Bài văn cảm nhận về hình tượng nắm lá ngón số 8

M. Gorki từng nói: “Chi tiết nhỏ làm lên nhà văn lớn. Nhà văn lớn phải lớn ngay trong những chi tiết nhỏ”. Bởi lẽ chi tiết là “bụi vàng của tác phẩm”, là “người tí hon mang nhiệm vụ khổng lồ”, cho nên các nhà văn luôn luôn phải rèn câu, đúc chữ để sáng tạo lên những chi tiết đắt giá. Trong Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài đã làm được điều đó khi để cho nhân vật Mị và nói về cái chết: “Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong lỗ vuông ấy trông ra đến bao giờ chết thì thôi”. Trong đêm tình mùa xuân, Mị nghĩ: “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết luôn”. Qua hai chi tiết ấy, ta sẽ thấy được sự vận động và thống nhất của hình tượng nhân vật.


Mị đã từng là một cô gái xinh đẹp, tài hoa, có lòng yêu đời và khát vọng sống mãnh liệt. Trớ trêu thay, người con gái ấy lại chẳng thể tự quyết định lấy cuộc sống của mình vì mang trên vai món nợ của cha mẹ. Bị bắt về nhà thống lí làm con dâu gạt nợ, những ngày tháng đen tối nhất trong cuộc đời Mị bắt đầu. Dưới ách áp bức của cường quyền và thần quyền, Mị trở thành một thứ công cụ lao động, bị tê liệt mọi cảm xúc và tinh thần phản kháng. Nếu như những ngày đầu mới làm dâu nhà thống lí, “đêm nào Mị cũng khóc” và còn muốn ăn lá ngón tự tử thì giờ “Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong lỗ vuông ấy trông ra đến bao giờ chết thì thôi”. Dường như Mị đã quen, đã chấp nhận cái cuộc đời kham khổ, buồn buồn tủi tủi, không niềm vui, không hạnh phúc ấy. Cô Mị một thời tài hoa giờ phó mặc cho số phận đưa đẩy, sống trong tình trạng vô cảm, lãnh đạm. Đúng là khi “ở lâu trong cái khổ, Mị cũng quen khổ rồi”. Ý thức phản kháng ngày nào giờ đã bị dập tắt dưới ách áp bức của cường quyền và thần quyền. Phản ánh chân thực một mảng màu đen tối trong cuộc sống của người dân miền núi, Tô Hoài đã chứng tỏ mình là “người thư kí trung thành của thời đại”, giá trị hiện thực của tác phẩm vì thế càng trở nên sâu sắc.


Thế nhưng, “nhà văn tồn tại ở trên đời làm gì nếu không phải là kẻ nâng giấc cho những người cùng đường tuyệt lộ, những người bị số phận đen đủi dồn đến chân tường”. Ý thức phản kháng của Mị tưởng như đã bị dập tắt nay trở lại một lần nữa khi cô nghĩ đến cái chết: “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết luôn”. Mùa xuân ở Hồng Ngài đã đánh thức vạn vật, làm bừng dậy sức sống của thiên nhiên và cả trong lòng người. Giờ đây, Mị ý thức sâu sắc về hoàn cảnh của bản thân hiện tại. Quá khứ càng tươi đẹp bao nhiêu thì thực tại lại chua xót bấy nhiêu. Mị nghĩ đến cái chết như một điều tất yếu. Cái chết giúp Mị giải thoát bản thân để không còn phải chịu đựng những trớ trêu, bất hạnh. Hóa ra, tâm hồn Mị cũng giống như hòn than ẩn dưới lớp tro tàn, chỉ cần một làn gió khẽ thoảng qua là lại bừng dậy mạnh mẽ. Sự trỗi dậy ấy là những tín hiệu đầu tiên, làm tiền đề cho sức phản kháng mạnh mẽ ở phía sau.


Có thể thấy, Tô Hoài đã hết sức khéo léo khi sử dụng phép biện chứng tâm hồn để diễn tả tâm lí nhân vật một cách tự nhiên, logic. Ý thức phản kháng của nhân vật Mị dẫu có lúc dập tắt nhưng chưa bao giờ mất đi, nó chỉ đợi thời cơ để bùng lên mạnh mẽ. Từ chỗ bị nô lệ hóa, chai liệt mọi cảm xúc, Mị dần dần thức tỉnh và nhen nhóm ý thức đấu tranh, phản kháng. Điều này đã làm nổi bật sức sống tâm hồn nhân vật cũng như sự tài hoa trong ngòi bút kể chuyện của Tô Hoài.

Bài văn cảm nhận về hình tượng nắm lá ngón số 8
Bài văn cảm nhận về hình tượng nắm lá ngón số 8
Bài văn cảm nhận về hình tượng nắm lá ngón số 8
Bài văn cảm nhận về hình tượng nắm lá ngón số 8

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy