Bài văn phân tích bài thơ Theo chân Bác của Tố Hữu số 2

Bác Hồ-“một tâm hồn vĩ đại”; đồng thời là một con người “mong manh áo vải”, nhưng “hồn muôn trượng”, luôn “nâng niu tất cả chỉ quên mình”.


Cuộc đời của Người giản dị là vậy, nhưng tình thương yêu của Người đối với đồng bào, Tổ quốc thì vô bờ bến: “Ôi lòng Bác vậy, cứ thương ta/ Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa/ Chỉ biết quên mình, cho hết thảy/ Như dòng sông chảy, nặng phù sa” (thơ Tố Hữu).


Là người trọn đời lo cho dân, cho nước, Bác Hồ đã để lại cho các thế hệ mai sau nhiều bài học quý giá. Di chúc của Bác được Trung ương Đảng công bố năm 1969 là một áng văn mẫu mực, đồng thời cũng để chúng ta hiểu thêm chiều sâu tâm hồn vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc. Chính vì vậy mà bài thơ Theo chân Bác đã khắc họa nên điều đó rất rõ.


Suốt cả cuộc đời của mình, Người sống vô cùng giản dị, khiêm nhường, như những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Như đỉnh non cao tự giấu mình/ Trong rừng xanh lá, ghét hư vinh”, “Nhà gác đơn sơ, một góc vườn/ Gỗ thường mộc mạc, chẳng mùi sơn/ Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối/ Tủ nhỏ, vừa treo mấy áo sờn”.


Là người có may mắn được sống gần Bác nhiều năm, trong nhiều thời kỳ, nhà thơ Tố Hữu đã có nhiều bài viết, bài thơ rất hay và xúc động về Bác. Với riêng bản Di chúc của Bác, ông đã đọc và cảm nhận một cách sâu sắc.


Nếu Bác ơi là tiếng nấc nghẹn ngào: “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…” những ngày đầu tháng 9-1969, thì bài thơ Theo chân Bác được Tố Hữu viết năm 1970 tựa như cuốn nhật ký về cuộc đời Bác, lưu lại trong đó những gì đơn sơ nhất, thân thương nhất từng gắn bó với Bác thời ấu thơ:


“Tôi trở về quê Bác, làng Sen

Ơi hoa sen đẹp của bùn đen

Làng quen như thể quê chung vậy

Mấy dãy ao chua, mảnh đất phèn”…


đến lúc Bác “Vào cuộc trường sinh nhẹ cánh bay” tại Hà Nội:


“Tháng năm ơi có thể nào quên

Hàng bóng cờ tang thắt dải đen

Rủ giữa lòng đau. Ta nhớ mãi

Cuộc đời như ngọn lửa đầu tiên…”.


Viết về việc tang, viết về những chia ly, nhưng với Tố Hữu không hề bi lụy. Ông coi việc Bác đi xa như mọi lần Người đi vắng, đi công tác:


“Tôi viết bài thơ mừng thọ Bác

Năm nay vừa tuổi tám mươi tròn

Chắc như thường lệ. Người đi vắng

Để mọi lời ca tặng nước non”.


Ông nghĩ Bác mãi còn, Bác sống mãi: “Xin nhớ từ đây, nhớ lại ngày/ Bác Hồ từ giã cõi Hôm nay/ Bảy mươi chín tuổi xuân trong sáng/ Vào cuộc trường sinh, nhẹ cánh bay…”.


Bác ra đi thật nhẹ nhàng, thanh thản như một ông tiên và:


“Như thế, Người đi… Phút cuối cùng

Nhẹ nhàng, thanh tịnh, rất ung dung

Lời Di chúc gửi, êm bên gối

Quên nỗi mình đau, để nhớ chung”.


…Và hình ảnh Bác mãi còn với những người nông dân, công nhân, bộ đội; với đất trời, cỏ hoa nước Việt. Trong bài thơ Theo chân Bác, Bác còn mãi “như dòng sông chảy, nặng phù sa”: “Bác vẫn đi kia… giữa cánh đồng

Thăm từng ruộng lúa, hỏi từng bông

Ghé từng hợp tác, qua thôn xóm

Xem mấy trường tươi, mấy giếng trong…

Bác vẫn về kia… Những sớm trưa

Hỏi lò than, xưởng máy, giàn tơ

Hỏi anh hỏi chị công nhân ấy

Vàng ngọc thi đua được mấy giờ?”.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy