Bài văn phân tích ca dao "Thân em như tấm lụa đào" (Ngữ văn 10) số 4

Trong kho tàng ca dao của Việt Nam có rất nhiều bài ca dao phản ánh một cách chân thực đời sống tâm hồn của con người. Mỗi một bài ca dao đề cập đến một nội dung riêng của đời sống mà trong đó nội dung than thân khiến người đọc cảm thấy xúc động và xót xa hơn cả. Người phụ nữ sống trong xã hội cũ đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi và họ chỉ có một cách duy nhất để thương cho chính mình đó là gửi tâm tư vào trong những bài ca dao như:


Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai


Có rất nhiều bài ca dao bắt đầu bằng hai chữ thân em như vậy chẳng hạn “Thân em như hạt mưa sa”, “Thân em như giếng nước giữa đàng”, “Thân em như lá đài bi”,… Tất cả đều nằm trong nhóm ca dao than thân và ta thấy ở mỗi một bài ca dao người phụ nữ lại bị đẩy vào những hoàn cảnh khác nhau. Họ chủ yếu bị phụ thuộc, sống nhưng không có tiếng nói, không được coi trọng. Mặc dù cũng bắt đầu bằng hai chữ thân em nhưng bài ca dao Thân em như tấm lụa đào vẫn mang những nét riêng biệt. Ở đây người phụ nữ đã ví thân mình như tấm lụa đào. Rõ ràng sự so sánh này so với những sự so sánh khác như tôi lấy ví dụ ở trên có sự khác biệt hoàn toàn. Khi ví thân mình như tấm lụa đào, người phụ nữ đã nhận thức được vẻ đẹp của bản thân mình. Đó là vẻ đẹp mềm mại, nổi bật và đầy sức sống. Có thể nói người phụ nữ trong bài ca dao đang ở thời kì thanh xuân đầy rực rỡ. Đây cũng là giai đoạn đẹp nhất của người phụ nữ. Đáng lẽ ở giai đoạn này người phụ nữ phải được hưởng hạnh phúc nhiều nhất nhưng câu ca dao sau lại dập tắt mọi hi vọng.


Tấm lụa đào vừa đẹp đẽ lại vừa giá trị nhưng nó không được nằm ở vị trí trang trọng mà lại phất phơ giữa chợ. Chợ là nơi đông đúc người qua kẻ lại, là nơi mà mọi thứ đều có thể mua được bằng tiền. Như vậy tấm lụa đào cũng chỉ như một món hàng hóa mà bất cứ ai cũng đều có thể sở hữu. Tấm lụa đào không có quyền tự quyết, không biết rồi đây mình sẽ rơi vào tay ai. Rơi vào tay người biết trân trọng thì cuộc sống bớt tủi hờn còn rơi vào tay người không biết trân trọng thì coi như cuộc sống không còn những niềm vui.


Bài ca dao đã bộc lộ rõ sự lo lắng của người phụ nữ về số phận của mình. Dù có đẹp đến mấy, có giá trị đến mấy thì cũng còn phụ thuộc vào tay người sở hữu. Cách ngắt nhịp 2/2/2 khiến cho bài ca dao nghe nhẹ nhàng nhưng lại vô cùng thấm thía và bộc lộ được tâm trạng của nhân vật trữ tình.

Thông qua bài ca dao chúng ta thấy được vẻ đẹp của người phụ nữ trong xã hội cũ. Họ đã nhận thức được giá trị của bản thân mình, chỉ tiếc là xã hội chưa công nhận họ nên họ vẫn chưa có cái quyền mưu cầu hạnh phúc, chưa có quyền tự quyết. Qua đây chúng ta hiểu và càng trân trọng hơn những người phụ nữ ấy.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy