Những lá thư thời chống Mỹ

Ngày nay, những người trẻ trao đổi với nhau bằng điện thoại di động, bằng intenet. Đó là chuyện bình thường. Người nào dùng giấy bút mà viết thư sẽ được mọi người cho là “cổ lai hy” là cái chắc.


Thế nhưng, những người cũ như chúng tôi thì việc viết thư và lá thư là một điều thiêng liêng, không bao giờ có thể quên được.


Vâng. Trên đời này có nhiều thứ quý. Nhưng đối với những người lính thời chống Pháp, chống Mỹ thì lá thư nhà là một thứ quý vô ngần. Đó là nỗi khát khao mong chờ đêm ngày của người lính ngoài mặt trận.


Lá thư, những lá thư không phải chỉ là những nét chữ của người thân viết trên trang giấy trắng (hay thời xưa giấy màu ố vàng) dựng trong chiếc phong bì nhỏ. Không, không phải là như thế. Không, không! Trong chiếc phong bì nhỏ ấy là cả một tấm lòng – tấm lòng thủy chung, tấm lòng nhớ thương da diết. Những gì đựng trong chiếc phong bì nhỏ ấy nặng lắm, sâu lắm. Không phải chỉ có những nét chữ run run bằng mực tím, mực xanh, mà là có cả mồ hôi, nước mắt hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn đêm trường cô lại gói vào trong … Lá thư, những lá thư thời ấy là sứ giả của nối nhớ nhung, là sứ giả của tình yêu son sắt…


Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, chỉ hai năm sau, nước nhà sẽ được thống nhất. Nhưng đế quốc Mỹ âm mưu xâm lược nước ta, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Vì vậy, đồng bào ở cả hai miền phải nhất tề đứng lên kháng chiến chống Mỹ. Trước hết là hậu phương lớn Miền Bắc xã hội chủ nghĩa phải dốc lòng chi viện cho tiền tuyến lớn Miền Nam. Hàng triệu triệu những cân thóc, cân gạo, cân thịt, cân cá, cân muối, bó rau, mảnh vải, tấm áo, chiếc màn, chiếc chiếu, chiếc chăn, chiếc khăn, chiếc mũ, chiếc ba lô, đôi dép, đôi giày, đôi tất, chiếc bút, tập giấy..., hàng triệu triệu những cân đường, hộp sữa, những chiếc bàn chải răng, ăng gô, bát đũa... , hàng triệu những tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men... cứ đêm ngày rậm rịch từ những miền thôn quê, từ những thành phố cùng với lớp lớp thanh niên trai trẻ... cứ rậm rịch đêm ngày lên đường ra mặt trận. Rậm rịch đêm ngày... từng đoàn người nối nhau ra mặt trận. Từng đoàn tàu, đoàn xe nối nhau ra mặt trận. “Cả nước lên đường/ xao xuyến bờ tre/ từng hồi trống giục...”


Những năm 1966-1972 là những năm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bị thua đau ở chiến trường Miền Nam, giặc Mỹ điên cuồng leo thang đánh phá Miền Bắc hòng ngăn chặn con đường chi viện cho tiền tuyến lớn của quân và dân ta. Chúng đưa đủ các loại máy bay hiện đại, tối tân nhất ra oanh tạc Miền Bắc, đặc biệt là các mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, các đầu mối giao thông quan trọng. Các loại máy bay Cánh Cụp, Cánh Xoè, Con Ma, Thần Sấm ... rồi “Pháo đài bay” B52 liên tiếp dội bom, bắn phá xuống các con đường, các cây cầu, các bến phà trên đường ra mặt trận. Cầu Hàm Rồng, cầu Đò Lèn, phà Tân Đệ, phà Xuân Sơn, phà Long Đại, Ngã Ba Đồng Lộc, Truông Bồn, ngầm Ta Lê, đèo Đá Đẽo, đèo Phu-La-Nhích..., những con đường số một, đường bảy, đường chín, đường hai mươi... đã trở thành những địa chỉ oanh tạc quan trọng số một thường nhật của bọn giặc lái thuộc Không lực Hoa Kỳ. Hàng triệu tấn bom đã trút xuống những địa chỉ đó. Hàng triệu tấn bom phá, bom bi, bom na-pan và rôc-két đã dội xuống đất này. Hàng vạn tấn chất độc hoá học đã rải xuống mảnh đất thân yêu của chúng ta. Bọn đế quốc muốn biến đất này trở lại thời kỳ đồ đá. Bọn đế quốc muốn huỷ diệt màu xanh và sự sống trên đất nước này. Thế nhưng, chúng đã lầm! Những cây cầu, những con phà, những con đường vẫn đứng vững. Trong mưa bom, bão đạn, từng đoàn xe Gat, xe Zin, xe KRa, xe URan, xe ba cầu, xe tăng, xe xích, xe đặc chủng... cứ đêm ngày nối đuôi nhau ra mặt trận. Và cả những binh đoàn xe đạp lai, xe đạp thồ cũng tham gia vào đoàn quân vận chuyển... Trên những đoàn xe ấy là những bao gạo, bao muối, bao dưa, những thùng lương khô 701, 702, những thùng ruốc hành quân, bột sữa, bột trứng, là quân lương, quân trang, quân dụng, là súng, là đạn, là thuốc men... và là những lá thư nhà...


Ôi, những lá thư nhà thân thiết làm sao, yêu quý làm sao, mong đợi làm sao!


Đó là lá thư của người cha bốn mùa cuốc cày nơi đồng chua, ruộng trũng, chỉ mong sao con khôn lớn thành người. Đó là lá thư của người mẹ quanh năm tảo tần nơi cuối chợ, đầu sông, lúc nào cũng lo cho các con có đủ cơm ăn, áo mặc và có giấc ngủ yên lành. Đó là lá thư của người anh chân chất có đôi vai răn chắc đã nói là làm, đã làm là làm đến chốn đến nơi, chỉ mong cho thằng em lúc nào cũng săn gân, mạnh bước tiến kịp bạn bè. Đó là lá thư của người chị dịu hiền có cái nhìn nghiêm nghị của cha, có đôi vai và đôi tay tảo tần của mẹ, lúc nào cũng căn dặn thằng em như hồi nó còn bé đánh khăng, đá bóng hồi nào. Đó là lá thư của những đứa em bé bỏng của ta có đứa vẫn còn thò lò mũi... Những lời lẽ trong thư chúng viết mới ngộ nghĩnh làm sao !


Và đó là lá thư của những người yêu của lính, của những người vợ lính - những lá thư gói cả những nỗi niềm yêu thương, nhớ mong, hờn giận chất chứa bao ngày... Không! Không! Những lá thư không phải được viết bằng mực xanh, mực tím! Đó là những lá thư được viết bằng nỗi nhớ thương cháy bỏng ở trong lòng! Những người cha, người mẹ, người chị, người anh, những người vợ , người em gái, người yêu của lính đã gửi vào những lá thư ấy những tình cảm yêu thương và niềm tin son sắt, niềm tin son sắt vào người mình thương yêu, niềm tin son sắt vào con đường mà người mình thương yêu đã chọn. Cùng với những tấn thóc, tấn lợn, những tấn hàng hoá quân lương, quân trang, quân dụng, những tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men..., những lá thư của hậu phương đã tiếp thêm sức mạnh diệu kỳ cho người lính.


Những tháng năm kháng chiến trường kỳ, những lá thư, hàng triệu, hàng triệu những lá thư hậu phương từ khắp các miền quê đất nước cứ ngày đêm rậm rịch lên đường đến với người lính ngoài mặt trận.


Nhận được lá thư nhà, người lính có thể đeo ba lô, đeo súng đạn, vượt rừng, vượt sông suối đi khắp các ngả đường chiến trận không biết mệt. Nhận được lá thư nhà, sức mạnh và niềm tin của người lính được nhân lên nhiều lắm. Những lá thư nhà đã theo chân người chiến sĩ Giải phóng làm nên những Ba Gia, Bình Giã, Đồng Xoài, những Dốc Miếu, Cồn Tiên, Khe Sanh, Núi Thành, Thành Cổ, những Phú Bổn, Cheo Reo, những Củ Chi, Rừng Sác anh hùng và cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.


Thế nhưng, đã có biết bao nhiêu nghìn vạn chiếc xe đạp, xe thồ, những đôi quang gánh, những xe Gat, xe Zin, xe Kra, xe Uran, xe tăng, xe xích... đã cháy trên những cây cầu, những chuyến phà, những con đường ra mặt trận ? Đã có biết bao nhiêu nghìn, bao nhiêu vạn những chiến sĩ thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, những chiến sĩ quân bưu, bưu tá, những chiến sĩ lái xe Trường Sơn, những thuyền trưởng, máy trưởng, thuỷ thủ, những con tàu không số... đã ngã xuống trên con đường Hồ Chí Minh trên bộ, trên con đường Hồ Chí Minh trên biển để cho những tấn hàng lương thực, thực phẩm, vũ khí khí tài, đạn dược, thuốc men, cho những lá thư nhà – còn được sống và đến với người chiến sĩ Giải phóng làm nên những kỳ tích anh hùng?


Vâng! Bọn đế quốc có trang bị tối tân hiện đại đến mấy, có hung hăng xảo quyệt đến mấy cũng không thể nào “chém được dòng Bến Hải” thần kỳ, cũng không thể nào “thiêu được dải Trường Sơn” hùng vĩ của chúng ta !


Hàng triệu, hàng triệu “những trái tim biết yêu tha thiết đất nước, quê hương/ những trái tim biết căm thù quân xâm lược...” cùng với hàng triệu, hàng triệu những tấn hàng và vũ khí, đạn dược cùng với hàng triệu, hàng triệu những lá thư nhà - suốt hai mươi mốt năm ròng – đã kiên cường vượt qua mưa bom bão đạn - rậm rịch đêm ngày chi viện cho tiền tuyến lớn Miền Nam “Thành Đồng Tổ Quốc”. Đó là một trong những bí quyết làm nên thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.


Thời đại ngày nay là thời đại của Intenet lên ngôi, là thời đại của điện thoại thông minh đắt tiền, nhiều người không biết và cũng không cần đến những lá thư nữa.


Thế nhưng, đối với chúng tôi – những người lính – thì những lá thư, những lá thư nhà vẫn mãi mãi là một cái gì thiêng liêng lắm, lấp lánh không bao giờ phai mờ trong ký ức.


Những lá thư, những lá thư nhà – sứ giả của nỗi niềm nhớ nhung da diết, sứ giả của tình yêu chung thủy và niềm tin son sắt của hàng chục triệu con người Việt Nam trong bão tố.


Phạm Minh Giang

Những lá thư thời chống Mỹ
Những lá thư thời chống Mỹ
Những lá thư thời chống Mỹ
Những lá thư thời chống Mỹ

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy