Bài văn nghị luận số 5

Đại văn hào Nga M. Gorki từng nói: "Văn học là nhân học". Học tập và tìm hiểu giá trị văn chương đích thực là chúng ta đang học làm người. Cái đẹp nhất làm nên giá trị cao nhất của con người chính là tấm lòng yêu thương và lòng nhân ái, nhân đạo. Văn chương của dân tộc nào cũng đề cao lẽ sống yêu thương và căm thù bọn bất nhân chà đạp lên quyền sống của con người. Và văn học dân tộc Việt Nam đã luôn ca ngợi những ai biết "thương người như thể thương thân" và nghiêm khắc phê bình những kẻ thờ ơ, dửng dưng trước người gặp hoạn nạn.


Từ xa xưa những đạo lý truyền thống của dân tộc đã được kết tinh với hội tụ ở các tác phẩm văn học. Và văn học chính là tác phẩm sử dụng ngôn từ để thể hiện cuộc sống. Các nhà văn, nhà thơ thông qua những tác phẩm của mình để gửi gắm những tư tưởng, bài học, đạo lý tốt đẹp mà một trong số đó chính là tình yêu thương con người. Tình thương người là một trong những đức tính của con người xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim con người, không mưu toan, vụ lợi, đó là sự sẻ chia, đồng cảm cho những số phận đau khổ hay hoàn cảnh éo le cả về vật chất và tinh thần. Tình yêu thương trong văn học được sử dụng phong phú sinh động.


Nói văn học luôn ca ngợi lòng nhân ái và tình yêu thương giữa người với người quả không sai. Từ xa xưa tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng được nói nhiều trong văn học. Hình ảnh chú bé Hồng trong "Những ngày thơ ấu" đã cho chúng ta thấy rằng tình mẫu tử là nguồn thiêng liêng và kỳ diệu, là sợi dây bền chặt không thể chia cắt được. Cha mất sớm, mẹ phải đi tha phương cầu thực, em phải sống trong cảnh mồ côi, chịu cảnh hành hạ của bà cô, ấy vậy mà em rất yêu thương và kính trọng mẹ. Không để những rắp tâm tanh bẩn của bà cô làm nhu mờ, Hồng đã bảo vệ mẹ bằng một trái tim nồng ấm, khao khát yêu thương. Ngoài tình mẫu tử, trong tình cảm gia đình còn cho ta thấy một tình cảm vô cùng đẹp đẽ không kém - tình vợ chồng. Chị Dậu trong "Tắt đèn" trong cơn nguy biến vẫn ân cần chăm sóc chồng, dành cho anh Dậu những cử chỉ yêu thương. Sự quan tâm, chăm sóc của chị như hơi ấm làm hồi sinh nguồn sống tưởng như đã gục đi trong anh Dậu. Và chị Dậu còn liều mình đánh lại tên cai lệ và người nhà lí trưởng để bảo vệ anh Dậu khỏi những đòn roi vọt. Đọc "Cuộc chia tay của những con búp bê", ta cũng rưng rưng trước tình anh em của Thành và Thuỷ. Trước khi chia tay, Thủy đã đặt con Em Nhỏ cạnh con Vệ Sĩ và nói với Thành không được để chúng xa lìa nhau. Có lẽ đó cũng chính là hiện thân của tình anh em thắm thiết, ngọt ngào.


Cao hơn thế, văn học dân tộc cũng đã phản ánh tình cảm quân dân gắn bó thân thiết. Đó là mối quan hệ gần gũi gắn bó giữa Trần Quốc Tuấn với các tướng sĩ dưới quyền như tình phụ tử, huynh đệ. Mối quan hệ đó là sự yêu thương sâu nặng, bao dung, chia sẻ không phân biệt chủ tướng và tì tướng. Với Nguyễn Trãi, tình quân dân là niềm tin chiến thắng:


"Tướng sĩ một lòng phụ tửHòa nước sông chén rượu ngọt ngào"

Còn Tố Hữu là tình đồng đội mộc mạc, chân thành:

"Thương nhau chia củ sắn lùiBát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng".


Từ tình yêu thương con người, tình đoàn kết giữa các quân sĩ, đồng đội đã trở thành một cái tình lớn hơn: tình yêu quê hương đất nước. Như vậy văn học dân tộc đã hình thành và bồi dưỡng cho con người những tình cảm, đạo lí, lẽ sống tốt đẹp.


Song bên cạnh bài ca ngợi những con người "thương người như thể thương thân", văn học dân tộc cũng nghiêm khắc phê phán những kẻ ích kỷ, vô lương tâm. Đáng sợ hơn là những người cạn tình máu mủ, ruột rà. Điển hình tiêu biểu là nhân vật bà cô trong "Những ngày thơ ấu" - một người độc ác nham hiểm giết người không dao. Thay vì yêu thương, bù đắp cho những thiệt thòi mà đứa cháu ruột mình thì bà ta lại nói xấu mẹ bé Hồng trước mặt em. Nó đau và buốt như những nhát dao găm cào xước trái tim non nớt lúc nào cũng chực trào nước mắt của bé Hồng. Đồng thời sự phê phán ấy cũng là lời trách trời cao trước sự tàn ác bất nhân của giai cấp thống trị. Đó là tên cai lệ và người nhà lí trưởng trong "Tắt đèn" chỉ hung hăng, hống hách, thẳng tay đánh lại những người phụ nữ chân yếu tay mềm chị Dậu để chực xông ra và bắt trói anh Dậu đang như một cái xác không hồn. Đó lấy cái thái độ dửng dưng vô trách nhiệm của tên quan phụ mẫu trong "Sống chết mặc bay", trong cảnh nguy cấp con dân đang khẩn trương đắp đê thì quan phụ mẫu ung dung ngồi trong đình cao để đánh tổ tôm, không quan tâm đến nhân dân. Để rồi khi quan ù ván bài lớn cũng là lúc đê đã vỡ, nước ngập mênh mông, người sống không nơi ở, kẻ chết không nơi chôn.


Như vậy, văn học bồi dưỡng cho con người những tình cảm cao đẹp để chúng ta biết yêu thương, biết sẻ chia đối với những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Xã hội sẽ hơn đẹp hơn khi có những tấm lòng nhân ái. Đồng thời văn học không không ngần ngại chỉ ra lối sống ích kỷ, tàn nhẫn, vô cảm của người đời để từ đó chúng ta biết lên án, đấu tranh. Văn học đã gửi tặng để chúng ta một bức thông điệp kỳ diệu: hãy dâng tặng tình yêu thương cho mọi người, ta cũng lại được đón nhận nó.


Văn học và tình thương luôn đồng hành tạo nên giá trị đích thực cho tác phẩm đồng thời khiến cuộc sống con người trở nên phong phú và ý nghĩa hơn, giúp con người vươn tới chân - thiện - mỹ, hoàn thiện nhân cách mình. Và ở bất kỳ thời đại nào, giá trị văn chương lớn lao nhất vẫn là "gây cho ta những tình cảm ta không có luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có".

Hình minh họa
Hình minh họa
Hình minh họa
Hình minh họa

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy