Bài văn suy nghĩ về sự hổ thẹn số 1

Bài thơ "Thuật hoài" của Phạm Ngũ Lão ra đời trong không khí hào hùng, khi cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần thứ hai sắp bắt đầu. Tác phẩm có sự xen kẽ giữa hai nguồn cảm hứng tự hào, tự tôn dân tộc và khát vọng lập công. Ngày nay, các thế hệ cùng trở về với hào hùng dân tộc một thời qua những tác phẩm thơ văn. Khi học bài thơ này, có bạn cho rằng "sự hổ thẹn của tác giả là quá đáng, kiêu kỳ". Ngược lại, có bạn ngợi ca và cho rằng đó là biểu hiện của một hoài bão lớn lao của người thanh niên yêu nước.


Hai ý kiến trái ngược nhau về sự hổ thẹn của tác giả xuất phát từ tầm đón nhận của mỗi người. Nếu ý kiến thứ nhất chỉ nhìn câu thơ ở lớp nghĩa đen, nghĩa bề mặt nên không thấy được vẻ đẹp của người tráng sĩ thì nhận định thứ hai đã nhìn nhận một cách toàn diện giá trị nội dung của tác phẩm khi cả hai đều hướng đến việc nhận xét sự hổ thẹn của tác giả. Ý kiến đầu còn tỏ ra sự phê phán hồ đồ, thiếu hiểu biết. Ngược lại thì ý kiến thứ hai rất đúng đắn và có giá trị.


Hai câu thơ đầu tác giả bày tỏ nỗi lòng, cảm xúc của mình trước vẻ đẹp của hình tượng người tráng sĩ và quân đội nhà Trần đang làm nhiệm vụ bảo vệ non sông đất nước với giọng điệu hào hùng, ngôn ngữ giàu cảm xúc, hình ảnh ước lệ, bút pháp giàu tính sử thi:


"Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu"


Hai câu cuối, tác giả đi sâu vào nội tâm, tỏ lòng trực tiếp. Ta thấy phảng phất ở đó nỗi hổ thẹn với chính bản thân mình:


"Nam nhi vị liễu công danh trái

Tu thính nhân gian thuyết vũ hầu"

(Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe thuyết Vũ Hầu)


Tác giả có nói đến chí nam nhi, một cách nói quen thuộc trong văn hóa phong kiến thì chí nam nhi thường gắn với lí tưởng công danh. "Công danh" là công lao và danh tiếng. Kẻ làm trai sinh ra ở đời phải biết lập nên công trạng, tạo dựng sự nghiệp, để lại địa vị, danh tiếng trong xã hội. Đó là con đường tất yếu với kẻ sĩ ở đời. Muốn khẳng định sự tồn tại của mình phải có công danh. Và chỉ có con trai mới lập nên công danh và đã là nam nhi thì lập công danh là một trách nhiệm. Quan niệm và lí tưởng công danh ấy có ý nghĩa tích cực bởi nó đã khích lệ tinh thần cống hiến và chiến đấu của biết bao trang nam tử ở đời để họ sẵn sàng rèn luyện có đủ phẩm chất để tề gia, trị quốc, bình thiên hạ bằng con đường dùi mài kinh sử, lều chõng đi thi, đỗ đạt khoa cử. Sau này Nguyễn Công Trứ cũng xem chuyện công danh như là lẽ sống của cuộc đời mình:


"Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông"


Bản thân ý tưởng ấy đã làm bật lên vẻ đẹp trong chí khí và nhân cách của Phạm Ngũ Lão- một con người không chấp nhận cuộc đời tầm thường, vô nghĩa. Thời điểm viết bài thơ này, Phạm Ngũ Lão đã lập nên công danh sự nghiệp, có nhiều công trạng và kỳ tích. Vậy mà tác giả vẫn còn băn khoăn về chuyện mình chưa trả xong món nợ công danh "vị liễu công danh trái". Mà nợ thì phải trả cho nên niềm day dứt phải chăng là biểu hiện cao nhất của khát vọng tiếp tục lập công, của ý thức tu thân, không ngừng vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ; là biểu hiện của bầu nhiệt tâm, nhiệt huyết của người chí sĩ ở đời.


Câu thơ cuối cùng "tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu", Phạm Ngũ Lão đã gắn với ý thức nợ công danh. Vũ Hầu chỉ Gia Cát Lượng tức Khổng Minh, một bậc trung thần, một nhân cách lớn. Gia Cát Lượng đã cống hiến không mệt mỏi và tử trận trong một lần chỉ huy đánh giặc. Phạm Ngũ Lão lấy Vũ Lượng Hầu- người tài năng xuất chúng, nhân cách hơn người làm mẫu mực và thấy thẹn với chính mình bởi Gia Cát Lượng đã làm tròn việc trả nợ công danh đến hơi thở cuối cùng. Nỗi thẹn đó trước hết là nâng cao nhân cách Phạm Ngũ Lão, nung nấu khát vọng lập công, bày tỏ khát vọng được cống hiến cả đời mình cho dân tộc. Nỗi thẹn làm nên chí lớn tâm hùng của một bậc tài khí hơn người. Đó còn là nỗi thẹn cho thấy trách nhiệm, nghĩa vụ, ý chí của kẻ làm trai. Nỗi thẹn có khả năng tạo nên những hành vi nghĩa hiệp ở đời. Với Phạm Ngũ Lão - người đã từng đánh Đông dẹp Bắc lập nên nhiều chiến công vậy mà vẫn cứ thẹn thì quả là nỗi thẹn mang tầm vóc lớn lao, là nỗi thẹn tu thân chính đáng, nỗi thẹn của một con người đã cao đẹp còn vươn lên tầm óc lớn lao hơn.


Bài thơ khép lại, để lại trong lòng người đọc nhiều dư ba. Đó không còn là nỗi thẹn của tác giả mà là cả bức chân dung con người và thời đại mang hào khí Đông A.

Hình minh họa
Hình minh họa

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy