Bài tham khảo số 7

“Văn học là nhân học”, “Văn là người”,… những mệnh đề đã trở nên quen thuộc nhưng không phải lúc nào cũng thuyết phục bởi giữa con người văn chương và con người thế sự đời thường của nhà văn thường tồn tại những khoảng cách nhất định. Ấy vây, với nhà văn Thạch Lam, những điều ấy lại rất chuẩn xác. Nhà thơ Thế Lữ từng nhận xét: “Không có một sáng tác nào của Thạch Lam mà không có rất nhiều Thạch Lam trong đó”. Những tác phẩm của ông nhẹ nhàng mà tinh tế, bao chứa tình cảm lớn và tư tưởng lớn về con người và cuộc đời. Điều này được thể hiện rất rõ qua nhân vật mẹ Lê trong truyện ngắn “Nhà mẹ Lê”.

“Nhà mẹ Lê” nằm trong tập truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa”. Tác phẩm là câu chuyện về số phận những người dân ngụ cư mà trung tâm là mẹ Lê và mười một đứa con. Xuyên suốt tác phẩm, Thạch Lam kể về cuộc sống của gia đình mẹ Lê khi chuyển đến sống tại Đoàn Thôn từ những ngày vui sướng, yên ấm đến những ngày nghèo khổ, thiếu thốn nhất. Nhân vật chính mẹ Lê được tác giả khắc họa đầy đủ trên các khía cạnh: hoàn cảnh xuất thân, ngoại hình, tính cách và số phận.


Nhân vật mẹ Lê thật đặc biệt. Đặc biệt bởi Thạch Lam có hướng đi khác với những thành viên còn lại của Tự lực văn đoàn. Ông không chỉ viết về những người thuộc tầng lớp tiểu tư sản mà còn hướng ngòi bút vào những người lao động bình dân, chân lấm tay bùn. Mẹ Lê xuất thân là một người phụ nữ nông thôn. Chồng mất sớm, để lại một mình mẹ Lê nuôi mười một người con, trong đó đứa lớn mới có mười bảy tuổi và đứa bé nhất hãy còn bế trên tay. Đàn con nheo nhóc ấy khiến người dân Đoàn Thôn phải giật mình chú ý khi thấy bác ta. Nghèo lại đông con, mẹ Lê vắt kiệt bản thân mình để chăm lo cho gia đình nhỏ. Những chi tiết ấy cho thấy sự lạc hậu, nghèo khổ cùng hạn chế trong nhận thức của những người dân quê lúc bấy giờ. Không chỉ nghèo, bác ta còn đèo bòng thêm cái phận “dân ngụ cư” rẻ rúng, phải làm thuê để kiếm sống. “Từ buổi sáng tinh sương, mùa nực cũng như mùa rét, bác ta đã phải trở dậy để đi làm mướn cho những người trong làng”. Gia tài của mẹ Lê chỉ là căn nhà lá, trong nhà có mỗi một chiếc giường nan gãy nát. “Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét như thịt con trâu chết. Bác Lê ôm lấy con trong ổ rơm, để mong lấy cái ấm của mình ấp ủ cho nó.” Ngôi nhà là tổ ấm của con người, là nơi che mưa che nắng. Ấy thế mà mái nhà của bác lại chỉ được ví với ổ rơm. Hình ảnh người đàn bà hiện lên cô độc, vất vả quá đỗi khiến người đọc không khỏi cảm thương. Thân phận con người sao mà đáng thương, nhỏ nhoi, bạc bẽo đến thế!


Ngoại hình của mẹ Lê càng tô đậm vẻ khắc khổ của nhân vật này. Mẹ Lê “có ngoại hình chắc chắn và thấp bé, da mặt và chân tay nhăn nheo như một quả trám khô.”. Đó là dung mạo của một người đã quen lao động, dù thân thể nhỏ bé nhưng cáng đáng được nhiều việc cực nhọc. Cuộc sống khó khăn cùng đàn con đã khiến người phụ nữ “nhăn nheo như một quả trám khô”, đen đúa và gầy còm. Hình ảnh mẹ Lê khiến ta liên tưởng đến thân cò trong câu ca dao xưa:

“Cái cò là cái cò con

Mẹ đi xúc tép, để con ở nhà”

“Nước non lận đận một mình

Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay”


Với hoàn cảnh xuất thân và ngoại hình như vậy, nhân vật mẹ Lê là hiện thân của những người dân nghèo lầm lũi, bấp bênh đi bên lề của cuộc sống như những cái bóng tối tăm. Không ồn ã, khoa trương hay bình phẩm, Thạch Lam miêu tả mẹ Lê với những chi tiết ngắn ngủi, giản đơn mà vẫn làm sống dậy hiện thực tàn khốc đương thời đang ngấm ngầm gặm nhấm số phận con người.


Là một nhà văn “có hệ thống dây tơ nhạy bén đến độ có thể thu nhận được sự thay đổi về cường độ ánh trăng hay âm sắc các loại lá khi khô rụng xuống đất”, Thạch Lam luôn tìm ra những chiều sâu khuất lấp ở con người và vạn vật. Ông đã phát hiện ra chiều sâu tâm hồn, nét đẹp phẩm chất ngời lên ở những con người nghèo khổ như mẹ Lê và biến chúng thành điểm nhấn của tác phẩm. Thạch Lam “tả người nghèo mà không muốn cho độc giả thấy những mảnh rách, những mụn vá trên quần áo của họ” (Lại Nguyên Ân). Chính vì điều ấy mà “Nhà mẹ Lê” được nhiều người nhận xét là một tác phẩm hiện thực giàu tinh thần nhân đạo được viết bởi cây bút lãng mạn. Đầu tiên, mẹ Lê là người yêu thương gia đình và con cái hết mực, sẵn sàng hi sinh tất cả vì những người thân yêu. Giọt nước mắt hạnh phúc vẫn ngời lên trong những ngày gian khó bởi các con của bác vẫn còn được ăn no. Hình ảnh mọi người quây quần bên nồi cơm bốc hơi, trong khi bên ngoài gió lạnh rít qua mái tranh cho thấy sự đầm ấm, tràn đầy tình yêu thương của gia đình này. Khung cảnh “Những ngày nắng ấm trong năm, hay những buổi chiều mùa hạ, mẹ con bác Lê cùng nhau ngôì chơi ở trước cửa nhà” là hình ảnh rất đỗi nên thơ, đẹp tựa bức tranh. Những đứa trẻ bị lở đầu do căn bệnh gia truyền từ đời tam đại nên bác phải lấy phẩm xanh bôi cho chúng. Mẹ và con quấn quýt như một đàn gà, tình cảm và yên vui biết bao. Không chỉ nhà mẹ Lê mà không khí của cả phố cũng tươi sáng như thế. “các bà mẹ ngồi rủ rỉ với nhau những câu chuyện kín đáo; các trẻ con nô đùa dưới quán chợ, còn các bà già thì ngồi giũ tóc cho chúng và gọt tóc chúng bằng mảnh chai sắc. Thằng cả ngồi đan lại cái lờ. Còn những đứa khác chơi quanh gần đấỵ”. Chi tiết “bác yêu thằng Hy hơn cả. Nó là con thứ chín, ốm yếu, xanh xao nhất trong nhà. Bác thường bế nó lên hôn hít, rồi khoe với hàng xóm, nội cả nhà chỉ có nó là giống thầy cháu như đúc. Rồi bác lại ôm con ngồi lặng yên một lát, như để nhớ lại chuyện gì đã lâu lắm.” cho thấy tình cảm yêu thương con vô bờ bến mà bác Lê dành cho những đứa con.

Mẹ Lê còn mang trong mình cả đức tính chăm chỉ, cần cù, chịu thương chịu khó. Dù công việc bấp bênh, lận đận nhưng bác không bao giờ từ bỏ. Từ sáng sớm, mùa nực cũng như mùa rét, bác đã trở dậy để đi làm mướn cho những người trong làng. Khi cả phố trở nên đói kém, bác vẫn cần mẫn đi khắp các nhà xin làm mướn, kể cả làm không công và chỉ thu về có nửa bát gạo, đùm bọc về không đủ cho ba đứa con ăn. Mùa rét là mùa ám ảnh với bác ta vì cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ, sẽ không ai thuê bác làm việc gì nữa. Những đứa con lại nheo nhóc, khóc không ngừng. Với mẹ Lê, hạnh phúc của bản thân đồng nghĩa với chiếc bụng no của đàn con.


Phẩm chất nổi bật tiếp theo mà Thạch Lam đã rất tinh tế phát hiện ra ở nhân vật này chính là tinh thần lạc quan, ý chí kiên cường giữa những sóng gió của cuộc đời. Dù có vất vả là thế, đến mức khi tự ngẫm, bác Lê cũng phải bùi ngùi thấy rằng từ khi sinh ra đến nay, cuộc đời bác khi nào cũng khổ, chẳng bao giờ là sung sướng. Thế nhưng, người phụ nữ ấy không bi lụy mà hết mình tận hưởng, ôm ấp lấy những phút giây hạnh phúc bình dị hiếm hoi bên đàn con, khi vẫn còn được lao động. Thậm chí, trong những phút giây khó khăn nhất, mẹ Lê vẫn thầm nhen nhóm lên những hi vọng dù là nhỏ nhất: “Trong lòng bác vẫn có chút hy vọng trong buổi sáng lúc vào xin gạo. Ông Bá đã đuổi mắng không cho. Bác nhớ lại cải cảnh sang trọng, ấm cúng trong nhà ông Bá. Những chậu sứ, câu đối thếp vàng sáng chói. Không lẽ ông Bá giầu có thế mà không thí cho mẹ con bác được bát gạo hay sao?”.


Nhân vật mẹ Lê mang những phẩm chất tiêu biểu cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam truyền thống như yêu thương gia đình, giàu lòng nhân hậu, chăm chỉ và lạc quan. Thạch Lam thật sự là một nhà văn luôn “chắt chiu cái đẹp”.


Có những phẩm chất đáng quý như vậy nhưng số phận của nhân vật mẹ Lê lại vô cùng bi thảm. Bóng đêm của giặc giã, nạn đói hiện lên rất rõ trong tác phẩm dù tác giả không nhắc đến trực tiếp. Sự thống trị tàn ác của thực dân phong kiến đã đẩy cuộc sống con người rơi vào bế tắc. Những buổi chợ họp không đông đúc như trước. Phố vắng hẳn đi những tiếng nói chuyện trong sương lúc mờ sáng của các người hàng sáo gánh gạo kĩu kịt trên đò. Bác Hiền ngày nào cũng gánh hàng đi rồi lại gánh hàng về, bác Đối kéo cái xe không, đi lảng vảng trong huyện và vợ bác Đối cũng chẳng nằm võng hát trống quân nữa. Những chi tiết, hành động thật nhỏ nhưng cho thấy sự tiêu điều, xơ xác của Đoàn Thôn. Và với gia đình ngụ cư của mẹ Lê, điều bất hạnh nhất đã xảy đến. Quá xót xa khi nhìn đàn con đã nhịn đói suốt buổi, bác Lê vá lại manh áo rét, đánh liều sang nhà ông Bá xin gạo lần nữa dù ban sáng đã bị cậu Phúc dọa nạt sẽ thả chó ra cắn. Cả tác phẩm, nhân vật ông Bá và cậu Phúc không xuất hiện trực tiếp một lần nào, cũng không có bất kì lời thoại nào nhưng bộ mặt gian ác, vô nhân tính của bè lũ thống trị vẫn hiện lên rõ nét. Bác Lê không xin được gạo, bị chúng thả chó ra đuổi. Trên bắp chân bác, máu đỏ chảy ròng ròng. Trong giây phút đau đơn, bác vẫn không thôi trăn trở: “Thế là mẹ con lấy gì ăn cho đỡ đói bây giờ.”. Thương con, thương mình, bác Lê ứa nước mắt.


Tác phẩm khép lại bằng cái kết gây ám ảnh tột cùng. Bác Lê chết sau cơn mê sảng. Những đứa con ngồi bên bậc cửa, ngơ ngác và vô định. Người ta tự hỏi tương lai chúng sẽ ra sao khi thiếu đi người mẹ. Cái chết của mẹ Lê xoáy vào vào lòng người đọc những trăn trở, day dứt khôn cùng.


Như vậy, qua nhân vật mẹ Lê, nhà văn Thạch Lam đã thể hiện tình yêu thương, trân trọng những phẩm chất tốt đẹp và đồng cảm với nỗi bất hạnh của những con người có cuộc sống khổ cực, u ám, tựa như những kiếp ve sầu. Tác giả còn lên án, tố cáo thực dân phong khiến tàn ác đã đày đọa người dân. Với ngôn ngữ trong sáng, kết hợp hài hòa giữa hiện thực và lãng mạn, nghệ thuật xây dựng và miêu tả tâm lí nhân vật tài tình, Thạch Lam đã khắc họa thành công nhân vật mẹ Lê.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Top 7 Bài văn cảm nhận nhân vật Mẹ Lê trong Nhà mẹ Lê của Thạch Lam hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy