Bài văn phân tích bài thơ "Bạn đến chơi nhà" của Nguyễn Khuyến số 7

Tình bạn là một đề tài nổi bật trong thơ Nguyễn Khuyến. Ông có nhiều bài thơ hay viết về tình bạn như: Khóc Dương Khuê, Lụt hỏi thăm bạn… trong đó Bạn đến chơi nhà là bài thơ hay được nhiều người biết đến nhất. Bài thơ thể hiện một tình bạn đậm đà, thắm thiết, qua đó giúp ta hiểu nhân cách cao đẹp của Nguyễn Khuyến.


Niềm vui khi bạn đến chơi nhà: Đã bấy lâu nay bác tới nhà. Câu thơ vang lên như một tiếng reo vui thể hiện niềm vui hồ hởi khi có bạn đến chơi nhà. Thời gian “Đã bấy lâu ” không định rõ, nhưng có lẽ đã rất lâu nhà thơ mới được gặp bạn. Trạng ngữ chỉ có thời gian đứng ở đầu câu diễn tả sự xa cách, nhớ mong. Làm nổi bật nỗi niềm xúc động và vui sướng vô hạn của nhà thơ khi gặp lại bạn.


Cách xưng hô: “bác” thân mật, kính trọng. Đặt câu thơ trong hoàn cảnh Nguyễn Khuyến cáo quan về ở ẩn chốn hương thôn, ít bạn bè giao lưu. Có lẽ bạn đến chơi nhà là niềm mong mỏi, là nỗi chờ đợi khắc khoải trong lòng nhà thơ. Đằng sau câu thơ ta như cảm thấy những bước chân lập cập như ríu lại, những giọt lệ ứa nơi khóe mắt đôi người bạn già.


Muốn đi lại tuổi già thêm nhác

Trước ba năm gặp bác một lần

(Khóc Dương Khuê)


Cách nhập đề tự nhiên, thể hiện niềm vui chân thành của nhà thơ khi bạn đến chơi nhà. Hoàn cảnh tiếp bạn:


Trẻ thời đi vắng chợ thời xa

Ao sâu nước cả khôn chài cá

Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà

Cải chửa ra cây cà mới nụ

Bầu vừa rụng rốn mướp đương hóa

Đầu trò tiếp khách trầu không có


Thông thường, bạn đến chơi nhà là mừng, là quý. Người Việt Nam vốn có phong tục bạn mới quen thì trầu nước. Bạn thân từ nơi xa đến thì nhất thiết phải mời cơm chu đáo. Dân ta cũng có câu: “Khách đến nhà không gà cũng vịt”. Vậy mà, nhà thơ lại lâm vào hoàn cảnh thật trớ true: Những thức ngon không có, rau dưa chưa đến kì thu hoạch. Đến miếng trầu là đầu câu chuyện cũng không có nốt.


Hoàn cảnh éo le được diễn đạt theo chiều hướng tăng tiến: Những thứ không có được sắp xếp theo trình tự không gian: xa đến gần (chợ – vườn – nhà) thấp đến cao (ao sâu – cải, cà – bầu mướp). Tất cả đều không. Sự thiếu thốn về vật chất ở đây được đẩy đến mức khó tin.


Thực ra khi cáo quan về ở ẩn, cuộc sống của Nguyễn Khuyến có đạm bạc. Nhưng với cơ ngơi “năm gian nhà cỏ thấp le le” thì không đến nỗi không lo nổi bữa cơm mời bạn. Cũng không đến nỗi “Đầu trò tiếp khách trầu không có”. Vậy đây ắt hẳn là cách nói phóng đại, cường điệu chỉ cốt đùa vui như tính tình vốn hóm hỉnh của cụ Tam Nguyên Yên Đổ.


Năm gian nhà cỏ thấp le le. Giọng điệu của những câu thơ toát lên sự hóm hỉnh. Những hư từ (thời, phó từ chửa, mới, đương… ), những tính từ (sâu, cả, rộng, thưa) được sử dụng khéo léo, tự nhiên. Góp phần tạo ra một tiếng cười kín đáo, vui vui. Đằng sau mỗi câu thơ, ta như thấy một đôi mắt rất vui, hấp háy tinh nghịch của cụ Tam Nguyên.


Điều thú vị của đoạn thơ này đó là tác giả nói không có cá, không có gà, không có rau dưa … Nhưng đoạn thơ vẫn gợi lên một bức tranh thôn quê dân dã, thân thuộc mà sinh động. Hình ảnh Nguyễn Khuyến trong bức tranh quê ấy thật hồn hậu. Ông sống chan hòa với thiên nhiên vườn Bùi chốn cũ.


Ông hăng hái dẫn người bạn của mình đi thăm thú điền viên. Làng cảnh vùng chiêm trũng này cũng chính là nơi ông giữ trọn khí tiết thanh cao của mình. Do đó, bài thơ không chỉ gợi lên một bức tranh quê mộc mạc mà còn gợi cả tình quê ấm áp, hồn hậu.


Tóm lại, qua lời thơ hóm hỉnh, trào lộng, vui vui, nhà thơ bày tỏ cuộc sống thanh bạch, tâm hồn thanh cao của một nhà nho. Một người khước từ mọi bổng lộc của thực dân Pháp, lui về ở ẩn nơi quê nhà. Cách tiếp bạn của nhà thơ. Một lần nữa, từ “bác” lại xuất hiện cuối bài, thân mật mà trân trọng. Cụm từ “ta với ta” không hề gợi lên sự quạnh vắng, cô đơn, buồn mang mác như trong thơ bà Huyện Thanh Quan mà gợi lên sự chan hòa quấn quýt:


Mình với ta tuy hai mà một

Ta với mình tuy một mà hai


Ta là Nguyễn Khuyến, ta cũng là người bạn. Nguyễn Khuyến tiếp bạn không bằng cao lương mỹ vị mà bằng cả tấm lòng chân thành. Với Nguyễn Khuyến, tình bạn đẹp là tình bạn có tình cảm chân thành, không câu nệ vật chất tầm thường. Hơn nữa tình bạn ấy phải vượt lên mọi thứ vật chất tầm thường. Tình bạn của Nguyễn Khuyến cũng giúp ta nhận thấy nhân cách cao đẹp, tâm hồn trong sáng của vị Tam Nguyên Yên Đổ.


Đặt quan niệm tình bạn của Nguyễn Khuyến trong hoàn cảnh xã hội, trong nhân tình thế thái bao giờ:

Còn tiền, còn bạc, còn đệ tử

Hết cơm, hết gạo, hết ông tôi

Ta mới càng thấy chân trọng lối sống thanh cao, và tình bạn đẹp đẽ của nhà thơ.


Đến giờ người ta không còn bán tín, bán nghi mà thực sự hiểu cái hoàn cảnh trớ trêu ở 6 câu thơ trên là cái cớ để nhà thơ thể hiện quan điểm, tư tưởng, tình cảm của mình. Câu thơ thứ 8 lấy lại thế cân bằng cho cả bài thơ.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy