Bài tham khảo số 6

Khám phá ra cái đẹp sâu kín trong đời sống là nhiệm vụ của mỗi người viết khi họ nghiên cứu và tạo dựng tác phẩm nghệ thuật bằng lời. Và có thể, cái đẹp trong sáng của những năm tháng học sinh trong bài thơ “Chiếc lá đầu tiên” của Hoàng Nhuận Cầm chính là một cái đẹp như vậy. Hoàng Nhuận Cầm sinh ở Hà Nội. Ông được gọi là nhà thơ của học trò, sinh viên vì có nhiều bài thơ kể về kỉ niệm tuổi trẻ, tình yêu với lối viết tràn đầy sức sống, nhiệt huyết. Ngoài làm thơ, ông còn viết kịch bản phim, đóng phim. Hoàng Nhuận Cầm có một số tập thơ nổi bật khác như: Xúc xắc mùa thu, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến…Bài thơ Chiếc lá đầu tiên đã đánh thức trong mỗi người bao nhiêu kỷ niệm của những năm tháng học trò tràn ngập niềm vui và ngây thơ.


Nhà thơ đã bước vào tuổi xế chiều nhưng vẫn đậm màu thời gian. Vẫn mãi còn đó cái xao xuyến của những năm tháng về mùa hạ đã qua. Có một nỗi nao lòng khi nghe tiếng ve. Thành phố với những hàng me, những chiều công viên ảm đạm nắng, bỗng dưng nghe tiếng dài lâu như khàn giọng, mới biết rằng mùa hạ bắt đầu sang. Tuổi học trò ngày xưa tràn về như lật nhanh từng trang, từng trang nhật ký chứa đầy những tươi đẹp bè bạn. Trong chuỗi ký ức dài sáng lên những ánh nhìn trong sáng. Một dải sáng kỳ diệu – ánh mắt tuổi học sinh. Có một bàn tay chìa ra với mình: kìa tiếng ve bắt đầu trở về rồi đó, có nhớ bài thơ lúc ra trường, bạn xúc động tâm sự… Ừ có một bài thơ sâu lắng tận bây giờ. Ngày ấy tụi mình sung sướng những vần thơ, nôi giấc ngủ tuổi học trò mong manh, những vần thơ có tiếng ve buồn lạnh lùng, có chiếc lá đầu tiên, có bạn, có trường. Tất cả đều là những khoảnh khắc yêu thương, dù không biết Hoàng Nhuận Cầm là ai cũng ngạc nhiên khen ngợi: chắc ngày xưa nhà thơ cũng… học trò nghịch ngợm, mà sao đặt vào thơ những xúc động vô vàn.


Bài thơ là khúc tự sướng của người lính trẻ. Khi anh phải để nghiêng bút lên đường đó cũng chính là khi anh phải chia tay phấn đen bảng trắng để đi theo tiếng gọi yêu thương của Tổ quốc. Đó cũng chính là khi anh đã xa khoảng trời mộng mơ với mối tình đầu của mình. Và đó cũng chính là cách bài thơ Chiếc lá cuối cùng lay động trái tim của bao người đọc. Nó sắc nét và ngậm ngùi như đưa con người ta vào bản tình ca. Ký ức về mùa hạ cũng như năm tháng học trò ấy tràn ngập trong tâm trí của nhà thơ. Nó dâng tràn một nỗi nhớ và cũng như cách nhà thơ nhìn về những năm tháng của quá khứ. Để rồi đọc những vần thơ này ta cảm thấy được một sự tiếc nuối nghẹn ngào. Bởi em đó chính là mối tình đầu và cũng chính là nguồn cảm hứng xuyên suốt trong bài thơ. Đó cũng chính là mảnh ghép về những năm tháng thanh xuân đầy tươi đẹp, không quá ồn ào mà cũng giản dị và sâu lắng. Những kỷ niệm trong Chiếc lá cuối cùng như đang dồn về lấp lánh từng trang, từng trang. Để rồi đọc những câu thơ tiếp theo ta có thể hiểu được tâm tư của người thi sĩ. Đó là tình yêu đôi lứa nhưng cũng có một khía cạnh khác. Đó chính là ngôi trường xưa với bao nhiêu kỷ niệm.


“Em thấy không, tất cả đã xa rồi

Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ

Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế

Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say”.


Có thể tình yêu ở lứa tuổi học trò đầu tiên đều xuất phát từ tình bạn. Đó cũng chính là những kỷ niệm gắn kết dưới mái trường đầy yêu thương và vui vẻ. Những ký ức ấy khiến nhà thơ không khỏi bồi hồi tiếc thương. Đó là cảm giác đi bên chùm phượng hồng làm ai đã mất những phút giây ban đầu. Là cảm giác say mê của một con người khi ngại ngùng lúng túng. Chính những kỷ niệm ấy trở thành dấu ấn mãi không phai trong lòng của mỗi con người. Mùa hạ sẽ không còn hoàn hảo nếu thiếu đi những âm thanh ấy. Đó là tiếng ve – âm thanh riêng biệt của mùa hạ, cũng là mùa chia tay của lứa tuổi học trò đầy ngây thơ và vui tươi. Tiếng ve của mùa hạ không giống như những giai điệu gợi nốt buồn. Mà đó chính là những sự tươi vui khỏe mạnh. Và với tình yêu đầu đời cũng đã làm chàng thi sĩ không khỏi bồi hồi xúc động về những năm tháng đã qua.


“Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay

Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước

Con ve tiên tri vô tâm báo trước

Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu”.


Cái tình cảm ấy là mối tình đầu, tình yêu đầy nồng nàn của đời người. Trong đó còn chứa đựng cả tình bạn, tình yêu và cũng có cả tình người. Để rồi thật khó có thể đặt tên cho nguồn cảm xúc ấy. Nó như một đi không quay lại và cũng không ai có thể lội hai lần trên một dòng sông. Và chính câu thơ này đã ghi sâu vào ấn tượng đối với độc giả. Để rồi từng hình ảnh ấy như chạm lại những ký ức của tuổi thơ. Và mãi về sau hình ảnh vẫn đi theo nỗi nhớ lưu luyến. Những lời bày tỏ rất tình, rất đỗi nhung nhớ mà Hoàng Nhuận Cầm nói ra, và đó là những ký ức về mái trường cũ bỗng dưng về trong tâm trí. Đó là lớp học với biết bao kỷ niệm gắn kết cùng thầy cô, bạn bè, bảng đen, sân trường,… Quãng thời gian ấy vui vẻ, ngây thơ, trong sáng mà mỗi lần nhớ đến, con người ta lại dâng lên một niềm xúc động khó quên, một nỗi nhớ mong về tình yêu tuổi học trò:


“Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu

Lời hát đầu xin hát về trường cũ

Một lớp học bâng khuâng màu xanh rủ

Sân trường đêm – rụng xuống trái bàng đêm

Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em

Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ

Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế

Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi”.


Khổ thơ đã mang đến cho ta một hình ảnh là khung cảnh lớp học vui vẻ, ngây thơ. Nơi ấy có “một nàng Bạch Tuyết” – chính là cô giáo và “những chú lùn rất nghịch” là những cô cậu học sinh tinh quái, đáng yêu. Trong không gian ấy, vọng lên những tiếng cười “rộn ràng”, trong sáng của cả cô và trò, giúp xua đi bầu không khí căng thẳng của những tiết học. Qua đoạn thơ ấy, câu “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” càng trở nên chính xác. Tuổi học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Bài thơ dường như đã miêu tả hết những tâm trạng mỗi khi nhớ đến những ngày tháng hồn nhiên, vô tư cắp sách đến trường, được học tập, được vui chơi cùng bạn bè và thầy cô. Tuổi học trò thật trong sáng, vô giá và chứa đầy nhiều kỷ niệm:


“Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào

Cứ xúc động, cứ xôn xao biết mấy

Mùa hoa mơ rồi đến mùa hoa phượng cháy

Trên trán thầy, tóc chớ bạc thêm”.


Chủ thể trữ tình và bao nhiêu thế hệ học sinh đều chia sẻ tình cảm, cảm xúc chân thành khi hồi tưởng lại những ngày tháng dưới mái trường. Họ cảm thấy xúc động, náo nức khi nhớ về “những chuyện năm nao, những chuyện năm nào”. Thời gian trôi qua nhanh chóng, từ “mùa hoa mơ rồi đến mùa phượng cháy”, người học trò năm ấy vẫn biết ơn người thầy đã dạy dỗ tri thức, tâm hồn mình và ước mong tóc thầy đừng bạc thêm nữa. Bốn câu thơ ngắn gọn đã diễn đạt được mọi suy nghĩ, tình cảm của chủ thể trữ tình và làm nổi bật lên.


“Thôi đã hết thời bím tóc trắng ngủ quên

Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ

Quả đã ngọt trên mấy cành đu đủ

Hoa đã vàng, hoa mướp của ta ơi”.


Những cảm xúc chứa đựng trong chiếc lá đầu tiên vô cùng thân thương và gần gũi. Đó chính là nỗi nhớ sâu lắng, và dường như đôi khi nỗi nhớ ấy đã chạm tới cực điểm và cảm xúc như có phần thắm lại. Khổ cuối cùng của bài thơ ra đời vào thời điểm sau ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất, Hoàng Nhuận Cầm trở lại khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp tiếp tục cuộc đời sinh viên. Trong khoảnh khắc đứng lặng lẽ trên sân trường, ông biết rằng tất cả tuổi thanh xuân đã gửi lại ở trong những cánh rừng lửa đạn, còn trước mắt mình là thế hệ tiếp nối và khi ấy, ông thốt lên:


“Em đã yêu anh, anh đã xa rồi

Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi

Anh nhớ quá, mà chỉ lo ngoảnh lại

Không thấy trên sân trường chiếc lá buổi đầu tiên”.


“Chiếc lá buổi đầu tiên” trong những dòng thơ cuối cùng là hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng. Nó ám chỉ khoảng thời gian tươi đẹp, đó là tình yêu đầu, tình yêu của tuổi học trò trong trắng, ngờ nghệch và đầy ước mơ. Nỗi nhớ ấy chính là sự luyến tiếc về những kỉ niệm đáng yêu của năm tháng học trò. Để rồi xung quanh đó vẫn tràn ngập những cảm xúc khó diễn tả. Đọc những vần thơ này ta như vuốt ve nỗi nhớ. Đó là nỗi nhớ về em – mối tình đầu không quên, và đó cũng chính là nỗi nhớ về mẹ, về trường, về lớp và về bạn bè. Để rồi bao năm tháng ấy vẫn còn in sâu trong lòng của mỗi người. Và dường như đối với Hoàng Nhuận Cầm, chiếc lá nào cũng chính là chiếc lá đầu tiên và mối tình nào cũng chỉ mãi là cái rung động và sự náo nức của mối tình đầu. Đọc những câu thơ tôi lại liên tưởng đến câu hát trong bài Mối tình đầu của Thế Duy “không hiểu vì sao tình yêu tan vỡ, như hoa ven mặt hồ tàn theo gió mùa thu”. Rõ ràng em đã yêu, nhưng anh cũng đã xa rồi. Anh chẳng hiểu nổi “anh nhớ quá! Mà chỉ lo ngoảnh lại”. Tất cả diễn ra đều không hiểu nổi, đều là những nghịch lý bình thường. “Chiếc lá buổi đầu tiên” ở đây là một hình ảnh biểu tượng. Đó là tuổi học trò, là tình yêu đầu, là một quá khứ đã qua mà cũng là một bản thân khác của tác giả – là ta đấy mà giống như không như không phải là ta.


Bằng ngôn ngữ phong phú, sinh động, hình ảnh quen thuộc, gần gũi cùng các phép tu từ như so sánh, nhân hóa, điệp ngữ sáng tạo, tác giả đã thể hiện nỗi nhớ mong cháy bỏng và niềm thương tiếc khi hồi tưởng về trường xưa, thầy cô, bạn cũ. Đồng thời, đánh thức cho người đọc những kỷ niệm đẹp đẽ, trong trắng, vui vẻ thuở học trò. Có thể nói, “Chiếc lá đầu tiên” được coi là tác phẩm xuất sắc về nội dung và độc đáo về nghệ thuật. Thông qua tác phẩm, người đọc thấy được tâm hồn tinh khiết, uyên bác của nhà thơ.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Top 8 Bài văn phân tích bài thơ Chiếc lá đầu tiên (Ngữ văn 10) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7
  8. top 8 Bài tham khảo số 8

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy