Bài văn phân tích nhân vật Lục Vân Tiên số 6

Ai đã một lần ghé thăm vùng sông nước Cửu Long chắc hẳn sẽ không thể quên vẻ đẹp của miền quê thiên nhiên trù phú, tốt tươi và đặc biệt không thể quên những người dân với tấm lòng chất phác, phóng khoáng, thật thà, đôn hậu. Đặt chân đến vùng đất này bạn sẽ được thưởng thức các làn điệu cải lương thiết tha và được nghe những câu chuyện li kì, hấp dẫn. Đối với người dân Nam Bộ, tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu thật thân quen, gần gũi bởi ông đã nói lên ước mơ, nguyện vọng của họ, đã xây dựng thành công người anh hùng mà họ mong ước : Lục Vân Tiên. Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga giúp người đọc hiểu vì sao người dân Nam Bộ nói riêng và người dân cả nước nói chung lại yêu mến anh hùng Lục Vân Tiên đến vậy.


Nếu như người anh hùng Từ Hải trong Truyện Kiều của Nguyễn Du được miêu tả với ngoại hình kì vĩ : "Râu hùm hàm én mày ngài - Vai năm tấc rộng thân mười thước cao", thì người anh hùng Lục Vân Tiên chủ yếu được miêu tả trên phương diện hành động, lời nói. Đoạn trích Lục Vùn Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga khắc họa hình ảnh người anh hùng hảo hán Lục Vân Tiên qua việc miêu tả hành động đánh cướp và cách cư xử với người bị nạn.


Trước hết chàng được đặt vào một tình huống đầy bất ngờ : trên đường về thăm cha mẹ gặp bọn cướp Phong Lai đang hoành hành, tác oai tác quái, Lục Vân Tiên không một chút đắn đo, suy nghĩ, tính toán thiệt hơn mà có những hành động thật quyết liệt:


Vân Tiên ghé lại bên đàng,

Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô.


Cho dù là một nho sinh chỉ quen với sách bút, nghiên mực nhưng Vân Tiên cũng là một người dũng cảm, mưu trí. Dù không có vũ khí trong tay, lại phải đối phó với lũ cướp đầy mình giáo gươm, chàng trai họ Lục đã "Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô". Điều khiến chàng được người đọc cảm mến là chí khí mạnh mẽ, quyết "thấy bất bình chẳng tha". Đi liền với hành động, Lục Vân Tiên đã lên tiếng bộc lộ rõ quan điểm của mình :


Kêu rằng: Bớ đảng hung đồ,

Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân.


Nhà thơ Đồ Chiểu không sử dụng những từ ngữ chau chuốt hay những điển tích quá cầu kì để tái hiện lời nói của nhân vật mà sử dụng từ ngữ như lời ăn tiếng nói hàng ngày vì vậy tạo không khí rất gần gũi. Đối với Vân Tiên, chàng luôn đứng về phía những người dân, kiên quyết chống lại bọn hung đồ. Qua đó, ta thấy đây là một chàng trai quả cảm, hết lòng vì chính nghĩa, vì nhân dân. Hình ảnh Lục Vân Tiên chiến đấu giữa vòng vây "bịt bùng" của bọn cướp thật lẫm liệt:


Vân Tiên tả đột hữu xông,

Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang.


Nhịp thơ 2/2/2 nhanh, mạnh, dứt khoát thể hiện từng hành động kiên cường của Vân Tiên. Biện pháp so sánh "Khác nào Triệu Tử phú vòng Đương Dang'" đã nâng tầm vóc của Lục Vân Tiên sánh ngang với Triệu Tử Long - vị tướng trẻ tài ba của Lưu Bị thời Tam quốc ở Trung Hoa. Tuy nhiên, Lục Vân Tiên đánh cướp không phải vì muốn lập công trạng hiển hách mà chỉ vì muốn cứu dân, vì dân. Do đó, mục đích, động cơ hành động của chàng rất trong sáng, giản dị và vô tư. Phải chăng chính niềm yêu thương nhân dân đã truyền cho chàng sức mạnh khiến bọn cướp phải khiếp sợ:


Lâu la bốn phía vỡ tan,

Đều quăng gươm giáo tìm đường chạy ngay.

Phong lai trở chẳng kịp tay,

Bị Tiên một gậy thác rày thân vọng.


Như vậy, với việc miêu tả liên tiếp các hành động chiến đấu quả cảm, mạnh mẽ, Nguyễn Đình Chiểu đã dựng lên chân dung Lục Vân Tiên dũng cảm, có tấm lòng vì nghĩa quên thân. Đó thực sự là một trang anh hùng hảo hán.


Bên cạnh phẩm chất của người anh hùng, Lục Vân Tiên còn là một nho sinh chính trực, điềm đạm, đường hoàng. Điều này được thể hiện rõ trong cách cư xử của chàng với người bị nạn - nàng Kiều Nguyệt Nga. Sau khi nghe người hầu Tiểu Liên trình bày nguồn cơn câu chuyện, Lục Vân Tiên đã trấn an hai cô gái để họ an lòng nhưng vẫn không quên giữ gìn phép tắc:


Vân Tiên nghe nói động lòng,

Đáp rằng : "Ta đã trừ dòng lâu la.

Khoan khoan ngồi đó chớ ra,

Nàng là phận gái, ta là phận trai".


Là một nho sinh, hơn ai hết, Lục Vân Tiên chịu ảnh hưởng của quan niệm phong kiến "Nam nữ thụ thụ bất thân". Theo tôi, chúng ta không nên nhìn nhận, đánh giá đây là một quan niệm lạc hậu mà xét trong hoàn cảnh lúc đó thì điều này thể hiện thái độ tôn trọng của Vân Tiên đối với Nguyệt Nga. Càng đọc, độc giả càng ngưỡng mộ phẩm chất và tư cách của chàng trai họ Lục, nhất là khi Nguyệt Nga bày tỏ ý muốn cảm ơn, hậu tạ, chàng đã có cách cư xử thật đáng trân trọng :

Vân Tiên nghe nói liền cười:


"Làm ơn há dễ trông người trả ơn.

Nay dù rõ đặng nguồn cơn,

Nào ai tính thiệt so hơn làm gì".


Nhà thơ Xuân Diệu trong bài viết Đọc lại thơ văn Nguyễn Đình Chiểu đã nhận xét thật chính xác, tinh tế về nụ cười của Lục Vân Tiên : "Cái cười đáng yêu, đáng kính sao ! Một là cái cười của người anh hùng quân tử ; hai là cái cười của anh con trai ; ba là cái cười của quần chúng rộng lượng đều nở trên môi Vân Tiên". Nụ cười đó thật đôn hậu thể hiện tính cách của con người phóng khoáng, chất phác. "Làm ơn há dễ trông người trả ơn" chính là quan niệm sống, quan niệm nhân sinh của người hùng Vân Tiên : hi sinh, chiến đấu hết mình không vì lợi ích nhỏ nhen, tầm thường mà vì tình yêu thương con người. Hành động trừ gian diệt ác của chàng vì thế càng trở nên cao đẹp hơn, vô tư và trong sáng. Đoạn trích kết thúc với câu thơ thể hiện quan điểm sống của Lục Vân Tiên:


Nhớ câu kiến nghĩa bất vi

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.


Câu nói của Vân Tiên có nét tương đồng với câu nói của người xưa : "Kiến ngãi bất vi vô dũng dã" nghĩa là "Thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải người dũng cảm". Với cách vận dụng câu nói của người xưa một cách sáng tạo, Vân Tiên đã trực tiếp bộc lộ thái độ phê phán những kẻ ích kỉ, chỉ khư khư giữ thân, không biết sống vì người khác. Câu nói của Lục Vân Tiên cũng là một châm ngôn, quan niệm sống cho các bậc hiển nhân, quân tử.


Nếu phải chọn người anh hùng tiêu biểu nhất cho người dân Nam Bộ, tôi tin chắc không ai khác chính là Lục Vân Tiên - một nho sinh chính trực, một người dũng cảm, trọng nghĩa khinh tài. Điều quan trọng là Vân Tiên mang trong mình bản chất hào hiệp, nghĩa khí mà phóng khoáng, chân chất của người dân Nam Bộ. Từng hành động, từng lời nói của chàng đều thấm đượm hơi thở của vùng lục tỉnh Nam Kì. Tôi càng hiểu vì sao cụ Đồ Chiểu lại được nhân dân yêu mến đến vậy. Cụ đúng là "ngôi sao sáng" của nền văn học nước nhà.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Tài liệu tham khảo

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy