Bài văn phân tích triết lý sống trong "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" số 3

Hồn Trương Ba da hàng thịt” là một vở kịch nổi tiếng được Lưu Quang Vũ xây dựng dựa trên một câu chuyện dân gian về nhân vật Trương Ba giỏi chơi cờ và cái chết oan ức của ông. Thế nhưng điểm mới của vở kịch này chính là một kết thúc hoàn toàn khác với kết thúc truyện dân gian. Thông qua vở kịch, Lưu Quang Vũ đã gửi gắm những suy ngẫm về nhân sinh, về hạnh phúc, đồng thời kết hợp phê phán một số tiêu cực trong lối sống đương thời.


Dựa trên cốt truyện dân gian, vở kịch cũng xây dựng nhân vật Trương Ba là một lão nông làm vườn hiền lành, được mọi người yêu quý và rất giỏi chơi cờ. Nam Tào vì tắc trách trong công việc cho nên bắt chết nhầm Trương Ba. Đế Thích – một vị tiên cờ và cũng là bạn của Trương Ba – đã giúp hồn Trường Ba nhập vào xác anh hàng thịt cũng vừa mới chết. Trong truyện dân gian, kịch tính được xây dựng là cảnh hai bà vợ cùng tranh chồng trên quan nha. Và sau thì vợ Trương Ba thắng kiện và đưa chồng mình về nhà.


Không dừng lại ở một kết thúc đẹp như vậy, Lưu Quang Vũ đã tiếp tục khai thác kết thúc của tích truyện dân gian. Khi hồn Trương Ba được sống trong xác anh hàng thịt thì cuộc sống của ông lại trở nên éo le, khập khiễng. Quá đau khổ và tuyệt vọng, cuối cùng Trương Ba đã xin Đế Thích cho mình được chết hẳn, vì “không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được”. Xây dựng tình huống đầy kịch tính và cách giải quyết tình huống như vậy, Lưu Quang Vũ muốn thể hiện một triết lý về lẽ sống: cuộc sống thật đáng quý, nhưng không phải sống thế nào cũng được. Nếu sống vay mượn, chắp vá, không có sự hòa hợp về tâm hồn và thể xác thì con người chỉ gặp những bi kịch mà thôi. Cuộc sống chỉ thực sự hạnh phúc khi chúng ta được sống là chính mình, được hài hòa cả về thể chất lẫn tinh thần. Đây cũng chính là nội dung tư tưởng chủ đạo mà tác phẩm muốn hướng đến.


Để làm nổi bật tư tưởng này, Lưu Quang Vũ đã xây dựng những xung đột xung quanh nhân vật Trương Ba để cho người đọc người xem thấy được sự khập khiễng giữa “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”. Trước hết là xung đột thể hiện qua màn đối thoại giữa hồn và xác. Đây cũng là xung đột chính, xung đột có tính quan trọng nhất trong vở kịch.


Trương Ba trước kia vốn nhân hậu, nhưng từ khi nhập vào xác anh hàng thịt bỗng dần đổi khác: thèm ăn ngon, thèm rượu thịt, không còn mặn mà với thú vui thanh cao trí tuệ. Điều ấy làm cho hồn Trương Ba vô cùng đau khổ và ghê tởm thân xác kềnh càng, thô lỗ mà mình đang mang. Chính vì thế mà hồn Trương Ba muốn được sống là một ông Trương Ba chăm chỉ hiền lành nhưng lại bị cái xác chế giễu, bị ép phải thoải mãn những yêu cầu phàm tục. Những lý lẽ mà hồn Trương Ba đưa ra dần đuối lý và ngày càng nhận trở nên bất lực, chỉ biết thở dài buông ra những lời tuyệt vọng bởi hồn đang ngày càng bị xác chi phối mạnh mẽ.


Cuộc xung đột này đã cho thấy, thể xác cũng có tiếng nói bản năng, cũng có những nhu cầu đòi hỏi phải được đáp ứng. Chính vì thế, ý thức của con người cũng chịu một phần sự chi phối của thể xác. Nhưng con người, cần phải biết hòa hợp, luôn phải đấu tranh và tự đấu tranh với chính mình để vượt lên những đòi hỏi sai lệch của thể xác và những dung tục đời thường.


Sự khập khiễng “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo” không chỉ khiến cho bản thân Trương Ba cảm thấy khổ đâu mà còn gây nỗi muộn phiền cho người thân. Những lời đối thoại của hồn Trương Ba với những người thân trong gia đình đã cho thấy một Trương Ba rất khác. Vợ ông cảm thấy đau khổ và buồn bã hơn cả khi ông mất. Cháu gái của ông còn xua đuổi ông vì bàn tay to bè, chân như cái xẻng đã thô lô giẫm chết mấy chồi non mà ông nội Trương Ba của nó trồng. Chị con dâu vốn là người hiểu biết và rất mực thông cảm cho ông cũng phải thừa nhận: “có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa…”.


Có thể thấy rằng trong mắt những người thân của mình, Trương Ba đã biến thành một con người khác. Dù ông có cố gắng thế nào thì cũng không thể trở lại hình ảnh một ông lão làm vườn chăm chỉ, hiền lành được mọi người yêu quý. Dù Trương Ba có sống lại nhưng trong xác anh hàng thịt, mọi người thân đều không thể cảm thấy được đây là chồng, là cha, là ông của mình. Bi kịch ấy chính là bi kịch sống mà không được thừa nhận. của hồn Trương Ba lúc này là bi kịch không được thừa nhận.


Bản thân mình không chấp nhận được mình và gia đình cũng không thể chấp nhận được con người mình, hồn Trương Ba trở nên vô cùng đau khổ và tuyệt vọng. Chính vì thế mà Trương Ba đã có một quyết định dứt khoát: “Tôi không muốn nhập vào hình thù của ai hết. Tôi đã chết rồi, hãy để tôi chết hẳn!”. Ngay cả khi Đế Thích thuyết phục hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tỵ nhưng ông vẫn quả quyết: “cứ để cho tôi được chết hẳn”. Bởi lẽ, “không thể bên trong 1 đằng, bên ngoài 1 nẻo được” và sống nhờ vào thân xác của người khác thì không còn là chính mình, như thế thì cuộc sống không phải là sống mà chỉ là một chuỗi bi kịch mà thôi. Đây có thể nói là một tư tưởng, một lẽ sống hết sức lớn lao. Vì ý nghĩa đích thực của cuộc sống là con người được sống với chính mình. Mọi sự giả tạo, chắp vá đều không thể đem lại sự thoải mái và hạnh phúc.

Kết thúc vở kịch, hồn Trương Ba đã rời khỏi xác anh hàng thịt tưởng chừng như là một cái kết không có hậu nhưng đó lại là cái kết đẹp nhất. Lưu Quang Vũ đã để một cái kết khiến người đọc vừa thở phào vừa phải trăn trở suy nghĩ. Cu Tỵ sống lại, còn hồn Trương Ba vẫn sống trong ánh lửa nấu cơm, trong vườn cây, trong những điều tốt lành xung quanh mọi người. Đó chính là một cái kết viên mãn nhất, trong đó con người cần phải sống cho ra sống, sống là đích thực chính mình.


Vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” đã cho chúng ta thấy những bài học về lẽ sống, về cái chết và về hạnh phúc của con người. Qua vở kịch, Lưu Quang Vũ cũng thể hiện sự phê phán một số biểu hiện tiêu cực trong lối sống lúc bấy giờ. Con người sống mà chỉ biết đến thỏa mãn những đòi hỏi tầm thường mà dần đánh mất mình. Cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi mà được sống là chính mình, được hòa nhập với cộng đồng, với xã hội.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy