Cha tôi là một người thầy

“Các em học để làm gì? Học Toán để làm gì?...”. Tiếng người thầy sang sảng vang lên trong buổi học đầu tiên khi năm học mới bắt đầu. Các trò ngồi dưới, người thì im lặng suy nghĩ, người thì lí nhí nói học để biết, học cho thông minh, học vì yêu Toán, học để kiếm tiền… Còn người thầy với mái đầu hói, làn da bánh mật, đôi mắt sáng tỏ, hàm răng đen vì thuốc lào, đôi bàn tay xù xì, chiếc áo sơ mi màu ghi đá, chiếc quần kaki sơ vin bởi cái thắt lưng da màu đen, giọng cất vang, ấm áp: “Đúng, các em đều nói đúng, nhưng học trước tiên phải làm một người tốt, để biết yêu thương và giúp đỡ gia đình, xã hội. Cũng như vậy, học Toán để biết một bữa ta phải nấu bao nhiêu gạo cho không thiếu mà cũng không thừa, đỡ phí. Biết tính bao nhiêu tiền để mua đủ thức ăn trong một tuần, một tháng. Toán cho em biết một sào ruộng bằng bao nhiêu hécta, bao nhiêu mét vuông, làm thế nào để người nông dân chia ruộng theo khẩu cho mỗi gia đình. Hãy nhìn Toán và đưa nó về với cuộc sống như khi các em ăn cơm, như khi mẹ đi chợ mua rau và như khi bác thợ xây xây nhà, như khi các em chơi chắt, chơi chuyền, chơi ô ăn quan, hiểu như vậy là biết yêu chính mình, yêu gia đình và sẽ biết đóng góp cho xã hội…” Ngoài cửa sổ, một cô bé cứ say sưa, tròn mắt lắng nghe từng lời của thầy. Điều đặc biệt là, cứ vào năm học mới, cô bé này phải đợi bằng được tiết dạy đầu tiên như thế, của những lớp học sinh thầy dạy, để được nghe những lời giới thiệu đại thể như vậy – vì những tiết sau đó, thầy giảng Toán cho anh chị lớp lớn, cô chẳng hiểu gì…


Và cô bé đó chính là tôi, người thầy đó chính là cha tôi – Thầy giáo Nguyễn Trọng Thái – người làng Duyên Yên (làng Lở – Ngọc Thanh – Kim Động – Hưng Yên, cách đây đã hơn ba mươi năm. Và cái tên Thái Toán, cái tên đã trở nên quen thuộc khi tôi được nghe nhiều bậc tiền bối (kể cả học trò) trong ngành giáo dục huyện rồi tỉnh nhắc đến cha tôi.


Có rất nhiều kỉ niệm về cha mà ngày nay tôi cũng không nhớ hết vì ngày đó tôi còn bé, cũng không có ý niệm ghi lại. Nhưng tôi chỉ biết rằng: tôi rất tự hào về cha tôi.


Cha tôi kể, tốt nghiệp ĐHSP Toán, ông được phân về dạy trường Cấp III Ân Thi, rồi Cấp II Đức Hợp, sau đó lại về Trường Bổ túc Văn hóa xã Hiệp Cường, huyện Kim Động, rồi lại về trường Bổ túc Văn hóa xã Lương Bằng – hay còn gọi là Trường Dân Chính huyện Kim Động, rồi về dạy và làm quản lí tại trường THCS Đồng Thanh. Cuối cùng thì cha làm việc tại Phòng GD&ĐT Kim Động, rồi nghỉ hưu năm 2008. Cứ như vậy, cha tôi làm việc cần mẫn, chăm chỉ như một con ong.


Tôi nhìn lại, cho đến bây giờ, cha tôi không có một giấy tờ nào làm bằng chứng rằng ông là một giáo viên giỏi – Không giống như giáo viên chúng tôi ngày nay, đủ các loại nào thì Giấy chứng nhận Giáo viên dạy giỏi cấp này, cấp kia, nào là Danh hiệu Chiến sĩ thi đua Cơ sở, nào là Giấy khen của UBND huyện, của Sở GD&ĐT… Nhưng tôi còn nhớ như in những lần cha tôi được trường cử đi thi Giáo viên dạy giỏi tại Ân Thi rồi tận ngoài Hải Dương. Khi cha tôi đi, tôi cũng không còn nhớ những lần ông vắng nhà nó như thế nào. Tôi chỉ biết rằng khi ông trở về đều mang về một chiếc mũ cối. Cha tôi bảo đó là phần thưởng cho người được giải Nhất hội thi. Cuộc đời cha tôi không biết bao lần ông được những chiếc mũ cối mang về nhà. Và tôi cũng chẳng nhớ bao nhiêu lần mình ra đón cha, đón chiếc mũ cối từ tay cha rồi chạy vào đưa khoe mẹ…Tôi còn ngây thơ tìm mãi trong cặp của cha xem có quà gì không. Lần nào cũng không vì các cuộc thi đó người đạt giải không được lĩnh tiền như bây giờ.


Có lần, khi gia đình tôi ở tập thể Trường cấp 1+2 xã Đồng Thanh, Kim Động, một người đàn ông dáng vẻ lam lũ, chất phác đi một chiếc xe đạp thồ chở theo rất nhiều bắp cải (có lẽ anh ta đi bán) đến hỏi tên cha tôi:


- Thầy ơi! - Anh ta nhỏ nhẹ


- Cậu tìm ai – Tôi thấy cha tôi có vẻ ngạc nhiên.


- Em đây, thầy không nhận ra em ạ. Thầy còn nhớ, có một cậu học trò nghèo, thầy đến tận nhà vận động để đi học bổ túc chỉ vì nó thích học mà gia đình lại không có điều kiện không? Thầy đã cho gia đình nó phiếu gạo và phiếu thịt trong khi gia đình thầy đang rất cần không ạ?


Cha tôi có vẻ ngờ ngợ, rồi đầu gật gật.


Vậy là câu chuyện cứ thế diễn ra khi cha tôi nhớ ra anh ta…Lúc về anh ta không quên đưa lại cho gia đình tôi mấy cây bắp cải và nói: “Dẫu rằng hôm nay em có đủ tiền đưa biếu thầy cả trăm cái bắp cải, cả chục món ăn ngon hay một vật gì đó giá trị thì cũng không trả đủ số tiền một cân thịt và năm cân gạo trên chiếc tem phiếu ngày nào và cả cái công thầy dạy cho em… ”. Nghe kể lại, cả nhà tôi đều bùi ngùi xúc động, còn tất nhiên anh học trò năm xưa ấy cũng rơm rớm, nghẹn ngào - khi gặp lại cha tôi, còn tôi lại thêm một lần tự hào về cha.


Khi tôi lớn lên, cha tôi kể lại rằng, hồi ông còn là giáo viên, đúng vào đợt kiểm tra chuyên môn của trường, thầy Nguyễn Viết Thạch thời đó làm nghiệp vụ của Phòng Giáo dục huyện Kim Động (thầy từng là Trưởng khoa Khoa học Tự nhiên Trường Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên, nay đã về hưu) thầy đến dự giờ của cha tôi. Cha tôi kể: “Khi mình đang dạy, ông ý chạy vào xem, vừa vào vừa nói “Chả dự được ai, vào ngồi dự tiết này cho vui”. Lúc đầu thầy có phần không để ý giờ dạy. Sau đó thầy ngồi yên lặng, ngây người, chăm chú dự đến hết giờ và không có đánh giá xếp loại, lúc ra, thầy cười rất tươi, bắt tay mình”. Vừa kể dứt, cha tôi cười khà khà.


Hồi tôi học tại Trường THCS Đồng Thanh, Kim Động, tôi rất thích nghe tiếng cha giảng bài (có một điều đặc biệt đáng tiếc, tôi không được cha tôi dạy một năm nào từ lớp sáu đến lớp chín). Tôi rất thích ngắm cái dáng người bình thản, vừa giảng bài khuôn mặt vừa rạng rỡ của cha. Không chỉ tôi, mà rất nhiều người cùng có ấn tượng ấy về ông. Thầy Sông, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Phù Cừ, khi thầy nhận ra tôi trong Hội thi Giáo viên dạy giỏi năm học 2009 – 2010, thầy đã kể về cha tôi:


- Bố mầy tài lắm đấy, dạy Toán không bao giờ cần giáo án nhưng bài vẫn cứ nuột, dạy cứ tưởng cháy giờ nhưng cuối giờ lại ngon lành không ai ngờ tới. Cái tài của bố mày là dạy đủ thể loại, từ học sinh giỏi đến trung bình yếu. Cái tài nữa là dạy Hình học không bao giờ cần thước và compa, thế mà hình vẫn cứ tròn, đường vẫn cứ thẳng, góc vẫn cứ chuẩn xác. Tài thật đấy, dạy cứ như chơi, bọn học sinh không hề bị áp lực, đến cái thằng nghịch nhất lớp, hay trốn học mà nó cũng thích nghe giảng… Hài hước mà chuẩn mực, nhẹ nhàng mà bản lĩnh…


Còn tôi, nghe thầy nói về cha tôi mà tôi thấy tự hào quá. Có một điều gì đó mà tôi chưa làm được như cha mình chăng, khi ngày nay, cũng là một giáo viên nhưng tôi thấy mình đang quay cuồng trong những phương pháp mới, trăn trở với kĩ thuật dạy học hiện đại hay những phương tiện dạy học tiên tiến, tôi vẫn cứ thấy bài giảng của mình chưa được như bài giảng của cha theo lời mọi người kể. Phải chăng nhìn từ cha tôi, tôi đang đi kiếm tìm cho mình một hướng đi trong nghề. Nó là cái gì, mông lung thật, khó quá! Hay có phải đó là cái tâm với nghề của cha tôi, hay tại bởi tình yêu mà cha dành cho Toán, dành cho học trò, sự say sưa đến lạ, những vẫn đủ nuôi dạy những tâm hồn tuổi thơ của bao thế hệ, không chỉ là Toán mà là cách làm người. Hay tại bởi cha tôi yêu cái nghề dạy học như hơi thở của chính mình, khi dạy là không còn vướng bận điều gì của cuộc sống mà cái quan tâm duy nhất của cha tôi là việc học trò học Toán thế nào và hiểu gì về nó, học trò có hiểu bài như hiểu bát cơm, chai tương, củ hành của đời sống không…? Tất cả cứ khiến tôi phải đi tìm.


Từ khi về nghỉ hưu đến giờ, cha tôi đều mang trong mình bệnh tật. Nhưng không lúc nào tôi thấy ông không bàn về việc dạy học. Nói đến học trò mà mắt cha tôi cứ sáng lên. Mỗi lần tôi chở các con về thăm ông là cha tôi đều pha ấm chè rồi nói chuyện với tôi y như với những đồng nghiệp vậy. Và những câu nói của cha sẽ in mãi trong tâm khảm tôi, sẽ theo suốt hành trình làm thầy của tôi: “Dù sao mình vẫn thích đứng lớp”. “Con mà dạy trò thì phải nhìn từ việc nó cần gì”… “Còn dạy con mình thì không được áp lực, khi nào nóng giận thì đi ra chỗ khác, không dạy nữa”. Rồi “Dạy đừng làm mất cái tâm của mình nhưng không quên khơi lên cái tài của trò”, “Nghề giáo đừng nghĩ việc hám lợi, không hay …” !


Và những lời bài giảng đầu tiên tôi nghe được từ cha tôi chính là bài học đầu tiên của tôi khi tôi làm nghề giáo. Tôi sẽ làm tiếp, sẽ đi tiếp con đường mà cha tôi đã bước, đã từng coi đó là điều quý nhất khi mỗi người quyết định lựa chọn mình trở thành một người thầy!


Sưu tầm

Cha tôi là một người thầy
Cha tôi là một người thầy
Cha tôi là một người thầy
Cha tôi là một người thầy

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy