Top 5 Bài văn thuyết minh về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử hay nhất

Cỏ Mùa Thu 4488 0 Báo lỗi

Việt Nam ta dọc từ Bắc vào Nam khắp nơi đâu đâu cũng có những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử đẹp và oai nghiêm. Vốn dĩ được thiên nhiên ban tặng nên khi ... xem thêm...

  1. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã từng nói:
    “Dân ta phải biết sử ta
    Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”
    Hai tiếng “Việt Nam” chất chứa hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước để hình thành nên bốn ngàn năm văn hóa, văn hiến của dân tộc. Trong kho tàng văn hóa ấy, một nét đẹp tín ngưỡng tâm linh đã ăn sâu bám rễ trong tâm thức của người Việt đó là tục thờ Mẫu – một loại hình tín ngưỡng thờ Tam Tứ phủ, phản ánh tư duy nông nghiệp lúa nước và hướng tới truyền thống đạo lí tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” đối với các vị anh hùng có công bảo vệ biên cương bờ cõi nước Việt. Và một trong các trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu là ngôi đền linh thiêng cổ kính mang tên “Đền Mẫu Thủy Linh Từ”.

    Ngôi đền Mẫu Thủy Linh Từ nằm ở phía Nam Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 20km, tọa lạc tại một cánh đồng chiêm trũng Trôi Ao Sen thuộc phủ Hoài Đức xưa, nay là địa phận thuộc thôn Nội – Đức Thượng – Hoài Đức – Hà Nội. Đây là một ngôi đền cổ được bao bọc xung quanh là đầm phá ao sen rộng lớn của hệ thống ven sông Hồng. Qua thời gian năm tháng, được sự bồi tụ của sông mà dần dần hình thành nên đồng bằng ngày nay.

    Đền gắn liền với sự tích Mẫu Thủy đền Giẻ Trôi Ao Sen mang đậm màu sắc huyền thoại gắn liền với sự sùng bái tự nhiên ( Mẹ trời, mẹ đất, mẹ nước…) của cư dân nông nghiệp thời thượng cổ. Kiến trúc của ngôi đền hiện giờ được xây dựng theo hình chữ “Đinh”. Từ cổng Tam quan đi vào 50m, bên tay trái là Đảo Phật Bà với bức tượng Đức Mẹ Quan Âm Đại Sĩ hiền từ, một tay bấm khuyết cầm cành liễu, một tay cầm bình cam lộ trang nghiêm, thanh tịnh. Vòng qua đảo đi sâu vào trong khoảng 100 bước là tới chính cung, hai bên tả - hữu là gian nhà thờ Thần thổ địa, thần cai quản bản đền. Bên trong nội cung chính là gian thờ Mẫu Thủy (âm đọc chệch là Mẫu Thoải) với đôi câu đối cổ ca ngợi đức hạnh của ngài:

    “Quốc sắc khuynh thành thiên hạ hữu

    Nữ trung chính trực thế gian vô”
    Dịch:
    “Người đẹp nghiêng nước, nghiêng thành thì có thừa
    Người phụ nữ trung trinh, tiết hạnh thì khó thấy”

    Phía bên trái của gian thờ Mẫu là gian thờ Chúa bà sơn trang, cai quản mười tám cửa rừng, mười hai cửa bể với bức đại tự có đề “U hiển sơn lâm” (Rừng núi linh thiêng bí ẩn); bên trái là ban thờ Trần Triều tức Đức vua cha Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn – một vị đại tướng lẫy lừng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược với hào khí Sát Thát, Đông A uy dũng bốn phương. Bên trên cửa võng có bức đại tự “Trần Triều hiển thánh”, bên dưới có đôi câu đối:

    “Đức đại an dân thiên cổ thịnh

    Công cao hiển thánh vạn niên trường”.
    Tạm dịch:
    “Đức lớn an dân nghìn năm còn mãi
    Công cao hiển thánh mãi mãi muôn đời”

    Ở giữa ban thờ công đồng Đình thần Tam Tứ phủ là cây hương đá cổ cùng bốn trụ đá được phát lộ năm 1998, có niên đại cách chúng ta ngày nay trên dưới 1000 năm lịch sử. Lễ hội hằng năm của Đền được tổ chức vào ngày 21 tháng 2 âm lịch, tương truyền là ngày Mẫu được trả về trần gian và ngày 22 tháng 8 âm lịch tương truyền là ngày Vua cha Bát Hải Động Đình (tức là vua Thủy Tề) đón Mẫu về làm vợ. Lễ hội được tổ chức trọng thể thu hút hàng trăm, hàng nghìn khách thập phương tứ xứ mọi nơi về lễ bái, hầu đồng lấy lộc cầu may. Các trò chơi dân gian trong lễ hội cũng được diễn ra hết sức sôi động như: kéo co, đi cầu khỉ, bịt mắt đập niêu…và đặc biệt là cuộc chơi thi thooirr cơm và hát quan họ trên thuyền rồng. Bởi tương truyền rằng, khi Mẫu được trả về trần gian, vua Thủy Tề đã cho Ngư Long làm hiển hoa thành thuyền rồng, cùng các nàng tiên cá hóa phép làm người cưỡi rồng theo hầu cơm nước và hát tiễn Mẫu lên trần.

    Đền Mẫu Thủy Linh Từ là một trong các ngôi đền cổ kính, linh thiếng thờ Mẫu Thoải – một vị Mẫu trong hàng tứ phủ có nhiệm vụ coi sóc, trị thủy miền sông nước. Đây là ngôi đền duy nhất trong các ngôi đền trên cả nước có Lăng mộ Mẫu Thoải và hiện vẫn còn rất nhiều các dấu tích gắn liền với truyền thuyết của Mẫu Thủy vùng Trôi Ao Sen như: Đền thờ, Cống Lửi ( nơi Mẫu bị vua Thủy Tề bắt đi), Gò Dương Vó ( dấu tích của gót ngựa Thánh Gióng đi qua)… Với tất cả những yếu tố trên Đền xứng đáng với danh hiệu “Đệ Tam Quốc Mẫu Linh Từ”, là một trong các trung tâm tâm linh linh thiêng nhất cả nước, chung đúc khí thiêng của ngàn năm văn hóa dân tộc Việt Nam!.
    Thuyết minh về Đền Mẫu Thủy Linh Từ - Hà Nội
    Thuyết minh về Đền Mẫu Thủy Linh Từ - Hà Nội
    Thuyết minh về Đền Mẫu Thủy Linh Từ - Hà Nội
    Thuyết minh về Đền Mẫu Thủy Linh Từ - Hà Nội

  2. Nhắc đến Quảng Ninh chúng ta không chỉ biết đến một Vân Đồn với những bãi cát trắng trải dài, đầy mộng mơ mà còn nhớ đến một Cô Tô bé nhỏ đẹp đẽ, đầy thơ mộng. Đảo Cô Tô thuộc tỉnh Quảng Ninh, là địa điểm du lịch nổi tiếng, là nguồn cảm hứng sáng tác thơ ca của biết bao thế hệ nhà thơ, nhà văn.

    Cô Tô là quần đảo nằm ở phía đông của đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, có diện tích nhỏ, chỉ khoảng 47,3km2, dân số ít khoảng hơn 6000 người. Cô Tô ở toạ độ từ 20 độ10’đến 21 độ 15’ vĩ độ bắc và từ 107 độ 35’ đến 108 độ 20’ kinh độ đông cách đất liền 60 hải lý. Huyện đảo Cô Tô gồm 30 đảo lớn nhỏ, trong đó trung tâm là đảo Cô Tô Lớn và đảo Thanh Luân.

    Cô Tô có tên cổ là Chàng Sơn (Núi Chàng) được thành lập đã được hàng trăm năm. Đây vốn là nơi trú ngụ của nhiều thuyền bè, nhưng không có dân cư sinh sống vì bị nhiều toán cướp người Trung Quốc quấy phá. Bởi vậy, dưới đời nhà Nguyễn, vào năm 1832 Nguyễn Công Trứ đã xin với triều đình cho lập làng xã ở nơi đây và cắt cử người cai quản. Đảo Cô Tô chính thức được thành lập từ đó.

    Địa hình của Cô Tô chủ yếu là đồi núi. Đỉnh giáp Cáp Cháu cao 210m, đỉnh đài khí tượng trên đảo chính cao 160m. Phần giữa các đảo đều là đồi núi nhô cao, vây quanh chúng là những núi thấp như những cây nấm nhỏ và những cánh đồng hẹp, ven đảo là những bãi cát và vịnh nhỏ đặc trưng của địa hình đảo. Sông suối trên đảo Cô Tô rất ít, chúng đã được cải tạo, đắp đập thành 11 hồ nhỏ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Bù lại nguồn nước ngầm trên đảo rất phong phú, và có chất lượng tốt an toàn cho sức khỏe của người dân.

    Về tự nhiên trên đảo Cô Tô cũng khá phong phú, với các cánh rừng tự nhiên đa dạng, có nhiều loại gỗ quý, đem lại giá trị kinh tế cao. Ngoài ra trên đảo còn trồng các loại cây ăn quả như cam, quýt, chuối,… từ lâu đã trở thành sản vật nông sản nổi tiếng. Bên cạnh đó cũng cần kể đến những loại dược liệu quý hiếm như hương nhu, sâm đất, thầu dầu tía,… Các loại động vật, đặc biệt là hải sản rất phong phú như tôm, cá, mực, tu hài, ốc móng tay… Đảo Cô Tô đem lại nhiều giá trị về kinh tế, văn hóa. Trước hết Cô Tô có nhiều loại hải sản quý, đem lại giá trị kinh tế cao như: cầu gai, cá hồng, cá song, cá chim, ghẹ, tu hài, bề bề, tôm nõn, cá thu một nắng,... đặc biệt mực một nắng Cô Tô, với hương vị thơm ngon, hấp dẫn mà không có ở bất cứ nơi nào khác. Không chỉ vậy, đến với nơi đây các bạn còn được thưởng thức món bào ngư, món ăn đắt đỏ, với giá trị dinh dưỡng cao và là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe con người.

    Ngoài ra còn phải kể đến giá trị to lớn về mặt du lịch của Cô Tô. Đến với huyện đảo Cô Tô hẳn các bạn sẽ bị hớp hồn bởi vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây, những bãi cát trải dài, trắng mịn hòa cùng màu nước biểu xanh ngắt, chắc chắn sẽ là nơi nghỉ dưỡng tuyệt vời cho cả gia đình bạn. Ở đây có nhiều bãi tắm nổi tiếng như bãi Tàu Đắm, Hồng Vàn, Vàn Chải,… mỗi bãi tắm lại mang những vẻ đẹp riêng: bãi Bắc Vàn có nhiều sao biển, muốn ngắm những vách núi lạ, độc đáo bạn có thể đến bãi Cầu Mỵ. Tuy nhiên, đẹp nhất phải kể đến bãi Hồng Vàn với cát biển trắng mịn trải dài, biển sạch, không có rác bẩn và bãi cát phẳng lì, là nơi tắm biển và ngắm hoàng hôn lí tưởng trên đảo. Nếu muốn hưởng thụ cảm giác thanh bình, riêng tư bạn có thể đến Cô Tô con, đảo Cô Tô con cách Cô Tô lớn chỉ khoảng 15 phút đi tàu. Không chỉ vậy, đến với Cô Tô ta còn bị ấn tượng bởi ngọn hải đăng cao vút được xây dựng cuối thế kỷ XIX, hiện đang hoạt động bằng pin năng lượng mặt trời. Đây cũng là điểm tham quan hấp dẫn nhiều du khách. Từ đỉnh của ngọn hải đăng, bạn có thể phóng tầm mắt, ngắm toàn cảnh Cô Tô. Lúc này con người được hòa vào thiên nhiên một cách tuyệt đối, với cái mặn mòi của gió biển, nắng vàng óng như mật ong, mắt nhìn ra bốn phía là biển cả và đất trời bao la.

    Ngoài những giá trị về mặt kinh tế và du lịch, vẻ đẹp nên thơ của Cô Tô còn là nơi khơi nguồn cảm hứng nghệ thuật cho biết bao nghệ sĩ. Ta có thể nhắc đến bài kí Cô Tô nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Tuân. Với những cảm nhận vô cùng tinh tế, ngòi bút tài hoa như có thần đã vẽ nên một Cô Tô ngập đầy sức sống.

    Cô Tô quả là một kì quan đẹp đẽ của nước ta. Với biết bao hòn đảo lớn nhỏ ở Việt Nam, nhưng Cô Tô lại mang vẻ đẹp độc đáo, không hòa lẫn. Vừa có nét cứng cỏi của những dãy núi, lại có nét mềm mại của những bãi cát dài, những con sóng ngày đêm vỗ. Chính điều ấy đã làm nên vẻ đẹp riêng biệt cho Cô Tô, khiến ai đến nơi đây một lần cũng phải nhớ mãi.
    Thuyết minh về đảo Cô Tô - Quảng Ninh
    Thuyết minh về đảo Cô Tô - Quảng Ninh
    Thuyết minh về đảo Cô Tô - Quảng Ninh
    Thuyết minh về đảo Cô Tô - Quảng Ninh
  3. Sa Pa thành phố mờ hơi sương, với biết bao thắng cảnh đẹp đẽ làm say mê lòng người. Ta biết đến một Phanxiphang hùng vĩ, nóc nhà của Đông Dương, những triền đồi vàng óng khi đến mùa lúa được thu hoạch và cũng không thể không nhắc đến khu du lịch Hàm Rồng nổi tiếng vừa hùng vĩ mà cũng rất đỗi nên thơ, trữ tình.

    Núi Hàm Rồng nằm ngay trung tâm thị trấn Sa Pa, điểm thấp nhất của núi lên đến 1450m, và cao nhất là 1850 m so với mực nước biển. Núi Hàm Rồng rất hùng vĩ, đan xen nó là các kiểu núi khác nhau, với màu xanh bạt ngàn của cây cối phủ kín bốn phương. Vì là địa hình núi cao, nên mỗi khi mùa đông về, nhiệt độ xuống thấp sẽ xuất hiện hiện tượng băng giá, thậm chí là tuyết gây hứng thú và tò mò với người dân cả nước.

    Khu du lịch Hàm Rồng là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất của Sa Pa. Nó được khởi công xây dựng vào năm 1996, với diện tích 148ha. Khu du lịch này khai thác chính những yếu tố thiên nhiên hoang sơ để tạo nên sự thu hút riêng cho mình. Đi từ chân núi lên đến đỉnh núi là những khung cảnh thiên nhiên khác nhau, vừa hùng vĩ lại vô cùng thơ mộng. Là những vườn lan rộng lớn với hơn 6000 giò lan của 194 loại phong lan khác nhau. Hoa thơm nở bốn mùa, ong bướm vây lượn ngày đêm. Bên cạnh vườn lan là những vườn hoa hết sức đa dạng, màu sắc rực rỡ: hoa cánh bướm, thược dược, cẩm tú cầu, hoa bất tử,… cùng hàng chục giống hoa lạ, độc đáo được đưa từ Nga, Pháp, Nhật về trồng thử nghiệm. Đường đi lên Hàm Rồng quanh co, uốn lượn, trước đây chưa được lát gạch quả là một thử thách với du khách, nhưng trong những năm gần đây đã được lát đá thành các bậc thềm tạo điều kiện thuận lợi để mọi người chinh phục đỉnh núi này. Trước khi lên đến đỉnh, chúng ta sẽ phải đi qua một con đường hẹp, dẫn vào hang Tam Môn. Con đường này chỉ vừa cho một người đi qua, và khi đã đi qua đó là cả một khoảng trời mênh mông mở ra trước mặt, với vườn cây ăn trái hết sức đa dạng: đào, lê, mận,…

    Lên đến sân mây, tức đỉnh của Hàm Rồng một khung cảnh thiên nhiên kì vĩ mở ra trước mắt chúng ta. Ở độ cao 1800m chúng ta cảm nhận được cái lạnh thấu xương khi vừa mới dưới kia thôi nắng vàng vẫn trải rực rỡ, ta cảm nhận được mây trắng bồng bềnh vườn qua tóc. Một khung cảnh vô cùng lãng mạn. Nùi Hàm Rồng là một trong những tiềm năng du lịch lớn của thành phố Lào Cai. Đến với Sa Pa nếu ta chưa lên đến núi Hàm Rồng ấy là chưa đến Sa Pa vậy. Khu du lịch này có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế của mảnh đất Lào Cai giàu có, phong phú về tài nguyên.

    Sa Pa thơ mộng, hùng vĩ càng trở nên đẹp đẽ hơn khi có khu du lịch Hàm Rồng. Khu du lịch này không chỉ đem lại lợi ích kinh tế lớn mà hơn thế còn cho con người không gian nghỉ dưỡng thoải mái, sảng khoái, bỏ lại sau lưng những khói bụi ồn ảo của thành phố. Để con người được hòa mình trọn vẹn vào khung cảnh thiên nhiên.

    Không chỉ vậy, Sa Pa nói chung và Hàm Rồng nói riêng còn khơi nguồn cảm hứng sáng tác, sáng tạo cho biết bao thế hệ nghệ sĩ:
    Chiều Sa Pa – Huyền Thanh
    Hàm Rồng cổng đá chơ vơ
    Vườn Lam khói tỏa trăng mờ cheo leo
    Hút heo vương ánh tà chiều
    Thôn nghèo cô tịch liêu xiêu mẹ già..

    Một lần đến với Sa Pa ta sẽ còn nhớ mãi về hình ảnh những em bé H-mong đáng yêu, nụ cười giòn tan hòa trong cái nắng rực rỡ. Nhớ về một Hàm Rồng hùng vĩ, nhưng bên cạnh đó là nét nguyên sơ, tinh tế, mơ mộng. Sa Pa là thế đấy, cái lạnh thấu xương cũng không thể làm phai nhạt vẻ đẹp của thiên nhiên, sự nồng ấm của tình người.
    Thuyết minh về Núi Hàm Rồng Sapa - Lào Cai
    Thuyết minh về Núi Hàm Rồng Sapa - Lào Cai
    Thuyết minh về Núi Hàm Rồng Sapa - Lào Cai
    Thuyết minh về Núi Hàm Rồng Sapa - Lào Cai
  4. Đền Hùng là một quần thể kiến trúc có giá trị văn hoá, lịch sử, tín ngưỡng vô cùng quan trọng của người Việt, thể hiện đạo lý truyền thống "uống nước nhớ nguồn" đối với vua Hùng, những người có công dựng nước và giữ nước từ thuở sơ khai của dân tộc.

    Đền Hùng là một khu du lịch nổi tiếng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Phong Châu, tỉnh Vĩnh Phúc cách Hà Nội 100km về phía Bắc. Đó là một quần thể kiến trúc bao gồm lăng tẩm, đền, miếu cổ kính. Do những biến động của lịch sử và sự khắc nghiệt của thời gian, các kiến trúc ở đền Hùng đã được trùng tu và xây dựng lại nhiều lần, gần đây nhất là vào năm 1922. Từ chân núi đi lên, qua cổng đền, điểm dừng chân của du khách là đền Hạ, tương truyền là nơi bà Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng. Trăm trứng ấy đẻ ra trăm người con, năm mươi người theo cha xuống biển, bốn chín người theo mẹ lên núi. Người con ở lại làm vua, lấy tên là Hùng Vương (thứ nhất). Qua đền Hạ là đền Trung, nơi các vua Hùng dùng làm nơi họp bàn với các Lạc hầu, Lạc tướng. Trên đỉnh núi là đền Thượng là lăng Hùng Vương thứ sáu (trong dân gian gọi là mộ tổ) từ đền Thượng đi xuống phía Tây nam là đền Giếng, nơi có cái giếng đá quanh năm nước trong vắt. Tương truyền ngày xưa các công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con vua Hùng Vương thứ mười tám, thường tới gội đầu tại đó.

    Du khách đi đến đền Hùng, từ Hà Nội qua Cổ Loa, Đông Anh, khu công nghiệp Việt Trì, khu mộ cổ Làng Cả, cầu Bạch Hạc là nhìn thấy núi Hùng, núi Trọc, núi Văn in hình trên nền trời. Sau đó, tới Ngã Ba Đền Hùng, du khách rời đường lớn, rẽ vào con đường đất đỏ như xẻ qua đồi, dưới rừng cây tỏa rợp bóng mát. Cổng đền Hùng hiện ra ở chân núi phía Tây, bên những gốc thông đại thụ cao vút.

    Phong cảnh nơi đây mới hùng vĩ làm sao! Ở đó núi non trùng điệp, rừng cây bạt ngàn xanh tốt. Vào những ngày đẹp trời, ta có thể nhìn thấy dòng sông Lô hiền hòa, trong vắt, những xóm làng ẩn hiện trong vườn cây trái như một bức tranh đầy màu sắc. Từ núi Nghĩa Lĩnh có thể’ quan sát được cả một vùng rất rộng của trung tâm Bắc Bộ với ngã ba Hạ, nơi sông Lô đổ nước vào sông Hồng, với các dãy núi Tam Đảo, Ba Vì và các dãy đồi lượn sóng xen kẽ giữa những cánh đồng tốt tươi, những vùng quê trù phú của vùng trung du.

    Toàn bộ khu di tích gồm 4 đền, 1 chùa và một lăng hài hòa trong phong cảnh thiên nhiên, có địa thế cao rất đẹp mắt. Cao nhất là Đền Thượng, thấp nhất là Đền Giếng. Các Đền được xây dựng theo một kiến trúc cổ kính. Sau khi qua cổng chính của khu di tích, qua 225 bậc đá, là lên đến đền Hạ. Ở khu vực Đền Hạ có chùa Thiên Quang và cây Thiên Tuế 700 tuổi; gần đó có đền Ngọc và giếng Ngọc. Từ Đền Hạ theo 168 bậc đá nữa là Đền Trung và lên tiếp 102 bận nữa thì lên Đền Thượng và có lăng vua Hùng, tượng trưng cho mộ Tổ.Cổng đền được xây theo kiểu vòm cuốn. Tầng dưới có một cửa vòm cuốn lớn, đầu cột trụ cổng tầng trên có cửa vòm nhỏ hơn, bốn góc tầng mái trang trí rồng, đắp nổi hai con nghê. Giữa cột trụ và cổng đắp nổi phù điêu hai võ sĩ; giữa tầng một có đề bức đại tự: “Cao sơn cảnh-hành” (lên núi cao nhìn xa rộng). Mặt sau cổng đắp hai con hổ là hiện thân vật canh giữ thần.

    Nằm kề bên đền Hạ là Chùa Thiên Quang, được xây vào thời Trần. Phía trước chùa có cây vạn tuế gần tám trăm năm tuổi, xung quanh chùa có hành lang bao bọc, mái lợp ngói mũi, đầu đao cong, bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nguyệt. Trước sân chùa là hai tháp sư hình trụ 4 tầng và một gác chuông có tuổi đời vài trăm năm. Trong chùa có trên 30 pho tượng: Tam Thế, A Di Đà, Quan âm Nam Hải, Quan âm Tống Từ, Đức Thánh Hiền, Hộ Pháp,... được bài trí trang nghiêm. Kiến trúc hiện nay của chùa theo kiểu chữ Công, gồm Tiền đường 5 gian, Tam bảo 3 gian, và Thượng điện 3 gian.Từ đền Hạ leo thêm 168 bậc nữa là có thể đến đền Trung, đây là nơi vua quan ngự bàn việc dân việc nước và thưởng thức vẻ đẹp đất trời.

    Đền Hạ có tên chữ là Hùng Vương Tổ Miếu, đây là ngôi đền cổ tồn tại từ thời Lý - Trần với cấu trúc đơn giản hình chữ Nhất. Tại đây Lang Liêu đã dâng lên vua cha bánh chưng nhân dịp lễ tết và không phụ với ý trời, công sức của chàng đã được đền đáp bằng việc truyền ngôi của vua cha.

    Sau một hành trình gian nan cuối cùng du khách cũng đặt chân lên đỉnh Nghĩa Lĩnh, và tại đây có đền Thượng với tên gọi là "Kính Thiên lĩnh điện". Đây là nơi thờ Thánh Gióng và vua Hùng. Đền Thượng tọa lạc ở trung tâm trời đất và cũng là trung tâm của khu di tích đền Hùng. Ngôi đền có sân rộng và được tôn tạo lại với kiến trúc cổ để du khách tìm về hành lễ nhưng không được đặt chân vào bên trong các gian thờ. Người ta vẫn thường truyền nhau rằng ngôi đền được xây dựng sau khi Thánh Gióng lập nên đại công, đánh đuổi giặc n khỏi quê cha đất tổ. Và sau khi Thánh Gióng đánh tan giặc, rồi bay lên trời thì vua Hùng đã đem ngài hóa ở ngôi đền bên cạnh, đó chính là Lăng vua Hùng.

    gười hành hương tới đền Hùng không chỉ để vãn cảnh hay tham dự vào cái không khí tưng bừng của ngày hội mà còn vì nhu cầu của đời sống tâm linh. Mỗi người hành hương đều cố thắp lên vài nén hương khi tới đất Tổ để nhờ làn khói thơm nói hộ những điều tâm niệm của mình với tổ tiên. Trong tâm hồn người Việt thì mỗi nắm đất, gốc cây nơi đây đều linh thiêng và chẳng có gì khó hiểu khi nhìn thấy những gốc cây, hốc đá cắm đỏ những chân hương.

    Trẩy hội Đền Hùng là truyền thống văn hóa đẹp của người Việt Nam. Trong rất nhiều những ngày hội được tổ chức trên khắp đất nước, hội đền Hùng vẫn được coi là hội linh thiêng nhất bởi đó là nơi mỗi người Việt Nam nhớ về cội nguồn và truyền thống oai hùng, hiển hách của cha ông.
    Thuyết minh về di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ
    Thuyết minh về di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ
    Thuyết minh về di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ
    Thuyết minh về di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ
  5. Nói về văn hóa tâm linh của người Việt không thể không nhắc đến những đền chùa cổ kính, linh thiêng mang nét đẹp đặc trưng, trầm lắng, nơi bày tỏ niềm thành kính, biết ơn với người xưa, với tín ngưỡng tôn giáo. Một trong những ngôi chùa cổ, nổi tiếng của nước ta phải kể đến chùa Hương - danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa và tín ngưỡng của Việt Nam.

    Chùa Hương hay còn gọi là Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp, nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 17 vào thời kỳ Đàng Trong - Đàng Ngoài, sau đó bị hủy hoại trong kháng chiến chống Pháp năm 1947, sau đó được phục dựng lại năm 1988 do Thượng Tọa Thích Viên Thành dưới sự chỉ dạy của cố Hòa thượng Thích Thanh Chân.

    Nơi đây gắn liền với với tín ngưỡng dân gian thờ Bà Chúa Ba, theo phật thoại xưa kể lại rằng người con gái thứ ba của vua Diệu Trang Vương nước Hương Lâm tên là Diệu Thiện chính là chúa Ba hiện thân của Bồ Tát Quan Thế Âm, trải qua nhiều thử thách, gian nan với chín năm tu hành bà đã đắc đạo thành Phật để cứu độ chúng sinh.

    Dưới đôi bàn tay khéo léo của người xưa cùng với những nét đẹp tạo hóa mà thiên nhiên ban tặng, mà vẻ đẹp của chùa Hương mang một dấu ấn rất riêng, đưa ta đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Quần thể chùa Hương có nhiều công trình kiến trúc rải rác trong thung lũng suối Yến.

    Khu vực chính là chùa Ngoài, còn gọi là chùa Trò, tên chữ là chùa Thiên Trù. Chùa nằm không xa bến Trò nơi khách hành hương đi ngược suối Yến từ bến Đục vào chùa thì xuống đò ở đấy mà lên bộ. Tam quan chùa được cất trên ba khoảng sân rộng lát gạch. Sân thứ ba dựng tháp chuông với ba tầng mái.

    Đây là một công trình cổ, dáng dấp độc đáo vì lộ hai đầu hồi tam giác trên tầng cao nhất. Tháp chuông này nguyên thủy thuộc chùa làng Cao Mật, tỉnh Hà Đông, năm 1980 được di chuyển về chùa Hương làm tháp chuông.Chùa Chính, tức chùa Trong không phải là một công trình nhân tạo mà là một động đá thiên nhiên. Ở lối xuống hang động có cổng lớn, trán cổng ghi bốn chữ “Hương Tích động môn”. Qua cổng là con dốc dài, lối đi xây thành 120 bậc lát đá. Vách động có năm chữ Hán“Nam thiên đệ nhất động” là bút tích của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm. Ngoài ra động còn có một số bia và thi văn tạc trên vách đá.

    Lễ hội chùa Hương được tổ chức vào ngày mồng sáu tháng giêng, thường kéo dài đến hạ tuần tháng ba âm lịch. Vào dịp lễ, hàng triệu phật tử cùng du khách tứ phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương. Đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng giêng đến 18 tháng hai âm lịch.Đây là ngày lễ khai sơn của địa phương nhưng ngày nay nghi lễ khai sơn được hiểu theo nghĩa mở- mở cửa chùa. Lễ hội chùa Hương trong phần lễ thực hiện rất đơn giản.Một ngày trước khi khai hội, tất cả các đền, chùa, đình, miếu đều được thắp hương nghi ngút. Ở trong chùa Trong có lễ dâng hương, gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả và thức ăn chay. Lúc cúng có hai tăng ni mặc áo cà sa mang đồ lễ chay đàn rồi mới tiến dùng đồ lễ lên bàn thờ.

    Trong lễ hội có rước lễ và rước văn. Người làng dinh kiệu tới nhà ông soạn văn tế, rước bản văn ra đền để chủ tế trịnh trọng đọc, điều khiển các bô lão của làng làm lễ tế rước các vị thần làng. Lễ hội chùa Hương còn là nơi hội tụ các sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn. Không chỉ có vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc, phong cảnh chùa cùng với nét đặc sắc của ngày lễ mà chùa Hương còn chứa đựng những giá trị sâu sắc về văn hóa tâm linh, lịch sử dân tộc và còn là giá trị sống của chuỗi phát triển con người từ xa xưa đến ngày nay, cần được bảo tồn, duy trì và gìn giữ di sản mà ông cha ta để lại.

    Như vậy, với những giá trị đó, chùa Hương chính là niềm tự hào của người Hà Nội nói chung và người Việt Nam nói riêng, đến với chùa Hương là đến với không gian thanh tịnh, sống chậm lại để cảm nhận sự nhẹ nhõm trong tâm hồn, buông bỏ mọi áp lực, căng thẳng trong cuộc sống ngoài kia.
    Thuyết minh về Chùa Hương - Hà Nội
    Thuyết minh về Chùa Hương - Hà Nội
    Thuyết minh về Chùa Hương - Hà Nội
    Thuyết minh về Chùa Hương - Hà Nội




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy