Bài văn phân tích hình tượng người lính số 1

Bài thơ Tây Tiến ra đời vào năm 1948, khi mà cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn cam go và ác liệt nhất. Nhà thơ Quang Dũng bằng tài năng và trái tim thương nhớ đồng đội cũ đã khắc họa nên những nét chân thực nhất về hình ảnh người lính Tây Tiến trong cuộc kháng chiến chống Pháp với hình tượng bi tráng hào hùng.


Binh đoàn Tây Tiến được thành lập vào năm 1947 có nhiệm vụ phối hợp với bộ độ Lào bảo vệ biên giới Việt Lào, đánh địch trên tuyến đường rừng núi Tây Bắc từ các tỉnh từ Lai Châu đến Thanh Hóa. Cuộc sống chiến đấu của những người lính Tây Tiến vô cùng khổ cực, thiếu thốn. Phần lớn vì vùng núi hiểm trở, chốn rừng thiêng nước độc, sốt rét hoành hành, thiếu thuốc men. Những người lính Tây Tiến hi sinh nhiều vì bệnh tật còn nhiều hơn sự hi sinh trên chiến trường.


Những người lính Tây Tiến hầu hết là những thanh niên trí thức Hà Thành, phần đông là các sinh viên, học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Mặc dù phải chiến đấu trong hoàn cảnh khắc nghiệt như vậy xong họ vẫn hiện lên với hình tượng lãng mạn song rất đỗi hào hùng, bi tráng. Bài thơ có nhan đề Tây Tiến, nhằm nhấn mạnh tên gọi của binh đoàn và để thể hiện nối nhớ của nhà thơ về 1 thời kháng chiến khó khăn dữ dội nhưng rất đỗi hào hùng, say mê.


Hình tượng người lính Tây Tiến đã được nhà thơ Quang Dũng khắc họa bằng những hình ảnh chi tiết vừa tả thực lại vừa lãng mạn, mạch cảm xúc bài thơ là nhớ thương nên mở đầu bài thơ nhà thơ Quang Dũng đã viết.


“ Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”.


Hình ảnh sông Mã anh hùng là hình ảnh đầu tiên mà nhà thơ nhớ đến. Chắc có lẽ sông Mã là 1 người bạn đồng hành lâu dài cùng các chiến sĩ trên các chặng đường hành quân chiến đấu. Câu thơ giống như một tiếng gọi tha thiết ám ảnh, khoảng cách địa lí xa xôi, vời vợi mà nỗi nhớ luôn thường trực ám ảnh. Câu thơ thứ 2 đã sử dụng tới hai chữ nhớ, ngắt nhịp 4/3 đã diễn tả tinh tế những thổn thức, mong mỏi, khát khao của tác giả. Cụm từ “nhớ chơi vơi” nỗi nhớ như lan tỏa trong cả không gian và thời gian thấm vào nỗi lòng, tạo cảm giác như trống vắng, ám ảnh khôn xiết về 1 thời hào hùng đã qua. Câu thơ reo vần “ơi” tạo nên sự dịu dàng, nhớ thương sâu sắc.


“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường lát hoa về trong đêm hơi”.


Ta có thể thấy “Sài khao, Mường Lát” là những địa danh của các tỉnh miền núi phía Bắc nơi mà binh đoàn Tây Tiến đã từng hành quân qua. Chất lãng mạn và chất hiện thực ở câu thơ này được hòa quyện vào nhau. Viết về đoàn quân mỏi sau cuộc hành quân dài, nhưng khí chất vẫn rất lãng mạn khi “sương lấp”, “hoa về”, “đêm hơi”. Bức tranh thiên nhiên vùng núi Tây Bắc được nhà thơ Quang Dũng khắc họa bằng hình ảnh rất lãng mạn, thông qua cái nhìn của những người lính Tây Tiến, giữa trùng trùng, điệp điệp của núi non, dựng vách hiểm trở, thế mà qua cái nhìn của người lính, khung cảnh ấy lại rất đỗi hay ho và vui nhộn như thế này.


“Dốc lên khúc khuỷa, dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời”.


Hai câu thơ mang hình tượng khái quát cao diễn tả sinh động về những gian khổ của người lính , các từ láy “khúc khuỷa, "thăm thẳm” gợi lên không gian được mở ra nhiều chiều, một không gian thiên nhiên hùng vĩ nhưng nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng. Từ “heo hút” được dùng rất đặc sắc vừa gợi ra độ sâu khi nhìn xuống, mà khi nhìn lên lại cảm thấy hoang vắng, lạnh lẽo. Địa hình chiến đấu của những người lính Tây Tiến mặc dù quả thực đầy gian khó và hiểm nguy. Hình ảnh “Súng ngửi trời” được sử dụng rất hóm hỉnh, vui tươi, đọc câu thơ ta liên tưởng đến câu thơ “Đầu súng trăng treo” của nhà thơ Chính Hữu trong bài thơ “Đồng chí”. Cùng là hình ảnh lãng mạn nhưng với Chính Hữu là hình ảnh hiện thực, từ con mắt tinh tế nhà thơ và ước muốn hòa bình. Còn với Quang Dũng cụm từ “Súng ngửi trời” là khí phách hiên ngang, giữa thiên nhiên hoang sơ lạnh lẽo, hình ảnh con người làm chủ, khẳng định cốt cách của người lính.


“Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”.


Chắc có lẽ đây là những câu thơ miêu tả chân thực nhất về những khó khăn gian khổ của những người lính Tây Tiến nói riêng và những người lính trong thời kháng chiến chống Pháp nói chung lúc bấy giờ. Hình ảnh “cọp trêu người” và “oai linh thác gầm thét” là những dẫn chứng thật nhất, sự ám ảnh, dữ tợn của muông thú của thiên nhiên.


“Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời”.


Từ láy “dãi dầu” miêu tả sự nhọc nhằn, vất vả của người lính. Cuộc hành quân trở như trùng lại, chậm lại 1 chút. Qua chữ “bỏ quên đời” ta thấy được hình tượng, khí phách dược ngời sáng từ chính sự thật đau lòng nhất, các anh đã hi sinh trong quá trình hành quân. Dù là sự mệt mỏi, hi sinh như thế nào, họ vẫn coi đó là sự nhẹ nhàng, thanh thản. Sau cuộc chiến đấu, hành quân gian khổ, hiểm nguy đối dầu anh dũng với lũ giặc, những người lính Tây Tiến lại trở về nghỉ nghơi với những buổi liên hoan văn nghệ đặc sắc.


“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viêng Chăn xây hồn thơ”.


Sau những cuộc chiến đấu vất vả với súng đạn, bom lửa. Những đau thương, mất mát vì bệnh tật, cái chết ập đến bất cứ lúc nào khi bỏ lại tất cả, hình tượng người lính Tây Tiến lúc này thật gần gũi. Buổi liên hoan bùng cháy lên sự vui tươi, phấn khởi. Hội trại bùng lên với khúc hát tươi vui, sự giao lưu giữa những người lính và những người dân địa phương. Từ “ bừng” được dùng rất hay, thể hiện sự náo nức. Đêm hội ấy, ta làm sao mà quên được hình ảnh người con gái trong buổi liên hoan trong bộ xiêm y vô cùng xinh đẹp, trang trọng. Cảm xúc người chiến sỹ như ngỡ ngàng trước vẻ đẹp lung linh của đêm hội, rồi lại thả hồn vào điệu múa, tiếng nhạc khèn của đêm hội.


“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”.


Hương vị xôi nếp đầu mùa, tha thiết là một kỉ niệm khó quên trong lòng người lính Tây Tiến. Câu thơ được gieo thanh bằng, tạo ra một cảm xúc bâng khuâng, nhung nhớ đến khó tả. Tiếp theo mạch cảm xúc nhớ thương, nhà thơ Quang Dũng đã viết:


“Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.


Miêu tả rừng núi Tây Bắc nhà thơ đã gợi tả ra độ cao trắc trở thông qua từ “ngàn thước”, cảm giác chông chênh, một tấc như chạm tay đến trời. Câu thơ thứ hai giống như miêu tả sự tưởng tượng của những người chiến sĩ sau 1 buổi hành quân mệt mỏi, đứng trên cao họ nhìn xa xa, thấy sương mù ẩn hiện là thấp thoáng ngôi nhà của những người dân. Người chiến sĩ như hóa thân thành người nghệ sĩ thả hồn vào điệu nhạc thiên thiên và của chính tâm hồn mình. Cảm giác phiêu lãng, nhẹ nhàng sau chuyến đi hành quân vất vả. Đang trong mạch cảm xúc nhẹ nhàng, phiêu lãng nhà thơ Quang Dũng đột ngột rẽ sang giọng điệu trầm lắng, bâng khuâng, hoài niệm.


“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có thấy dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”.


Kỉ niệm gợi nhớ của nhà thơ bắt đầu từ khung cảnh “chiều sương ấy”. buổi chiều luôn gợi ra cho lòng người đọc nỗi buồn. Nỗi buồn ấy có khi là nỗi nhớ nhà, nhớ người thương hoặc có thể là sự vu vơ trước 1 ngày tàn. Nhưng với nhà thơ đó là sự trống trải, luyến tiếc về hình ảnh không rõ sự xác định là ai, theo ý thơ thì đó là “hồn lau”, “dáng người” người đọc cảm nhận được 1 không gian vắng lặng đượm buồn mênh mang. Các từ như “có thấy, có nhớ” giống như 1 lời gợi nhớ gợi nhắc tha thiết ân tình. Hình ảnh đối lập “nước lũ” và “ hoa đong đưa, một bên là sự dữ dội , một bên là sự nhẹ nhàng. Nhà thơ đã sử dụng bút pháp lãng mạn cộng miêu tả để gợi hoài niệm nỗi nhớ về hình ảnh thiên nhiên Mộc Châu. Để khắc họa hình tượng chân dung người lính, nhà thơ đã sử dụng bút pháp lãng mạn để tô đậm cái hiện thực bi thương mà rất đỗi phi thường của người lính Tây Tiến tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Pháp.


“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm”.


Đoàn “binh không mọc tóc” có lẽ đây là sự thật trần trụi nhất mà nhà thơ Quang Dũng đã từng viết, các chiến sĩ Tây Tiến họ bị rụng tóc, da dẻ xanh sao vì căn bệnh sốt rét rừng hoành hành. Ốm đau, bệnh tật là vậy nhưng khí thế họ vẫn mang nét “dữ oai hùm” tạo nên âm hưởng hoành tráng, khí thế sẵn sàng của người lính kháng chiến chống Pháp lúc bấy giờ.


“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.


Khí thế hùng dũng là vậy, tâm hồn những người lính Tây Tiến thật mộng mơ. Nếu như ban ngày họ phải chiến đấu hết mình, “mắt trừng” là cái nhìn thẳng, sâu xa, thể hiện cái nhìn của ý chí, quyết tâm bảo vệ tổ quốc. Ban đêm khi cuộc chiến đã kết thúc, thì tâm hồn của người lính lại mơ mộng nhớ về Hà Nội, nơi mà có những người mà họ yêu thương nhất. Nỗi nhớ ấy như tiếp thêm sức mạnh, nghị lực chiến đấu. Đọc câu thơ này ta lại chợt nhớ đến câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi:


“Những đêm dài hành quân nung nấu

Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”.


Thêm một lần nữa nhà thơ lại viết về sự hi sinh, nhưng lần này cái chết được viết nên anh hùng, cao cả hơn:


“Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.


Viết về đau thương của cái chết nhưng không hề bi lụy, ai oán mà ngược lại đầy dũng khí,hùng tráng. Giọng thơ hùng tráng xong mang đậm nét buồn của sự hi sinh, trên con đường hành quân ấy, lòng họ không thể không cảm thấy xót thương trước những nấm mồ viễn xứ của những người chết trong chiến trận. Họ ra đi vì Tổ quốc nên không hề hối tiếc, kể cả đó là thời xuân xanh. Tác giả mượn khéo hình ảnh “Áo bào” để gợi tả sự ra đi của người lính. Nó gắn liền với sự trang trọng, thiêng liêng, giảm bớt nỗi buồn bi lụy. Sông Mã một chứng nhân lịch sử, đã tấu lên “ khúc độc hành” khúc ca tiễn các anh về với đất mẹ. Động từ “gầm” là 1 biện pháp nhân hóa, nỗi nhớ thương của lòng người như vang vọng, đau đáu trong lòng những người ở lại.


“Tây Tiến người đi không hẹn ước

Đường lên thăm thẳm một chia phôi

Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”.


Câu thơ đã trở về với mạch cảm xúc chung của bài thơ, cảm xúc thương nhớ nhưng vẫn mang âm hưởng bi tráng. Nói về li biệt nhưng vẫn hùng tráng, mãnh liệt. Mong mỏi một ngày được gặp lại, nỗi nhớ như tràn ngập cả không gian và thời gian, lời thơ như nhắn nhủ, ước hẹn tha thiết, ân tình. Câu thơ cuối như mời hứa quyết tâm, nỗi nhớ về đoàn binh đã in hằng sâu trong kí ức. Tây tiến trở thành một kỉ niệm sương máu trong cuộc đời nhà thơ Quang Dũng.


Qua bài thơ Tây Tiến, nhà thơ Quang Dũng đã khắc họa nên bức chân dung, hình tượng bi tráng của người lính Tây Tiến trong cuộc cách mạng vệ quốc, vừa chân thực vừa lãng mạn tiêu biểu cho sức mạnh dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Bài văn phân tích hình tượng người lính số 1
Bài văn phân tích hình tượng người lính số 1
Bài văn phân tích hình tượng người lính số 1
Bài văn phân tích hình tượng người lính số 1

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy