Đoạn văn tham khảo số 6

“Chí Phèo” là một trong những truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Nam Cao viết về người nông dân trước Cách mạng. Có lẽ khi đọc truyện, người đọc sẽ không thể quên được chi tiết đắt giá, đó là ba lần Chí Phèo đến nhà bá Kiến.


Nhân vật Chí Phèo và bá Kiến được đặt trong mối quan hệ đối lập. Chí Phèo vốn là một anh nông dân hiền lành, lương thiện. Nhưng bá Kiến - tên cường hào ác bá đại diện cho giai cấp thống trị đã đẩy Chí đi tù chỉ vì một chuyện ghen tuông vô cớ. Sau khi ở tù ra, nơi đầu tiên Chí tìm đến chính là nhà bá Kiến. Việc Chí Phèo tìm đến nhà bá Kiến ở đây là một điều tất yếu, Chí muốn trả thù cái kẻ đã đẩy cuộc đời mình vào con đường lưu manh, tha hóa. Màn trả thù của Chí diễn ra với những tiếng chửi rủa, rồi rạch mặt để ăn vạ. Tiếng chửi của Chí như một cái tát giáng thẳng vào mặt bá Kiến - chính tiếng chửi đó đã khiến nhiều người mừng thầm ra mặt. Những năm ở tù đã biến một anh nông dân hiền lành, chất phác trở thành một “con quỷ dữ” của làng Vũ Đại. Nhưng tiếng chửi của Chí Phèo lại chẳng có tác dụng, vì bá Kiến đi vắng.


Chí Phèo chỉ còn biết tiếp tục rạch mặt, ăn vạ và kêu than: “- Ối làng nước ơi! Cứu tôi với... Ối làng nước ôi! Bố con thằng bá Kiến nó đâm chết tôi! Thằng lý Cường nó đâm chết tôi rồi, làng nước ôi”. Tưởng chừng như mâu thuẫn được đẩy lên đến đỉnh điểm, thì bá Kiến trở về. Cụ bá đã thay đổi tình thế một cách nhanh chóng. Bá Kiến không chỉ khiến Chí quên đi cái ý định trả thù mà còn mua chuộc được Chí trở thành tay sai cho mình. Kể từ, Chí Phèo đã bước vào con đường tội ác không có lối ra. Chí đã chính thức bước từ quãng đời bi thương sang bi kịch, càng ngày càng dấn sâu vào tội ác.

Lần thứ hai đến nhà bá Kiến, Chí Phèo không còn mảy may suy nghĩ đến việc trả thù. Chí đến để đòi tiền uống rượu. Lần này, Chí rất lịch sự, điều đó thể hiện qua việc gọi “cụ”, xưng “con”. Chí đã trở thành tay sai thực sự cho bá Kiến, đánh mất đi nhân tính của mình. Chí thản nhiên nói với bá Kiến: - Bẩm cụ, từ ngày cụ bắt đi ở tù, con lại sinh ra thích đi ở tù, bẩm có thế, con có nói gian thì trời tru đất diệt, bẩm quả là đi tù sướng quá. Ði ở tù còn có cơm để mà ăn, bây giờ về làng về nước, một thước đất cắm dùi không có, chả làm gì nên ăn. Bẩm cụ, con lại đến kêu cụ, cụ lại cho con đi tù”. Một câu nói được thốt ra trong lúc say nhưng lại khiến người đọc phải suy ngẫm.


Cái nghịch lý “đi ở tù” mới có cơm mà ăn, tưởng chừng như vô lý nhưng lại đúng với cuộc đời Chí lúc này - một con người tứ cố vô thân, không nghề nghiệp không nơi ở. Chí Phèo lúc này đã đánh mất đi nhân tính, để rồi sẵn sàng làm tất cả để đạt được mục đích của mình. Con đường đến nhà bá Kiến dường như đã quá quen thuộc với Chí. Bởi chắc chắn, Chí Phèo không chỉ đến nhà bá Kiến để đòi tiền có một lần. Cũng như Chí Phèo không chỉ làm việc cho bá Kiến có một lần vậy. Đến lần thứ hai nay, Chí Phèo thực sự đã đánh mất đi phần “người” để rồi trở thành một “con quỷ” khát máu.


Nhưng ấn tượng nhất phải là lần thứ ba, cũng là lần cuối cùng Chí Phèo đến nhà bá Kiến. Trong cơn tức giận vì bị thị Nở từ chối, Chí muốn tìm đến nhà thị để giết chết thị và bà cô. Nhưng bước chân lại đưa hắn tìm đến với nhà bá Kiến. Mục đích của Chí lần này hoàn toàn khác với những lần trước đó: Chí đòi quyền làm người lương thiện: “Tuy vậy, cụ cũng móc sẵn năm hào. Thà móc sẵn để tống nó đi cho chóng. Nhưng móc rồi, cụ cũng phải quát một câu cho nhẹ người:


- Chí Phèo đấy hở ? Lè bè vừa thôi chứ, tôi không phải là cái kho.


Rồi ném bẹt năm hào xuống đất, cụ bảo hắn:


- Cầm lấy mà cút đi cho rảnh. Rồi làm mà ăn chứ cứ báo người ta mãi à?


Hắn trợn mắt chỉ tay vào mặt cụ:


- Tao không đến đây xin năm hào.


Thấy hắn toan làm dữ cụ đành dịu giọng:


- Thôi, cầm lấy vậy, tôi không còn hơn.


Hắn vênh cái mặt lên, rất kiêu ngạo:


- Tao đã bảo là tao không đòi tiền.


- Giỏi! Hôm nay mới thấy anh không đòi tiền. Thế anh cần gì?


Hắn dõng dạc:


- Tao muốn làm người lương thiện!”


Nhưng trớ trêu thay, Chí không còn có thể trở về làm người lương thiện nữa. Chí đã bị hủy hoại hoàn toàn về nhân hình cũng như nhân tính. Để rồi hắn thốt lên đầy đau đớn: “ Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này?”. Hành động rút dao đâm chết bá Kiến rồi tự sát giống như một điều tất yếu. Bá Kiến chết là minh chứng cho câu nói: “Kẻ gieo gió ắt gặp bão”. Còn cái chết của Chí Phèo chính là một sự giải thoát cho số phận bế tắc của người nông dân trước cách mạng.


Như vậy, ba lần Chí Phèo đến nhà bá Kiến với những ý nghĩa khác nhau. Truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao đã chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.

Bài văn phân tích chi tiết Chí Phèo gặp gỡ Bá Kiến tại nhà trong tác phẩm
Bài văn phân tích chi tiết Chí Phèo gặp gỡ Bá Kiến tại nhà trong tác phẩm "Chí Phèo" của Nam Cao
Bài văn phân tích chi tiết Chí Phèo gặp gỡ Bá Kiến tại nhà trong tác phẩm
Bài văn phân tích chi tiết Chí Phèo gặp gỡ Bá Kiến tại nhà trong tác phẩm "Chí Phèo" của Nam Cao

Top 9 Bài văn phân tích chi tiết Chí Phèo gặp gỡ Bá Kiến tại nhà trong tác phẩm "Chí Phèo" của Nam Cao

  1. top 1 Bài văn tham khảo số 1
  2. top 2 Đoạn văn tham khảo số 2
  3. top 3 Đoạn văn tham khảo số 3
  4. top 4 Đoạn văn tham khảo số 4
  5. top 5 Đoạn văn tham khảo số 5
  6. top 6 Đoạn văn tham khảo số 6
  7. top 7 Đoạn văn tham khảo số 7
  8. top 8 Đoạn văn tham khảo số 8
  9. top 9 Đoạn văn tham khảo số 9

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy