Những mùa trăng niên thiếu

Tuổi mỗi người có bao nhiêu mùa trăng, ai mà đếm nổi.


Có những mùa trăng cứ lung linh, phiêu bồng trong ký ức. Không lãng mạn như mùa trăng của tình yêu lứa đôi nhưng mùa trăng của thời niên thiếu lại thánh thiện, trong trẻo và đáng yêu vô cùng.


Ai đã từng qua, một đời chẳng thể nào quên. Tôi say sưa trong âm thanh mời gọi của tiếng trống ếch những đêm thu. Tiếng trống như có men say làm thôi miên lũ thiếu niên tuổi tôi, hễ cứ nghe thấy tiếng trống dinh tùng phía sân kho (sân hợp tác) là mọi công việc được hoàn tất nhanh nhất có thể. Những năm đó, mùa thu ở làng quê tôi, nước ngập khắp cánh đồng.


Cái vùng chiêm khê mùa thối chỉ mong nước bớt đi để khỏi mất mùa. Nước ngập cả con đường từ gốc cây gạo trong làng ra sân hợp tác, chúng tôi xắn quần lội uồm uồm, vừa lội vừa sợ đỉa bám chân.


Vậy mà đứa nào cũng vui, cũng háo hức. Không hiểu sao, chỉ mấy động tác đi đều bước (1-2-1)mà tập khoảng gần tháng trời, có đứa vẫn vung tay lạc nhịp.


Vui nhất là tập hát, tập múa, tập đóng kịch. Có đứa mãi còn ngượng nghịu với những điệu múa do các anh chị dạy làm cả lũ cười bò ra. Tập đi, tập lại cho đến khuya, về đến nhà, rửa chân tay, đứa nào đứa ấy lên giường ngủ một mạch đến sáng.


Rồi cái ngày mong chờ sau gần một tháng trời cũng đến. Đó là ngày cắm trại thu. Đêm đó chúng tôi hầu như không ngủ hoặc ngủ cũng dậy từ tờ mờ đất. Mặc bộ quần áo tươm tất, đeo khăn quàng đỏ và mũ calo (gấp bằng giấy hoặc bìa) trông rất oách.


Khi tôi đến nơi, đã thấy mọi người tề tựu đông đủ, mặt đứa nào cũng vui nhưng vẫn có nét căng thẳng. Các anh chị phụ trách bận rộn với đủ thứ công việc để chuẩn bị cho việc cắm trại.


Đường đến trung tâm xã dài gần bốn cây số, chúng tôi phải đi bộ đến đó để cắm trại. Đi đến đâu tiếng trống ếch rộn vang theo những bước chân líu ríu, hăm hở đến đó, lạ thay đường xa mà chả đứa nào thấy mỏi chân.


Chúng tôi lạc vào không gian trại thu của mười sáu chi đội với đủ màu sắc sặc sỡ. Màu đỏ của cờ Tổ quốc, cờ dây, sắc màu đa dạng của mái trại...Mái trại là những vỏ chăn còn mới tháo ra chứ đâu có nhiều vải đẹp như bây giờ.


Cổng trại được trang trí cầu kì,những băng giấy xanh, đỏ, tím, vàng được phết hồ và quấn vào những đoạn tre.Có những cổng trại được tết cầu kỳ từ lá dừa thật lạ.


Trong trại luôn có ảnh Bác Hồ treo trang trọng và mâm ngũ quả được các anh chị gọt, tỉa, sắp, bày rất khéo. Góc học tập bao giờ cũng có chiếc bàn con, em Ngân xóm tôi luôn được chọn vở để trưng bày vì nó viết chữ đẹp và toàn điểm giỏi. Hồi đó, tôi gầy nhẳng và cũng chẳng cao lớn gì, vậy mà không hiểu sao, tôi có đủ dũng khí để đứng trước toàn liên đội (đội thiếu niên của một xã) để dõng dạc điều khiển các nghi thức Đội! Năm nào kết quả cắm trại được giải cao thì không những trẻ con vui, thanh niên vui mà cả làng đều vui.


Sau một đến một ngày rưỡi (tùy từng năm) cắm trại xong, từng đoàn lại nhổ trại về trong tiếng trống ếch tưng bừng, rộn rã.


Vui nhất là đêm rằm. Những mâm bánh Trung thu đầy đủ sắc màu. Màu xanh của bưởi, màu vàng của chuối, màu đỏ tươi của hồng, thơm lừng mùi cốm mới và bánh khảo, bánh nướng, bánh dẻo...Những cái đèn kéo quân hay đèn ông sao lung linh khắp xóm. Nhớ những giây phút cùng bạn bè, trẻ con hàng xóm chạy sang nhà nhau khoe đèn, khoe trống, đốt hạt bưởi sao mà rộn rã. Để chuẩn bị cho một xâu hạt bưởi đốt đêm rằm, lũ trẻ chúng tôi phải bóc tất cả các hạt bưởi, xâu lại, đem phơi khô trước đó mấy tháng trời. Gọi là mâm cỗ trông trăng cũng đúng vì nhà nào cũng bày mẫm cỗ ra sân cho trăng ngắm mà lũ trẻ mải chạy nhảy, nô đùa, đâu có thiết gì ăn uống.

Làng tôi, sau ngày rằm, bao giờ cũng có một tối liên hoan văn nghệ. Sân khấu được dựng lên ngay trên sân kho. Từ chập tối, loa đài đã kêu inh ỏi, tiếng trống ếch rộn ràng,dồn dập, tôi có cảm giác là tiếng trống làm rung động cả mặt nước. Tối đến, nhà nhà lũ lượt kéo nhau ra sân kho vui như trẩy hội. Đầu tiên, những tiết mục văn nghệ của thiếu niên đã tham gia biểu diễn tại xã được công diễn lại. Chẳng biết chúng tôi hát múa có hay không mà cứ được bà con vỗ tay ầm ầm. Xen kẽ là các tiết mục văn nghệ của các anh chị đoàn viên, các ông, bà, cô, bác trong xóm (sau này là cả những người đi đường thấy vui cũng dừng chân ghé xem và cũng đóng góp các tiết mục văn nghệ).Buổi tối đó vui vô cùng, dưới ánh trăng sáng lung linh, chúng tôi được vui chơi thỏa thích vì tận đến sang năm mới có ngày hội này.


Còn một ngày vui nữa phải kể đến, đó là ngày làng tổ chức các trò chơi dân gian. Chúng tôi say sưa trong những trò chơi ném vòng, kéo co, nhảy dây...ai thắng thì được kẹo, được thưởng đồ chơi, những thứ đó luôn hấp dẫn, mê hoặc con trẻ. Khoái nhất là cái ngày đó, những đứa trẻ tha hồ chơi mà không phải làm bất cứ việc nhà nào.


Trên cái hồ ngoài đình, người ta bắc một cây cầu bằng một thân cây luồng to, dài. Phía đầu kia cầu có treo giải thưởng, thường là một con vịt hoặc mấy quả bưởi. Mọi người đứng xem vây kín cả một đoạn bờ hồ. Luật chơi là ai đi trên cầu, không ngã xuống nước, ra đến đầu cầu sẽ được thưởng. Những thanh niên, thiếu niên (thường là con trai) leo lên được vài bước rồi lại ngã ùm xuống. Có những người ra gần đến nơi, được mọi người reo hò, cổ vũ ầm ĩ mà cuối cùng cũng toạch.


Chỉ có anh Tuấn nhà bác Thân là giỏi, năm nào anh cũng có phần thưởng trong trò chơi này. Các trò chơi kết thúc, trẻ em, người lớn ra về, dù được thưởng hoặc không được thưởng gì, ai nấy đều hoan hỉ.


Rồi ngày vui qua đi, sân kho lại vắng lặng như tờ, những cái trống cái, trống con xếp vào một góc chờ đến tháng tám năm sau. Dư âm của những ngày vui dần lắng lại, chúng tôi chuyên tâm vào chuyện học hành hơn và lòng lại háo hức chờ đón mùa Trung thu năm tới.


Những tết Trung thu bây giờ, các cuộc vui, liên hoan được người lớn tổ chức cho thiếu niên, nhi đồng ngày một rầm rộ, hoành tráng, hiện đại hơn nhưng chả biết lũ trẻ có được những tháng ngày mong đợi, hồi hộp, háo hức và vui vẻ như chúng tôi thuở nào?


Cho đến bây giờ, không khí của những ngày Trung thu ấy cứ hiện lại trong tôi. Tôi chẳng thể nào quên mùi hạt bưởi thơm giữa những tia lửa phát ra trong không khí tưng bừng rộn rã, trong tiếng trống con, trong ánh đèn ông sao xanh đỏ, trong tiếng reo hò náo động thôn xóm của lũ trẻ. Cái cảm giác ấy nó cứ ma mị, bám riết lấy tôi mỗi khi tiếng trống ếch bập bùng trong thôn xóm. Những mùa trăng niên thiếu lại ùa về!


Hà Kim Quy

Những mùa trăng niên thiếu
Những mùa trăng niên thiếu
Những mùa trăng niên thiếu
Những mùa trăng niên thiếu

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy