Về miền Tây sông nước

Lục lọi mớ ảnh cũ trong những ngày rảnh rổi ở nhà vì dịch bệnh không đi đâu được, bất chợt cái cảm giác thèm được lang thang đó đây trong những ngày hè ngắn ngủi trỗi dậy khi mà giáo án, bài vở, công việc được gác sang một bên. Chuyến ngao du khắp nam kỳ lục tỉnh cách đây đã mấy năm làm cho đôi chân cứ muốn rục rịch. Thôi thì chỉ ghi vài dòng cho những cảm xúc của một lần đã đến nơi này.


Chỉ biết vùng đất này qua sách vở, văn học và phim ảnh nhưng chưa từng một lần được đặt chân đến, tôi háo hức trông đợi ngày đi miền nam chẳng khác gì đứa trẻ lên năm trông má đi chợ về để được rúc đầu vào cái giỏ tìm quà. Sau gần một ngày đêm ngồi xe du lịch ngắm trời mây xuyên qua mấy tỉnh miền trung ngập tràn nắng cát, con sông Tiền lừng lững như rồng mẹ cuồn cuộn sóng trong những cơn gió giữa trưa. Là người miền trung chỉ quen với những con sông nhỏ êm đềm một dòng chảy hiền hòa dưới cái nắng bỏng rát của ngày hè, tôi thật sự ngạc nhiên và có chút cảm giác lành lạnh khi ngồi trên tàu du lịch nhìn xuống con nước đục ngầu một màu phù sa nhấp nhô những con sóng vỗ như ngoài khơi xa của biển cả. Tiếng gió reo và động cơ tàu át cả tiếng của cô hướng dẫn viên du lịch bản địa đã ngoại ngũ tuần. Con tàu băng băng nhắm hướng cù lao xã Thới Sơn trực chỉ. Dù đã được đi đó đây bằng nhiều phương tiện nhưng ngồi trên sông nước mênh mông cho ta cảm giác vừa háo hức vừa hồi hộp mỗi khi tàu chao nghiêng nước va vào mạn văng tung tóe. Phía xa xa là cây cầu Rạch miễu uy nghi vắt qua dòng Tiền giang như thanh thép khổng lồ nẹp đôi bờ chắn bớt tầm nhìn đến bao la ngút ngàn của nước và nước. Trong tiếng gió reo vù vù qua tai ta như nghe văng vẳng câu hát ngọt ngào buồn man mác của Bậu tìm Qua trên bến phà qua sông năm nào. “Bậu sang phà Rạch Miễu, Qua lẽo đẽo theo sau, đội bóng trăng trên đầu tưởng như áo cô dâu. Áo bậu đỏ cánh kiến, da bậu vàng phù sa...”. Bàn tay và khối óc của con người hiện đại xây nên những cây cầu huyền thoại vít ngang lưng chín con rồng của vùng sông nước nam bộ làm những bến phà nhộn nhịp một thời trở thành quá vãng. Những Mỹ Thuận, Hậu Giang, Vàm Cống, Rạch Miễu... giờ gần như chỉ còn trong ca dao, bài hát hay câu ca vọng cổ ngân dài trên mênh mông sông nước Cửu Long. Tàu cập bến để du khách đặt chân lên đất cù lao bạt ngàn cây trái. Ta như thấy những giọt phù sa thấm vào từng thớ đất, thân cây tạo nên những dòng sữa ngọt lành đọng lại trên từng chùm quả trĩu nặng, lủng lẳng trên cành với ổi, nhãn, xoài, chôm chôm... Du khách như đắm chìm vào một vùng văn hóa đặc trưng của con người nam bộ thật thà, chất phát và lãng tử khi ngồi giữa cù lao vừa thưởng thức trái cây vừa nghe đờn ca tài tử. Giọng ca của cô ca sĩ nghiệp dư cứ nhè nhẹ, man mác, ngân dài trước khi xuống xề ngọt lịm như những đĩa trái cây được bày trên chiếc bàn gỗ nho nhỏ kê trong những chòi lá giữa vườn. Rời cù lao trong luyến tiếc vì tiếng đàn kìm, tiếng guitar phím lõm vẫn còn ngân nga, vang vọng qua khe lá, chúng tôi lên tàu để đến xứ dừa bên kia bờ Tiền giang. Lần đầu tiên được nhấp ly rượu dừa nhàn nhạt nhấm với con cá sông chiên xù dựng đứng trên đĩa cho tôi cảm giác lạ. Không như quê mình uống ly Bàu đá thấm từ đầu lưỡi và rượu chạy tới đâu biết tới đó, thứ rượu miền nam không hấp dẫn nỗi gã lữ khách miền trung nơi sản sinh thứ rượu được cho là quốc hồn, quốc túy. Lên tàu về lại Mỹ Tho sau khi đã thử thứ kẹo dừa nhai dẻo quẹo đến dính cả hai hàm răng.


“Cần Thơ gạo trắng nước trong, ai đi đến đó lòng không muốn về”. Bất kỳ ai nghe câu thơ ấy lòng không khỏi háo hức để được một lần chu du xứ Tây Đô. Xe bon bon trong chiều nhạt nắng trên quốc lộ phẳng lì chứ không như xứ miền trung nơi dãy Trường Sơn trườn ra tận biển tạo nên nhiều đèo dốc. Con sông lớn thứ hai trườn mình ra biển cả cũng đục ngầu một màu phù sa châu thổ. Đi trên cầu Cần Thơ - cây cầu dây văng lừng lững, ta trở nên bé nhỏ trước công trình kỳ vĩ này mà để tạo ra nó đã có hàng trăm thương vong trong sự cố năm 2007. Tiếng còi xe chìm nghỉm, mất hút trong bao la sông nước lúc chiều tà khi nó đổ dốc phía nam để vào thành phố. Xứ Tây đô nhộn nhịp về đêm chả kém Sài thành khi mà người người chen chân nơi bến Ninh Kiều để lên những chiếc du thuyền cao đến ba bốn tầng khám phá dòng Hậu Giang lúc màn đêm buông xuống. Vợ tôi chắc hẳn phải là người hạnh phúc nhất trong chuyến lênh đênh ấy khi mà sinh nhật lần thứ 42 của nàng được tổ chức trên boong với đèn điện lung linh cùng anh chị em đồng nghiệp. Em bạn đi cùng rất ngạc nhiên thấy nhiều địa danh nơi miền tây sông nước này bắt đầu bằng chữ “Cái” khi háo hức xuống xuồng vào lúc trời chưa hửng sáng để thăm chợ nổi Cái Răng. Tôi giảng giải bằng sự hiểu biết của mình rằng “Cái” có nghĩa là “sông con” theo tiếng cổ của dân tộc Phù Nam nên ta có những “cái Răng”, “Cái Mơn”, “Cái Nhum”, “Cái Vòm”, Cái...”. Đang ậm ừ để nhớ thì bị đứa em đấm thùm thụp vào lưng vì nó nghĩ tôi nói bậy rồi cùng phá lên cười trong chút ánh sáng lờ mờ của đèn từ những chiếc xuồng ba lá hay chững chiếc ghe máy chở đầy trái cây đu theo những chiếc thuyền chở khách du lịch. Dù có mang áo phao và biết bơi nhưng sao tôi vẫn cứ sờ sợ khi nhìn vào con nước đen ngòm trong không khí lành lạnh và lất phất mưa lúc đất trời sang canh. Những ngôi nhà nhoài thân ra mé sông nằm im lìm nghe sóng nước bì bõm ngay sát dưới chân mình. Duy chỉ có tiếng ghe máy nổ lạch bạch ngược xuôi phá tan chút không gian tĩnh lặng của thành phố sông nước lúc gần sáng.


Chúng tôi rời Tây Đô khi phố xá đã nhộn nhịp người xe. Tiếng cô gái tiếp viên khách sạn mặc chiếc áo bà ba đậm chất nam bộ chào tạm biệt bằng giọng nói của người miền nam nghe ngọt ngào như giai điệu Beguine trong câu hát của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh “Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba, anh đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm qua bến bắc Cần Thơ...”


Không, Anh không qua bến bắc Cần Thơ đâu mà anh muốn được xuôi về nơi tận cùng của tổ quốc, nơi mà từ thuở ấu thơ anh đã thuộc như nằm lòng bài thơ của cụ Tố:
“Học đi em
học đi mà nhớ mãi
Quê hương ta một dải
Từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái”


Sự háo hức như nhân đôi khi mà xe sắp đến Cà mau. Tôi xuống xe thay một cái áo cho thật mới để chụp mấy tấm hình, để được một lần ôm lấy cây cột mốc 0001 đất mũi - nơi tận cùng bàn đèn của đất nước, nơi mà đã mấy chục năm thằng tôi chỉ thấy qua tranh ảnh, truyền hình. Mấy đứa em đi cùng phá lên cười cho sự chuẩn bị công phu của ông anh. Những con đường với nhiều kênh rạch chằng chịt, đang xen mạng nhện mà chiếc xe bé nhỏ đang băng băng giống như một con nhện con vừa nở từ ấu trùng chui khỏi tổ bò ngoằn ngoèo tìm lối ra trong mớ tơ rối rắm ấy. Những địa danh như Cái Nước, Năm Căn với những rừng đước tua tủa rễ vùn vụt qua cửa kính xe hơi. Cô em gái Nguyễn Thị Thanh Phượng say xe ngủ vùi trên ghế vội choàng tỉnh ngóc đầu dậy hỏi khi xe dừng lại để chúng tôi transit sang ca nô cao tốc:

- Tới mũi Cà Mau chưa anh?


Tôi ngân nga câu hát của nhạc sĩ Thanh Sơn để đùa sau một hành trình dài hơn một buổi từ Cần Thơ về Đất Mũi “Nghe nói Cà Mau xa lắm ở cuối cùng bản đồ Việt Nam...” làm em cười để quên cái mệt. Trước khi xuống bến thuyền, nhìn cái cần xé chất đầy cua mà con nào con nấy to tổ chảng vừa mới được đưa lên bờ với giá rẻ rề làm mấy chị em thèm nhỏ dãi. Hành trình hơn sáu mươi cây số trên sông Cửa lớn ra cột mốc cuối cùng như ta tham gia vào trò chơi cảm giác mạnh. Chiếc ca nô chếch mũi phóng như bay giống như cảnh rượt đuổi trong phim hành động. Chúng tôi vặn tréo người đến thót tim khi nó tránh những chiếc vỏ lãi không biết từ đâu chui ra trên những con rạch chằng chịt. Có những đoạn chiếc ca nô rời khỏi mặt nước. To con như anh chàng Thái Hợi mà mặt cắt không còn hột máu huống chi chị em phụ nữ. Tôi leo lên di tích tọa độ cuối cùng của tổ quốc nhìn ra khơi xa mà thấy lòng phơi phới giống như những nhà leo núi vừa mới chinh phục được Everest quanh năm tuyết phủ vậy. Cái ao ước mà phải đến gần nữa đời người gã thường dân như tôi mới thực hiện được. Chúng tôi rời Cà Mau sau một đêm đầy men say với sản vật của vùng sông nước nơi cuối đất này.


Xe băng qua chiếc cầu xi măng bé tí dài chưa đầy năm mét là đến vùng đất của công tử nổi danh ăn chơi lưu danh đến tận ngày nay. Ngôi nhà kiến trúc Pháp giờ trở thành điểm du lịch cho du khách ngắm nhìn và nghe kể về sự xa hoa đốt tiền chiều người đẹp của chàng công tử Bạc Liêu để rồi giờ con ông phải ngồi ngoài hè của chính ngôi nhà của mình bán sách kiếm sống. Ông Trần Trinh Đức nở nụ cười gượng gạo khi tôi đề nghị được chụp chung tấm hình với đứa con gái nhỏ của mình. Có lẽ không gì xót xa hơn khi mà đời con phải “khát nước” như ông. Ngang qua công viên có tượng chiếc đờn kìm, ta như nghe đâu đấy tiếng khắc khoải đến nao lòng bài Dạ cổ hoài lang của ông Sáu Lầu rung lên cho vơi cơn phiền muộn vì thương vợ. Mảnh đất Bạc Liêu tuy nhỏ so với miền tây sông nước nhưng những nét văn hóa đặc sắc của nó cứ mãi trường tồn đến muôn đời sau. Sau khi ghé chùa Dơi nghe hòa tấu nhạc Khơ-me kết thúc hành trình khám phá vùng đất phương nam để ta biết thêm và làm giàu kiến thức về một vùng văn hóa có những nét đặc thù, diện mạo riêng tạo nên những giá trị cốt lõi của con người nam bộ.


Phong Bui Duy

Về miền Tây sông nước
Về miền Tây sông nước
Về miền Tây sông nước
Về miền Tây sông nước

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy