong tiếng Chăm, Eđê, Jarai có nghĩa là giống Cái) (tên đầy đủ là Po Inư Nagar, hay còn gọi là Po ANagar). Là ngôi đền Chăm Pa nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 10-12 mét so với mực nước biển, ở cửa sông Cái (sông Nha Trang) tại Nha Trang - Khánh Hòa..Cách trung tâm thành phố khoảng 2 km về phía bắc, nay thuộc phường Vĩnh Phước. Tên gọi "Tháp Po Nagar" được dùng để chỉ chung cả công trình kiến trúc này, nhưng thực ra nó là tên của ngọn tháp lớn nhất cao khoảng 23 mét. Ngôi đền này được xây dựng trong thời kỳ đạo Hindu (Ấn Độ giáo) đang cường thịnh khi Chăm pa trong giai đoạn có tên gọi là Hoàn Vương Quốc. Vì thế tượng nữ thần có hình dạng của Uma, vợ của Shiva..


    Tháp Bà Ponagar Nha Trang là quần thể kiến trúc Chăm Pa lớn nhất Việt Nam hiện nay. Tất cả được chia ra thành 3 mặt bằng: Khu vực Tháp Cổng, Mandapa (khu tiền đình) và cuối cùng là khu đền tháp. Và do trải qua biến động của lịch sử và thời gian. Hiện nay, tháp bà chỉ còn lại 5 công trình kiến trúc tập trung ở Mandapa và Đền Tháp ở trên.

    • Mandapa (Khu Tiền Đình) Là nơi bạn nhìn từ cổng chính hướng thẳng lên, nếu bạn đi trên đường 2/4 bạn cũng dễ dàng thấy được. Tổng thể kiến trúc có niên đại ở thế kỷ XI đều xây bằng gạch nung gồm 4 hàng cột lớn. Trong đó: có 12 cột nhỏ bên ngoài hình bát giác, 10 cột lớn phía trong. Để lên dâng hương cho mẹ xứ sở bạn phải trải qua những bậc tam cấp rất dốc. Có khi tay phải bám sát vào những viên đá phía trên để không ngã ra sau mới có thể đi được. Theo như các dấu tích xưa để lại thì phía đông Mandapa có có 2 cột nhỏ và thấp hơn nền. Nằm ở 2 bên bậc lên xuống của Tiền Đình, thẳng ra cổng chính. Trong quá trình tu bổ, phát quang mặt bằng đã vô tình thấy được con đường và dãy tam cấp ở phía Đông dẫn lên gian giữa của toà nhà cột. Gồm có 4 bậc tam cấp rộng 1,4m, cao 1,2m và đoạn đường rộng 2,6m, dài 7,4m. Do đó đã chứng minh được kiến trúc Chăm Pa xưa đã tạo nên trục thẳng thần đạo hướng tâm đến tháp chính thờ mẹ Thiên Y A Na từ Cổng – Mandapa – các bậc tam cấp dẫn lên khu đền – Tháp Chính.
    • Khu đền tháp Theo những di tích để lại thì khu đền tháp có tổng cộng là 6 Kalan. Kalan theo tiếng Chăm Pa là đền/tháp. Đang hiện hữu còn 4 Tháp, 2 tháp phía sau đã bị hủy và chỉ còn lại nền móng. Các tháp đều được xây dựng một kiểu giống nhau, chỉ khác về kích thước và độ rộng. Được xây dựng theo bình đồ hình vuông. Từ chân thẳng tắp đến gần đỉnh tháp, vị trí trên cùng được thiết kế theo kiểu hình chóp nón. Mỗi tháp đều có 4 cửa hướng ra Đông, Tây, Nam, Bắc. Nhưng chỉ có cửa Đông được mở cho khách hành hương và kéo dài đến tiền sảnh. 3 cửa còn lại tạo hình như cửa giả. Phía sau lưng là suối khoáng nóng tháp bà, cung cấp tắm nóng, tắm bùn cao cấp ở Nha Trang.
    • Bia Ký Bia ký cổ Chămpa tại Tháp Bà Pô Nagar có giá trị rất lớn đối với các nhà nghiên cứu cho văn hóa, tôn giáo và lịch sử của vương quốc Chăm Pa. Hiện nay, theo tài liệu được biết ở Ponagar có 28 đơn vị minh văn; trong số đó có một số bia chưa thể dịch nội dung. Phía sau Tháp chính có tấm bia do Phan Thanh Giản – một vị quan Thượng thư bộ Lễ dưới triều Nguyễn ghi chép, biên soạn và cho khắc vào năm 1856 (triều vua Tự Đức). Bằng chữ Hán – Nôm nói về truyền thuyết Thiên Y A Na Thánh Mẫu của người Việt. Tấm bia thứ hai do 8 vị quan tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận lập năm 1871. Bên cạnh là tấm bia dựng vào năm 1972, nội dung dịch sang chữ quốc ngữ truyền thuyết bà Thiên Y A Na. Tấm bia đá thứ tư, giới thiệu về di tích Tháp Bà Ponagar được dựng vào năm 2010.


    Địa chỉ: 2 Tháng 4, Vĩnh Phước, Thành phố Nha Trang, Khánh Hòa

    Tháp Bà Ponagar Nha Trang
    Tháp Bà Ponagar Nha Trang
    Tháp Bà Ponagar Nha Trang
    Tháp Bà Ponagar Nha Trang
  4. Nếu bạn tới Nha Trang thì đừng quên ghé thăm Viện Hải dương học để tìm hiểu, ngắm nhìn các loài sinh vật biển tuyệt đẹp, quý hiếm đang được nuôi giữ tại đây. Viện Hải dương học ở địa chỉ số 1, Cầu Đá, TP Nha Trang (Khánh Hoà). Viện được người Pháp xây dựng vào năm 1923 với diện tích rộng khoảng 20 ha nằm gần vùng biển sâu thuận lợi cho việc nguyên cứu các loài sinh vật biển tại đây. Biểu tượng của Viện Hải dương học Nha Trang là loài cá Mao Tiên cực độc.


    Bảo tàng viện Hải Dương Học bao gồm các khu vực: khu nuôi thuần hóa sinh vật biển, rừng ngập mặn nhân tạo, khu tai biến thiên nhiên, khu mẫu sinh vật biển lớn, thiết bị nghiên cứu hải dương học, tài nguyên phi vật thể. Hàng chục nghìn mẫu vật và sinh vật biển.

    • Đến thăm Viện, bạn sẽ được tận mắt xem bảo tàng sinh vật biển với trên 20.000 mẫu vật của hơn 4.000 loại sinh vật biển và nước ngọt đã được sưu tầm, gìn giữ từ nhiều năm. Bên cạnh là những mẫu vật sống được nuôi thả trong những bể kính. Bộ mẫu sinh vật biển bao gồm các loài hiện hữu ở biển Việt Nam, Campuchia và các vùng nước lân cận. Trong đó có các loài thú biển quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng như Bò biển (Dugong).
    • Đặc biệt, bảo tàng đang lưu giữ, bảo quản trưng bày bộ xương cá voi khổng lồ dài gần 26m, cao 3m đã bị chôn vùi trong lòng đất ở đồng bằng sông Hồng ít nhất hơn 200 năm. Bảo tàng còn giới thiệu với du khách các đặc điểm tự nhiên của vùng biển Đông, giới thiệu những khoáng sản, tài nguyên quý giá. Những cảnh quan môi trường vùng biển ven bờ, các hệ sinh thái giàu có như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển. Và cũng để lưu ý nhắc nhở mọi người hãy nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường, nguồn lợi vì lợi ích của con cháu mai sau. Những công trình nghiên cứu qua nhiều thập kỷ
    • Bên cạnh đó Viện Hải Dương Học đã xây dựng nên hệ thống, hay nói đúng hơn là xây dựng địa điểm du lịch độc đáo mà ai ai đến đây cũng không thể bỏ qua. Hàng nghìn mẫu vật trưng bày gồm: công trình nghiên cứu qua nhiều thập kỷ, thiết bị nghiên cứu qua các giai đoạn và lịch sử ngành đánh bắt thủy hải sản của Việt Nam. Bạn sẽ phải ngỡ ngàng và có chút sợ hãi khi tận mắt chứng kiến những mẫu vật này được cất giữ trong các lọ, hũ chứa đầy hoocmon bảo quản. Mục đích để mẫu vật không bị tan rã mà vẫn giữ nguyên vẹn hình thái ban đầu. Và được sắp xếp trên các kệ cao, như thể bạn đang lạc vào những bộ phim điện ảnh Mỹ chuyên nói về đề tài nguyên cứu thủy vật.
    • Di chuyển đến khu nhà kính của Viện, bạn sẽ tận mắt chứng kiến hàng trăm loại san hô đủ màu đang ngập tràn xung quanh. Nơi đây tha hồ cho bạn sống ảo, check in cực độc với san hô và đủ loại cá biển đang bơi lội. Không chỉ là điểm tham quan, du lịch mà khu nhà kính này là nơi giáo dục mọi người, nhất là trẻ nhỏ biết bảo vệ môi trường biển, yêu mến chúng và tìm hiểu kiến thức về các loài sinh vật biển. Đi ra phía ngoài, du khách sẽ có cơ hội tham quan và chiêm ngưỡng các mẫu vật sống được nuôi thả trong bể kính. Hay các loài sinh vật biển sống ở tầng sâu quý hiếm như cá chình, rùa biển, cá mập, tôm hùm, hải cẩu, cá mặt quỷ, cá hoàng hậu…

    Bảo tàng Hải Dương Học đang trở thành trung tâm trưng bày giới thiệu và công tác bảo tồn của ngành hải dương học Việt Nam và ý thức bảo vệ đại dương của mỗi người dân. Hải Dương Học thực sự là một trung tâm di sản văn hóa biển rất đáng quý, cần phải bảo quản và phát triển.


    Địa chỉ: Số 1, Cầu Đá, TP. Nha Trang, Khánh Hòa

    Bảo tàng Hải Dương Học
    Bảo tàng Hải Dương Học
    Bảo tàng Hải Dương Học
    Bảo tàng Hải Dương Học
  5. Bảo tàng tỉnh Phú Khánh, nay là Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa được thành lập theo Quyết định số 1329/UB-TC, ngày 13/6/1979 của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh cũ, là một ngôi nhà theo kiến trúc Pháp, được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, với một tầng lầu, hai lối đi lên riêng ngay bên trong.


    Bảo tàng hiện đang bảo quản gần 10.000 hiện vật gốc, hơn 5.000 tư liệu hình ảnh thuộc về các thời kỳ lịch sử khác nhau, trong đó có nhiều hiện vật thuộc loại quý hiếm. Nhiều hiện vật tiêu biểu như sưu tập rìu đá, đồ trang sức bằng đá thuộc văn hóa Xóm Cồn (cách ngày nay khoảng 3.500 năm), trống đồng Nha Trang (niên đại cách đây 2.000 năm), điêu khắc đá Chămpa (thế kỷ IX đến thế kỷ XIV), tiền cổ (từ thế kỷ IX đến thế kỷ XVIII), đồ gốm thương mại (từ thế kỷ IX đến thế kỷ XVIII), sưu tập vũ khí trong thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hệ thống trưng bày đang giới thiệu các chuyên đề: các văn hóa cổ ở Khánh Hòa, truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa, giai đoạn 1930 – 2002, thân thế và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969) chuyên đề các Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Khánh Hòa.


    Hiện nay, do điều kiện không gian trưng bày chật hẹp, chỉ gồm hai phòng với tổng diện tích trên 200m², bảo tàng chỉ mở cửa giới thiệu một số nhỏ hiện vật đang lưu giữ và bảo quản. Tuy nhiên, chỉ như vậy cũng đã có sức thu hút đối với người xem, bởi đây là những hiện vật nguyên bản của thời tiền sơ sử được tìm thấy trong những đợt khai quật ở Khánh Hoà 20 năm trở lại đây.

    • Bước chân vào cổng bảo tàng, chúng ta gặp ngay bia Võ Cạnh, là tấm bia được tìm thấy ở xã Vĩnh Trung, Nha Trang, được làm bằng đá có viết chữ Phạn thuộc niên đại thế kỷ thứ II sau Công Nguyên.
    • Còn khu vực chính của bảo tàng là bia đá Cam Thịnh Đông, thị xã Cam Ranh. Tại bảo tàng, người xem được thấy loại nhạc cụ độc đáo: đàn đá Khánh Sơn, là một nhạc cụ của người Rắc Lây đã biến mất từ lâu, sau đó được phát hiện vào năm 1978.
    • Trống đồng Khánh Hoà cũng chiếm một phần quan trọng trong khu được tìm thấy ở đường Đồng Nai, Nha Trang vào năm 1983 do một người dân đào đất tình cờ phát hiện. Chiếc trống còn khá nguyên vẹn với chiều cao 42cm, mặt tang rộng 54cm. Trên mặt trống, ngay trung tâm, là ngôi sao 12 cánh, bao quanh là hoạ tiết chim mỏ dài bay ngược chiều kim đồng hồ. Bên cạnh đó là các trống đồng mới tìm thấy tại Ninh Phụng, huyện Ninh Hoà vào các năm 2002 - 2003 do các người dò tìm phế liệu tình cờ phát hiện.
    • Một góc bảo tàng giới thiệu các đồ gốm, kiến trúc Chăm đã có một thời rực rỡ. Điêu khắc gia Đoàn Xuân Hùng, một người sinh ra và lớn lên ở Khánh Hòa đã được dành một góc riêng tại bảo tàng để giới thiệu những tượng đất Chăm nghệ thuật do anh sáng tác, nung theo lối người Chăm (phủ rơm, củi lên đồ gốm rồi đốt lửa chứ không nung bằng lò). Bạn sẽ bất ngờ trong một không gian gốm Chăm kỳ ảo, như mỗi tác phẩm đều có một hồn riêng. Chính những tác phẩm gốm Chăm của Đoàn Xuân Hùng đã tạo nên một nét chấm phá cho không gian bảo tàng, gây sức hút đối với người xem.

    Mỗi năm Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa đón tiếp hơn 20.000 lượt khách tham quan trong nước và quốc tế, đồng thời đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu có giá trị như bộ sách nghiên cứu nhiều tập: Khánh Hòa, diện mạo văn hóa một vùng đất, Văn hóa Xóm Cồn, được giới khoa học trong nước đánh giá cao.


    Địa chỉ: 16 Trần Phú, Xương Huân, TP. Nha Trang, Khánh Hòa

    Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa
    Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa
    Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa
    Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa
  6. “Biệt thự Cầu Đá” (cùng một số công trình phụ trợ) được chính quyền bảo hộ Pháp xây dựng năm 1923, nhằm mục đích thiết lập một cơ sở hạ tầng - kiến trúc cho chiến lược nghiên cứu Biển Đông và khu vực Đông Nam Á. Biệt thự Cầu Đá được xây dựng để làm nơi ăn ở, làm việc cho các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà hải dương học đến từ phương Tây; là tiền đề cho việc thành lập Hải học viện Đông Dương (sau này là Viện Hải dương học Nha Trang, thuộc tỉnh Khánh Hòa). Biệt thự Cầu Đá toạ lạc trên ngọn núi Cảnh Long (còn gọi là núi Chụt) nằm sát bờ biển, gần cảng Cầu Đá, hiện thuộc địa phận phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

    Quần thể công trình được xây dựng trên mỏm núi nhô ra phía biển với diện tích mặt bằng khoảng 12 ha, có độ cao 50m so với mực nước biển. 5 ngôi biệt thự toạ lạc trên 3 ngọn đồi cao được đặt bằng những cái tên rất lãng mạn, là 5 loài cây – hoa được trồng nhiều trong khuôn viên khu biệt thự. Biệt thự thứ nhất nằm ở ngọn đồi cuối cùng của mỏm núi nhô ra gần biển nhất có tên là “Les Agaves” – Xương Rồng, biệt thự thứ hai ở ngọn đồi tiếp theo về phía trong đất liền là “Les Frangipaniers” – Bông Sứ; ba biệt thự còn lại nằm trên ngọn đồi thứ ba lần lượt có tên là: “Les Bouguinvillés” - Bông Giấy, “Les Flamboyants” - Phượng Vĩ, “Les Badamniers” - Cây Bàng. 5 ngôi biệt thự được xây dựng với quy mô nhỏ, 2 tầng, kiến trúc mang phong cách cổ điển Pháp. Mỗi công trình có một dáng vẻ khác nhau song vẫn tương đồng, thống nhất và hài hoà với cảnh quan. Các công trình đều có hình khối đơn giản, trang nhã; trang trí vừa phải và tinh tế. Năm ngôi biệt thự được ví như những bông hoa đẹp bên vịnh Nha Trang.


    Trong khoảng thời gian từ 1940-1945, vua Bảo Đại đã sử dụng các biệt thự Xương rồng và Bông sứ để nghỉ ngơi cùng gia đình, kết hợp làm việc. Vì đó, nơi đây còn có tên gọi là Dinh Bảo Đại - Nha Trang. Sau này biệt thự Xương Rồng được đổi tên thành "Nghinh phong" (đón gió), biệt thự Bông Sứ được đổi tên thành "Vọng nguyệt" (ngắm trăng); những cái tên mới này ít nhiều liên quan tới thói quen sinh hoạt trong quá khứ của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương; và vẫn được giữ cho đến ngày nay.


    Biệt thự Cầu Đá đã có gần một trăm năm tuổi. Mặc dù thời gian và những tác động của con người ít nhiều làm biến đổi, song về tổng thể, 5 ngôi biệt thự vẫn giữ được những nét đẹp nguyên bản của kiến trúc xưa; cùng cảnh quan thiên nhiên, xứng đáng là những bông hoa đẹp, tô điểm thêm nhan sắc của thành phố biển Nha Trang.


    Địa chỉ: Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang, Khánh Hòa

    “Biệt thự Cầu Đá”
    “Biệt thự Cầu Đá”
    “Biệt thự Cầu Đá”
    “Biệt thự Cầu Đá”
  7. Từ thành phố biển Nha Trang đi về hướng Nam – phía vịnh Cam Ranh khoảng 60km, các bạn sẽ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc hết sức độc đáo: chùa Từ Vân. Có người gọi ngôi chùa này là chùa San Hô, hay là chùa Ốc. Tọa lạc trên đường 3 – 4, thị xã Cam Ranh, chùa Từ Vân hiện nay trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều du khách tìm tới và đã được các tour du lịch thiết kế chương trình trong cuộc hành trình từ TP.HCM đến Nha Trang.


    Chùa Từ Vân được xây dựng từ năm 1968, trải qua những biến cố lịch sử của đất nước trong những năm tháng chiến tranh, chùa Từ Vân không chỉ là chốn tu hành thanh tịnh của các nhà sư, mà đã trở thành những danh lam thắng cảnh, thu hút đông đảo phật tử và các bạn tham quan đến từ nhiều vùng miền của đất nước. Cũng như các chùa nổi tiếng khác như: chùa Long Sơn ở Nha Trang, chùa Giác Hải ở Vạn Ninh, ngôi chùa Từ Vân là một trong những ngôi chùa nổi tiếng, là những điểm du lịch văn hóa trong tỉnh Khánh Hòa.

    • Một trong những điểm độc đáo của Chùa Từ Vân Cam Ranh thu hút khách thập phương là cảnh quan của chùa, một ngôi chùa mang đầy phong vị của biển cả. Kiến trúc độc đáo của chùa Đó là các kiến trúc tòa tháp, vườn hoa, đều được xây dựng từ những viên đá san hô và những vỏ sò, vỏ ốc. Các công trình tòa tháp do tự tay các nhà sư thiết kế và xây dựng tạo cho cảnh quan ở đây một không gian yên bình và lạ mắt.
    • Khi bước vào chùa Từ Vân, các bạn sẽ có một cảm nhận rằng, bất cứ nơi nào cũng có san hô, vỏ sò, vỏ ốc, đặc biệt là Tháp Bảo Tích, một công trình khá công phu do các nhà sư ở chùa xây dựng nên. Tháp cao 39m được xây dựng từ năm 1995 nhưng để hòan thành, các nhà sư ở chùa phải mất 5 năm xây dựng, từ việc thiết kế, thu gom và mua nguyên vật liệu, đến việc xây cất tòa tháp.
    • Điều đặc biệt là với độ cao của một tòa tháp như thế, các nhà sư ở đây không có sự hỗ trợ của các máy móc, thiết bị chuyên dụng trong ngành xây dựng, tất cả đều làm thủ công, sự dẻo dai và bền bỉ của sức người. Theo chủ ý của Hòa thượng Thích Thông Anh, trụ trì chùa Từ Vân thì làm công trình này vừa để rèn luyện khí lực, trí lực, thể lực, tâm lực cho các nhà sư, vừa tạo ra một công trình lạ mắt, hấp dẫn do các bạn thập phương khi đến vãng cảnh chùa.
    • Bên cạnh tháp Bảo tích, các bạn khi đến tham quan chùa Từ Vân không thể nào bỏ qua hành trình xuống 18 tầng địa ngục. Trên suốt chặng đường hầm tối đen, ẩm thấp, khúc khuỷu,bước qua từng cửa ngục, các bạn sẽ biết được những lời giáo huấn đối với từng tội danh khác nhau. Vừa chinh phục đường hầm giống như vào địa đạo Củ Chi để tìm một chút cảm giác mạo hiểm, vừa nhắc nhở mình không làm những việc sai trái ở đời, đó là cách làm hay của các nhà sư ở đây.

    Mặc dù ngành Du lịch Khánh Hòa hiện nay vẫn đang chú trọng khai thác các điều kiện thiên nhiên của biển đảo để phục vụ du khách, song trong thời gian gần đây, những người làm du lịch Khánh Hòa đang dần quan tâm hơn trong việc chuyển tải những nét đẹp văn hóa về âm nhạc, làng nghề, kiến trúc vào các tour tham quan cho du khách. Những danh thắng, đặc biệt là những ngôi chùa cổ, chùa đẹp ở Khánh Hòa sẽ được chú ý đưa vào tour tham quan, chắc chắn sẽ đem đến cho các bạn những cảm nhận sâu sắc và đầy đủ hơn về vùng đất Khánh Hòa.


    Địa chỉ: Đường 3/4 Phường Cam Linh, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa.

    Chùa Từ Vân
    Chùa Từ Vân
    Chùa Từ Vân
    Chùa Từ Vân
  8. Thành Diên Khánh là một di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng tại thị trấn Diên Khánh, Khánh Hòa, Việt Nam, là nơi đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Hiện nay, thành cổ Diên Khánh vẫn còn giữ được nét kiến trúc cổ ban đầu, một địa điểm hấp dẫn các du khách đến Nha Trang.


    Thành Diên Khánh nằm cách thành phố Nha Trang 10 km về phía Tây, bên phải quốc lộ 1. Năm 1793, sau khi Nguyễn Huệ mất, nhà Tây Sơn suy yếu dần. Nguyễn Ánh cùng Võ Tánh và Nguyễn Văn Trương đem quân tiến đánh Diên Khánh. Sau khi đẩy lùi được nghĩa quân Tây Sơn, thấy nơi đây là địa bàn chiến lược quan trọng lâu dài, Nguyễn Ánh quyết xây dựng Diên Khánh thành căn cứ vững chắc, một vành đai phòng ngự kiên cố từ xa.

    • Diện tích khoảng 36.000 m², là một quần thể kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban, một hình mẫu thành quân sự phổ biến vào thế kỷ 17 - thế kỷ 1818 ở Tây Âu. Tường thành hình lục giác nhưng không đều nhau, có chu vi 2.693 m đắp bằng đất, cao khoảng 3,5 m. Trên mỗi cạnh, tường thành lại chia thành nhiều đoạn nhỏ, uốn lượn, nên các góc thành không nhô hẳn ra mà vẫn đảm bảo quan sát được hai bên.
    • Mặt ngoài tường thành gần như dựng đứng, mặt trong có độ thoải và được đắp thành hai bậc, tạo đường vận chuyển thuận lợi ven thành. Bên ngoài thành có hào nước sâu từ 3 đến 5 m, rộng từ 20 đến 30 m bao quanh. Ban đầu thành có 6 cửa (cổng thành), hiện nay chỉ còn 4 cửa Ðông - Tây - Tiền (phía Nam) - Hậu (phía Bắc). Đi từ hướng quốc lộ 1 có một con đường độc đạo nối của Đông và cửa Tây của thành. Con đường chạy vòng bên ngoài thành nối quốc lộ 1 và của Tây có tên là Mã Xá. Đối diện và cách cửa Tây khoảng 200 m, là Nhà thờ Hà Dừa. Nhà thờ Hà Dừa được cho là do các nhà truyền đạo xây và những năm 1800 và Gác chuông được xây thêm vào năm 1917 bởi người Pháp.
    • Hiện tại các cơ quan hành chính của huyện Diên Khánh được đặt trong thành Diên Khánh như Phòng Giáo Dục và Đào Tạo, Cơ quan Công An... và một sân bóng đá. Trước đây trong thành có hoàng cung, bên trái là dinh Tuần Vũ, phía sau là dinh Án Sát, sau nữa là dinh Lãnh Binh, phía dưới là dinh Tham Tri, có nhà kho, nhà lao kiên cố. Khi xây xong, thành Diên Khánh do hoàng tử Cảnh và Bá Đa Lộc chỉ huy trấn giữ.

    Theo một số tư liệu cũ, bên trong thành có nhiều kiến trúc độc đáo như hoàng cung, cột cờ, dinh tuần vũ, dinh ám sát, nhà kho. Thành Diên Khánh cũng có thời kỳ trở thành tổng hành dinh của nghĩa quân Cần Vương, Khánh Hòa trong những ngày đầu chống Pháp.


    Địa chỉ: thị trấn Diên Khánh, Khánh Hòa

    Thành Diên Khánh
    Thành Diên Khánh
    Thành Cổ Diên Khánh.
    Thành Cổ Diên Khánh.
  9. Ai cũng có nguồn cội, mọi nền văn hóa đều có những xuất phát điểm được coi là nền tảng và trong hành trình trở về ấy, lăng Bà Vú đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn du khách gần địa điểm du lịch Nha Trang nổi bật. Lăng Bà Vú nằm tại thôn 3 của thị trấn Ninh Hoà, huyện Ninh Hoà tỉnh Khánh Hoà, nơi đây là công trình kiến trúc còn lưu lại nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, những nét nghệ thuật cung đình, dân gian đầu thế kỷ 19. Du khách khi đến đây sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh rộng rãi nơi đây, lăng nằm trên khoảng đất rộng khoảng 1.365 m2, ngay tại phía trước lăng có một ao nước trong vắt bèo xanh, hoa tím đu đưa trong gió, phía sau lăng có một hòn giả sơn được dựng lên bằng đất nhưng đến nay, qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, hòn giả sơn ấy đã không còn nữa. Đến tham quan Nha Trang, bạn hãy thử một lần ghé thăm địa điểm này, để trải nghiệm, để khám phá những nét văn hóa dan gian muôn đời của dân tộc.


    Lăng Bà Vú là địa điểm tham quan được xây dựng trong 2 năm, với thiết kế phần chính có 3 lớp tường thành đó là: La Thành, Bửu Thành và Uynh Thành được xây dựng bằng cát, vôi, gạch là chủ yếu. Lăng với hình chữ quốc, mặt chính xoay về hướng đông nam nơi có hồ nước, sen toả hương thơm ngát thật thanh bình. Thành ngoài dài 20m, rộng 14m, cao 1,5 m, tạo thành khuôn viên bao bọc, có cửa nhỏ ra vào, du khách sẽ được chiêm ngưỡng 2 con sư tử màu hồng ở hai bên cửa. Tiếp đến là thành trong với dáng vẻ uy nghiêm, hùng dũng của 2 bức tượng kỳ lân, tựa như những người bảo vệ trung thành cho mộ Bà Vú, ngôi mộ nằm chính giữa có bia đá khắc chữ Hán ghi lại sự tích công đức của Bà Vú.Lăng Bà Vú tại địa điểm du lịch Nha Trang có những nét chạm trổ tinh xảo của những người thợ giỏi nổi tiếng mà nhà vua điều đến cùng những họa tiết trang trí đắp nổi trên những bức tường với nhiều tiêu đề khác biệt theo các tích xưa như: Nhị thập tứ hiếu, Trúc Lâm thất hiền, Ngư Tiều Canh Mục, Bát tiên, Chiêu Quân Cống Hồ… Bên cạnh đó, nhà vua cũng cho khắc tạc những biểu tượng cho người quân tử theo quan niệm của Nho giáo như: tùng, cúc, trúc, mai, hay những biểu tượng quen thuộc của đạo Lão như: thư, kiếm, phong, vân, tùng, đình, nai, hạc…Với những di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo ấy, năm 1999, lăng Bà Vú được Bộ văn hóa thể thao và du lịch xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.


    Rất nhiều du khách ham mê khám phá về kiến trúc lăng mộ thời kì phong kiến đều tìm đến nơi đây, chẳng thế mà Lăng Bà Vú còn được đưa vào văn thơ, nhà thơ Quách Tấn từng viết về lăng Bà Vú trong cuốn Xứ Trầm Hương: “Tuy không nguy nga tráng lệ bằng lăng vua, nhưng ở miền Nam Trung Việt không thấy ngôi mộ nào có thể sánh về quy mô cũng như về kiến trúc”. Lăng Bà Vú sẽ là điểm đến hấp dẫn trong hành trình ghé thăm địa điểm du lịch Nha Trang mang lại cho du khách nhiều điều thật bổ ích, là điểm dừng chân lý tưởng trong hành trình tìm về nguồn cội.


    Địa chỉ: Khóm 3, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa

    Lăng Bà Vú
    Lăng Bà Vú
    Lăng Bà Vú
    Lăng Bà Vú
  10. Phủ đường Ninh Hòa là công trình kiến trúc có dạng hình chữ nhật với bốn cạnh là tường hồi bít đốc, mặt tiền quay về hướng Đông Nam. Về tổng thể, di tích được kết cấu theo mô típ nhà truyền thống của vùng đồng bằng Khánh Hòa theo kiểu 3 gian 2 chái. Riêng phần tường phía trước hiên và phần mái trang trí theo mô típ cấu trúc thành cổ ở cố đô Huế – kiến trúc truyền thống của thời Nguyễn. Chính điều này tạo cho di tích vừa có nét cổ kính, vừa có sự trang nghiêm mang tính chất một công đường; kết cấu kiến trúc hài hòa, giá trị nghệ thuật cao.


    Phủ Đường Ninh Hòa thuộc thị xã Ninh Hòa. Đó là một khu nhà được xây dựng vào năm 1820, dưới thời nhà Nguyễn, có lối kiến trúc cổ của người Việt, gồm một gian hai chái cùng một số phòng phụ.


    Nơi đây đã diễn ra cuộc biểu tình vào ngày 16 – 7 – 1930 của trên 1.000 người dân huyện Tân Định (Ninh Hòa ngày nay), đấu tranh đòi bọn thực dân, phong kiến giảm sưu cao, thuế nặng, ủng hộ phong trào Xô - viết Nghệ Tĩnh. Tại Phủ đường, Tri phủ Đinh Bá Cẩn đã ký vào bản bãi bỏ các sắc thuế. Phủ Đường Ninh Hoà cũng là nơi nhân dân tiến hành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 và tổ chức bầu cử Quốc hội Khoá đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (06/01/1946).


    Địa chỉ: thuộc thôn 1, thị trấn Ninh Hòa, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa

    Phủ Đường Ninh Hòa
    Phủ Đường Ninh Hòa
    Phủ Đường Ninh Hòa
    Phủ Đường Ninh Hòa




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy