Sài Gòn mãi mãi không bao giờ quên

Từ khi rạp hát Văn Cầm ở đường Phạm Viết Chánh Thị Nghè biến thành trường học (Ông chủ rạp Văn Cầm có ba rạp hát mang cùng tên, hai rạp kia rải rác ở những khu vực khác bên trong trung tâm Sài Gòn), rồi bên cạnh có trường tiểu học Thạnh Mỹ Tây ở gần đó đã khiến cho vùng này bỗng trở nên nhộn nhịp hơn.


Một hôm, có chú khoảng 25 tuổi đến xin làm lao công cho trường. Chú được giao làm những chuyện lặt vặt như đóng sửa bàn ghế, quét dọn chung quanh … Chiều chiều, xong việc, chú thường mang cây accordeon ra ngồi trước cổng kéo chơi. Lúc đầu, chúng tôi bu lại xem chú biểu diễn. Những ngón tay của chú lướt nhanh trên các phím và nút dầy đặc ở mặt đàn. Cứ thế, hai cánh tay chú kéo ra rồi ập vào, kết hợp với cái đầu lắc lư trông thật điệu nghệ.


Sau một thời gian, chúng tôi đề nghị chú chuyển sang các bản nhạc mới, chú chỉ ậm ừ cho qua chứ không đàn được. Mấy thầy giám thị bảo, nó chỉ đàn mò bản nhạc tủ thôi chứ có học trường lớp nào đâu. Do đó, chúng tôi tản mác hết, không còn bu lại xem chú đàn nữa. Và cuộc sống của ngôi trường vẫn cứ lặng lẽ trôi.


Cho đến một hôm, lúc 5g sáng, khi chúng tôi thức dậy tập thể dục thì thấy những người đi chợ, họ tụm lại bàn tán gì đó. Còn ở đối diện cổng trường là tiệm cầm đồ (quên tên) đèn sáng trưng.


Người ta xì xào cô gái con bà chủ tiệm cầm đồ gom một số tài sản biến mất. Cả nhà túa ra đi tìm và báo cảnh sát. Cùng lúc đó, chú Minh lao công cũng biến mất. Không biết đây có phải là sự trùng hợp hay không nhưng sau đó cảnh sát đến làm việc và cuối cùng kết thúc câu chuyện là nhờ cây đàn accordeon, chú Minh đã dắt cô gái con bà chủ tiệm cầm đồ đi lập tổ uyên ương ở đâu chỉ có trời biết …


Sau đó thấy nơi này chật hẹp, nên ông Giám đốc lại di dời trường đến vùng đất mới. Từ Sài Gòn ra đây, điểm cuối cùng là qua cầu Gò Dưa, quẹo vào con đường đất bên trái, rồi đi vào độ một cây số. Đó là vùng đất mà người dân địa phương gọi là đồng chó ngáp ở Tam Hà - Thủ Đức. Đây là vùng đất rộng mênh mông do người dân di cư vô đây lập nghiệp, khai phá. Nhà cửa thưa thớt với những ruộng trồng rau muống và ao cá. Xen vào đó là những mảnh vườn nho nhỏ trồng dừa, mít, xoài. Nằm ở ven cánh đồng này có một khu nhà gọi là nhà Bảo trợ Xã hội bỏ hoang. Có lẽ nơi đây trước kia là chỗ trú ngụ của người di cư sinh sống trước khi được cấp đất, cấp nhà. Đây là khu nhà dài hàng trăm mét. Một đầu là dãy phòng vệ sinh và nhà tắm. Đầu kia là hồ chứa nước mưa. Phía trong khu nhà thì hoàn toàn trống rỗng. Cửa sổ được lắp ở hai bên tường theo chiều dài ngôi nhà, xa xa có một cửa ra vào.


Người dân địa phương đồn rằng nơi này có nhiều ma và những hiện tượng kỳ bí, do trước đây quân đội gom các thi thể tử trận sau một cuộc hành quân vào đây để chờ xe đến chở đi. Tuy vậy, chúng tôi vẫn dọn dẹp sạch sẽ, rồi phân chia ra khu ăn-nghỉ-học tập rất ngăn nắp và tiến hành sinh hoạt bình thường. Những ngày đầu, sau giờ học, chúng tôi lội đi chung quanh khám phá địa phương này. Đi dọc theo những bờ đất là các ruộng rau muống, rau nhút. Xa xa có vài ao cá, mặt nước luôn động đậy khi có bước chân người tới gần. Tô điểm cho khung cảnh quạnh quẽ nơi đây là những khu vườn trồng cây ăn trái. Lâu lâu, có vài con cò, con vạc kêu vang rồi bay vút lên khiến cho không gian càng đắm chìm trong im ắng lạ thường.


Ẩn hiện trên cánh đồng là vài mái nhà tranh dường như vắng chủ, tấm phên đã được kéo chặn cửa. Gần trường chúng tôi nhất là mảnh vườn của bà Năm trầu trồng rất nhiều dừa và mít xen kẽ nhau. Bà có cô con gái mới lớn suốt ngày kéo lá, chặt củi, vớt bèo nuôi cá ở các mương vườn.


Tất cả mọi sự đi lại ở khu vực này chỉ có con đường độc đạo bằng đất, bề ngang vừa đủ cho chiếc Ford car 12 chỗ của trường ra vào chở đồ. Dân cư mang nông sản đi chợ Tam Hà hay Thủ Đức bán cũng bằng con đường này. Ở một khúc quanh của con đường, có quán cóc bán đủ thứ bánh trái và nước đá bào xi rô. Mỗi buổi trưa, chúng tôi thường kéo nhau ra mua quà vặt, ngồi nói dóc, sau đó tranh nhau chạy nhanh về cho kịp giờ học buổi chiều.


Ngoài giờ học, không có chuyện gì làm nên dễ sanh tật. Người xưa có câu “nhàn cư vi bất thiện”, bọn chúng tôi hàng trăm đứa thì cũng có bấy nhiêu đó sở thích khác nhau. Do đó có nhóm thích đi chặt trúc làm ống thụt, bẻ trái ô du làm đạn, rượt bắn nhau nổ lốp bốp. Nhóm khác lấy lon guigoz đựng đường, bánh kẹo ở nhà mang theo đi học để làm nồi, rồi năn nỉ anh thủ kho (học lớp lớn) xin bột mì, sữa bột, đường, dầu ăn, sau đó xúm nhau lại nhồi-vò thành những cái khúc ngắn gọi là bánh mì khúc củi, rồi lấy ba cục gạch kê lon guigoz dầu lên đốt lửa chiên bánh ăn. Mỗi đứa ăn vài khúc mà cảm thấy ngon còn hơn cao lương mỹ vị. Có nhóm còn bạo gan hơn, đi vào các khu vườn để bẻ dừa, bẻ mít. Dừa non hay già gì cũng chặt ra xì xụp húp. Còn mít chỉ mới bằng cái chén cũng bẻ, đem về luộc chấm muối ớt.


Cầm đầu nhóm bẻ phá ở vườn tược xung quanh là thằng Sáng cò lép. Một hôm vì bị mất đồ nên chủ vườn rình. Mà có ai xa lạ đâu, đó là bà Năm trầu ở mảnh vườn cách trường chừng bốn năm bờ đất. Khi thằng Sáng và bốn đứa nữa bò vào đến bờ mít thì bà Năm xua hai con chó ra sủa inh ỏi. Bà vác cây chặn cửa ra rượt. Nhỏ con gái của bà thì la í ới. Bốn năm thằng bỏ chạy. Đồng bọn chạy thoát nhưng thằng Sáng thì quýnh quáng không biết chạy đường nào nên phóng xuống mương chạy cho nhanh, ai dè bị mắc lưới giăng ngang mương, nó bị bà Năm nện cho mấy cây, lôi đầu lên, nhưng nó khỏe mạnh hơn nên vuột thoát. Chạy về đến trường mình mẩy ướt mem như chuột lột, đầu cổ đầy bọt bèo sình đất. Đã thế, bà Năm trầu còn bước tới bờ ranh, phun cỗ trầu cái phẹt rồi chống nạnh chửi tới tấp: "Tụi bây là đồ mất dạy”, “Thầy tụi bây dạy như vậy hả”, "Lần nữa bắt được tao trói cho chó cắn”,”Cái trường gì mà không biết dạy học trò”…


Thầy Paul Chơn nghe ồn ào bước ra. Bà Năm mắng chửi vài câu bâng quơ rồi bỏ đi. Thầy Chơn giận xanh mặt kêu cả bọn ra xếp hàng, quất cho mỗi đứa hai cây rồi bắt đi xin lỗi chủ vườn.


Dù ở vùng khỉ ho cò gáy này, nhưng trường vẫn giữ chương trình cuối tuần cho đi chơi tự do. Các thầy dặn không được đi đâu xa, chỉ cho phép tới chợ Thủ Đức thôi. Chúng tôi dạ rân. Sau đó ra chợ Tam Hà rồi vòng qua chợ Thủ Đức chơi vòng vèo. Đi ngang ga xe lửa Thủ Đức, cả bọn xúm nhau rủ ra chợ Sài Gòn. Thế là cùng nhau mua vé xe lửa ra Sài Gòn cho đỡ nhớ.


Xuống xe lửa ở ngay chợ Sài Gòn thì chia tay. Thằng Dũng (con nhà giàu) lội đi tìm chỗ bán xe mobylet mua một chiếc màu xám, loại bình xăng ở gần cổ xe để đi chơi các nơi cho thỏa chí. Sau khi chạy chơi đã đời, nó quay trở lại bù thêm tiền đổi chiếc mobylet xanh có bình xăng ở dưới yên ngồi máy tốt hơn để chạy về Thủ Đức. Nhóm khác băng qua đại lộ Lê Lợi mua vài thứ linh tinh như kem đánh răng, tập vở bút mực rồi đi xuống bến Bạch Đằng xem tàu bè. Còn tôi, theo lịch trình muôn thuở đã đến đây là phải vào nhà sách Khai Trí. Chúng tôi dặn nhau là phải nhìn đồng hồ ở các cửa tiệm để canh giờ quay lại ga xe lửa mua vé về Thủ Đức.


Rồi mùa mưa tới, buồn não nề. Ngoài trời giông gió ầm ầm, mây đen nghịt trời, mưa tuôn xối xả. Buổi tối, ếch nhái ễnh ương xúm nhau tạo bản hòa tấu rầu thúi ruột. Trong thời điểm như thế này thì có những chuyện lạ xảy ra. Một số đứa trong bọn tôi lúc trời chạng vạng đi vào nhà tắm hay nhà vệ sinh thường thấy có người mặc bộ đồ trắng phủ từ cổ xuống chân, mặt mày lem luốc như khúc củi mục, đứng lặng yên sát vách, không động đậy. Nó hoảng hồn bỏ chạy ra ngoài la hét om sòm nhưng không ai dám vào xem thế nào. Mấy thầy giám thị bảo mỗi lần đi vệ sinh nhớ mang theo đèn pin. Chúng tôi thấy dường như mấy thầy cũng có điều gì e ngại nhưng cố trấn tĩnh chúng tôi.


Sự việc nói trên không chỉ có một hai bạn thấy được, mà có nhiều bạn cũng thường thấy như vậy. Khiến tối trước khi đi ngủ, cả bọn xúm nhau đi vệ sinh ở ngay hàng rào chứ không dám vào nhà vệ sinh. Tôi thường hỏi kỹ các bạn người áo trắng đó cụ thể ra sao, cao lớn thế nào, rồi bàn với các thầy coi chừng đó là ăn trộm. Nó đột nhập theo cách đó rồi chờ thời cơ ra tay không biết chừng. Mấy thầy gật gù: "Ờ cũng có lý”. Chiếc mobylet xanh của thằng Dũng được khóa kỹ hơn.


Sau đó, một buổi chiều, mới 5 giờ, vừa tan học thì mây đen kéo tới, sấm chớp lóe sáng cả bầu trời, mưa đổ ầm ầm. Mấy đứa thích tắm mưa, mặc quần đùi chạy dọc mái nhà tắm mưa ở những chỗ thủng của máng xối. Tắm xong cả bọn kéo nhau vào nhà tắm thay đồ, thì cũng vừa lúc đó có tiếng nổ ầm như bị dội bom. Cả khu nhà vệ sinh bốc khói, xi măng vụn từ mái nhà và các ống thông hơi văng tứ tung. Mấy đứa vào chưa kịp thay đồ chạy ra hớt hãi: “Sét đánh”, “Sét đánh cục lửa như cái mâm”, “Mịt mù khói bụi không thấy đường”. Các thầy xúm lại hỏi han nhưng bọn nó không trả lời, chỉ nói lung tung. Tôi mới nghĩ cách lấy giấy viết cho bọn nó viết, sau đó mới hiểu nhau được, vì tiếng nổ lớn làm cho bọn chúng bị điếc tai không nghe do đó không trả lời đúng ý người hỏi.


Cả trường bị một phen hú vía. Những đứa sợ ma thì bảo: “Thiên lôi đánh ma đuổi quỷ đó”.


TRẦN PHỤNG HIỆP

Sài Gòn mãi mãi không bao giờ quên
Sài Gòn mãi mãi không bao giờ quên
Sài Gòn mãi mãi không bao giờ quên
Sài Gòn mãi mãi không bao giờ quên

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy