Dẫn chứng về giữ gìn bản sắc dân tộc số 5

Việt Nam là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc anh em, các dân tộc gắn bó với nhau trên một lãnh thổ và cùng nhau giữ nước, cùng nhau chống giặc ngoại xâm để bảo vệ Tổ quốc của mình. Trong Thư gửi đại hội các dân tộc thiểu số tại Plâycu, Hồ Chí Minh nói: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt”.


Giữ gìn và phát huy bản sắc của mỗi dân tộc sẽ phát huy được sức mạnh của cả dân tộc, đồng thời những nét văn hóa riêng của mỗi dân tộc anh em gồm tín ngưỡng, phong tục tập quán, lễ hội… bổ sung cho nhau và làm phong phú cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam.


Đối với tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, Hồ Chí Minh nhận định: “Người dân An Nam không có linh mục, không có tôn giáo theo cách nghĩ của Châu Âu. Việc cúng bái tổ tiên hoàn toàn là một hiện tượng xã hội. Những người già trong gia đình hay các già bản là người thực hiện những nghi lễ tưởng niệm”.


Người không bao giờ phản đối, bài xích các tôn giáo mà luôn luôn tỏ thái độ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng. Người không hề có sự phân biệt đối xử giữa tôn giáo này và tôn giáo khác, giữa người có đạo và người không có đạo. Hồ Chí Minh chỉ rõ đã là người Việt Nam dù là lương hay giáo đều có chung cội nguồn sâu xa cùng nòi giống “con Rồng cháu Lạc”, cùng chung vận mệnh dân tộc và gắn bó với nhau bởi truyền thống đoàn kết.


Nhân các dịp lễ như lễ Nô-en của Công giáo hay ngày Đức Phật Thích Ca thành đạo của Phật giáo, Người thường gửi thư chúc mừng các chức sắc tôn giáo cũng như các tín đồ. Điều đó làm cho họ rất phấn khởi vì Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc dù rất bận song vẫn quan tâm đến ngày vui của họ.


Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm đến đời sống tâm linh của họ mà trên cương vị Chủ tịch nước, Người đặc biệt quan tâm đến đời sống hằng ngày của người dân có tôn giáo. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ cấp cơ sở phải thường xuyên chăm lo đời sống mọi mặt của đồng bào, từ ăn, mặc, ở, đi lại, học hành đến khi ốm đau phải được chữa bệnh.


Phong tục tập quán của mỗi dân tộc không chỉ là thói quen, lối sống của một cộng đồng dân tộc mà còn là sự biểu hiện của triết lý vũ trụ, nhân sinh quan của dân tộc ấy. Phong tục tập quán vừa có cái chung, vừa có cái riêng, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc một cách đậm đà và sâu sắc. Ngay từ những năm còn ở chiến khu Việt Bắc, Hồ Chí Minh đã chú trọng đến việc giữ gìn, tôn trọng phong tục, tập quán, tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.


Người coi đó là “những vốn cũ quý báu của dân tộc” cần được giữ gìn, bảo vệ và phát huy. Chính vì thế mà cần phải: “Ra sức giúp đỡ đồng bào phát triển những việc có lợi ích cho đời sống vật chất và văn hóa của các dân tộc”. Tuy nhiên, Người cho rằng cần phải loại bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan như: lấy chồng hoặc lấy vợ quá sớm, cúng bái, ma chay theo các hủ tục lạc hậu…


Như vậy, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong phong tục truyền thống là để xây dựng cuộc sống dân tộc được tốt đẹp hơn và xóa bỏ những yếu tố lạc hậu góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên các địa phương. Mỗi dân tộc dù có khác nhau nhưng đều có điểm chung là cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa mới, giữ gìn gia phong, thuần phong mỹ tục.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy