Bài văn phân tích tác phẩm "Tây Tiến" của Quang Dũng số 7

Tình đồng chí, tình đồng đội keo sơn gắn bó luôn là một đề tài muôn thuở cho các nhà thơ tìm về miền đất nhiều kí ức. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, những sự hi sinh, gian lao vất vả mà người chiến sĩ đã trải qua để mang lại cuộc sống yên bình cho bao người, họ còn bộc lộ những nét đáng yêu, tinh nghịch đậm chất lính. Quang Dũng cũng đã hòa mình vào với “chất lính cụ Hồ” để xây dựng nên bức tượng đài người lính vừa đẹp, vừa hùng tráng mà đầy khí phách:


“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi…

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”


Bài thơ “Tây Tiến” như một kí ức đẹp mỗi khi ta nhớ tới Quang Dũng. Tây Tiến là một đơn vị quân đội được thành lập năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với quân đội Lào chống quân đội của thực dân Pháp. Chiến sĩ trong đoàn quân này phần đông là thanh niên Hà Nội. Cuối năm 1948, Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác. Rời xa binh đoàn Tây Tiến chưa được lâu, tại Phù Lưu Chanh, với nỗi lòng nhớ Tây tiến da diết, ông viết bài “Nhớ Tây Tiến”, sau ông đổi tên thành “Tây Tiến”. Bài thơ được tin trong tập “Mây đầu ô”.Mở đầu bài thơ, Quang Dũng đã thốt lên:


“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”


Hòa mình vào nỗi nhớ dai dẳng không hồi kết, địa danh Tây Tiến gắn liền với con sông Mã hào hùng nó không chỉ là một người bạn thân thiết với mỗi người lính mà nó còn là một chứng nhân lịch sử. Điệp từ “nhớ” được nhắc lại ở câu thơ thứ hai nhấn mạnh nỗi nhớ da diết. Đặc biệt, khi kết hợp với từ láy “chơi vơi” càng tạo điểm nhấn kéo dài nỗi nhớ ấy, nó như thấm nhuần vào từng ngõ ngách tâm trí của nhà thơ. Nỗi nhớ ấy tiếp tục bao trùm lên những câu thơ tiếp theo của Quang Dũng:


“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây, súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”


Trong những khổ thơ này, chúng ta đặc biệt nhấn mạnh đến các địa danh đã đi cùng năm tháng với người lính: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông… Những địa danh mà đoàn quân Tây Tiến đã từng đi qua, dừng chân nghỉ ngơi. Nhà thơ đã sử dụng một lọat từ láy tượng hình “khúc khuỷu”, “thăm thẳm” để miêu tả địa hình khó khăn mà người lính phải hành quân qua. Bên cạnh đó, hình ảnh “súng ngửi trời” như là một chi tiết đắt giá sáng rõ nhất cho cả khổ thơ trên.


Súng biểu tượng cho chiến tranh, lại đang “ngửi trời”, khát vọng hòa bình, tự do của loài người. Đây cũng là một nét tinh nghịch của người lính trong thơ Quang Dũng. Đứng trên đỉnh dốc cao, hun hút, họ nhìn xuống “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” thấy tiên nhiên thật hùng vĩ, tráng lệ nhưng cũng đậm chất trữ tình “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.


Chỉ với 8 câu thơ đầu, Quang Dũng đã lột tả được nỗi nhớ về thiên nhiên Tây Tiến, về người lính Tây Tiến vừa đẹp đẽ lại chân thực. Nhà thơ tiếp tục lia ngòi bút sắc bén của mình để phác họa hình ảnh người lính có những lúc mệt mỏi:


“Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”


Hình ảnh người lính Tây Tiến trên đường hành quân có những lúc tưởng chừng như phải khuất phục trước thiên nhiên hay hi sinh “gục lên mũi súng bỏ quên đời”. Có người cho rằng ý của nhà thơ ở chỗ này thể hiện các anh chiến sĩ do mỏi mệt quá nên gục xuống nghỉ ngơi nhưng cũng có người cho rằng họ hi sinh, họ chìm vào một giấc ngủ ngàn thu tươi đẹp.


Nhưng dù nhìn vào khía cạnh nào ta cũng thấy sự khốc liệt của thiên nhiên, của chiến tranh đã đưa đẩy những người chiến sĩ vào vòng xoáy của sự đấu tranh sống còn vì tương lai của đất nước. Từ láy “chiều chiều”, “đêm đêm” càng lột tả được sự hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, nơi luôn đầy rẫy những khó khăn, thử thách đang rình rập người lính. Để rồi đoàn quân Tây Tiến vẫn vượt qua:


“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu Mùa em thơm nếp xôi”


Hai câu thơ rất đỗi giản dị miêu tả cuộc sống thi vị hàng ngày với hình ảnh “cơm lên khói”,” nếp xôi”.Quang Dũng tiếp tục hồi tưởng về đoàn quân hào hùng ấy ới nét lãng mạng, hào hoa pha chút tinh nghịch:


“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên mang điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"


Câu thơ có cả hình ảnh, âm nhạc “khèn”, ánh sáng của ngọn “đuốc”, đối lập hoàn toàn với những cảnh khó khăn nguy hiểm mà người lính đã trải qua ở phần trên.Nhà thơ không chỉ chú trọng tới hình ảnh người lính đã mang màu sắc lãng mạn mà còn khắc họa chân dung bức tượng đài người lính sừng sững oai phong với ngôn ngữ gai góc, sắc nhọn mà chân thực:


“Tây tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu, anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”


Chỉ với 8 câu thơ Quang Dũng đã lột tả được sự gian khổ, khắc nghiệt của thời tiết núi rừng Tây Bắc với căn bệnh sốt rét hoành hành khiến cho đoàn binh “không mọc được tóc”. Rồi họ vẫn mơ mộng, nhớ về người thân nơi quên nhà, nhớ tới người thân của họ nơi tiền tuyến. Họ không chỉ phải đối mặt với thời tiết kinh hoàng mà họ còn phải đánh đổi cả mạng sống của mình để bảo vệ quê hương.


Hình ảnh ẩn dụ “áo bào” thay chiếu như mang một nỗi niềm xót xa. Những người chiến sĩ đã anh dũng hi sinh thân mình, họ đã anh dũng nằm lại với đất mẹ. Đất mẹ ôm ấp vỗ về họ như những đứa con cần được bao bọc, chở che. Đây là đoạn thơ mang âm hưởng hào hùng bi tráng nhất bài thơ. Đến cả “Sông Mã” cũng phải gầm lên bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn.


“Tây tiến người đi không hẹn ước

Đường lên thăm thẳm một chia phôi

Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”


Kết thúc bài thơ là một nỗi buồn còn đọng lại trong lòng người đọc – một nỗi buồn nhẹ nhàng nhưng thấm thía. Tây Tiến vẫn như đang mời gọi, gieo vào lòng nhà thơ một cảm giác khó nói thành lời.Phận tích Tây Tiến của Quang Dũng, chúng ta có thể hình dung ra hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ mà tráng lệ đồng thời cũng xây dựng một bức tượng đài người lính hùng dũng đáng ngợi ca, khâm phục.


Bằng ngòi bút sắc sảo, giọng thơ sâu lắng nhiều tình cảm, “Tây Tiến” như một ngọn gió mới thổi vào thơ ca Việt Nam một luồng gió mới – một miền kí ức hào hùng sâu sắc.

Bài văn phân tích tác phẩm
Bài văn phân tích tác phẩm "Tây Tiến" của Quang Dũng số 7
Bài văn phân tích tác phẩm
Bài văn phân tích tác phẩm "Tây Tiến" của Quang Dũng số 7

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy