Bài văn nghị luận số 1

Con người trong cuộc sống này muốn sống tốt thì ngoài vấn đề về tiền bạc ra còn một vấn đề nữa cần phải bận tâm đó chính là tình thương. Thật khó để ai đó có được một cuộc sống hạnh phúc nếu như họ sống thiếu đi tình yêu thương. Văn học lại là sự phản ánh cuộc sống thông qua câu chữ. Do vậy mà chúng ta vẫn thấy văn học đề cao tính nhân văn, giá trị nhân đạo, đề cao quyền sống và quyền được yêu thương của con người. Nói một cách dễ hiểu thì giữa văn học và tình thương có một sự đồng nhất.


Tình thương đó chính là thứ tình cảm xuất phát từ sự chân thành trong trái tim của con người. Nhờ có tình thương mà con người sống trong xã hội trở nên gắn kết với nhau hơn. Họ từ những con người xa lạ đã đồng cảm với nhau, thương mến nhau bởi một lý do nào đó mà đôi khi chính người trong cuộc cũng không rõ. Tình thương nói một cách rộng hơn đó chính là sự bác ái, là truyền thống lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Truyền thống tốt đẹp ấy đã có từ xa xưa và vẫn được con cháu ngàn đời sau lưu giữ.


Văn học của nước ta từ thời khởi thủy với văn hóa dân gian truyền miệng cũng đã truyền tai nhau những câu tục ngữ, ca dao nói về tình thương giữa con người với con người chẳng hạn như:


Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

Hay như câu:

Anh em như thể tay chân

Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần


Chẳng phải vô duyên vô cớ mà người xưa lại dạy chúng ta phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Trong truyền thuyết Con rồng cháu tiên, chúng ta được biết người Việt Nam vốn là anh em cùng một nhà do Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra. Đã là anh em một nhà thì việc yêu thương nhau là điều dễ hiểu. Rồi đến khi đất nước ta rơi vào cảnh lầm than, chiến tranh, đói khổ, biết bao con người đã rời xa quê hương của mình để lên đường ra chiến trận. Những chiến sĩ đã vào sinh ra tử, kề vai sát cánh bên nhau và trở thành những người đồng chí. Văn học đã ghi lại một cách chân thực tất cả những điều ấy.


Chúng ta có thể thấy được tình đồng chí quý báu thông qua bài thơ Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu. Có thể thấy được tình thương yêu giữa quân và dân thông qua bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu. Sống trong thời bình, chúng ta lại thấy tình thương giữa những người đồng mình thông qua bài thơ Nói với con của nhà thơ Y Phương, thấy được tình thương của anh em trong một nhà thông qua Cuộc chia tay của những con búp bê,… Và còn rất nhiều tình thương nữa vẫn được thể hiện trong văn chương qua mỗi tác phẩm.


Văn học không chỉ nói đến tình thương mà văn học còn phê phán xã hội, phê phán những kẻ đã nhẫn tâm chà đạp lên tình yêu thương của con người. Văn học của thời kì chống Mĩ, chống Pháp phê phán những kẻ xâm lược đã ngang nhiên cướp đi cuộc sống tự do của chúng ta. Chúng chà đạp con người, bắt những người thân phải xa cách nhau, giết hại biết bao nhiêu sinh mạng vô tội. Như trong tác phẩm Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, chúng ta đã thấy được tội ác của quân thù, đồng thời cũng thấy được ý chí sục sôi trong lòng người chủ tướng.


Văn học còn phê phán những kẻ thiếu tình thương với chính người thân yêu của mình. Có những con người sinh ra đã thiếu thốn tình thương của gia đình. Đó là Em bé bán diêm sống với người cha nghiện ngập suốt ngày chỉ biết đánh chửi em. Chính sự tàn nhẫn của người cha đã đẩy em bé bán diêm rơi vào bước đường cùng là chết trong cái giá lạnh của mùa đông. Văn học cũng phê phán những kẻ độc ác ngoài xã hội. Đó là vợ chồng Nghị Quế trong tác phẩm Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố, đó là những con người vô cảm khi dửng dưng với em bé bán diêm.


Đối với bản thân mình em luôn xem văn học là sợi dây gắn kết yêu thương. Đọc mỗi một tác phẩm, em đều cảm nhận được tình thương của tác giả gửi gắm trong đó. Em nhận ra được những giá trị nhân đạo cao đẹp thông qua các tác phẩm. Để rồi từ đó, em tự soi xét lại bản thân mình, tự hoàn thiện mình để trở thành con người sống có cảm xúc, có yêu thương.

Hình minh họa
Hình minh họa
Hình minh họa
Hình minh họa

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy