Bài văn phân tích bài thơ "Mưa" của Trần Đăng Khoa số 7

Tài năng thơ của Trần Đăng Khoa nảy nở từ rất sớm và ngay năm mới lên mười tuổi, tập thơ đầu tay của cậu bé thần đồng đã được ra đời. Góc sân và khoảng trời thể hiện một thế giới tuổi thơ vừa hồn nhiên, tươi trẻ nhưng nhiều khi cũng hết sức tinh tế, góc cạnh. Có thể nói, với năng lực ngôn ngữ ưu trội, lại có óc quan sát tài tình, trái tim giàu mẫn cảm, thơ Trần Đăng Khoa đem lại những xúc cảm hết sức tươi trẻ về cuộc sống.


Sắp mưa

Sắp mưa


Hai câu thơ mở đầu được lặp lại cùng một thông báo như đem đến niềm háo hức rất trẻ thơ: niềm vui được đón cơn mưa, được giỡn đùa với nước. Nhưng ngay sau lời thơ như một tiếng thầm reo vui, là một sự quan sát rất tinh tế. Chỉ trong vài hình ảnh, cảnh trời sắp mưa đã được hiện lên rõ nét.


Bài thơ được miêu tả theo trục tuyến tính của thời gian: mây đen, giông gió, sấm chớp, mưa; nhưng trong bối cảnh chung ấy, sự phát hiện về các trạng thái và hoạt động của muôn loài lại rất ngẫu hứng, tưởng như mỗi lần lia mắt từ hàng hiên, ánh mắt trẻ thơ vội chộp lấy một hình ảnh này rồi lại nhanh chóng bị hình ảnh khác thu hút, khiến những đối tượng quan sát liên tục thay đổi.


Dưới bầu trời mây đen ùn ùn kéo đến, cây cối và loài vật hiện lên rất sinh động. Các loài vật được thu vào tầm mắt: mối, gà con, kiến, cóc,…; và các loài cây; mía, cỏ gà, tre, bưởi, dừa, mùng tơi,… Sự vật không chỉ phong phú, mà quan trọng hơn, chúng đều được “cắt nghĩa, lý giải” bằng cảm nhận rất trẻ thơ. Đàn mối có con bay cao, con bay thấp bởi chúng có con già, con non.


Gà con thì sợ sệt, rối rít tìm nơi trú ẩn. Kiến vội vàng hành quân tránh nước. Và khi mưa xuống, những con cóc nhảy chồm chồm từ trong bờ cây bụi cỏ ra đón làn nước mát… Cây cối cũng vậy. Khi “ông trời mặc áo giáp đen ra trận” thì cây mía trở thành vũ khí, không ngừng “múa gươm”trong gió bụi cuồn cuộn. Sát dưới mặt đất, cỏ gà ngơ ngác rung tai nghe sự chuyển động khác lạ ở trên cao.


Bụi tre phiền não, tần ngần bởi cứ phải gỡ mái tóc bị gió xoáy tạt liên hồi về mọi phía. Hàng bưởi phải chuyển động khéo léo, đu đưa nhịp nhàng với ngọn gió để che chở cho chùm quả. Các tàu lá dừa to lớn phải gắng nhịp nhàng lay động trong khi ở phía dưới gốc, những ngọn mùng tơi lại tha hồ nhảy múa vui tươi… Mỗi một trạng thái, một hoạt động đều tìm được một sự giải thích “hợp tình hợp lí” trong cơn mưa.


Và mưa đã đến:

Mưa

Mưa


Giống như cách lặp từ “sắp mưa” ở đầu đoạn miêu tả trước cơn mưa, cách lặp từ “mưa” ở đầu đoạn miêu tả trong cơn mưa hiện lên như tiếng reo vui của đứa trẻ: trời đã mưa! Một cơn mưa giông thật to. Ban đầu là ào ạt những nước, tiếng mưa “ù ù như xay lúa”. Sau mưa thành từng cơn, khi mưa thưa với những hạt to: lộp bộp/ lộp bộp…, khi mưa mau với những hạt nhỏ: rơi/rơi…


Cứ như thế, trên trời cao, màu xám đen của mây mưa đã chuyển sang màu xám bạc của nước mưa; còn dưới đất, mặt sân đầy ăm ắp nước. Rồi gió thổi làm cơn mưa xiên chéo, hạt mưa làm nổi bong bóng khắp sân… Cơn mưa ào đến đã đem lại sức sống mới khiến cho vạn vật đều được hả hê tắm làn nước mát.


Có thể nói, một miêu tả về cơn mưa như vậy là sinh động và tài tình. Vạn vật đều được nhân cách hóa, biểu hiện những phẩm tính của con người trong khát khao đón trận mưa xóa tan đi không khí oi nồng ngột ngạt. Thể thơ tự do đã thật sự đắc dụng trong việc thể hiện niềm vui này, đồng thời cũng có giá trị tạo hình trong việc khắc họa cơn mưa theo nhịp điệu ngắn và nhanh của các câu thơ.


Tuy nhiên, niềm vui bao trùm không vì thế mà át được những lo lắng bởi những tai ương bất ngờ có thể xảy đến. Đàn gà con gặp cảnh huống lạ lẫm rối rít tìm nơi ẩn nấp. Đàn kiến lo tổ ngập úng vội vàng hành quân chuyển nhà lên trên cao. Hàng bưởi thì hết sức nhẹ nhàng khéo léo đung đưa cành lá để bao bọc cho những quả non tơ… Đâu đâu cũng thấy ánh lên phẩm chất của con người. Ngay cả cơn mưa cũng mang trong mình phẩm chất ấy, khi quyết liệt, nghiêm nghị, khi vui vẻ, hồn nhiên:


Chớp

Rạch ngang trời

Khô khốc

Sấm

Ghé xuống sân

Khanh khách

Cười


Rõ ràng, đứa trẻ đã thổi hồn mình vào tạo vật, ban phát cho tạo vật những đặc điểm, tính chất của bản thân mình. Khám phá và tham dự vào trò chơi với thiên nhiên tạo vật, chỉ tâm hồn trong trắng thơ ngây của trẻ thơ mới có được những cảm nhận vô tư và phi vụ lợi như thế. Cái tài của Trần Đăng Khoa đọng lại một cách sâu sắc ở điểm này.


Và chính trong niềm vui hồn nhiên thơ trẻ như đang được kéo dài, được lan tỏa thỏa thuê trong cơn mưa, bài thơ đột ngột kết lại bằng một hình ảnh có sức biểu trưng cao:


Bố em đi cày về

Đội sấm

Đội chớp

Đội cả trời mưa…


Cái độc đáo của bài thơ chính là sự xuất hiện không hề khiên cưỡng của hình tượng người cha. Cứ như thể đang mải mê nghịch nước, chú bé luống cuống khi thấy người cha đội mưa trở về. Nhưng ngay sau đó, nỗi lo sợ có thể bị trách phạt vì ham chơi, nghịch dại nhường chỗ cho sự phát hiện, cảm nhận về sự kỳ vĩ trong hình ảnh của người cha, sự toả ấm bởi sức mạnh và tấm lòng người cha.


Một cách rất tự nhiên, người cha đã vụt hiện lên trên nền trời mưa ảm đạm, xoá tan đi vẻ lạnh lẽo của đất trời, sưởi ấm tấm lòng con trẻ bởi chính tư thế hiên ngang “đội trời đạp đất” ấy. Vì vậy, có thể nói, bên cạnh những vần thơ rất đỗi tinh tế: “Ngoài thềm rơi cái lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” (Đêm Côn Sơn); hay những câu thơ mang chứa sự suy tư sâu sắc: “Góc sân nho nhỏ mới xây/ Chiều chiều em đứng nơi này em trông/ Thấy trời xanh biếc mênh mông/ Cánh cò chớp trắng trên sông Kinh Thầy” (Góc sân và khoảng trời),…


Những vần thơ hồn nhiên, dung dị mà vẫn đẹp lấp lánh như bài thơ Mưa là một bộ phận không nhỏ góp vào thành công lớn của thơ Trần Đăng Khoa thời thơ ấu.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy