Bài văn phân tích khổ thơ cuối bài thơ "Tràng giang" số 1

Huy Cận là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ mới. Thơ ông chịu ảnh hưởng của thơ Đường, thơ Pháp, giọng thơ ảo não. Thơ Huy Cận trước cách mạng tháng 8 thường mang tâm trạng buồn, u uất. Đó cũng là một tâm trạng chung của cả thế hệ một dân tộc.


Bài thơ "Tràng giang" được trích từ tập "Lửa Thiêng" thể hiện một nỗi buồn cô đơn, một nỗi buồn nhớ nhà, nhớ quê hương trong cảnh hoàng hôn trước tràng giang. Khổ thơ cuối là nỗi nhớ trào dâng của tác giả, một nỗi nhớ quê hương da diết khi đứng trước hoàng hôn, nơi sông dài trời rộng:


"Lớp lớp mây cao đùn núi bạc....

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà"


Đây là khổ thơ kết tinh của làng quê "dợn dợn vời con nước" của Huy Cận, của một tấm lòng sâu lắng thiết tha với quê hương, đất nước. Hai câu đầu là một bức tranh nhiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ:


"Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa"


Cách cảm nhận của nhà thơ hết sức tinh tế tạo nên những nét vẽ hoành tráng của thiên nhiên buổi chiều: "lớp lớp mây" chồng xếp lên nhau thành núi mây trắng trông như được dát bạc. Từ "đùn" rất giàu giá trị tạo hình gợi nhớ đến hai câu thơ của Đỗ Phủ:


"Lưng trời sóng gợn lòng sông thẳm

Mặt đất mây đùn cửa ải xa"


Một cánh chim nhỏ xuất hiện trong câu thơ gợi ấn tượng về sự cô đơn, bơ vơ, nhỏ nhoi đến tội nghiệp khiến cho không gian càng thêm rộng lớn. Một cách cảm nhận vừa gần gũi, vừa tinh tế. Hình ảnh bóng chiều như thu lại sa xuống từ cánh chim:


"Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa"


Trước không gian vô tận ấy, tâm trạng nhà thơ là nỗi nhớ nhà:


"Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà"


Tư thế ấy có khiến ta liên tưởng đến Lý Bạch:"Cửa đầu vọng minh nguyệt - Đê đầu tư cố hương"? Âm hưởng hai câu thơ Đường thi tuyệt tác của Thôi Hiệu phảng phất ở đây:


Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu.


Thế nhưng Thôi Hiệu phải có "khói sóng" mới "buồn lòng ai". Còn nhà thơ của chúng ta "không khói hoàng hôn" mà "lòng quê" vẫn "dợn dợn vời con nước"! Từ láy "dợn dợn" và từ "vời" khiến nỗi buồn triền miên, xa xôi, dàn trải mãi đến vô tận, đến khôn cùng! Chỉ với 4 câu thơ ngắn gọn, Huy Cận đã trải lòng mình trên từng trang thơ để thể hiện tình yêu quê hương , đất nước tha thiết.


Huy Cận vốn là một trong những nhà thơ nổi tiếng của phong trào thơ mới. Thơ ông vốn đặc biệt vì trong hồn thơ luôn ẩn chứa một nét hoài cổ buồn và sầu. Đặc biệt là bài thơ Tràng Giang với khổ thơ thứ tư đã cho ta thấy rõ điều đó. Đó là một khổ thơ rất đẹp trong bài, tuy mang một chút buồn. Một vẻ đẹp của một buổi chiều trên sông nước, gợi một nỗi buồn sầu nhân thế:


Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa


Đây là một bức tranh thiên nhiên tả cảnh buổi chiều, rất sinh động. Đọc câu thơ đầu, ta tự hỏi. Phải chăng đây còn là câu thơ nổi bật một nỗi sầu trong thi sĩ, nỗi sầu này đang dâng lên trùng trùng lớp lớp, như dồn nén và ứ đọng lại trong mảnh hồn của thi nhân, đến tràn ngập cả bầu trời. Đặc biệt trong thơ Huy Cận luôn ẩn chứa những hình ảnh cánh chim, một trong những hình ảnh thường xuất hiện trong thơ ca cổ. Nét cổ điển một cánh chim nhỏ chấm phá trên nền trời khi chiều bắt đầu buông, thể hiện rõ nét sự nhỏ bé, đơn côi trong lòng thi sĩ và càng khiến bài thơ trở nên mông lung, vắng lặng, buồn hiu hơn nữa.


Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà


Đây là hai câu thơ đã diễn tả được hết nỗi nhớ quê hương và tình yêu với tổ quốc trong lòng thi sĩ. Thơ Huy Cận mang nặng ý vị cổ điển là đây. Trời rộng, sông dài, một người đứng đơn côi giữa mênh mông rộng lớn, khiến ta liên tưởng một ý thơ toát ra từ thơ Đường:


Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai


Người xưa nhìn sóng trên sông nên nỗi nhớ nhà càng thấm thía. Thì Huy Cận không cần điều đó, cái hồn sầu trong lòng đã như ngấm vào máu, thấm vào từng tế bào của nhà thơ mất rồi. Thể hiện một sự mến thương cao độ, một tấm lòng yêu nước thiết tha của Huy Cận, và còn thường trực hơn nhiều. Và đây cũng là một nét tâm trạng của thanh niên tiểu tư sản lúc bấy giờ.


Tố Hữu đã nói “sống giữa quê hương mà bơ vơ như kiếp đi đày” quả thực nói rất đúng về tâm trạng thanh niên nói chung và tâm trạng riêng của Huy Cận trong khổ thơ này. Và càng cho ta hiểu nỗi buồn thấm thía của một thời đất nước ta lúc bấy giờ.


Là khổ thơ xuất sắc nhất trong tác phẩm, và cũng là khổ thơ thể hiện rõ nhất nét tâm trạng của một chàng trai trí thức tiểu tư sản lúc bấy giờ. Thế mới hiểu vì sao người ta nói Huy Cận là cái mảnh hồn thiêng sông núi, và là nỗi sầu của nhân thế. Nhờ kết hợp những biện pháp nghệ thuật tài hoa đã làm nổi bật giá trị nội dung, tư tưởng của một phong cách thơ mới tài năng. Và Huy Cận mãi về sau khi nhắc đến vẫn sẽ luôn là một mảnh hồn không thể tách rời với văn học Việt Nam.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy