Tết của tuổi thơ

Tôi có thể quả quyết mà không sợ ai nói mình là chủ quan, rằng: Trăng đêm rằm tháng 8 là đẹp nhất, sáng nhất. Đêm đó ánh trăng bao giờ cũng xanh ngắt, tinh khôi, nền trời thăm thẳm không một gợn mây. Trăng trải khắp sông hồ đồi núi làng mạc. Lung linh và huyền ảo. Gió may xào xạc ngoài hiên. Tất cả như hiện ra dưới một lăng kính mới. Không gian như được ướp một thứ hương dìu dịu bởi các loại quả loài hoa, của đồng lúa sắp vào mùa thu hoạch. Tiếng trống thì thùm đâu đó gợi cho tôi nhớ đến vô cùng cái thủa còn thơ phá cỗ trông trăng.

Những ngày này, mọi con đường trong nội thành như lột xác không thể nhận ra. Băng giôn quảng cáo căng đỏ đường. Đèn mầu xanh đỏ nhấp nháy như mời gọi. Đại lộ Hồ Chí Minh, Trần Hưng Đạo, Đồng Xuân, Sơn Hòa ngàn ngạt người đi. Ấy là chưa kể đến những con phố nhỏ hơn hoặc các chợ. Mọi nhà trước tháng 8 còn buôn bán kinh doanh vải vóc, tạp phẩm thì nay đã thu gọn hàng cũ để rồi bày ra đủ loại bánh trái. Truyền thống có, mới lạ có.


Hàng nhập ngoại ê hề. Hoặc bán các loại đồ chơi trẻ em bằng nhựa, bằng gỗ, bằng tre nứa, mầu sắc rất bắt mắt. Ánh sáng chan hòa rực rỡ tựa chốn thần tiên. Người ta phải gửi xe để đi bộ. Đường đông quá. Những người ông người bà, người cha người mẹ đẹp như tranh vẽ, nô nức đi mua sắm tết Trung thu cho con cho cháu. Này chiếc đèn ông sao, đèn lồng mầu đỏ. Này cái đầu sư tử có đôi mắt long lanh. Cả những con giống được tết bằng hoa quả. Tiếng chào mời rổi rít chen nhau. Có cả tiếng cười, tiếng gắt gỏng khó chịu.

Cứ tầm 10 tháng 8 là mẹ tôi đã bày cỗ lên một cái bàn. Chập tối khiêng ra sân, khuya muộn lại khiêng vào. Chẳng làm gì hết. Chỉ để khoe với chúng bạn thôi. Đều đặn như thế đến hết hôm rằm. Trên bàn mẹ tôi bày nhiều thứ. Cái bánh nướng óng như mật. Cái bánh dẻo mịn màng mát lạnh. Phong đậu xanh xinh xinh. Quả hồng đỏ, quả bưởi vàng...Thiên nhiên thật ưu đãi cho bọn trẻ chúng tôi. Mùa này thường nhiều hoa quả nhất trong năm. Ấy là chưa kể nhập từ nước ngoài về. Mấy con chó, con thỏ được tết bằng những múi bưởi. Mắt của chúng đính bằng hạt nhãn đen lay láy. Lại còn con cá, con lợn và nhiều con giống khác nặn bằng bột có nhân sống động như thật. Ngon mắt đến vô cùng. Bây giờ mọi loại thực phẩm hay đồ chơi đều phải có nhãn mác. Trên đó phải ghi đầy đủ các thông tin quy định như; Cơ sở sản xuất, địa chỉ, số điện thoại, thành phần làm nên sản phẩm, hạn sử dụng. Người ta sợ đồ bẩn, nhiều hóa chất độc hại. Chứ ngày xưa chả ai nghĩ tới điều đó. Người với người sống thật thà tình nghĩa. Tin nhau như người làng.

Những ngày này tôi sướng như điên, đi khoe hết nhà này đến nhà khác. Hàng xóm ba bề, bốn bên ai cũng chuẩn bị cúng ngày rằm tháng 8. Kể cả những nhà không có trẻ con. Mới sẩm tối, tôi đã bắt mẹ phải thắp hết các loại đèn tôi có. Đèn ông sao, đèn xếp, đèn con cá và cả chiếc đèn kéo quân mà ở trên đó có rất nhiều điển tích. Về sau được đi học tôi mới hiểu trọn vẹn ý nghĩa của tích cổ ngày xưa. Tâm phục, khẩu phục các bậc tiền nhân. Cái gì, vật gì các cụ cũng nghĩ ra được sự tích của nó. Sự tích nào cũng hay, cũng đẹp. Cái nghĩa nhân tử tế bao giờ cũng thắng hung bạo lọc lừa.


Chúng tôi đánh trống om xòm. Cái khoảng sân không rộng lắm trước nhà được dùng để múa sư tử. Trăng chiếu sáng như ban ngày. Cây cối xung quanh cũng lao xao như tiếng cười chia vui cùng chúng tôi. Những ngày ấy tôi thức rất khuya. Trong lòng luôn rạo rực bồn chồn mong ngóng. Một đêm chờ bằng cả tuần cộng lại. Mong sao trời nhanh sáng. Sáng để làm gì tôi không biết. Chắc chỉ để ngắm bàn cỗ cho đã con mắt, cho đã một năm chờ đợi. Hoặc lại lang thang ra những con phố người ta bán đồ chơi. Thấy gì lạ mắt là bắt mẹ phải mua cho bằng được.


Ngày ấy trẻ con chúng tôi chỉ có chiêu bài tuyệt thực thôi. Bố mẹ nào chẳng lo lắng khi con mình không chịu ăn uống. Thế là phải mua. Tết của con trẻ mà. Ngồi trong lớp mà lời cô giáo giảng bài cứ chui từ tai bên này sang tai bên kia, bay mất. Chẳng biết bây giờ trẻ con có thế không? Trẻ con ở bất kể thời nào đều có một điểm chung là trẻ con, là thiếu niên nhi đồng. Trẻ con thuộc về những gì sắp tới. Thuộc về tương lai.

Trong giấc ngủ chập chờn mơ mộng, tôi thấy chú Cuội và con Thỏ Ngọc trên cung Quảng Hàn xuống cùng chơi cùng hát với chúng tôi: "Ông giẳng ông giăng/Xuống chơi với tôi/ Có bầu có bạn/ Có bát cơm xôi/ Có nồi cơm nếp/ Có cặp bánh chưng...". Chú Cuội còn tặng tôi mấy chiếc lá đa để chữa bệnh cứu người. Thỏ Ngọc cũng biết hát biết múa biết cười.


Lạ thế. Giấc mơ đưa tôi vào câu chuyện cổ tích vì sao chú Cuội phải ở trên mặt trăng đời đời kiếp kiếp. Tỉnh lại tất cả biến mất. Cả mấy chiếc lá đa chú Cuội tặng. Nhìn bàn tay không còn gì tiếc ngẩn tiếc ngơ. Ngủ lại mong giấc mơ tiếp nối. Chẳng thấy gì. Buồn muốn khóc.


Tuổi thơ hầu như đứa nào cũng ích kỉ. Hễ ai chê mâm cỗ nhà mình, chê cái đầu sư tử nhà mình vừa nhỏ vừa xấu thì y như rằng ghét cay ghét đắng người đó. Không thèm chơi mấy ngày. Phải khen, phải thích. Cái gì của nhà mình cũng nhất cũng đẹp. Không nhà nào sánh nổi.

Tối hôm rằm, mẹ tôi đốt trầm, thắp nhang làm lễ tế trời, tế đất. Mẹ tôi cầu những gì nghe không rõ. Nhưng dáng điệu vô cùng kính cẩn. Thì ra tết Trung thu đâu chỉ dành riêng cho lũ trẻ chúng tôi. Người lớn cũng coi trọng lắm.

Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu sao những ngày phá cỗ trông trăng đêm rằm Trung thu thời con trẻ cứ in đậm trong trí nhớ già nua. Kể cũng lạ. Chuyện hôm qua, hôm kia nhiều khi quên mất. Có lẽ cuộc sống thời @ sôi động quá, trôi nhanh quá, nhiều khi chưa kịp nhìn, chưa kịp nghe xem, chưa kịp suy ngẫm nó là cái gì thì đã vèo qua.


Nửa đêm về sáng trăng xuống thấp hơn, chỉ ngang tầm ngôi nhà cao tầng. Tiếng trống bung bung như tạo thêm sức lực cho dòng máu chảy mạnh hơn, con mắt tinh tường hơn, tinh thần sáng láng sảng khoái hơn. Đứng trên lầu cao nhìn xuống dòng sông khói mờ sương tỏa.


Con sông về đêm nhỏ hẳn, đẹp như một nét bút lông mềm mại, khẽ lay động. Trăng lồng trong nước. Nước lồng bóng trăng. Tiếng cuốc kêu khản đục khắc khoải như muốn níu giữ thời gian. Xa xa, dọc bờ sông, ánh đèn con trẻ đi rước đêm Trung thu nhấp nhô theo nhịp trống. Trăng đẹp quá. Gió xanh quá. Mây tím quá. Khiến những kẻ xa quê vì bất cứ lý do gì cũng đều bâng khuâng nhung nhớ./.


Tản văn của Nguyễn Sỹ Đoàn

Tết của tuổi thơ
Tết của tuổi thơ
Tết của tuổi thơ
Tết của tuổi thơ

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy