Bài văn phân tích tác phẩm "Bài ca nhà tranh bị gió thu phá" số 5

Đỗ Phủ là một nhà thơ lớn đời Đường của Trung Quốc với nhiều tác phẩm xuất sắc, đóng góp to lớn vào nền văn học cổ đại Trung Hoa. Trong thơ của Đỗ Phủ, tính hiện thực và tinh thần nhân đạo là chủ đề xuyên suốt. Bài thơ “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá” là một trong những bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ của Đỗ Phủ.


Mở đầu bài thơ tác giả đã kể lại ngôi nhà tranh bị gió thu tàn phá. Đó không phải là cơn gió heo may mát lành mà đó là một trận bão tố, là cơn lốc vào tháng tám gió thét gào:


“Tháng tám, thu cao, gió thét gào

Cuộn mất ba lớp tranh nhà ta

Tranh bay sang sông rải khắp bờ,

Mảnh cao treo tót ngọn rừng xa

Mảnh thấp quay lộn vào mương sa”


Cảm nhận về bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá của Đỗ PhủCơn thu phong có sức tàn phá mãnh liệt quá! Căn nhà tranh yếu ớt bị trạn gió thu lật tung cuộn bay khắp nơi. Có tấm tranh bay sang bên kia bờ sông rải rác khắp bờ sông, có tấm bay tận vào rừng xa, có tấm rơi xuống mương nước… Các tấm tranh bay đi khắp mọi nơi chứng tỏ trận bão tố đó ghê gớm lắm. Căn nhà được bạn bè và người thân giúp đỡ dựng lên để nương thân qua ngày giờ đã bị phá tan nát, tình cảnh thật là thảm thương. Ta cảm giác như nhà thơ đang đứng ngước nhìn từng tấm tranh bay theo gió mà lòng đầy xót xa, bất lực. Nhà thơ như nuốt nước mắt vào trong. Tiếng thơ như lời thở than, khóc lóc cho cảnh sống quá cơ cực của người thi nhân.


Sự đau đớn và xót xa ấy của nhà thơ được thể hiện một cách sâu sắc hơn ở khổ thơ kế tiếp. Gió thu phá căn nhà, tác giả cũng đành bất lực nhìn lũ trẻ con ăn cắp tranh:


“Trẻ con thôn nam khinh ta già không sức,

…Quay về, chống gậy lòng ấm ức.”


Chiến tranh cứ triền miên ngày này qua tháng khác khiến cho đời sống nhân dân vô cùng cực khổ, loạn lạc. Trong cái xã hội ấy, đạo đức của con người cũng suy đồi đến cùng cực. Lũ trẻ con không được học hành, cũng chẳng được ai dạy dỗ, chúng ngang nhiên kéo đến “cắp tranh”. Chúng khinh nhà thơ “già yếu”, trơ tráo trước tiếng kêu than đến “môi khô miệng cháy” của tác giả. Sau thiên tai tàn phá, gia đình Đỗ Phủ lại gặp nạn “đạo tặc”. Đó chính là sản phẩm của một xã hội trên đà suy thoái. Xã hội đảo điên, người với người sống với nhau không còn tình nghĩa. Nhà thơ vô cùng đau đớn, xót xa, nhìn đời, nhìn người mà lòng căm phẫn, muốn thét lên mà không nói thành lời. Ngôi nhà tranh ấy đã bị phá tan mà trời thì vẫn mưa rả rích. Đoạn thơ tiếp theo nói lên một hiện thực đau lòng và khốn khổ của nhà thơ trong đêm mưa buồn đến não lòng ấy:


“Mền vải lâu năm lạnh tựa sắt

…Dày hạt mưa, mưa mưa chẳng dứt”


Thương thân mình thì ít mà thương cho vợ con thật nhiều. Nhà dột, chăn mền ướt, con thơ lại đạp nát thêm chăn, trời thì mưa lạnh,… cảnh tượng bi đát khốn cùng. Nỗi đau như dồn nén lại thành một khối, trút xuống con người bất hạnh, đâu khổ gần như là cả cuộc đời. Mưa vẫn mãi không dừng, đêm như dài hơn với nỗi buồn thương dai dẳng.


“Từ trải cơn loạn ít ngủ nghê

Đêm dài ướt át sao cho trót”


Lòng tác giả như quặn đau khi nhìn cảnh vợ con co ro trong đêm mưa rét. Cái nghèo, cái đói cứ đeo đẳng mãi. Đó chính là sự cùng cực của một gia đình tàn tạ trong cảnh loạn lạc thời bấy giờ. Những trong đêm mưa rét mất ngủ ấy, ta vẫn thấy ngời sáng lên tấm lòng cao cả của nhà thơ khi mà ông vẫn tin yêu cuộc sống, vẫn lo cho đời, cho nước, cho dân:


“Ước được nhà rộng muôn ngàn gian

…Riêng lều ta nát, ta chịu được!”


Một ước mong thật vĩ đại của một trái tim ấm áp yêu thương. Ông mong có một ngôi nhà rộng “trăm ngàn gian” để che chở cho cả thiên hạ chứ không ước mong riêng gì cho vợ con, gia đình ông bởi vì ông biết rằng ngoài kia còn có bao nhiêu cảnh đời cũng đang lâm vào cảnh khốn cùng như gia đình của ông bây giờ. Một tấm lòng nhân hậu, một trái tim ấm nóng yêu thương.


“Bài ca nhà tranh bị gió thu phá” đã cho chúng ta thấy tấm lòng của một con người đã từng trải qua nhiều bất hạnh trong thời loạn lạc. Đỗ Phủ luôn mong muốn và khao khát hạnh phúc cho nước, cho nhân dân. Một tấm lòng cao cả, vì nước, vì dân mà quên đi bản thân mình.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy