Bài văn thuyết minh về chùa Trấn Quốc số 4

Chùa Trấn Quốc Hà Nội là một ngôi chùa cổ lâu đời ở mảnh đất kinh thành Thăng Long, với hơn 1.500 năm tuổi. Nơi đây được xem là một trong những chốn linh thiêng gắn liền với lịch sử dân tộc với vẻ đẹp cổ kính. Hãy cùng Wecheckin tìm hiểu về ngôi chùa ngàn năm tuổi được lọt vào danh sách 10 ngôi chùa đẹp nhất thế giới nhé!


Nằm ở gần một trong những con đường đẹp nhất Hà Nội, các bạn có thể kết hợp dạo chơi ở Hồ Tây, hồ Trúc Bạch, đền Quán Thánh. Ngôi chùa đã có hơn 1500 năm tuổi, sở hữu một bề dày lịch sử cùng với nền kiến trúc Phật giáo vô cùng độc đáo. Vì thế, chùa Trấn Quốc là một điểm đến không thể bỏ lỡ khi đến với Hà Nội.

Chùa được xây dựng từ thời vua Lý Nam Đế (541 – 547), có tên là Khai Quốc tại thôn Y Hoa, gắn liền với sự ra đời của nhà nước đầu tiên ở Việt Nam – nhà nước Vạn Xuân. Đến đời vua Lê Thái Tông (năm 1434 – 1442), chùa đổi tên là chùa An Quốc.

Vào đời Lê Kính Tông (1615), chùa được di dời chùa vào gò đất Kim Ngưu. Tên gọi Trấn Quốc có từ thời vua Lê Hy Tông (1681 – 1705) và được sử dụng cho đến tận bây giờ. Ngôi chùa đã trải qua 6 lần trùng tu, từ năm 1624 đến năm 1842.

Chùa nằm trên một hòn đảo nhỏ giữa lòng Hồ Tây, khuôn viên chùa được nối tiếp với bờ đất liền bằng một chiếc cầu đá. Xưa kia, chùa Trấn Quốc Hà Nội được xem là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long. Các hoạt động ngự giá cúng lễ vào dịp lễ, Tết được các đời vua Lý, Trần tổ chức ở đây. Các cung điện như Điện Hàm Nguyên, Cung Thúy Hoa được xây dựng nên để phục vụ cho việc vui chơi, nghỉ ngơi của vua. Là một trong những công trình tôn giáo có tuổi đời cao nhất trong khu vực thành phố. Ngôi chùa có tổng diện tích lên đến 3.000m2 được chia làm 3 phần là Vườn tháp, Nhà tổ và Thượng điện.

Dù đã trải qua nhiều đợt trùng tu, chùa Trấn Quốc Hà Nội vẫn không làm mất đi nét đặc trưng của nguyên tắc kết cấu và kiến trúc Phật giáo. Từ phía đất liền qua chiếc cầu đá ta sẽ bắt gặp Cổng Tam Quan ở cuối nhịp cầu. Cổng có 3 lối đi, lối đi lớn ở chính giữa và 2 lối đi nhỏ phụ đặt ở 2 bên. Phía trên cổng là 3 mái ngói đỏ uốn cong, chính giữa cổng là một tấm biển đề tên và 2 câu đối cổ ở 2 bên cột.

Sau cổng tam quan chùa là khuôn viên với những lối đi nhỏ. Trong sân có đình với thiết kế độc đáo tầng mái ngói. Bên trong đặt một bia đá lớn khắc tên tuổi những vị danh sĩ đỗ đạt và được chọn làm quan thời xưa. Có hòn non bộ, bên phải hòn non bộ là khu vực chứa các tháp chùa được xây dựng từ thế kỷ 18.

Trong đó, nổi bật nhất có lẽ là Bảo tháp lục độ đài sen 11 tầng, cao 15m được xây dựng vào năm 1998. Mỗi tầng tháp đều có 6 ô cửa, trong mỗi ô đều đặt 1 tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Trên đỉnh tháp là Cửu Phẩm Liên Hoa (có nghĩa là đài sen 9 tầng) bằng đá quý.

Bảo tháp này được dựng đối xứng với cây bồ đề lớn do Tổng thống Ấn Độ tặng khi ông đến thăm Hà Nội năm 1959. Thượng toạ Thích Thanh Nhã, Uỷ viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Trấn Quốc, đã giải thích sự đối xứng đó là: “Hoa sen tượng trưng cho Phật tính chân, như tính sinh ở dưới bùn mà không bị ô uế. Bồ đề là trí giác, trí tuệ vô thượng. Tất cả đều hàm ý nghĩa bản thể và hiện tượng của các pháp”.

Bên trong chùa có những khu vực thờ tự tách biệt khi đi qua 3 lối cửa gỗ chính. Ở giữa là cửa gỗ lớn 6 nhịp cánh và 2 cửa nhỏ 4 nhịp cánh ở 2 bên. Mỗi gian nhà tổ đều có các khu ban thờ nhiều tầng với các khu tách biệt, mỗi khu ban thờ dành cho những vị Phật, thần và cao tăng nổi tiếng.

Chùa Trấn Quốc Hà Nội là một trong những niềm tự hào của người dân Hà Nội. Nếu các bạn có dịp ghé đến Hà Nội, thì hãy nhớ đến Chùa Trấn Quốc đầy cổ kính nằm bên Hồ Tây thơ mộng.
Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy