Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" số 12

Đây thôn Vĩ Dạ được in trong tập Thơ Điên của Hàn Mặc Tử. Bài thơ được ông viết khi nhận được bức ảnh chụp về phong cảnh Huế kèm theo mấy lời thăm hỏi của người bạn gái có tên là Hoàng Cúc. Những kỉ niệm về vùng đất và con người xứ Huế được sống lại trong bài thơ. Lúc này, ở Quy Nhơn ông đã biết mình mắc bệnh hiểm nghèo. Vì vậy bài thơ là một bức tranh đẹp về thiên nhiên xứ Huế nhưng cũng thấm đượm nỗi buồn da diết, bâng khuâng,


Mở đầu bài thơ là một câu hỏi: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?”,câu hỏi như một lời trách cứ nhưng dường như cũng là lời tự vấn,thể hiện niềm nuối tiếc. Cảnh sắc của buổi sớm mai được miêu tả thật sinh động.


Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc


Ánh nắng ban mai tươi đẹp chiếu qua những tán lá cau,những mảnh vườn cây xanh non mơn mởn vẫn còn đẫm sương. Cảnh sắc thật tươi mới, thật trong lành. Xứ Huế mộng mơ hiện lên thật tươi đẹp và thật nên thơ. Sau vườn cây xứ Huế là thiên nhiên xứ Huế. Cảnh trời, mây, sông, nước ở đây thật đẹp, nhất là cảnh một dòng sông được tưới đẫm ánh trăng với con thuyền cũng đầy ắp ánh trăng. Nhưng tất cả đều thấm đượm nỗi buồn. Cách miêu tả thể hiện trạng thái ảo mộng của tâm hồn thi sĩ.


Nếu như ở khổ thơ đầu, nỗi buồn chỉ lộ rõ ở một câu thì ở khổ thơ này, dường như nỗi buồn giăng trải ra ở khắp cả khổ thơ: “Gió theo lối gió,mây đường mây” Câu thơ diễn tả sự phân cách, li tán của thiên nhiên nhưng lại gợi ra sự chia ly của lòng người. “Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”, nỗi buồn của thi sĩ đã lan trải ra khắp không gian. Lòng người sầu muộn khiến cảnh vật cũng đượm buồn.


“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?”


Ánh trăng huyền ảo tràn đầy mặt sông. Tâm trạng mộng mơ của thi sĩ dường như đã cảm nhận được tất cả: sông trăng, bến trăng, thuyền chở trăng. Khổ thơ cho thấy con người nhà thơ rất cô đơn, đang khao khát được ai đó chia sẻ, tâm sự. Có chở trăng về kịp tối nay là một câu hỏi vừa như khắc khoải, bồn chồn, vừa như hy vọng chờ đợi một cái gì đang rời xa, biết có khi nào quay trở lại.


Khổ thơ thứ ba thể hiện một nỗi niềm canh cánh của thi sĩ trong không gian bao la của trời, mây, sông, nước đã thấm đẫm ánh trăng. Đó là sự hy vọng, chờ đợi, và một niềm khắc khoải khôn nguôi. Vẫn ở trong mộng ảo, vì vậy cảnh và người ở đây đều hư hư, thực thực.


“Mơ khách đường xa,khách đương xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?”


Nhà thơ mơ thấy một khách đường xa, cảm nhận rõ một bóng hình người con gái Huế thơ mộng trong tà áo trắng song không thể nắm bắt được, thoắt ẩn, thoắt hiện.Sự hụt hẫng đến cao độ, nhà thơ muốn bấu víu, cầm nắm mà không được vì cảnh đầy màu hư ảo lẫn khói mây.Thi sĩ như cảm thấy sự vô lực với tình yêu,như một nỗi day dứt mối tình không được toàn vẹn.


Biết là “em” mà lại “nhìn không ra”,không phải thi sĩ không nhìn thấy mà là không dám nhìn vào hạnh phúc,bởi hạnh phúc giờ đây là quá xa vời, quá hư ảo. Cảnh xứ Huế mộng mơ thật đẹp, giàu sức sống nhưng đượm một nỗi buồn bâng khuâng, da diết. Cảnh ấy như là sự thể hiện tâm hồn của một thi sĩ tài hoa nhưng đa sầu, đa cảm. Mỗi khổ thơ là một câu hỏi, như một nỗi buồn day dứt lòng người.


Bài thơ thể hiện một tâm trạng rất thật của nhà thơ đó nỗi buồn,sự luyến tiếc với cõi trần,với cuộc sống, với tình yêu. Tình yêu được viết ra từ trái tim của một con người đang ngày đêm đếm từng giờ để trở về bên kia thế giới.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy