Top 10 Di tích xếp hạng quốc gia tại Điện Biên

Thu Hoai 199 0 Báo lỗi

Việc bảo tồn các Di tích lịch sử – văn hoá và danh lam thắng cảnh góp phần làm giàu kho tàng di sản văn hoá tại Điện Biên, quảng bá tới du khách trong và ngoài ... xem thêm...

  1. Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2009. Hiện nay, Di tích bao gồm 45 điểm di tích thành phần nằm trải rộng ở khu vực lòng chảo thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên và huyện Tuần Giáo. Trong đó, một số điểm di tích được đưa vào phục vụ khách tham quan như Di tích Ðồi A1, Đồi D1, Hầm De Castries, Cầu Mường Thanh, Sở Chỉ huy chiến dịch Ðiện Biên Phủ... Những điểm di tích này gợi lên trong lòng khách tham quan về khung cảnh cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ của dân tộc. Chính vì vậy, tham quan Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ là điều mà mỗi du khách luôn mong muốn khi đặt chân lên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng.


    Nằm ở phía đông trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đồi A1 có vị trí quan trọng bậc nhất trong hệ thống 5 quả đồi bảo vệ trung tâm Mường Thanh. Tại đây, đêm 6/5/1954, quân ta đã đào một đường hầm, đặt khối thuốc nổ nặng gần 1.000kg và cho điểm hỏa. Đến sáng 7/5/1954, quân ta đã làm chủ hoàn toàn đồi A1, mở đường cho đợt tổng công kích cuối cùng vào Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm và giành thắng lợi hoàn toàn. Đồi A1 nay là điểm tham quan thu hút du khách trong nước và quốc tế với các hầm, hào, lô cốt, xe tăng được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Tại đây, khách du lịch có thể trải nghiệm đẩy xe đạp thồ, nấu ăn bằng bếp Hoàng Cầm, nghe cựu chiến binh kể chuyện...Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát nằm ở trung tâm lòng chảo Điện Biên. Đây là căn hầm với các phòng làm việc, nghỉ ngơi của tướng Đờ Cát cùng Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây cũng là nơi đánh dấu sự thất bại thảm hại của một đạo quân viễn chinh với hình ảnh viên tướng chỉ huy cùng toàn bộ sĩ quan dưới quyền giơ tay xin hàng và bộ đội ta phất cao lá cờ Quyết chiến quyết thắng kết thúc chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.


    Một di tích khác không thể không nhắc tới cùng những bản hùng ca về người chiến sĩ Điện Biên đó là di tích Đường kéo pháo. Tuyến đường huyền thoại này đã đi vào lịch sử dân tộc và trở thành huyền thoại. Chỉ bằng sức người cùng những dụng cụ thô sơ, nhưng với lòng yêu nước, tinh thần anh dũng quả cảm, quân và dân ta đã mở những tuyến đường trên các sườn núi quanh co hiểm trở để kéo pháo vào trận địa.


    Cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ 20km là Sở chỉ huy chiến dịch nằm sâu trong khu rừng Mường Phăng. Đây là nơi đóng quân của Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ từ ngày 31/1 đến 15/5/1954. Trong những ngày ở đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, mang tính lịch sử. Rừng Mường Phăng đã trở thành biểu tượng sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam và được người dân gọi là “Rừng Đại tướng”.


    Trong quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, một công trình tuy ra đời trong thời bình nhưng có vai trò hết sức quan trọng, đó là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Công trình này được hoàn thành năm 2014, đúng dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Bảo tàng có hình dáng mô phỏng chiếc mũ của bộ đội ta năm xưa. Đây là nơi lưu giữ các hiện vật trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, gồm 2 khu trưng bày: Bên ngoài gồm 112 hiện vật là các loại vũ khí của Quân đội Nhân dân Việt Nam và quân đội Pháp sử dụng, bên trong trưng bày 274 hiện vật và 202 bức ảnh tư liệu. Bảo tàng đã góp phần phát huy giá trị quần thể di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ và là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với Điện Biên.

    Chiến trường Điện Biên Phủ
    Chiến trường Điện Biên Phủ
    Chiến trường Điện Biên Phủ
    Chiến trường Điện Biên Phủ

  2. Thành Sam Mứn hay thành Tam Vạn là một di tích lịch sử, ở bản Pom Lót, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Theo tiếng dân tộc Thái thì Sam Mứn có nghĩa là Tam Vạn. Di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định 310/QĐ-BVHTTDL ngày 22/01/2009.


    Vị trí thành Sam Mứn ngày nay được xác định ở bản Pom Lót, xã Sam Mứn, ở phần cuối phía nam thung lũng Mường Thanh. Từ trung tâm Thành phố Điện Biên Phủ đi theo quốc lộ 279 (đường trục thung lũng) đến Pom Lót, dài chừng 12 km. Hiện tại, dấu tích còn lại đến nay chỉ là đoạn tường thành dài 3 km tại đồi Pom Lót, khu núi cao cạnh hồ U Va. Đó là đỉnh núi Pú Chom Chảnh - nơi đặt đài quan sát để có thể bao quát được cả thung lũng Mường Thanh.


    Theo Đại Nam nhất thống chí, thành Tam Vạn nằm ở xã Ba Man, châu Ninh Biên, do Hoàng Công Thư xây vào năm Vĩnh Hựu thời Lê Ý Tông.


    Theo truyền thuyết địa phương, thành Sam Mứn do các chúa Lự xây dựng vào khoảng thế kỷ XI, được dùng làm căn cứ chống lại lãnh chúa địa phương ở phương Bắc sang xâm lấn. Thành là căn cứ thủ phủ của 19 đời chúa Lự kế tiếp nhau cha truyền con nối cai quản đất Mường Thanh. Đến khi người Thái đến định cư ở Mười Thanh, văn hóa Thái bắt đầu có ảnh hưởng tới văn hóa của người Lự. Các chúa Thái cũng dần dần nắm được quyền cai trị thay cho các chúa Lự. Tuy nhiên, thành Sam Mứn vẫn là căn cứ chính của người Lự cai trị ở vùng Tây Bắc.


    Đầu thế kỷ XVIII, người Phẻ do Phạ Chẩu Tin Toòng (có thuyết gọi là Phạ Chẩu Tín Toòng), từ phía Bắc tràn sang xâm lược, cướp phá vùng Mường Thanh đến tận Thuận Châu (Sơn La), chấm dứt sự cai quản của các chúa Lự. Họ lấy thành Sam Mứn làm căn cứ và mở rộng đàn áp khiến người Lự không thể chống trả được. Hai thủ lĩnh người Thái là Lò Văn Ngải, Lò Văn Khanh đứng lên tập hợp, lãnh đạo dân Mường Thanh chống cự, nhưng do lực yếu, nên chịu nhiều tổn thất, phải rút lên vùng núi cao bảo toàn lực lượng.


    Đến năm 1751, khi Hoàng Công Chất rút lui từ Sơn Nam Hạ vào vùng thượng du Thanh Hoa rồi sang Ai Lao để củng cố xây dựng lực lượng; hai thủ lĩnh người Thái đã đến liên kết để cùng chống lại người Phẻ và xây dựng căn cứ nghĩa quân. Sau khi lực lượng đủ mạnh, liên quân bắt đầu tiến từ vùng sông Mã (huyện Sông Mã ngày nay) lên bao vây thành Sam Mứn. Sau nhiều trận đánh ác liệt bao vây Mường Thanh, cuối cùng tháng 5 năm 1754, thành Sam Mứn cũng bị hạ, Phạ Chẩu Tin Toòng bỏ thành chạy đến Pú Văng (chân đồi Độc Lập) rồi bị nghĩa quân bắt được.


    Sau khi kiểm soát được vùng Mường Thanh, Hoàng Công Chất quyết định đóng quân trong thành Sam Mứn, củng cố vùng Mường Thanh làm căn cứ địa lâu dài, biến Mường Thanh thành trung tâm, thủ phủ của một vùng rộng lớn ở phía Bắc. Đến năm 1758, Hoàng Công Chất quyết định xây dựng thành Bản Phủ. Sau 4 năm xây dựng (từ năm 1758 - 1762), thành Bản Phủ hoàn thành, nghĩa quân đã chuyển địa bàn đóng quân sang thành Bản Phủ.

    Thành Sam Mứn (Tam Vạn)
    Thành Sam Mứn (Tam Vạn)
    Thành Sam Mứn (Tam Vạn)
    Thành Sam Mứn (Tam Vạn)
  3. Thành Bản Phủ là thành lũy được Hoàng Công Chất xây dựng ở châu Ninh Biên, phủ An Tây làm thủ phủ cho nghĩa quân. Ngày nay Thành Bản Phủ tọa lạc ở xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 9 km. Thành Bản Phủ được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 10-VHTT/QĐ ngày 09/02/1981.


    Đặt chân đến di tích Thành Bản Phủ ngày nay tuy không còn mang dáng vẻ hùng vĩ như xưa, nhưng đã được tôn tạo một đoạn tường thành để du khách có thể liên tưởng về tòa thành cổ uy nghi bề thế; một công trình kiến trúc quân sự trấn thủ vùng biên cương, gợi nhớ về cuộc khởi nghĩa đánh tan giặc Phẻ do vị tướng áo vải Hoàng Công Chất lãnh đạo.

    Theo tài liệu nghiên cứu của Cục Di sản - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Dưới thời vua Lê Dụ Tông, năm 1748 vùng Tây Bắc bị giặc Phẻ (nhóm người Tày - Thái ở Thượng Lào và Vân Nam, Trung Quốc) tràn sang xâm lược cướp bóc, giết hại dân lành. Bất bình trước kẻ xâm lược, hai người con dân tộc Thái là Lò Văn Ngải và Lò Văn Khanh cùng đứng lên tập hợp, lãnh đạo Nhân dân các dân tộc Mường Thanh chống lại kẻ thù. Nghĩa quân của hai ông đã liên kết với nghĩa quân của Hoàng Công Chất đánh quân xâm lược, giải phóng Mường Thanh, đem lại cuộc sống ấm no cho Nhân dân.


    Năm 1758, sau khi chiêu dụ dân chúng ổn định sản xuất, củng cố lực lượng, Hoàng Công Chất cho xây dựng Thành Bản Phủ với kiến trúc 2 thành kiên cố, gồm thành nội và thành ngoại, rộng hơn 80 mẫu đặt tại vị trí trung tâm cánh đồng Mường Thanh; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ra khắp 10 châu của phủ An Tây và giành quyền kiểm soát toàn bộ đất đai vùng Tây Bắc. Ông cũng là người có công trong việc truyền bá kiến thức, kỹ thuật trồng trọt của người miền xuôi cho đồng bào các dân tộc nơi đây; là nhân tố tạo ra sự đoàn kết cộng đồng các dân tộc. Nhân dân trong vùng tôn kính, ngợi ca ông mãi về sau rằng: "Chúa thật yêu dân/ Chúa xây bản mường/ Ai cũng nhờ chúa mà sống yên vui"...

    Sau khi tướng Hoàng Công Chất qua đời (năm 1769) người dân Mường Thanh đã lập đền thờ tưởng nhớ công ơn ông và các vị tướng lĩnh trong khu vực Thành Bản Phủ. Ban chính điện đền Hoàng Công Chất thờ 10 pho tượng sơn son thếp vàng gồm: Tượng đức vua cha, Nam Tào, Bắc Đẩu, tượng Hoàng Công Chất và 6 vị tướng lĩnh. Ban công đồng đặt 7 bài vị của tướng quân Hoàng Công Chất và 6 vị tướng, trong đó có 2 tướng tài xuất chúng là tướng Lò Văn Ngải và tướng Lò Văn Khanh.

    Thành Bản Phủ
    Thành Bản Phủ
    Thành Bản Phủ
    Thành Bản Phủ
  4. Hang Mường Tỉnh là hang dạng karst trong núi đá vôi ở bản Mường Tỉnh A, xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Hang xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 1256/QĐ-BVHTTDL ngày 14/04/2011.


    Hang nằm ở phía đông bắc huyện lỵ Điện Biên Đông, theo đường cò bay là 16 km. Tuy nhiên từ huyện lỵ để đến hang cần đi theo đường liên xã theo hướng bắc, qua xã Na Son, đến trụ sở xã Xa Dung, dài cỡ 14 km. Sau đó đi theo hướng đông, đường thôn bản, cỡ 14 km nữa.


    Hướng có thể dễ đi hơn, là từ thành phố Điện Biên đi theo tỉnh lộ 103 qua Tháp Mường Luân, đến bản Pác Ma ở ngã ba Nậm Khoai đổ vào Nậm Ma (Sông Mã) thì rẽ sang đường dọc Nậm Khoai, đi 8 km. Đến Nậm Trống thì rẽ và đi 4 km nữa.


    Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp hang Mường Tỉnh là căn cứ kháng chiến quan trọng, nơi trú chân của các cơ quan tỉnh, bộ đội,... đặc biệt là trong giải phóng Điện Biên lần thứ nhất năm 1953.


    Hang Mường Tỉnh gồm có 3 ngăn chính. Ngăn ngoài cùng có cửa hang hẹp, với diện tích khoảng 600 m², chiều cao 20 m, có không gian thoáng đãng, và một bãi đất bằng phẳng. Đây là điều kiện lý tưởng để tổ chức các cuộc họp có sức chứa hàng trăm người mà vẫn giữ được bí mật.


    Ngăn giữa phải trườn mình qua một đường hầm xuyên đá tự nhiên. Vào bên trong là một không gian với diện tích khoảng 20 m², xung quanh là các bức tường bằng đá, với những hốc đá nhỏ, sâu vào bên trong. Đây là nơi cất giấu tài liệu của cách mạng, với hệ thống bàn làm việc, giường ngủ hoàn toàn bằng đá được sắp xếp tự nhiên nhưng rất hợp lý. Đây là nơi vừa bí mật, nhưng cũng rất đảm bảo an toàn khi có biến cố xảy ra, có một đường nhỏ xuyên lên đỉnh núi, các chiến sĩ có thể chui ra ngoài rừng mà địch vẫn không thể phát hiện. Bên trong là ngăn thứ 3, rộng khoảng 30 m².

    Hang Mường Tỉnh
    Hang Mường Tỉnh
    Hang Mường Tỉnh
    Hang Mường Tỉnh
  5. Di tích nhà tù Lai Châu nằm ở phường Sông Đà, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên. Nhà tù này được xây dựng từ năm 1901, có 06 dãy nhà giam, mỗi một phòng giam rộng khoảng 7m2. Trong phòng giam có cùm chân và các dây xích dài để xích tay.


    Nhà tù được thực dân Pháp sử dụng đến năm 1953. Đây là nơi ghi dấu ấn lịch sử đẫm nước mắt của dân tộc Việt Nam khi những ai bỏ trốn sẽ bị đem ra nghĩa địa kế bên xử bắn và chôn luôn. Qua nhiều năm tháng, nhà tù Lai Châu không còn lại nhiều dấu tích và hiện nay đã nằm trong vùng ngập của lòng hồ thủy điện Sơn La. Dù vậy những hiện vật hay những thông tin về một giai đoạn tàn khốc của đất nước vẫn được lưu truyền đến muôn đời con cháu sau này.

    Nhà tù Lai Châu
    Nhà tù Lai Châu
    Nhà tù Lai Châu nằm ở Mường Lay
    Nhà tù Lai Châu nằm ở Mường Lay
  6. Tháp Chiềng Sơ là một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ được xây dựng chừng 400 năm trước, tại bản Nà Muông, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, Việt Nam. Tháp Chiềng Sơ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 1255/QĐ-BVHTTDL ngày 14 tháng 04 năm 2011.


    Tháp Chiềng Sơ có kiến trúc theo hình nậm rượu, dưới to trên nhỏ dần, được chia thành hai phần: Phần một là bệ tháp; phần hai là thân và các tầng tháp.

    Đế tháp có dạng hình vuông mỗi cạnh là 5,3 m. Chiều cao của tháp là 10,5 m. Phần ngọn tháp đã bị gãy dài 1,6m. Trước mặt tháp có 1 bệ thờ. Trước đây, 4 góc quanh chân tháp có đặt hai chú voi ở phía trước và hai chú chó ở phía sau, song cả bốn linh vật kể trên đều đã bị gãy hoặc mất. Trên thân tháp có nhiều hoa văn, họa tiết, như: Tòa sen cách điệu có sáu lớp chồng lên nhau; hình mặt trời, hình hoa lá được bố cục từng phần hài hòa; những con rồng được đắp nổi uốn mình tạo thành hình số tám có đầu và đuôi chụm vào nhau... Nửa phía trên của tháp cong tròn chụm lại, tạo thế mềm mại, trông như những nụ sen. Các phần được nối với nhau bằng các tầng hình lục giác được trang trí nhiều hoa văn nổi bật như những cánh sen. Mặt ngoài tháp có màu trắng ngà, được trát mịn và nhẵn. Một số góc đã bị rêu phủ.

    Trước đây người dân tộc Lào vẫn chăm sóc tháp. Từ khi chia tách xã, tháp Chiềng Sơ trở thành điểm tâm linh của người dân tộc Thái ở Nà Muông. Không chỉ ngày lễ, tết mà trước khi dựng nhà, cúng bản, làm các việc quan trọng hoặc trong gia đình có người ốm đau… người dân nơi đây đều mang lễ vật gồm: rượu, bánh kẹo hoặc gà, đến thắp hương, khấn lạy trước tháp.

    Hàng năm, bản đều tổ chức dọn cỏ, phát quang khuôn viên tháp 1 – 2 lần. Người dân Nà Muông tin rằng ngọn tháp như một vị thần linh canh giữ, bảo vệ, che chở cho những người con của bản.

    Tháng 2/2013 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên dự kiến tôn tạo, gồm "láng xi măng" sân tháp và mở đường lên tháp thay lối mòn hoang sơ.

    Tháp Chiềng Sơ
    Tháp Chiềng Sơ
    Tháp Chiềng Sơ
    Tháp Chiềng Sơ
  7. Tháp Mường Luân là một di tích kiến trúc nghệ thuật cổ tại vùng đất bản Mường Luân 1 xã Mường Luân huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, Việt Nam. Tháp Mường Luân nằm ở chân núi Hủa Ta, trên bờ dòng Nậm Ma (sông Mã). Hủa Ta theo tiếng Thái có nghĩa là núi Đầu Nguồn. Tháp được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp I, cấp quốc gia tại Quyết định số 10/QĐ-VH-TT ngày 9/2/1981.


    Tháp được xây dựng vào giữa thế kỷ 16. Theo những người cao niên tại Mường Luân cho biết thì bản thân họ cũng chỉ được nghe các cụ truyền lại câu chuyện về tháp. Công trình tháp là thành quả lao động của một bộ phận người Lào cùng với người dân địa phương xây dựng trong nhiều năm. Nó thể hiện tình đoàn kết 2 dân tộc Việt - Lào, và chứa đựng giá trị tâm linh.


    Tháp có kiến trúc theo hình vuông, hiện vẫn giữ được kết cấu hoa văn nguyên bản. Tháp cao 15,5m, chia làm 3 phần chính là bệ tháp, thân tháp và ngọn tháp. Bệ tháp hình vuông mỗi chiều rộng 8 m, cao 1 m, xây bằng hai loại gạch chỉ khác nhau, được trạm khắc hoa văn, hoạ tiết cách điệu rất cầu kỳ thể hiện được sự khéo léo và tinh tế. Thân tháp chia làm 4 tầng, xung quanh đắp nổi các hoạ tiết cách điệu gồm chim bay, rồng cuốn, quả trám, cánh sen, lưỡi mác, mặt trời và lắp các gương con...

    Tháp Mường Luân
    Tháp Mường Luân
    Tháp Mường Luân
    Tháp Mường Luân
  8. Động Pa Thơm hay động Tiên Hoa là hang động trong núi đá ở xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Động Pa Thơm là động dạng karst trong núi đá vôi. Động có tên theo tiếng dân tộc Thái là "Thẩm Nang Lai", nghĩa là "hang Tiên Hoa", vì thế một số tài liệu gọi tên là hang hoặc động Tiên Hoa. Động mang nhiều huyền thoại và truyền thuyết đẹp về tình yêu đôi lứa. Động được xếp hạng di tích cấp quốc gia theo quyết định số 309/QĐ BVHTTDL ngày 22/01/2009.


    Động ở gần biên giới Việt-Lào, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ chừng 30km về phía tây nam. Động nằm ở rìa xã Pa Thơm, giáp với xã Na Ư. Từ thành phố tìm về xã Noong Luống phía tây nam, rồi theo đường dọc dòng Nậm Nứa (Nậm Rốm) đi về phía tây qua Đồn Biên phòng Pa Thơm đến trung tâm xã là bản Pa Sa Lào, xã Pa Thơm thì rẽ lên núi theo hướng nam. Động cách trung tâm xã cỡ 5 km.'


    Động Pa Thơm nằm ở lưng chừng núi. Chính giữa lối vào là một khối đá khổng lồ giống như đầu voi đang rủ xuống. Chiều sâu động khoảng hơn 350 m chạy theo hướng Nam. Động có 9 vòm lớn nhỏ, rộng khoảng 20 m. Lối vào động giáp cửa động là ba khối đá lớn chắn ngang nằm uốn lượn như một con trăn khổng lồ ngăn đôi động và tạo thành hai lối vào ra. Vào sâu bên trong du khách sẽ bị cuốn hút bởi vẻ đẹp lung linh huyền ảo của nhũ đá, mỗi một nhũ đá là một hình tượng khác nhau với đủ sắc màu óng ánh.


    Động có nhiều nhũ đá mang những hình hài hết sức sống động, màu sắc huyền ảo, lung linh dưới ánh nến. Bên vách là những khối nhũ đá như những dòng thác lớn đang chảy, óng ánh bạc làm cho cảnh quan càng thêm vẻ huyền bí nhưng cũng không kém phần thơ mộng.

    Động Pa Thơm
    Động Pa Thơm
    Động Pa Thơm
    Động Pa Thơm
  9. Hang động Khó Chua La, thuộc loại hình danh lam thắng cảnh nằm trên địa phận bản Pàng Dề A1, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Hang Khó Chua La cách trụ sở UBND xã Xá Nhè hơn 1km, cách đường liên xã 300m, cách trung tâm huyện Tủa Chùa khoảng 15km đường nhựa. Đây là một hang động tự nhiên được hình thành từ những kiến tạo địa chất trong hàng triệu năm, với vẻ đẹp nguyên sơ, nhiều khối nhũ đá lộng lẫy và hình thù kỳ lạ đã tạo thành một vẻ đẹp thiên nhiên hiếm có so với các hang động đã được phát hiện trên địa bàn huyện Tủa Chùa.


    Danh lam thắng cảnh Khó Chua La được hình thành cách ngày nay hàng triệu năm, được người dân địa phương phát hiện năm 2008. Hang nằm ở vị trí cao khoảng 1.000m so với mực nước biển, có chiều sâu trên 800m, chia làm 3 khoang. Cửa hang nhỏ, sâu và quay về hướng Đông - Nam. Trong hang động, nơi rộng nhất khoảng 15-18m, vòm cao trung bình từ 18 - 25m. Phần lớn dưới nền hang động là đất đá, do địa hình núi đá vôi chia cắt cùng với quá trình karst hòa tan và ngưng đọng carbonat đã khiến hình thành nên khá nhiều nhũ đá màu vàng, xám, xanh rêu hay các cột đá, măng đá, chuông đá. Nền hang động có nhiều dải đá uốn lượn hình ruộng bậc thang, hình hoa sen, các mô hình sa bàn với kích thước lớn nhỏ khác nhau; trần và hai bên vách của hang động có nhiều khối nhũ, vân đá nhiều màu sắc trải dài giống hình thác nước, hình dải lụa, cụm lúa, hình tượng phật... tạo nên khung cảnh kỳ ảo, huyền bí kích thích trí tưởng tượng của người xem.

    Được đánh giá là hang động có phong cảnh đẹp, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, khám phá địa chất và tham quan du lịch, ngày 9/12/2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 4252/QĐ-BVHTTDL xếp hạng danh lam thắng cảnh hang Khó Chua La là di tích cấp quốc gia.

    Hiện danh lam thắng cảnh hang động Khó Chua La đang được đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở để phát huy giá trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và thu nhập, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần bổ ích cho người dân địa phương.

    Động Xá Nhè (Khó Chua La)
    Động Xá Nhè (Khó Chua La)
    Động Xá Nhè (Khó Chua La)
    Động Xá Nhè (Khó Chua La)
  10. Nằm trong đỉnh núi có tên “Pỉn Pàng” thuộc địa phận thôn Pê Răng Ky, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Hang động Pê Răng Ky giấu mình dưới chân vách đá, giữa một vùng núi non hùng vĩ, điệp trùng. Hang động Pê Răng Ky là hang đá tự nhiên, nằm trong quần thể núi đá vôi, với thảm thực vật sinh học đa dạng và phong phú. Với vẻ đẹp mang màu sắc riêng, một kiệt tác của thiên nhiên ban tặng. Hang động Pê Răng Ky được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia theo Quyết định số 5372/QĐ-BVHTTDL ngày 29/12/2017.


    Trước cửa hang động là khu rừng nguyên sinh. Hang động ăn sâu vào núi khoảng 800m, cửa hang nhỏ có chiều dài 1,4m, chiều rộng 1,2m quay về hướng Bắc. Do địa hình núi đá vôi chia cắt cùng với quá trình karst hoà tan và ng­ưng đọng carbonat hình thành nhiều nhũ đá màu vàng, xám, xanh rêu hay các cột đá, măng đá, chuông đá… mang nhiều dáng vẻ hình thù khác nhau lôi cuốn khách tham quan khám phá và tìm hiểu. Hang động Pê Răng Ky với chiều sâu khoảng 800m, chia làm 03 khoang.


    Được thiên nhiên ưu đãi ban tặng hang động Pê Răng Ky nhiều cảnh quan đẹp trong hang với những khối nhũ, măng đá, bụt đá có hình kỳ lạ tạo thành bức tranh làm say đắm lòng du khách khi đến tham quan hang động. Cảnh đẹp của tạo hóa như muốn níu kéo bước chân khiến cho du khách lưu luyến, bâng khuâng chưa muốn chia tay sớm với chốn thiên thai đầy mộng mơ này. Tạm biệt nơi đây ấn tượng đọng lại là cảm nghĩ về nghệ thuật điêu khắc, tạo hình của thiên nhiên, sự tuyệt diệu của đất trời. Có thể nói hang động Pê Răng Ky là một trong số những hang động đẹp của mảnh đất Tủa Chùa. Hang động như một bảo tàng nghệ thuật tự nhiên ở đó hội tụ đầy đủ các tác phẩm điêu khắc, kiến trúc, hội hoạ kết hợp hài hoà, tuyệt mỹ.

    Đến với hang động Pê Răng Ky du khách sẽ chiêm ngưỡng phong cảnh “sơn thuỷ hữu tình”, non nước hùng vĩ, môi trường sinh thái trong lành của lòng hồ sông Đà, đặc biệt vào những ngày thu, làn nước sông Đà in bóng trời xanh, mây trắng vô cùng nên thơ, không khỏi khiến người ta liên tưởng như “Hạ Long trên cạn” của vùng Tây Bắc.

    Hang động Pê Răng Ky
    Hang động Pê Răng Ky
    Hang động Pê Răng Ky
    Hang động Pê Răng Ky




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy