Bài văn nghị luận về khát vọng và tham vọng của con người số 6

Là con người, ai cũng có khát vọng. Chính khát vọng đã tạo ra nguồn sức mạnh sinh tồn, đưa con người từ đời sống phụ thuộc vào thiên nhiên tiến lên làm chủ thế giới. Song song với khát vọng là tham vọng, một biểu hiện tiêu cực ham muốn của con người.


Khát vọng là mong muốn, là khao kháy thiết tha sẽ làm được, đạt được những điều lớn lao, tốt đẹp. Hướng tới khát vọng là hướng tới những điều tốt đẹp cho bản thân và cho cộng đồng. Người sống có khát vọng là người có lý tưởng, ước mơ, hoài bão lớn lao, ý chí mãnh liệt, luôn mong muốn và sẵn sàng làm những điều tốt đẹp cho mọi người, cho cộng đồng, không tư lợi cá nhân. Sống có khát vọng là một lối sống tốt đẹp, đúng đắn bởi giá trị của nó hướng đến cái chung và làm động lực để con người ta sống tốt và có ích hơn.


Tham vọng là lòng ham muốn quá mức, mong ước quá lớn, vượt xa khả năng thực tế của con người, khó có thể đạt được. Tham vọng đôi khi chỉ gắn với dục vọng cá nhân. Người có tham vọng luôn xem bản thân mình là trung tâm, sẵn sàng làm mọi việc để đạt được mục đích, bất chấp hậu quả… Khát vọng và tham vọng có điểm chung đó là đều thể hiện mong muốn của con người vượt lên trên những giới hạn của bản thân và hiện thực. Dù lằn ranh giữa chúng thật mong manh, nhưng tác động của hai tính cách trên đến cuộc sống rất khác biệt: Nếu khát vọng mang đến những giá trị tốt đẹp, đóng góp cụ thể cho cộng đồng, thì tham vọng lại mang đến những hậu quả khôn lường.


Sống có khát vọng sẽ giúp chúng ta xác định được những mục tiêu tích cực và có động lực mạnh mẽ để vươn tới những mục tiêu đó, từ đó ta có thể khẳng định giá trị bản thân và có một cuộc sống có ý nghĩa. Khi sống có khát vọng, ta sẽ có sức mạnh để vượt qua nghịch cảnh và tìm thấy hạnh phúc. Khát vọng còn là động lực thúc đẩy chúng ta tiến lên, cho dù trên con đường đời bạn có vấp ngã, nhiều lần muốn bỏ cuộc thì khát vọng sẽ là liều thuốc nâng bạn đứng dậy, không để bạn chùn bước mà tiếp tục bước đi chinh phục những hoài bão to lớn. Chỉ cần khát vọng đủ lớn và ý chí quyết tâm cao độ thì thành công sẽ mỉm cười với bạn một ngày không xa.


Khát vọng tạo động lực thúc đẩy con người không ngừng nỗ lực biến những ước mơ trở thành hiện thực. Thầy Nguyễn Ngọc Kí hay Nick Vujick chính là những tấm gương điển hình đáng để chúng ta ngưỡng mộ. Dù sinh ra đã không hoàn hảo, nhưng với nghị lực phi thường và khát vọng mãnh liệt, họ đã không đầu hàng trước số phận, quyết tâm vượt qua nghịch cảnh, đạt đến ước mơ. Khát vọng chiến thắng của những con người như thế có sức mạnh truyền cảm hứng, lan tỏa ngọn lửa của khát vọng đến bao người. Những khát vọng lớn lao có vai trò giúp con người nhận thức rõ về bản thân, những thế mạnh và hạn chế ở chính mình, từ đó ta biết cách điều chỉnh để làm chủ bản thân. Sống có khát vọng, ta sẽ sẵn sàng cống hiến, sống hết mình vì cộng đồng, chung tay góp sức làm cho thế giới tốt đẹp hơn.


Sống có khát vọng là một lối sống đẹp, đáng trân trọng nhưng đừng để chúng ta lạc vào cách sống của người đầy tham vọng Tham vọng (sự tham lam) cũng chẳng gì khát vọng (sự khao khát) nhưng được biểu hiện ở một khía cạnh khác. Khi sự tham vọng xuất hiện mà bạn không làm chủ được nó, nghĩa là bạn đang tiếp tay cách sống ích kỉ, bất chấp tất cả để đạt được mục đích cuối cùng. Đừng để ước mơ của bạn bị đánh cắp bởi suy nghĩ lệch lạc. Kết quả mà tham vọng mang đến đó là một cuộc sống vô vị, tẻ nhạt, những điều bạn làm đều trở nên vô nghĩa, mang đến những tổn hại cho mọi người xung quanh và chính bản thân bạn. Vì bị mờ mắt trước những cám dỗ, tham vọng trỗi dậy khiến rất nhiều người đã bất chấp đúng sai, suy nghĩ trở nên xấu xa và làm những điều trái đạo đức, lương tâm, thậm chí lao vào con đường phạm pháp,…


Tham vọng chi phối nhu cầu của con người từ những sự việc thường nhật. Chẳng hạn như học sinh vì muốn có thành tích không đúng với năng lực mà gian lận trong thi cử; doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vì tham vọng làm giàu mà gắn chíp gian lận tiền của khách… Có những tham vọng gây ra những sự việc tai hại. Vì tham vọng nắm giữ sức mạnh hạt nhân mà nhiều nước đã chạy đua vũ trang, đặt trái đất trên một kho thuốc nổ khổng lồ. Vì tham vọng ngự trị sức mạnh thiên nhiên mà một vài quốc gia đã xây dựng những công trình thủy điện có sức chứa khổng lồ, làm thay đổi hệ sinh thái trên diện rộng. Ở quy mô quốc tế, sự tham vọng của một quốc gia cũng gây nên những căng thẳng, đe dọa an ninh, trật tự: tham vọng bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông đang khiến tình hình ở khu vực này trở nên căng thẳng, đe dọa trực tiếp đến sự bình an của nhân dân các nước.


Do bất chấp hậu quả để đạt được điều mình mong muốn cho nên kẻ tham vọng có thể làm hại đến người khác, nó khiến cuộc sống con người trở nên bất an và gây ra bất hạnh cho mọi người. Tham vọng sẽ gieo rắc sự sợ hãi và sự căm thù, nó làm tan rã mối quan hệ giữa người với người, giữa các quốc gia với nhau, tạo ra một cuộc sống căng thẳng và bất an. Con người đi từ tham vọng này tới tham vọng khác: đầu tiên, họ tìm cách bảo vệ mình khỏi bị tấn công, và rồi họ tấn công kẻ khác. Kẻ có quá nhiều tham vọng sẽ đánh mất chính mình và tự gây hại cho bản thân. Trung Quốc với tham vọng thổi phồng nền kinh tế đang phải trả giá bởi sự ô nhiễm môi trường nặng nề, khói mù mịt thủ đô Bắc Kinh khiến người dân không thể ra đường.


Tham vọng không tự nhiên mà có, nó do chính con người tạo ra. Ở mức độ cá nhân, tham vọng dẫn đến sự ích kỉ, do bản tính hiếu thắng của con người nên bất chấp hậu quả làm những việc trái với đạo đức. Ở mức độ quốc gia, tham vọng xuất phát từ tư tưởng bá quyền và chủ nghĩa cực đoan dân tộc, luôn cho rằng quyền lợi của dân tộc mình là trên hết và sẵn sàng chà đạp lên quyền lợi các quốc gia khác. Để chống lại tham vọng và tăng cường khát vọng, điều quan trọng là mọi người cần phải biết tự ý thức, kiềm chế bản thân, luôn tỉnh táo nhận ra các ranh giới của cuộc sống; cần phải gắn lợi ích của mình hài hòa với lợi ích của người khác và cần sáng suốt theo đuổi những mục tiêu khả thi, không quá xa tầm với.


Khát vọng và tham vọng đều thể hiện bản chất của con người: luôn ngưỡng vọng những gì cao đẹp hơn. Nếu ta biết tỉnh táo nhận thức, ta sẽ có khát vọng để cống hiến, để sống thật ý nghĩa. Nhưng nếu ta mù quáng và để sự ích kỉ, lòng tham, sự hiếu thắng che mắt, khát vọng của ta sẽ tha hóa thành tham vọng, và như vậy hậu quả thật khôn lường. Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người có quá nhiều tham vọng. Họ xây dựng nhưng ước mơ, lý tưởng vượt quá khả năng của mình, thậm chí là ảo tưởng, không chịu lắng nghe lời khuyên của người khác, cuối cùng sụp đổ tan tành. Những người như thế thật đáng chê trách. Là học sinh, phải có khát vọng trong học tập, khát vọng thành công, sống có ước mơ, hoài bão lớn lao. Để làm được điều đó, không có gì quan trọng hơn là nỗ lực học tập thật tốt, chăm chỉ rèn luyện bản thân, mai này đem sức mình xây dựng quê hương, đất nước.


Khát vọng và tham vọng chính là hai biểu hiện tốt và xấu của sự khát khao có ở con người. Khát vọng mãnh liệt sẽ hình thành ý chí. Ý chí sẽ hình thành hành động. Hành động sẽ hình thành vận mệnh. Còn tham vọng là cái hố không đáy làm kiệt sức con người trong nỗ lực bất tận tìm cách thỏa mãn nhu cầu mà không bao giờ chạm tới được sự thỏa mãn. Bởi thế, biết xác định giới hạn của ham muốn, hướng nó vào mục tiêu tốt đẹp và kiên cường hành động, bạn mới có thể tạo ra thành công. Và ngược lại, dù có khát vọng mãnh liệt đến thế nào, nếu bạn đi nhầm đường, nhất định sẽ dẫn đến kết cục đáng buồn.

Bài văn nghị luận về khát vọng và tham vọng của con người số 6
Bài văn nghị luận về khát vọng và tham vọng của con người số 6
Bài văn nghị luận về khát vọng và tham vọng của con người số 6
Bài văn nghị luận về khát vọng và tham vọng của con người số 6

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy