Bài văn phân tích viên quan phụ mẫu trong "Sống chết mặc bay" của Phạm Duy Tốn số 7

“Nhân vật là trụ cột của truyện ngắn” (Tô Hoài). Qua nhân vật, nhà văn không chỉ gửi gắm tư tưởng, tình cảm, thái độ yêu, ghét mà còn thể hiện tài năng nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo của mình.


Đến với truyện ngắn Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn, có thể nhận ra một trong những nhân vật chính, gửi gắm tư tưởng và tài năng của tác giả chính là hình ảnh viên quan phủ đi hộ đê. Ngòi bút miêu tả chi tiết, sinh động, khéo léo của nhà văn đã dựng lên chân dung điển hình của tầng lớp quan lại phong kiến những năm đầu thế kỉ XX.


Hình ảnh quan phủ không xuất hiện ngay từ đầu tác phẩm mà mở đầu tác phẩm lại là cảnh hàng trăm nghìn dân phu “chân lấm tay bùn, trăm lo nghìn sợ, đem thân hèn yếu mà đối phó với sức mưa to nước lớn . để bảo vệ lấy tính mạng gia tàu”. Chính trong cảnh tượng trăm dân đang ở cảnh màn trời chiếu đất ấy thì quan phủ đang ở đâu? ống kính nghệ thuật của nhà văn quay cận cảnh “trong đình, đèn thắp sáng trưng; nha lệ lính tráng, kẻ hầu người lạ, đi lại rộn ràng”.


Còn “quan phụ mẫu” của chúng ta thì “uy nghi chễm chệ ngồi” trên sập, “tay trái dựa gối xếp, chân phải duỗi thẳng ra, để cho tên người nhà quỳ ở dưới đất mà gãi. Một tên lính lệ đứng bên, cầm cái quạt lông, chốc chốc sẽ phẩy. Tên nữa đứng khoanh tay, chực hầu điều đóm”. Chỉ bằng vài nét phác họa khung cảnh đó, dáng điệu đó, ta đã có thể đoán được cuộc sống phong lưu, phú quý và thảnh thơi của quan phủ trong khi làm nhiệm vụ hộ đê.


Thêm nữa, ngòi bút nhà văn còn khắc họa sâu hơn, chi tiết hơn những đồ vật trong căn phòng của quan phủ: “Bên cạnh ngài, mé tay trái, bát yến hấp đường phèn, để trong khay khảm, khói bay nghi ngút, tráp đôi môi chữ nhật để mở, trong ngăn bạc đầy những trầu vàng, cau đậu, rễ tía, hai bên nào ống thuốc bạc, nào đồng hồ vàng, nào dao chuối ngày nào ống pôi chạm, ngoáy tai, lí thuốc, quản bút, tăm bông…”.


Nếu nói đồ vật thể hiện con người- chủ nhân của nó- thì có thể nói, qua những đồ vật xung quanh quan phủ, tác giả muốn bày ra lối số: hoa, hưởng thụ của quan phủ. Và chắc chắn, quan phủ tỏ rõ vẻ thung dung, thích thú trong chốn giường êm nệm ấm, với đầy đủ thức vật sang trọng và kẻ hầu người hạ xung quanh chờ để phục vụ hắn. Trong khi ngoài kia mưa gió ầm ầm, dân phu rối rít trong cảnh “nước sôi lửa bỏng” thì “trong này xem chừng tĩnh mịch, nghiêm trang lắm”. Cái “tĩnh mịch, nghiêm trang” của chốn quan phủ đang tiến hành một “sự vụ quan trọng” là chơi tổ tôm.


Không chỉ miêu tả khung cảnh để làm nổi bật địa vị và tính cách nhân vật, tác giả còn tập trung miêu tả ngôn ngữ của nhân vật quan phụ mẫu. Nhân vật không nói nhiều, chỉ thỉnh thoảng cất lời, mà hầu hết là những mệnh lệnh đầy oai vệ, uy nghiêm với bọn nha lại, lính lệ và thầy đề, chánh tổng. Khi thì là lời ra lệnh quyền uy: “Điếu, mày!”.


Khi thì là lời phán truyền, giục giã với thầy để lại: “Có ăn không thì bốc chứ!”, rồi: “Thì bốc đi chứ!”. Đặc biệt, tác giả xoáy vào dáng điệu, thái độ và lời quát lác đầy giận dữ của quan lớn khi có một người dân quê xông vào báo tin đê vỡ:

“Quan lớn đỏ mặt tía tai, quay ra quát rằng:


– Để vỡ rồi! … Để vỡ rồi, thời ông cách cổ chúng mày, thời ông bỏ tù chúng mày! Có biết không? … Lính đâu? Sao bay dám để cho nó chạy xồng xộc vào đây như vậy? Không còn phép tắc gì nữa à?

………….

Đuổi cổ nó ra!”.


Vì sao quan lớn lại nổi giận đến thế? Thì ra là vì người dân quê kia dám xông vào đình, không biết phép tắc gì cả. Hơn nữa là vì kẻ quê kia đã làm gián đoạn cuộc chơi của quan, trong khi quan đang chờ bài ù. Cái tội của kẻ kia thật lớn! Nếu để mà vỡ thì quan sẽ “cách cổ”, sẽ “bỏ từ” chúng. Cơn “nổi giận lôi đình” kia của quan phụ mẫu hẳn khiến bao kẻ kinh sợ!


Và lại càng kinh sợ hơn là cái thản nhiên, lạnh lùng đến sỗ sàng, trơ cứng của quan phủ khi ngài quay vào, hỏi thầy để lại: “Thấy bốc con gì thế?”. Cứ như quan không nghe đến tin báo khẩn cấp của lũ dân đen con đỏ kia. Dường như với ngài, “một nước bài cao bằng mấy mươi đê lở, ruộng ngập!”, “ngài mà còn dở ván bài hoặc chưa hết hội thì dầu trời long đất lở, đê vỡ dân trôi, ngài cũng thấy kệ”.


Đỉnh cao kịch tính của truyện là ở chi tiết kết truyện, khắc họa hình ảnh quan phủ khi bài của quan ù to:

“Quan lớn vỗ tay xuống sập kêu to:

– Đây rồi! … Thế chứ lại! Rồi ngài vội vàng xòe bài, miệng vừa cười vừa nói:

– Ừ! Thông tôm, chi chi nảy!… Điếu, mày!”


Và “trong khi quan lớn ù oán bài to như thế thì khắp mọi nơi miền đó, nước tràn lênh láng, xoáy thành vực sâu, nhà cửa trôi băng, lúa má ngập hết; kẻ sống không chỗ ở, kẻ chết không nơi chôn, lênh đênh mặt nước, chiếc bóng bơ vơ…”. Quả là một nghịch cảnh vừa đau thương, vừa đáng căm giận!


Như vậy, quan phụ mẫu hiện lên rõ nét trong tác phẩm không chỉ bộc lộ thái độ bàng quan, vô trách nhiệm mà còn phơi bày bản chất tàn ác, bất nhân, “lòng lang dạ thú”. Là “cha mẹ dân” nhưng quan phủ lại coi tính mạng và tài sản của muôn dân không bằng một lá bài của hắn.


Đặt nhân vật vào những tình huống mang tính xung đột, nguy cấp, đầy kịch tính để cho nhân vật tự bộc lộ thái độ và cách hành xử, Phạm Duy Tốn đã thể hiện một cây bút trần thuật sắc sảo, chín chắn, mang đậm dấu ấn của nghệ thuật văn chương hiện đại phương Tây thế kỉ XX.


Hơn hết, qua những nét khắc họa chân dung nhân vật quan phủ, nhà văn đã thể hiện thái độ căm giận, lên án gay gắt quan phủ, hay cũng chính là điển hình cho một bộ phận quan lại phong kiến nửa đầu thế kỉ XX, vừa vô trách nhiệm, vừa bất nhân, sẵn sàng chà đạp lên muôn dân lầm than để hưởng thụ cuộc sống xa hoa ích kỉ. Cái tựa đề “Sống chết mặc bay” của tác phẩm cũng chính là lời nói, là thái độ của quan phụ mẫu đối với người dân khốn cùng trong cảnh thiên tai địch họa, nước mất nhà tan.


Với Sống chết mặc bay, Phạm Duy Tốn được ghi nhận là một trong những nhà văn hiện thực phê phán xuất sắc ở những năm hai mươi của thế kỉ XX, là người đặt nền móng vững chắc cho trào lưu văn học hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930-1945 với những tác giả nổi bật như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng…


Và có thể nhìn thấy hình ảnh quan phủ trong truyện ngắn này trong những nhân vật quan lại phong kiến trong văn học hiện thực giai đoạn sau, trong những Bá Kiến, Nghị Hách, Nghị đại, huyện Hinh… Tác phẩm quả thực có giá trị hiện thực và tính nhân đạo sâu bền.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Bài văn phân tích viên quan phụ mẫu trong

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy