Bài văn phân tích nhân vật Cám trong truyện "Tấm Cám" số 6

Truyện cổ tích Tấm Cám đã đi vào tiềm thức bao bạn nhỏ hình ảnh thân thương về người con gái với cái tên rất trìu mến, thân thương: cô Tấm. Nếu như Tấm mang đến cho người đọc bài học về đức tính hiền lành, nết na, nhân hậu thì Cám lại là lời tố cáo cho những kẻ sống ích kỷ, độc đoán đố kị.


Câu truyện kể về gia đình Tấm sau khi bố chết, Tấm ở với mẹ con dì ghẻ và Cám. Hết lần này đến lần khác Tấm bị họ hãm hại, ám sát. Nhưng sau tất cả, ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác, Tấm được hưởng cuộc sống hạnh phúc bên nhà vua, còn mẹ con Cám phải chịu cái chết thương tâm cho những gì mình đã gây ra.


Cám Tấm là hai chị em cùng cha khác mẹ. Bố mất, nhưng Cám may mắn hơn Tấm vì còn có mẹ. Nhưng đáng tiếc người mẹ ấy lại ác độc, tham lam nên đương nhiên bà cũng truyền dạy những tính cách ấy cho con mình. Khi ra đồng bắt cá tranh phần thưởng, Cám mải chơi, lọc lừa chị để lấy hết phần cá của chị mang về nhà trước nhận thưởng, khiến Tấm đau khổ khóc lóc.


May mắn trong giỏ của Tấm còn xót lại một con cá Bống, nghe lời Bụt, Tấm đem về nhà thả xuống giếng nuôi. Nhưng Cám lại cùng mẹ bắt Bống giết thịt. Lại một lần nữa Cám khiến chị phải khóc.


Ít lâu sau, nhà vua mở hội kén vợ. Cám được mẹ nuông chiều, lấy hết quần áo đẹp đi chơi, còn bắt Tấm phải nhặt hết thóc và lúa rồi mới được đi. Nhưng đồng hành với cô Tấm hiền lành, tội nghiệp luôn có ông Bụt đầy quyền năng và phép lạ. Còn người đồng hành với Cám lại là mụ dì ghẻ ác độc, xấu xa. Có thể thấy cuộc đời Tấm tuy thiệt thòi hơn Cám nhưng thực chất lại may mắn hơn Cám.


Với sự hậu thuẫn của Bụt, Tấm được kén làm vợ vua. Mẹ con Cám ganh tị, hết lần này đến lần khác, Cám nghe lời mẹ giết hại chị. Dù sao cũng là cùng một cha, nhưng dường như giữa hai chị em không có một chút tình thân nào. Cám sống theo sự thuần hóa của mẹ, trở thành kẻ ác độc, vô tâm. Chị chết, Cám vào cung thay chị làm vợ vua.


Nhưng tác giả cổ tích đâu để mọi chuyện kết thúc dễ dàng như vậy. Trong khi họ luôn tin rằng cái thiện ắt sẽ chiến thắng cái ác. Cái thiện là bất diệt. Tấm chết hóa thành chim vàng anh bay về quẩn quanh bên chồng. Cám lại về mách mẹ tìm cách giết vàng anh. Vàng anh chết, chỗ cám vứt lông mọc lên hai cây xoan đào. Duyên phận và sự bất diệt của cái thiện đã đưa vua đến bên gốc cây, gắn bó với cây như một người bạn thân thiết.


Thấy vậy, Cám lại về bàn với mẹ chặt hai cây xoan đi làm khung cửi. Lần này, Tấm mạnh mẽ hơn khi chửi thẳng vào mặt Cám:


Kẽo ca kẽo kẹt
Lấy tranh chồng chị
Chị khoét mắt ra


Cám tuy sợ nhưng vẫn quyết tâm tiêu diệt Tấm đến cùng. Cám đốt khung cửi vứt tro ra thật xa. Những tưởng làm vậy Tấm sẽ không còn tồn tại nữa, nhưng tại chỗ đó lại mọc lên cây thị. Điều lạ lùng trên cây chỉ có duy nhất một quả. Bà lão đi qua thấy thị thơm bèn hái về để trong nhà. Ít lâu sau, bà phát hiện nàng Tấm trong đó, bà xé toang vỏ thị để Tấm ngày ngày sống với bà như hai mẹ con.


Nhà vua đi qua ghé vào chơi, nhận ra vợ mình, đưa về cung. Lần này, Tấm trở lại bằng xương bằng thịt của một con người thực sự. Điều đó càng làm mẹ con nhà Cám nổi lòng ganh ghét. Từ ganh gét đi đến sự mù quáng, ngu dốt, họ nghe theo lời Tấm đào hố đổ nước sôi vào để được xinh đẹp như Tấm.


Cám chết. Câu chuyện kết thúc nhưng bài học về lối sống ích kỷ vẫn còn mãi trong thông điệp mà tác giả dân gian muốn gửi gắm tới thế hệ sau. Cám vừa đáng thương vừa đáng giận. Đáng thương vì Cám là kết quả của một người mẹ ích kỷ, độc đoán. Nhưng lại đáng giận vì Cám không phân biệt được phải trái, đúng sai, luôn thuận lòng làm theo tất cả những tội ác mẹ bày ra.


Có ý kiến cho rằng, Cám đáng thương hơn Tấm. Vì cả hai đều mất cha. Cám tuy còn mẹ nhưng người mẹ ấy lại độc ác, tham lam, biến Cám trở thành công cụ của bà ta cho những mưu mô xảo trá của mình. Còn Tấm tuy không còn mẹ, nhưng đồng hành với Tấm luôn là bậc thần tiên hiền lành, đầy phép lạ.


Mụ dì ghẻ luôn đứng về phía con mình, chở che cho con nhưng cách làm của bà đã biến Cám thành kẻ sát nhân. Còn Tấm không có tình thương của mẹ, không được vòng tay mẹ bao bọc như Cám, nhưng mụ dì ghẻ kia làm sao có thể sánh với ông Bụt của cõi trời?


Nếu Cám một lần được gặp Bụt, liệu rằng Cám có tỉnh ngộ và không phải nhận lấy bi kịch đau thương như ở cuối truyện? Nếu cám là nạn nhân của lòng ích kỷ, của sự tham lam từ người mẹ, tại sao không cho Cám một cơ hội làm lại từ đầu? Và chỉ trừng phạt mụ dì ghẻ vì mụ mới chính là kẻ chủ mưu trong tất cả mọi kế hoạch hãm hại Tấm.


Nhưng trong quan niệm dân gian, cái ác luôn bị diệt trừ tận gốc. Những điều mẹ con Cám làm ắt phải nhận lấy hậu quả thích đáng. Còn Tấm vốn tính hiền lành, nết na nên tất nhiên được hưởng phúc dù có phải trải qua nhiều lần chất dưới tay Cám.


Dù sao đi nữa, qua nhân vật Cám, người đọc cũng thấm thía bài học về lòng nhân đức ở đời. Sống không nên tham lam, ích kỷ và độc đoán. Hãy sống yêu thương, chan hòa và đùm bọc lẫn nhau. Người dưng nước lã còn có thể cho nhau miếng ăn lúc khó khăn, huống chi người thân trong gia đình cùng gọi chung một người là cha.

Bài văn phân tích nhân vật Cám trong truyện
Bài văn phân tích nhân vật Cám trong truyện "Tấm Cám" số 6
Bài văn phân tích nhân vật Cám trong truyện
Bài văn phân tích nhân vật Cám trong truyện "Tấm Cám" số 6

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy