Mùa vả xứ Huế

Về với làng quê xứ Huế tháng 4, ngoài được hóng gió đồng mát rượi, được hít hà hương lúa non căng tràn vị sữa ngọt lành; thì ta lại còn được say sưa trong vị chan chát của trái vả đầu mùa.


Miền Trung mưa nắng thất thường, người đời có câu mà than: “Nắng cháy đầu, mưa thối đất”. Mấy cây chi, trái gì mà sinh trưởng tốt ở đất Huế. Nhưng lạ thay, cây vả trồng dễ như chơi, nhưng lại chỉ sống tốt ở vùng đất hẹp miền Trung khắc nghiệt này. Chắc bởi lẽ đất lành, cây vả yêu mảnh đất mẹ Thừa Thiên bao đời cơ cực mà ban tặng cho con người nơi đây một thức quà tự nhiên, lành vị.


Ở nông thôn xứ Huế, vườn nhà ai hầu như cũng đều có vài ba cây vả. Nhưng được trồng nhiều nhất là ở làng cổ Phước Tích. Ngôi làng nhỏ ghi dấu bao thăng trầm lịch sử khép nép bên dòng Ô Lâu hiền hòa, dòng nước mát lành tưới tắm những khu vườn để xanh mơn mởn từng gốc vả. Vả được trồng nhiều trên đất cổ, vậy nên loại cây nông thôn này đã từ lâu đi vào nếp sinh hoạt của người dân quê nơi đây.


Trời gom nắng đổ về đông, nắng chiều tháng 4 đã bắt đầu gắt gỏng, oi ả hơn. Trên những con đường làng Phước Tích lót gạch tổ ong, những đôi quang gánh nặng trịch nhịp nhàng gánh nước về vườn. Khi mặt trời xuống chùng chình khuất sau rạng tre; những o, những mệ ra bến sông mà gánh nước về tưới cây. Đòn gánh cong cong oằn trên vai, hai đầu là hai thúng nước nặng trĩu. Để khi đi nước không bị sánh ra khỏi thúng, trên miệng thúng luôn có một lá vả đậy lại. Đường làng, ngõ xóm, bến nước rôm rả tiếng nói tiếng cười; rộn rã bước chân nhịp nhàng gánh nước. Nắng gió xứ Huế có nóng đến đâu mà thấy khung cảnh gánh nước về vườn, lòng cũng mát rười rượi theo làn nước ngọt Ô Lâu, theo đòn gánh cong cong và người dân quê nồng hậu.


Tháng 4 xứ Huế không còn những cơn mưa rây rắc, không còn những đợt gió lành lạnh sót lại của năm cũ; nắng ấm rót mật lên từng khu vườn Phước Tích, cây vả được mùa mà bắt đầu ra trái. Vào mùa vả, trái chi chít ra khắp gốc cây, từng chùm vả kết san sát nhau. Trái vả Phước Tích to đều, tròn dẹt, ruột đỏ nhìn như những sợi lông tơ mềm mịn, hồng hào đẹp mắt. Cây vả mọc thấp nhưng gốc lại to lạ, lá xè xè như lá môn. Bóng cây tỏa im lìm cả một khoảng vườn, mát râm ran giữa những trưa hè nực nội. Nhìn mùa vả đến, từng chùm, từng trái đu bám thỏa thích cả gốc cây mà mát mắt, thật khéo chiều thị giác người nhìn.


Đến Phước Tích mùa này, mấy ai mà bỏ qua được bao món ngon từ vả. Huế nổi tiếng với ba dòng ẩm thực, vả là một trong những nguyên liệu đặc trưng cho những món ăn của dòng ẩm thực dân gian. Vả hái từ vườn được luộc sơ qua để bỏ bớt vị chát rồi xắt lát thật mỏng, bóp cùng với tai heo, rau răm. Thế là có món vả trộn. Cái sừng sực của tai heo, giòn giòn của vả cứ thế mà níu giữ bao tâm hồn khi thử qua vả trộn Phước Tích. Huế nổi tiếng là vùng đất Phật, ngày rằm hay mồng 1, mâm cơm chay luôn có món vả trộn đậu phộng. Một thức ăn giản đơn nhưng mát lành, đậm chất Huế.


Những ngày hè nóng như rang, món ăn nhanh mà mát vẫn là vả sống chấm ruốc Huế. Chỉ dĩa vả sống, chén ruốc mà chấm rồi hít hà với cơm. Ruốc mặn, ớt cay xè làm lấn át đi cả cái vị chát vốn có của vả. Nhưng có lẽ với người Huế ăn quen, cũng chẳng thấy vả đắng, chát là mấy. Người phụ nữ cố đô bao đời nay nổi tiếng với sự sáng tạo trong ẩm thực, vậy nên ngoài vả trộn, vả chấm đặc trưng mà quen thuộc, còn có vả kho, vả hầm giò heo, vả rim,...


Với đặc tính sáng tạo, tài hoa và khéo léo của những o, những mệ người Huế; vả không chỉ để ăn mà còn để uống. Vả hơi non được hái từ vườn, trải qua các công đoạn thái sợi, phơi nắng, “sao” là đã có thể dùng để chế trà. Tách trà vả đỏ nhẹ, trong sóng sánh, mùi thơm đặc trưng đến khó tả. Trà có vị chát nhẹ, ngọt ở hậu vị. Sớm mơi xứ Huế, sương ban mai đỏng đảnh giăng mắc, nhấp một ngụm trà vả bên dĩa mè xửng; đậm chất cố đô mà chẳng nơi mô có được.


Ngày nhỏ, cứ đi học về là tụi trẻ con chúng tôi lại rủ nhau lên chùa hái vả. Vả ở chùa trồng nhiều, để đến khi có cúng thì khỏi phải mua. Lén lút mà vặt vả chùa, ăn vội trong lo sợ. Chấm muối ớt được gói cẩn thận trong lá chuối, hít hà mà tấm tắc khen ngon. Ăn luôn cả mủ vả, đắng nghét, chát ngầm là thế mà đứa nào đứa nấy ngồm ngoàm từ trái này sang trái khác, khen lấy khen để.


Cây vả đi cùng năm tháng với làng quê xứ Huế, dần trở thành “nếp ăn” của người dân quê nơi đây. Cúng kị, mâm cỗ dù có dọn bao món ngon thì vẫn không thể thiếu đi món vả trộn. Bởi lẽ thiếu đi vả trộn lại không thành cỗ của người Huế.


Trở lại Phước Tích một chiều tháng 3 ngót nghét rót cạn, tháng 4 chùng chình sang. Tôi được người o ở làng mời ăn chiều với mâm cơm “đậm đà vị làng” từ những món quê dân giả. O nồng hậu nói: “Con ăn thử vả trộn, về Phước Tích mùa ni thì răng mà không ăn vả trộn cho được”. Một miếng vả, tôi nghe được cả tình quê thổn thức.


Nguyễn Đức Anh

Mùa vả xứ Huế
Mùa vả xứ Huế
Mùa vả xứ Huế
Mùa vả xứ Huế

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy