Bài văn phân tích tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc số 6

Tố Hữu là nhà thơ của lí tưởng sống. Thơ ông là đỉnh cao của thơ trữ tình chính trị. Ông thuyết phục người đọc bằng tình cảm chân thành và nhiệt huyết sôi nổi. Tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật đó phải kể đến tác phẩm "Việt Bắc". Bài thơ đã giúp người đọc cảm nhận được tính dân tộc rõ nét.


Bài thơ được sáng tác vào tháng 10 - 1954 cơ quan trung ương Đảng chính phủ chuyển từ Việt Bắc đến thủ đô Hà Nội. Chính cuộc chia tay lịch sử, đầy xúc động giữa đồng bào Việt Bắc và người kháng chiến về xuôi khiến tác giả Tố Hữu xúc động viết tác phẩm đầy ý nghĩa này.


"Việt Bắc" là một tác phẩm đậm đà tính dân tộc. Tính dân tộc là một phẩm chất của văn chương. Một tác phẩm nghệ thuật chân chính từ trong cốt tủy mang dấu ấn bản sắc không thể trộn lẫn của một dân tộc. Tính dân tộc của bài thơ "Việt Bắc" được thể hiện ở những nét đẹp thuần Việt trên cả hai phương diện nội dung, nghệ thuật.

Đầu tiên, tính dân tộc trong Việt Bắc" được thể hiện ở phương diện nội dung. Bài thơ đề cập đến một vấn đề chung được cả cộng đồng quan tâm. Đó là cuộc chia tay giữa đồng bào Việt Bắc và người kháng chiến về xuôi. Đây không chỉ là cuộc chia li giữa người đi, kẻ ở mà còn là cuộc chia li giữa những con người cách mạng đã trải qua mười lăm năm đồng cam cộng khổ, mười lăm năm thiết tha mặn nồng thắm thiết tình quân dân.

Đặc biệt, tác giả Tố Hữu đã làm nổi bật bức tranh tứ bình Việt Bắc với những hình ảnh quen thuộc của thiên nhiên, đất nước con người Việt Nam. Bức tranh mùa đông với hình ảnh "hoa chuối đỏ tươi". Ngòi bút của thi nhân đã khéo léo điểm vào nền xanh của không gian là những chấm đỏ rực rỡ của hoa chuối rừng. Trên nền bức tranh thiên nhiên đó, xuất hiện bóng dáng của con người trên đỉnh đèo cao như có thể ôm trọn cả giang sơn. Còn tư thế hiên ngang vững chắc đó là tư thế của những người đã làm chủ đất nước. Đến bức tranh mùa xuân, Tố Hữu viết "Ngày xuân mơ nở trắng rừng". Ý thơ khiến độc giả liên tưởng đến cảnh tượng muôn vàn bông hoa mơ trắng muốt đang từ từ hé mở. Dường như lúc này, sức sống mùa xuân đang lan tỏa khắp khu rừng. Mơ nở đó là nét đặc trưng của mùa xuân Việt Bắc. Trong bức tranh xuân, con người hiện lên trong công việc thầm lặng "chuốt từng sợi giang". Công việc đó gợi sự cẩn trọng, tỉ mỉ và tài hoa của người Việt Bắc. Đây cũng chính là vẻ đẹp chung của người Việt Nam muôn đời. Có thể hiểu rằng những bàn tay tài hoa của người lao động chính là đang làm nên những những chiếc nón nghĩa tình để gửi tặng bộ đội dân công trên đường ra tiền tuyến. Ngoài ra, nhà thơ còn miêu tả bức tranh mùa hè với những âm thanh và hình ảnh tiêu biểu. Thiên nhiên mùa hạ ngoài sắc vàng rực còn xuất hiện âm thanh của tiếng ve. Câu thơ "Ve kêu rừng phách đổ vàng" đã tái hiện một phản ứng dây chuyền của tự nhiên. Khi mà tiếng ve kêu sẽ làm rừng phách đổ vàng. Chữ "đổ" đã diễn tả được tốc độ mau lẹ của thời gian. Vào thời khắc đó xuất hiện những người sơn nữ trong công việc thường ngày lặng thầm và vất vả, chịu thương chịu khó. Những cô gái khi xuất hiện giữa không gian núi rừng hoang vu thường gây cảm giác cô đơn trống trải. Nhưng ở đây, họ lại đang hăng say trong công cuộc lao động chứ không hề mà không cô đơn. Bởi vì cô tìm thấy niềm vui trong công việc và và trong hoạt động sản xuất phục vụ kháng chiến. Và khép lại bức tranh thiên nhiên đó là cảnh thu. Không gian rừng núi mở ra mênh mông và vầng trăng trên cao khiến cho không gian sáng lên lấp lánh. Vầng trăng viên mãn tròn đầy gợi cảm giác bình yên trong tâm hồn. Con người hiện lên qua "tiếng hát ân tình thủy chung". Đó là câu hát ngợi ca sự nghĩa tình thủy chung, son sắc của nhà thơ Tố Hữu dành cho người ở lại. Vậy qua đây, độc giả có thể thấy được bức tranh thiên nhiên tứ bình mang đậm bản sắc của cảnh và người Việt Nam.

Tính dân tộc ở bài thơ còn được thể hiện ở cuộc sống chiến đấu gian khổ nhưng ấm áp tình yêu thương của nhân dân ta. Hình ảnh "Thương nhau chia củ sắn lùi", "Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng" vừa gợi ra cuộc sống thiếu thốn, vừa nhấn mạnh sự ấm áp, yêu thương trong chiến tranh. Nhân dân ta thiếu ăn nhưng không đói, thiếu mặc nhưng không rét bởi luôn có tình người chia sẻ. Ngoài ra, Tố Hữu còn gợi ra khí thế chiến đấu dũng cảm, hào hùng của người lính cách mạng. Những từ ngữ như: "Đêm đêm, rầm rập, điệp điệp, trùng trùng" đã gợi khí thế chiến đấu anh dũng của người Việt Bắc. Mặc dù cuộc chiến có nhiều gian khổ nhưng họ vẫn hiên ngang vì một ngày không xa đất nước được thống nhất. Ý thơ "Đèn pha bật sáng như ngày mai lên" như một lời khẳng định cho ý chí chiến đấu hết mình của người lính.

Tính dân tộc trong bài thơ "Việt Bắc" còn được thể hiện ở phương diện nghệ thuật. Đầu tiên, người đọc bắt gặp Tố Hữu sử dụng kết cấu đối đáp quen thuộc trong ca dao giao duyên "mình - ta". Nhưng kết cấu đó lại được Tố Hữu sử dụng rất sáng tạo. Trong ca dao kết cấu đối đáp dùng để diễn tả tình yêu đôi lứa, tình cảm cá nhân. Nhưng trong bài "Việt Bắc", nó được dùng để diễn tả tình đồng chí, đồng bào, tình quân dân cả nước, là tình cảm cộng đồng cao cả, thiêng liêng. Ngoài ra, tác phẩm còn được viết theo thể thơ lục bát truyền thống, cân xứng hài hòa. Nhà thơ Tố Hữu đã sử dụng những chất liệu dân gian quen thuộc để viết bài thơ nhưng vẫn có những cái sáng tạo riêng. Chính điều đó đã làm nên cái hay và sức sống cho tác phẩm.

Dù thời gian đã lùi xa nhưng những vần thơ trong bài "Việt Bắc" vẫn còn vang vọng mãi trong lòng người đọc. Bài thơ đậm đà tính dân tộc ngợi ca một thời kì cách mạng vẻ vang của cả dân tộc. Từ đó, Tố Hữu muốn nhắc nhở người đọc cần biết yêu thương, trân trọng vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Việt Nam.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy