Bài văn nghị luận xã hội về Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam số 6

Theo các nhà nghiên cứu thì chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam từ thế kỷ thứ XVII. Từ đó đến nay, việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này là rõ ràng, liên tục thể hiện trong sử sách, văn bản và trên hoạt động thực tế phù hợp với nguyên tắc luật phát quốc tế.


Về sử sách, trong cuốn “Phủ biên tạp lục” do nhà bác Lê Quý Đôn biên soạn năm 1776 ghi rõ đảo Đại Trường Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa) thuộc phủ Quảng Nghĩa; trong bộ bách khoa “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú biên soạn năm 1821 chép về Hoàng Sa rất cụ thể từ địa thế, sản vật đến việc tổ chức Đội Hoàng Sa; trong bộ sử ký “Đại Nam thực lục chính biên” (1848) do Quốc sử quán triều đình nhà Nguyễn soạn cũng ghi chép sự kiện các vua triều Nguyễn (Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị) chiếm hữu các đảo Hoàng Sa, cho xây miếu, dựng bia, trồng cây, vẽ bản đồ các đảo này; hay trong “Đại Nam nhất thống chí” là bộ sách địa lý chính thức của nước Việt Nam (1865-1910), đã xác định các đảo Hoàng Sa thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi;…


Trên các bản đồ cổ, theo “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” (1630-1653), đã gọi hai quần đảo bằng tên chung là Bãi Cát Vàng và ghi nó vào địa hạt huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa; trong “Giáp Ngọ bình Nam đồ” (1774), Bãi Cát Vàng cũng được vẽ là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam; trong “Đại Nam nhất thống toàn đồ” (1838), trên bản đồ có ghi hai tên “Hoàng Sa” và “Vạn lý Trường Sa” thuộc lãnh thổ Việt Nam; hay “Bộ Atlas thế giới” của Philippe Vandermaelen (1795-1869) xuất bản năm 1827 tại Brussels là một bằng chứng hùng hồn về giá trị pháp lý quốc tế cao, bổ sung vào kho bằng chứng khổng lồ chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.


Về thực thi chủ quyền (XVII - XIX), các nhà nước Phong Kiến đã lập ra đội Hoàng Sa sau này thêm đội Bắc Hải để tiến hành chiếm hữu, khai thác, đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong thời kỳ thuộc Pháp, chính quyền thực dân Pháp đã tiến hành bảo vệ và quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo đúng thủ tục pháp lý đương đại. Trong thời kỳ 1954 - 1975, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã thực hiện việc bảo vệ, khai thác và quản lý đối quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên tất cả các phương diện. Sau năm 1975, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tiếp tục quản lý và bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt năm 1982 Việt Nam đã thành lập huyện Hoàng Sa và huyện Trường Sa, mà nay huyện Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng, huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.


Trên một số tài liệu nước ngoài cũng khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, như: các tác giả Le Poivre (1740), J Chaigneau(1816-1819), Taberd (1833), Gutzlagip (1840)… từng khẳng định Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngay cả các tác giả người Trung Quốc cũng từng viết sách nói rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, như nhà sư Thích Đại Sán trong cuốn “Hải ngoại ký sự” (1696) đã xác nhận các chúa Nguyễn hàng năm cho thuyền khai thác các sản vật từ các tàu bị đắm ở vùng Vạn lý Trường Sa. Trong các Hội nghị quốc tế, như: Hội nghị Cairo (11/1943), Hội nghị Potsdam (7/1945), Hội nghị hòa bình San Francisco (8/1951), Hội nghị Geneva (1954), Hiệp định Paris (1973) đều khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.


Như vậy, Việt Nam có đầy đủ các chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để chứng minh đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Với mưu đồ “bành trướng”, mở rộng chủ quyền lãnh thổ quốc gia, từ trước đến nay Trung Quốc luôn dùng nhiều chiêu trò để xâm chiếm vùng biển, đảo, quần đảo trên biển đông, trong đó Hoàng Sa, Trường Sa là đối tượng mà Trung Quốc chú trọng hướng tới. Chẳng hạn, năm 1956 Trung Quốc đã đưa quân ra xâm chiếm nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa; năm 1974, Trung Quốc dùng không quân và hải quân chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa; năm 1988, Trung Quốc đã đánh chiếm các bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa gồm: Chữ Thập, Châu Viên, Gaven, Tư Nghĩa, Gạc Ma, Su Bi; năm 1995 đánh chiếm bãi đá Vành Khăn;… Thời gian gần đây, năm 2012, Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là “Thành phố Tam Sa” để “quản lý” quần đảo Nam Sa (Trường Sa), Tây Sa (Hoàng Sa) và Trung Sa (bãi Macclesfield). Tháng 9/2017, Trung Quốc đưa ra chiến thuật mới là “Yêu sách Tứ Sa”, đòi hỏi chủ quyền với 4 nhóm đảo gồm 3 nhóm trên và thêm Đông Sa (quần đảo Pratas hiện do Đài Loan quản lý), đòi hỏi quyền được hưởng vùng đặc quyền kinh tế xung quanh. Tháng 4/2020, Trung Quốc tiếp tục thông qua quyết định thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” thuộc “thành phố Tam Sa” nâng cấp đơn vị hành chính để thay mặt nhà nước Trung Quốc “quản lý” hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Cùng với đó, họ công bố kinh độ và vĩ độ của các đảo, bãi đá và thực thể. Nhiều đảo đá và thực thể này xuất hiện ở phần phía tây Biển Đông và nằm dọc theo "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc tự vẽ ra. Trong những thực thể này có những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc đường cơ sở Việt Nam khoảng 50 hải lý,…


Những gì Trung Quốc đã và đang làm hoàn toàn không có cơ sở lịch sử, giá trị pháp lý. Đấy là hành động “đổi trắng thay đen” với mưu đồ chiếm đoạt biển Đông như họ đã vạch ra bằng “đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn”. Những hành động của Trung Quốc là ngang ngược, trắng trợn vi phạm chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế. Chúng ta kiên quyết đấu tranh phản đối sự ngang ngược, trắng trợn đó. Bởi vì, Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.


Hoàng Sa, Trường Sa là một máu phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Do vậy, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần phải nắm chắc những cơ sở lịch sử pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; cùng chung sức, đồng lòng đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp, dựa vào “thế trận lòng dân” để kiên trì, kiên quyết, bền bỉ từng bước đấu tranh bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Bên cạnh đó chúng ta cũng cần làm cho nhân loại tiến bộ, kể cả nhân dân Trung Quốc hiểu rõ sự thật, đưa vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam thành nội dung đấu tranh ở Liên hiệp quốc, trong dư luận quốc tế. Nhắc lại câu nói của cha ông, để càng thêm khẳng định kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền của dân tộc Việt Nam:“Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy