Bài văn phân tích ý nghĩa chi tiết tiếng sáo trong "Vợ chồng A Phủ" số 1

Belinxky từng nói rằng: “ Tác phẩm văn học sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả…”, phải chăng để tác phẩm vượt ra ngoài quy luật của sự băng hoại, nhà văn cần xây dựng hình tượng nghệ thuật thay vì mô phỏng cuộc đời vào trang viết? Vậy nên ta có dịp bắt gặp thông điệp sâu sắc của nhà văn Tô Hoài muốn gửi gắm qua hình tượng tiếng sáo độc đáo trong truyện ngắn “ Vợ chồng A Phủ”.


Nhà văn Tô Hoài quan niệm khi kiếm tìm chất liệu cho trang văn cần cái đẹp rất thực giữa trang đời, “ cho dù phải đập vỡ những thần tượng trong lòng người đọc”. Vậy nên, sau chuyến đi của nhà văn và bộ đội vào giải phóng Tây Bắc, trong suốt tám tháng sống gắn bó, nghĩa tình với đồng bào tạo nên chất men say chắp cánh cảm hứng sáng tác “ Vợ chồng A Phủ” trích trong tập “ Truyện Tây Bắc”(1953).


Ở đó nhà văn khám phá vẻ đẹp, chất ngọc của tâm hồn người lao động và niềm thấu hiểu nỗi thống khổ số phận của họ chịu sự áp bức của thần quyền và ủy quyền những năm cách mạng chưa về. Nhà văn đã dùng công xây dựng hình tượng nghệ thuật xuất phát từ những hình ảnh chân thực trong cuộc sống, được lọc qua lăng kính chủ quan của nghệ sĩ và vốn ngôn từ, hình tượng mang tính đa nghĩa trong tâm trí bạn đọc.


Hình tượng tiếng sáo xuất hiện khá nhiều trong đêm tình mùa xuân, có khi “ lấp ló đầu núi”, “ thiết tha bổi hổi”, lúc “ lửng lơ bay ngoài đường”, “ rập rờn trong đầu Mị”. Khi A Sử trói đứng Mỵ ở cột nhà, tiếng sáo vẫn đưa cô vào cuộc chơi trong cơn mơ thức chập chờn, trong tạp âm cuộc sống.


Tiếng sáo được coi là linh hồn trong đêm tình khi những chàng trai, cô gái mở hội lòng. Đó cũng là hiện thân của vùng miền văn hóa, phong tục, âm thanh náo nhiệt, lắng sâu của đêm hội. Âm vang ấy thường gắn liền với câu hát gọi bạn yêu, chơi pao, con quay, quyện trong tiếng khèn và tiếng đàn môi. Đó là phương tiện kết nối tiếng lòng thẳm sâu của người miền núi. Trước cây bút Tô Hoài, miền núi từng hiện lên là chốn sơn cùng hiểm họa, không gian xa lạ, hoang vu bí hiểm với những truyền thuyết ghê rợn như “ Vàng và máu”, “ Ngậm ngải tìm trầm”, thì đến Tô Hoài, ông khám phá nét đẹp trong trẻo trở thành chất thơ bay bổng dạt dào trong đời sống tinh thần của con người.


Hình tượng tiếng sáo còn giàu sức gợi khi nó mang lại sự hồi sinh trong tâm hồn nhân vật Mị. Trong gian buồng tối, tiếng sáo văng vẳng gọi dậy giác quan của Mỵ sau bao ngày sống không bằng chết. Mắt cô không còn thấy cái mờ mờ trăng trắng không biết là sương hay nắng, mà biết đón nhận sắc màu tươi sáng của những chiếc váy hoa. Tai không còn nghe tiếng chân ngựa đạp vách mỏi mòn mà đón nhận những thanh âm vui tươi: tiếng chó sủa, nói cười…Thân xác rạo rực hơi men rượu ngô. Tiếng sáo cũng đánh thức tiềm thức của Mỵ, khiến nàng chợt nhớ, nhẩm thầm lời ca năm nào:


“Mày có con trai, con gái rồi

Mày đi làm nương

Ta không có con trai, con gái

Ta đi tìm người yêu”


Bài hát một thời con gái đắm say đã ngủ sâu trong khao khát, nay tìm về. Âm vang tiếng sáo còn giúp Mỵ “ sống” lại với những kỉ niệm cơ hồ không mảy may biết đến khổ đau hiện tại. Nhận thức của Mị cũng trở về vẹn nguyên, tuổi trẻ Mị “ còn trẻ, trẻ lắm”, quyền sống tự do “ A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau”. Đó là sự trói buộc sức sống, kìm hãm tuổi trẻ của cô. Tiếng sáo gọi dậy khát vọng mạnh mẽ, dẫn nàng tới chuỗi hành động: xắn miếng mỡ bỏ vào đĩa đèn, hành động sửa soạn ngắn, nhịp nhanh, một loạt động từ “ quấn, với tay, xắn” thổi sinh khí cho nhân vật. Mị vùng bước đi khi chân tay bị trói bởi sợi dây nghiệt ngã của A Sử, tuy con chim chưa thoát khỏi lồng chật nhưng khát vọng vươn tới cao xanh. Tiếng sáo dìu Mỵ tham gia cuộc chơi ngoài đường nhộn nhịp, thức tỉnh mọi tri giác của Mỵ.


Hình tượng tiếng sáo được xây dựng sống động bởi ngôn từ mang đậm hơi thở cuộc sống, hình ảnh giàu sức gợi, cách dẫn truyện tự nhiên, khiến chữ chữ đứng trên trang giấy. Hình tượng đậm tô vẻ đẹp của con người lao động trong cơ cực vẫn mang tâm hồn trong sáng, giàu khát vọng, đồng thời giúp ta cảm nhận nét phong phú của văn hóa vùng cao và kết tinh tài năng tả cảnh, khắc họa tâm lý nhân vật tài tình. Truyện ngắn “ Vợ chồng A Phủ” quả thực vượt lên sự băng hoại của thời gian bởi những ý nghĩa hình tượng tiếng sáo mang lại.

Bài văn phân tích ý nghĩa chi tiết tiếng sáo trong
Bài văn phân tích ý nghĩa chi tiết tiếng sáo trong "Vợ chồng A Phủ" số 1
Bài văn phân tích ý nghĩa chi tiết tiếng sáo trong
Bài văn phân tích ý nghĩa chi tiết tiếng sáo trong "Vợ chồng A Phủ" số 1

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy