Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" số 6

Hàn Mặc Tử là thi sĩ với phong cách sáng tác riêng và "lạ" trong phong trào Thơ mới. Thơ ông luôn bộc lộ nỗi niềm da diết với đời, với người nhưng nhận lại là sự thờ ơ và lãnh đạm. Đọc thơ Hàn Mạc Tử, chúng ta nhận ra cái tôi hơi hướng "điên" với những vần thơ "suýt" vượt ra khỏi "mảnh đất hiện thực". Nhưng đối lập với những hình ảnh "điên" đó là những hình ảnh thơ rất đẹp và thi vị. Bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" là một ví dụ tiêu biểu. Bức tranh thiên nhiên xứ Huế hiện lên nên thơ và tươi đẹp qua những nét vẽ tài hoa của tác giả.


"Đây thôn Vĩ Dạ" thực ra là lời đáp của nhà thơ dành cho một cô gái ở thôn Vĩ Dạ khi cô gái ấy trách sao lâu rồi không ghé về chơi. Tứ thơ được viết ra từ mạch cảm xúc chân thành và mãnh liệt đó. Huế luôn là mảnh đất gợi nhớ, gợi thương đối với những ai đã từng đặt chân qua đây. Bởi nó có một nét đẹp vừa tươi mới, vừa cổ kính, vừa gần gũi. Thiên nhiên trong bài thơ chính là chất liệu để làm tôn thêm hình ảnh con người nơi xứ Huế. Câu thơ đầu có thể nói là câu thơ phác họa một cách rõ nét nhất bức tranh thiên nhiên tươi đẹp và đầy lôi cuốn của mảnh đất kinh đô này:


Sao anh không về chơi thôn Vĩ

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền


Khổ thơ được cất lên bằng tiếng trách hờ của cô gái đối với nhân vật trữ tình. Một câu trách nhẹ nhàng, nhưng tình cảm và đầy sự tinh tế. Dù có trách thì người khác cũng không nỡ lòng nào để giận để hờn. Và đằng sau câu trách ấy là một bức tranh thiên nhiên thơ mộng được vẽ ra. Có thể nói tác giả đã không còn đơn thuần dùng chất liệu ngôn ngữ để vẽ tranh nữa mà đã dùng cả sự rung động trong trái tim để vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp đó.


Thiên nhiên cứ thế sáng rực lên, tươi tắn và khỏe khoắn. Cách dùng từ "nắng mới lên" gợi cho người đọc liên tưởng đến nắng đầu ngày, nắng bình minh khoan thai, dễ chịu và nhẹ nhàng. Nắng mới lên đậu trên hàng cau xanh vút khiến người đọc mường tượng đến một khung cảnh thanh mát và trong lành.


Ở câu thơ thứ ba, tác giả dùng đại từ phiếm chỉ "vườn ai" như để hỏi người nhưng cũng là tự hỏi mình. "Vườn ai" vừa bộc lộ sự kín đáo, e dè, vừa thể hiện sự tinh tế và sâu sắc của nhà thơ. "Vườn ai" thì chính trong trái tim của nhân vật trữ tình đã hiểu quá rõ, quá sâu sắc rồi. Màu xanh của khu vườn là một màu xanh rất đặc biệt và lạ kì. "Xanh như ngọc" chính là màu xanh vừa trong lành vừa tinh khôi. Từ "mướt" như làm sáng bừng lên cả câu thơ, tạo sự mềm mại và uyển chuyển cho khu vườn buổi sáng mai. Một bức tranh thiên nhiên giàu chất thơ và tươi đẹp biết bao nhiêu. Sang đến câu thơ thứ hai thì thiên nhiên từ tươi tắn chuyển sang buồn bã và vương sự chia li.


Gió theo lối gió mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay


Gió mây xưa nay vốn đi chung đường nhưng trong thơ của Hàn Mặc Tử lại là chia đôi thành hai đường xa lạ. Từ "buồn thiu" như diễn tả được tâm trạng của thiên nhiên, một sự não nề và thê lương. Đoạn cuối có thể xem là đoạn thiên nhiên thôn Vi trở nên huyền ảo và mơ hồ hơn. Có thể nói đó chính là sự cảm nhận tinh tế và sâu sắc của Hàn Mặc Tử.


Với những nét vẽ đơn giản, nhẹ nhàng nhưng tinh tế và sâu sắc, Hàn Mạc Tử đã vẽ lên trước mắt người xem một bức tranh thiên nhiên xứ huế vừa tươi mới, vừa thơ mộng, vừa u sầu. Có lẽ đó chính là nét đặc trưng của Huế.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy