Bài văn so sánh đoàn quân trong "Tây Tiến" và "Việt Bắc" số 1

“Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”


Đã có những tháng ngày như thế, những tháng ngày đất nước hừng hực sục sôi trong khí thế của cuộc kháng chiến gian khổ mà anh hùng. Đã có những con người như thế, những con người nhỏ bé nhưng tạo sức mạnh của những đoàn quân một thời làm khiếp sợ kẻ thù, ra trận với ý chí “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh” để giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc. Cùng tái hiện vẻ đẹp của những đoàn quân ra trận, mỗi nhà thơ lại có cách khám phá và thể hiện riêng. Trong bài Tây Tiến, Quang Dũng viết:


“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”


Trong Việt Bắc, Tố Hữu viết:


“Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”.


Trước hết, chúng ta tìm hiểu hình ảnh đoàn quân Tây tiến trong đoạn thơ của Quang Dũng. Quang Dũng là nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Ông là người nghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc. Hồn thơ Quang Dũng phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa. Tây Tiến được sáng tác năm 1948, là một trong những bài thơ để đời của Quang Dũng, thể hiện sâu sắc phong cách nghệ thuật của ông. Bài thơ thấm đượm nỗi nhớ của nhà thơ về binh đoàn Tây Tiến mà ông đã cùng gắn bó và chiến đấu trên khung nền thiên nhiên Tây Bắc dữ dội, hùng vĩ và mĩ lệ. Đoạn trích trên nằm ở đoạn ba của tác phẩm, khắc họa chân dung người lính Tây Tiến trong điều kiện chiến đấu khắc nghiệt mà vẫn mang nét lãng mạn, hào hoa.


Xuyên suốt bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng là nỗi nhớ của ông hướng về những người đồng đội đã từng cùng nhau kề vai sát cánh trong chiến đấu trên khung nền thiên nhiên Tây Bắc khắc nghiệt, nhưng thơ mộng, trữ tình. Nỗi nhớ có lúc hóa thành nỗi nhớ “chơi vơi” trong tim Quang Dũng, là nỗi nhớ vô hình vô lượng, nhưng da diết, giằng xé, bật thành tiếng gọi thiết tha, đau đớn: “Tây Tiến ơi!”.


Theo lời Quang Dũng kể lại, Tây Tiến là tập hợp của những chàng trai Hà thành, xuất thân từ những mái trường, góc phố nên tùy chiến đấu trong gian khổ nhưng vẫn mang nét lãng mạn, đa tình. Nhưng lính Tây Tiến cũng là những con người hào hùng, anh dũng. Đoàn quân Tây Tiến trong đoạn trích trên hiện ra trong nét bi tráng:


“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm”


Nét vẽ ngoại hình ấy xuất phát từ một thực tế sống và chiến đấu của những anh “Vệ túm, Vệ trọc” trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Các anh phải cạo trọc đầu để thuận tiện trong sinh hoạt và trong những trận đánh giáp lá cà. Nhưng đó cũng có thể là hậu quả của những trận sốt rét liên miên trong rừng thiên nước độc. Trong những năm tháng gian khổ, thiếu thốn ấy, bệnh sốt rét hoành hành dữ dội, người chết như rơm rạ. Lính Tây Tiến còn được tái hiện bởi làn da xanh xao, nhợt nhạt, thiếu sức sống. Người lính trong chiến đấu phải chịu nhiều cực khổ, đói và khát, còn chưa kể là những cơn sốt rét tê liệt, dai dẳng. Ta đã từng bắt gặp những cơn sốt chết người ấy trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu:


“Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi”

hay trong thơ Tố Hữu:

“Giọt giọt mồ hôi rơi,

Trên má anh vàng nghệ

Anh vệ quốc quân ơi

Sao mà yêu anh thế”


Sau này một nhà thơ trẻ thời kháng chiến chống Mỹ cùng viết về căn bệnh sốt rét bằng những vần thơ tê tái:


“Nơi thuốc súng trộn vào áo trận

Cơn sốt rừng đi dọc tuổi thanh xuân”


Nhưng lạ kì thay, đọc thơ của Quang Dũng, ta thấy cái gian khổ, khắc nghiệt, nhưng không thấy cái kêu than, bi quan mà lại cảm nhận được nét ngang tàng, mạnh mẽ của người lính. Bằng cách dùng từ Hán Việt, “đoàn binh”, chứ không phải “đoàn quân”, nhà thơ khắc họa nên nét hiên ngang, khí khái “đầu đội trời chân đạp đất” của tráng sĩ thời xưa. Cụm từ “không mọc tóc” đã chuyển câu thơ từ thế bị động sang thế chủ động. Không phải là “tóc không mọc” mà chính cái khắc nghiệt, dữ dội của những cơn sốt rét rừng đã khiến họ xanh da rụng tóc. Câu thơ mang nét hóm hỉnh, vui tươi, ngang tàng của chất lính. “Xanh màu lá” chứ không phải “xanh xao” , xanh nhưng không hề yếu ớt, vẫn tràn đầy sức sống.


Đặc biệt ,cụm từ “dữ oai hùm” đã xóa bỏ đi những ấn tượng của sự yếu đuối, mệt mỏi, thay vào đó là sức mạnh uy nghi, dữ dội, chế ngự và coi thường tất cả khó khăn, gian nan của đoàn quân Tây Tiến. Biết được sự gian khổ của các anh, chúng ta xót xa, cảm thương các anh rất nhiều, nhưng ta còn cảm phục hơn tinh thần gang thép, bất khuất, hiên ngang toát ra từ lính Tây Tiến. Ta hiểu rằng Quang Dũng đã từng sống và chiến đấu trong những ngày tháng như thế, ông là người trong cuộc, thế nên cái “bi” mà ông khắc họa không phải là sự yếu đuối, rơi rớt tiểu tư sản, mà là thực tế chiến đấu để nâng tầm và thêm tự hào về cái “tráng”, về sự dũng cảm, ý chí kiên cường của những chàng trai “cuộc đời gió bụi pha xương máu”. Đối lập với ngoại hình kì dị, đáng sợ do hoàn cảnh sống và chiến đấu của lính Tây Tiến, là một tâm hồn rất lãng mạn, rất đáng trân trọng.


“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”


“Mắt trừng” là mắt mở to, hướng mắt về phía trước, là ánh mắt của ngọn lửa căm thù và sôi sục ý chí chiến đấu cao đẹp của những chàng trai thời loạn.“Mắt trừng” là ánh mắt thao thức, là ánh mắt không ngủ để canh giữ biên cương cho tổ quốc, giữ cho tổ quốc bình yên. Đây là một nét ước lệ của cảm hứng lãng mạn để tô đậm thêm lòng quyết tâm và dũng cảm của những chàng trai “chưa trắng nợ anh hùng” ra đi vì nghĩa lớn, vì sự thôi thúc của ý chí. Nhưng có lẽ, con tim các anh đã ở lại một góc phố Hà Nội xinh đẹp, ở lại bên những “dáng kiều thơm”. Các anh chiến đấu là vì ai, là vì điều gì? Chẳng phải để bảo vệ quê hương, bảo vệ Hà Nội thân yêu khỏi bom đạn tàn phá hay sao? Sự đối lập giữa “mộng” và “mơ”, giữa lý tưởng cách mạng và tình yêu của các anh dành cho những người con gái quê nhà không thể hiện sự yếu đuối, tầm thường, mà nó nói lên động cơ chiến đấu đẹp đẽ của người lính, nói lên tâm hồn hào hoa, phong nhã của những chàng trai gốc Hà thành ngay giữa ranh giới sự sống và cái chết. Cũng giống như hình ảnh “Người ra đi đầu không ngoảnh lại- Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” để rồi “Những đêm dài hành quân nung nấu- Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu” trong thơ Nguyễn Đình Thi.


Với cảm hứng lãng mạn và ngòi bút tài hoa, bút pháp tương phản, ngôn ngữ tinh tế, nhà thơ Quang Dũng đã khắc họa thành công hình ảnh đoàn quân Tây Tiến ra trận trong những năm kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ, khó khăn và vẫn lạc quan, yêu đời, vẫn ngang tàng, hiên ngang, kiêu hùng. Bằng chất “bi tráng” ấy, lính Tây Tiến tiêu biểu cho một thế hệ thanh niên không tiếc mình quyết hi sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Bài văn so sánh đoàn quân trong
Bài văn so sánh đoàn quân trong "Tây Tiến" và "Việt Bắc" số 1
Bài văn so sánh đoàn quân trong
Bài văn so sánh đoàn quân trong "Tây Tiến" và "Việt Bắc" số 1

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy