Tình yêu người lính

Anh!


Hôm nay, ngày cuối cùng bên anh trên mảnh đất quê nhà, em muốn cầm bút để những dòng chữ này theo bước anh đi. Anh sẽ mang nó như mang em trên suốt chặng đường dài. Để rồi, sang đến bên kia biên giới, có một lúc nào đó chợt tìm thấy nó trong quyển vở này, anh hãy coi đó là niềm an ủi đầu tiên trong những ngày đầu xa người thân yêu".


Đó là đoạn mở đầu bức thư tôi xếp dưới đáy ba lô của anh trong ngày tiễn anh lên đường sang nước bạn Campuchia. Và chuyện tình của anh lính quân y với cô giáo trẻ có lẽ cũng khởi đầu từ một bức thư.


Ngày đó anh đang học năm thứ tư trường Đại học quân y (Học viện quân y bây giờ). Tôi và đứa em con cậu cùng tuổi thường hay mè nheo anh kể chuyện trường, chuyện viện... mỗi khi anh tới chơi. Anh nói nghỉ hè ra chỗ anh chơi, anh sẽ mượn cho 2 đứa 2 cái áo blu và đưa chúng tôi đi khắp viện. Rồi lời hứa chưa được thực thi thì tôi nhận quyết định lên dạy học ở huyện miền núi Lục Ngạn, cách nhà gần trăm cây số. Sau khi đến trường và ổn định, tôi viết thư cáo lỗi với anh. Thư qua thư lại, rồi tình yêu đến lúc nào không hay. Thế là mỗi lần về nhà, tôi lại đạp xe 30km ra chỗ anh. Lần đầu tôi bị các anh trong cùng tiểu đội trêu: "Em là em gái anh Đồng à? Anh ấy không biết em ra hay sao mà lại vừa đi chơi với bạn gái rồi". Tôi bình thản đáp:


-Không sao, em chờ anh ấy về ạ.


- Đi với bạn gái thì chả biết đến tối có về không nữa.


- Tối em cũng chờ được...


Mấy anh lính trẻ nháy nhau: cô bé này rắn ghê.


Tôi cùng các anh ăn bữa cơm của lính, chả biết có phải các anh báo cơm khách hay không mà tươm ra phết. Buổi tối, anh đưa tôi đi xem phim. Có hôm 2 đứa đi chơi dưới hàng cây sau làng Xa La. Dưới ánh trăng thanh, tôi ngồi bên anh líu lo kể chuyện trường, chuyện lớp. Có những khi cả 2 im lặng tận hưởng cái không khí mát dịu, êm đềm. Hàng cây xạc xào trong gió, tiếng côn trùng rả rích gọi bạn, làn gió nhẹ vuốt ve làn tóc mềm... tất cả như đồng lõa chở che cho đôi trẻ đang rộn ràng đôi tim hòa chung nhịp đập. Rồi anh đưa tôi về nhà khách, mắc màn cho tôi, dặn tôi đóng cửa, còn anh quay về tiểu đội. Mấy anh lính trẻ ngạc nhiên: "Sao không ngủ đấy lại về?" Anh ngượng nghịu gãi đầu: "Ai lại thế..."


Có những ngày nghỉ cuối tuần, anh đạp xe hơn trăm cây số lên trường thăm tôi. Mấy chị em khu lẻ bọn tôi thết anh bằng bữa cơm nhà giáo: lạc rang, đậu rán, rau luộc. Anh dạy tôi và Cự hát bài "Ngày mai anh lên đường". Giọng anh khỏe và sáng hòa cùng giọng hát của hai cô giáo trẻ vang cả khu trường làm mấy đứa trẻ trong xóm lóc nhóc địu em chạy ra cổ vũ. Có ai ngờ đó lại chính là bài hát định mệnh cho cuộc tình của chúng tôi. Những ca từ da diết, tình cảm và thật sâu lắng. "...Ngày mai anh lên đường, ngày mai anh ra chiến trường. Gửi lại em yêu dấu cả khoảng trời thành phố lung linh ngàn vì sao sáng trên đường hành quân diệt thù... Bàn tay em xây ngôi trường, bàn tay em gieo lúa vàng, gửi tình lên biên giới cả khoảng trời rừng núi lung linh và trong xanh với bao người bạn thân tâm tình. Như hoa phong lan chờ đợi, mưa nắng không phai tàn..."


Cứ thế, những cánh thư và những lần qua lại kéo dài 2 năm thì anh ra trường, và đám cưới của chúng tôi diễn ra vào một ngày đẹp trời mùa thu 1981. Đám cưới đơn giản của anh bộ đội và chị giáo viên miền núi tưởng chẳng có gì giản đơn hơn thế. Cô dâu mặc quần lụa đen, áo sơ mi màu hoa cà được chú rể đón bằng chiếc xe đạp cũ trên quãng đường gần chục km. Phòng tân hôn là ngôi nhà tranh 3 gian được quây bằng gạch non (gạch không đủ lửa) xếp chồng lên nhau. Hôm sau anh đưa tôi lên trường vì tôi chỉ được nghỉ có 3 ngày. Chưa kịp quen hơi bén tiếng 2 tuần thì anh đã nhận lệnh đi K (chiến trường Campuchia). Bàng hoàng, hẫng hụt, xót xa... Nhưng nước mắt của người vợ trẻ chẳng thể níu chân người chiến sĩ. Nghĩa vụ, trách nhiệm và kỉ luật quân đội cũng không cho phép anh ở lại.


9 năm bên nước bạn với 4 lần về phép, chúng tôi cũng kịp sinh 2 đứa con đủ nếp tẻ. Tình yêu lãng mạn được dần thay thế bằng trách nhiệm và bổn phận của người mẹ, người vợ, người con "làm dâu không chồng". Có ngọt ngào, có đắng cay, có tủi hờn, chua xót trong những đêm cô lạnh. Nhưng trên tất cả là tình yêu và niềm tin chúng tôi dành cho nhau. Những cánh thư không biên giới đã nối liền và lấp đầy khoảng cách xa xăm. Chúng tôi kể cho nhau nghe chuyện trường, chuyện nhà, chuyện đơn vị. Động viên an ủi nhau vượt qua những khó khăn của cuộc sống, cái khắc nghiệt của chiến trường bom đạn. Và nhất là cái ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, khi không thể phân biệt được đâu là dân, đâu là Ponpot. Nhớ nhà, nhớ vợ con, anh đều gom vào những con chữ cho thư, và cho thơ. Một tập thơ anh viết cho tôi đầy kín quyển sổ dày tự đóng. Trong đó có bài viết về tháng sinh nhật của 2 đứa (cả 2 chúng tôi đều sinh tháng tư, cách nhau có 4 ngày):

Sàm rông trời nóng như rang
Cháy khô lá cỏ, đốt vàng lá cây
Bầu trời không một bóng mây
Gió vung tay ném cát bay ngang trời...

Áo xanh bạc trắng mồ hôi
Căn phòng yên lặng anh ngồi ghi thư
Yêu sao cái nắng tháng tư
Tháng mà 2 đứa mình từ đó ra
Ngày sinh anh chẳng có quà
Gửi em nỗi nhớ cách xa dặm trường...

Tháng tư là tháng yêu thương
Nắng thì mặc nắng, đừng buồn nghe em.
(THÁNG 4 Ở SÀM RÔNG- Khắc Đồng)


Và sau 9 năm, tôi đón anh về nguyên vẹn trong niềm vui vỡ òa của ngày đoàn tụ. Anh cười rạng rỡ trong bộ quân phục màu xanh, vai áo lấp lánh quân hàm thiếu tá. Trong khi đồng đội anh có người đã nằm lại mãi mãi, có người gửi lại một phần xương máu của mình. Có lẽ niềm tin và tình yêu đã giúp chúng tôi đủ sức vượt qua những thử thách nghiệt ngã của thời gian...


Sau này khi đã nghỉ hưu, anh liên lạc được với đồng đội của đơn vị cũ và cũng 2 lần đưa tôi trở lại thăm chiến trường xưa. Đón chúng tôi là tướng Nixo Van, ủy viên bch Đảng NDCM Campuchia, giám đốc viện TW quân đội, phó cục trưởng tổng cục hậu cần quân đội ND Campuchia, và các đồng đội của anh. Tôi cứ ngỡ ngàng khi một vị tướng đương nhiệm lại có thể bỏ thời gian và công sức ra đưa một anh đại tá về hưu đi thăm thú khắp các danh lam thắng cảnh của nước bạn. Đặc biệt là đưa chúng tôi về thăm bệnh xá của đơn vị cũ, nay đã là bệnh viện tỉnh Xiemriep. Đất nước Campuchia xinh đẹp đã hồi sinh kì diệu sau thảm họa diệt chủng của bè lũ Ponpot. Giây phút chia tay ở sân bay Phnompenh biết bao xúc động và bùi ngùi trong những cái ôm và nắm tay xiết chặt, tôi nhớ mãi cái câu tướng Van đã nói: "Đất nước và nhân dân chúng tôi mãi biết ơn những cống hiến vô điều kiện của quân tình nguyện và đất nước Việt Nam dành cho chúng tôi. Mãi mãi... không bao giờ quên".


Thoắt cái đã 40 năm làm vợ lính, và hơn chục năm làm mẹ lính (các con tôi cũng bước tiếp con đường của bố chúng). Nhìn lại tôi cảm thấy tự hào và may mắn khi có được cuộc sống hôm nay: chưa thật đủ đầy nhưng cũng không hề thiếu thốn. Có người hỏi tôi rằng: "Làm vợ lính rồi có hối hận không em?". Tôi mỉm cười trả lời: "Không hề hối hận".


Trần Tĩnh

Tình yêu người lính
Tình yêu người lính
Tình yêu người lính
Tình yêu người lính

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy