Cảm nhận về nhân vật người đàn bà hàng chài trong "Chiếc thuyền ngoài xa" số 8

Nguyễn Minh Châu là một trong số những tác giả tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới, bằng ngòi bút tinh tế, nhẹ nhàng, ẩn chứa nhiều những bài học, những quan điểm có giá trị nhân văn ông đã đem đến cho nền văn học hiện đại một xu hướng mới. Không còn viết về những đề tài chiến tranh thảm khốc, những nỗi đau thương mất mát trên chiến trường, hay sự hào hùng hy sinh anh dũng của những con người ở tiền tuyến và hậu phương.


Nguyễn Minh Châu đã đặt trọng tâm vào việc phản ánh đời sống xã hội lúc bấy giờ, đi sâu vào từng cuộc đời cá nhân với những nỗi đau và những vẻ đẹp lẩn khuất, để cuối cùng mở ra những quan niệm mới mẻ về cuộc đời, khiến chúng ta nhận thức được những điều có lý trong chính những nghịch lý của cuộc đời. Chiếc thuyền ngoài xa là một trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất của Nguyễn Minh Châu với nhân vật người đàn bà làng chài mang trong mình những nỗi bất hạnh, đớn đau. Tuy nhiên từ trong những nỗi đau thương bất hạnh ấy, độc giả lại cảm nhận được thật rõ nét những vẻ đẹp tâm hồn đáng quý, cũng như thấu hiểu cảm thông hơn cho nhân vật này, cho những người phụ nữ làm nghề chài lưới ven biển giai đoạn sau giải phóng, khi mà chiến tranh đi qua nhưng những hậu quả để lại trên mảnh đất Việt Nam còn quá lớn và dai dẳng.


Trước hết để diễn tả nỗi bất hạnh của người đàn bà làng chài, người ta không thể bỏ qua những chi tiết về ngoại hình của chị. Chẳng còn gì đáng buồn hơn là ông trời đã bắt người đàn bà ấy phải chịu nỗi đau của một người phụ nữ có dung mạo xấu xí, chị vốn sinh ra trong một gia đình giàu có, thế nhưng một cơn đậu mùa đi qua đã để lại trên mặt chị cơ man nào là những nốt rỗ chi chít, rồi trở thành cô gái quá lứa lỡ thì, rồi cuối cùng may mắn nên duyên cùng người chồng hiện tại. Thế nhưng ấy chẳng phải là cuộc hôn nhân hạnh phúc, viên mãn gì, bởi lẽ lấy chồng nghèo, chị đã phải hy sinh cả cuộc đời của mình cho những nỗi lo cơm áo gạo tiền, cuối cùng giờ đây chị biến thành một người phụ nữ trung niên, dáng vẻ thô kệch, khuôn mặt tiều tụy, xơ xác, thảm hại vô cùng.


Nhưng bất hạnh của chị chưa dừng lại ở đó, mà nó còn khủng khiếp hơn khi bản thân người phụ nữ này còn là nạn nhân của cảnh bạo hành gia đình dã man. Bước vào đầu câu chuyện, người ta đã không khỏi xuýt xoa say mê trước cái cảnh một con tàu tiến vào bờ trong ánh mai hồng, tựa như một bức danh họa thời cổ, một cảnh "đắt" trời cho hiếm có. Thế nhưng giữa lúc ấy bước xuống khỏi con thuyền như mơ, lại là một cặp vợ chồng, tiều tụy, lam lũ, và khủng khiếp hơn ấy là cảnh người đàn ông dùng thắt lưng quất liên tiếp vào người đàn bà đi cùng vừa đánh vừa chửi rủa đay nghiến những lời cay độc, còn người đàn bà thì chỉ biết chịu đựng, không bỏ chạy, không la hét chống cự. Rồi cả nỗi đau đớn của chị khi phải chứng kiến đứa con trai của mình là thằng Phác lao vào đánh lại bố nó để bảo vệ mẹ. Tất cả những điều ấy khiến người ta dễ dàng đặt ra một dấu hỏi lớn, vì sao người đàn bà ấy lại phải nhẫn nhịn và chịu đựng một cách nhu nhược và hèn nhát đến nhường này, trong khi bản thân chị cũng có được sự bảo vệ của thằng con, sao chị vẫn cứ căng mình để nhận lấy những đòn roi từ người chồng vũ phu, độc ác.


Tuy nhiên, chỉ khi được Phùng và chánh án Đẩu mời lên giải quyết chuyện ly hôn, chị mở lòng tâm sự những điều mình giấu trong lòng bấy lâu nay người ta mới vỡ lẽ ra rằng, không phải việc gì chúng ta cho là có lý cũng hoàn toàn đúng trong mọi trường hợp. Với câu chuyện của người đàn bà làng chài, khi được Phùng và Đẩu giúp đỡ làm thủ tục ly hôn, giải thoát khỏi cảnh bạo lực gia đình nghiêm trọng, thì phản ứng của chị không phải là vui mừng, hạnh phúc, muốn ly hôn lập tức. Mà trái lại, người đàn bà ấy sống chết cầu xin đừng bắt chị ly hôn chồng, có lẽ đối với nhiều người đó là một hành động không thể nào "gàn dở" hơn, thế nhưng phải đứng vào vị trí ấy của người đàn bà làng chài chúng ta mới hiểu chị có biết bao nhiêu nỗi lo, nỗi khó xử. Chị không muốn ly hôn chồng chung quy tất cả cũng là tấm lòng thương con của người mẹ, vì những đứa con còn tuổi ăn tuổi lớn của mình, chị sợ rằng không có người đàn ông chèo chống lúc phong ba bão táp, thì mình chị làm sao có thể gồng gánh để nuôi từng ấy miệng ăn qua những ngày biển động. Lão chồng vũ phu của chị dù có đánh đập, hành hạ chị đến cỡ nào, rồi cũng phải quay về con thuyền này, làm tròn bổn phận của một người cha, ra sức lao động để cùng chị nuôi lớn con cái.


Vì con chị chẳng sợ gì đòn roi, đau đớn, miễn sao là những đứa con của chị có thể được ăn no, được lớn lên đàng hoàng, khỏe mạnh, là đã đủ khiến chị hạnh phúc, mãn nguyện. Tấm lòng người đàn bà, người mẹ ấy thật bao dung, ấm áp. Không chỉ lo lắng về vật chất, cơm ăn áo mặc, mà hơn thế nữa chị còn lo lắng cả về mặt tinh thần cho những đứa con của mình, chị muốn chúng có bố như bao đứa trẻ khác, có một gia đình đầy đủ vẹn toàn. Và dù bị đánh đập dã man, chị cũng không muốn để con mình nhìn thấy, chính vì vậy chị luôn xin gã chồng vũ phu có đánh thì rời khỏi thuyền rồi hãy đánh chị. Bởi lẽ chị không muốn những hình ảnh bạo lực, sự rạn nứt tình cảm gia đình giữa cha mẹ làm ảnh hưởng đến tâm hồn của con cái. Về chuyện của thằng Phác, khi phát hiện nó thù ghét cha mình, thậm chí có những suy nghĩ lệch lạc, chị đã nhanh chóng gửi nó về nhà ngoại, để tránh việc nó làm ra những chuyện không thể vãn hồi. Có thế mới thấy được tình mẫu tử thiêng liêng của người đàn bà làng chài, dẫu trên tấm lưng và tâm hồn dày đặc những vết thương đau đớn, thế nhưng chị vẫn một lòng bảo hộ chu toàn cho những đứa con bằng cách của riêng mình. Sống một cuộc đời nhiều sóng gió, vất vả và đau thương như thế nhưng bản thân chị không mấy khi nghĩ đến những chuyện đớn đau mà trái lại chị luôn hướng về những tháng ngày hạnh phúc, gia đình quây quần đầm ấm bên nhau trong những bữa cơm, đối với chị chỉ cần nhìn thấy con cái ăn no là chị cũng đã đủ hạnh phúc. Đối với chị "ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ" cho nên họ "phải sống cho con chứ không thể sống cho mình". Chị thấu hiểu lẽ ấy, nên chấp nhận nhẫn nhịn, hy sinh tất cả để củng cố cuộc đời của các con.


Bên cạnh vẻ đẹp của tình mẫu tử thiêng liêng, ở người đàn bà làng chài còn có vẻ đẹp của sự nhẫn nhịn, cam chịu và tấm lòng bao dung sâu sắc. Đối với việc bị đánh đập tàn nhẫn của người chồng vũ phu, người đàn bà làng chài không than trách, không kết tội, mà trái lại chị có phần thấu hiểu, cảm thông và bào chữa cho hắn. Chị cho rằng chung quy lại cũng chỉ tại khổ quá, đói kém quá, biết bao nhiêu gánh nặng của một gia đình hơn chục miệng ăn cứ quanh năm suốt tháng đè nặng lên đôi vai của người chồng, khiến hắn mệt mỏi và cần một nơi để trút giận, trút hết những uất ức bấy lâu, xong rồi thì hắn lại quay về lao động, kiếm sống. Chị hồi tưởng về những ngày trẻ và nhắc lại một cách dịu dàng rằng chồng chị khi ấy "cục tính nhưng hiền lành không bao giờ đánh đập tôi". Sau cùng chị tổng kết "giá mà tôi đẻ ít đi", một nạn nhân, một người đáng được che chở bảo vệ, cuối cùng lại nhận hết mọi trách nhiệm về mình và biện minh cho người đã gây ra biết bao đau khổ cho bản thân. Có tấm lòng nào nhân hậu và bao dung được hơn thế nữa. Thêm nữa có lẽ bản thân chị vẫn luôn ghi nhớ cái ơn nghĩa cứu vớt cuộc đời chị khi xưa của người chồng, mặc dầu cuộc đời chị có thể không được trọn vẹn, nhưng ít nhất chị cũng có một gia đình và những đứa con của riêng mình, không phải chịu sự cô độc đến già.


Bên cạnh ấy, ở người đàn bà làng chài, lam lũ, ít học, thế nhưng người ta lại nhận ra được vẻ đẹp của một tâm hồn từng trải, thấu tình đạt lý, có một cái nhìn rất đa chiều và sâu sắc về cuộc đời. Chị không chỉ là một con người biết nhẫn nhịn, biết chịu đựng mà bản thân chị còn là một người biết phân biệt đúng sai, chị cũng hiểu được rằng hành động của Phùng và Đẩu cốt là để giúp đỡ chị, thế nhưng phải đứng trong hoàn cảnh của chị người ta mới thấy khó khăn để lựa chọn cỡ nào. Từng lời phân tích, với những lý lẽ mộc mạc, giản đơn, giàu đức hy sinh của người đàn bà làng chài, dường như đã khiến Phùng và Đẩu vỡ ra một điều gì đó. Đó là việc những cái có lý vẫn có thể tồn tại ngay trong lòng những điều nghịch lý nhất, mà bản thân con người phải có một cái nhìn đa diện nhiều chiều thì mới nhận ra và thấu hiểu được.


Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu là một trong những tác phẩm xuất sắc phản ánh rất rõ bức tranh xã hội Việt Nam sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, tuy chiến tranh đã đi qua thế nhưng hậu quả nó để lại cho con người, cho mảnh đất quê hương thì còn mãi dai dẳng, chính cái đói, cái nghèo kiệt quệ đã khiến con người ta khốn khổ, tha hóa. Tuy nhiên không nhằm mục đích nhấn mạnh vào vấn đề này, mà chủ yếu Nguyễn Minh Châu muốn khai thác vẻ đẹp tâm hồn của những con người nhỏ bé, những khía cạnh đạo đức, từ đó dẫn ra những quan điểm mới về cách nhìn nhận cuộc đời, cách cảm nhận những vẻ đẹp chân chính mà ở đây là hình ảnh người đàn bà làng chài với vẻ đẹp của tình mẹ, sự bao dung và thấu hiểu lý lẽ ở đời.

Cảm nhận về nhân vật người đàn bà hàng chài trong
Cảm nhận về nhân vật người đàn bà hàng chài trong "Chiếc thuyền ngoài xa" số 8
Cảm nhận về nhân vật người đàn bà hàng chài trong
Cảm nhận về nhân vật người đàn bà hàng chài trong "Chiếc thuyền ngoài xa" số 8

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy