Bài văn cảm nhận về hình ảnh người mẹ trong bài thơ "Con cò" số 8

Agatha Christie đã từng nói: “Tình yêu của mẹ dành cho con không giống với bất kỳ điều gì khác trên thế giới. Tình yêu đó không có luật lệ và không có hối tiếc”. Có lẽ trong mọi thứ tình cảm, thì tình cảm gia đình mà đặc biệt là tình cảm mẫu tử luôn là tình cảm vô cùng thiêng liêng, cao quý. Điều này cũng là một đề tài trở đi trở lại trong nghệ thuật đông tây kim cổ, từ những câu ca dao tục ngữ, đến những lời thơ, lời hát, bức họa. Chế Lan Viên cùng với “Con cò” đã góp thêm một tiếng nói góp phần phong phú đề tài ấy.


Chế Lan Viên là một nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ Mới, mà trước Cách mạng thơ Chế được đánh giá là kinh dị, bí ẩn, với đầu lâu, xương trắng, thì sau Cách mạng tháng Tám, thơ ông đã quay trở lại với cuộc sống, gần gũi hơn với con người và đất nước. Bài thơ “Con cò” được sáng tác năm 1962, in trong tập “Hoa ngày thường - Chim báo bão” của Chế Lan Viên. Bằng cách khai thác hình tượng con cò trong những câu hát ru, qua bài thơ, nhà thơ Chế của chúng ta đã ngợi ca tình mẹ và ý nghĩa của lời ru trong cuộc đời mỗi người. Trước hết là hình ảnh con cò theo lời ru đến với tuổi thơ con, đó là biểu tượng cho cuộc đời lam lũ của mẹ:


“Con cò bế trên tay
Con chưa biết con cò
Nhưng trong lời mẹ hát
Có cánh cò đang bay”


Bài thơ mở ra với lời tâm tình thiết tha của người mẹ, lời tâm tình ấy hướng về con cò, con cò đã xuất hiện ngay từ tấm bé đối với mỗi người, bắt nguồn từ những câu ru của mẹ khi bồng bế con trên tay, dù không biết con cò là như nào, nhưng khi ấy những cánh cò đã thấm vào tâm trí con. Những câu ca dao trong lời ru của mẹ đã gợi về hình ảnh biểu tượng phong phú “Con cò bay lả/ con cò bay la”, “Con cò ăn đêm/ con cò xa tổ”. Hình ảnh ấy như vẽ ra một phong cảnh thanh bình, yên ả nơi làng quê, cũng tượng trưng cho cuộc đời của người phụ nữ vất vả, nhọc nhằn. Người mẹ đã gửi hết tình yêu thương của mình vào lời ru để nâng đỡ giấc ngủ của con. “Cánh cò mềm, mẹ đã sẵn tay nâng”, con là con của mẹ, dường như tài sản quý giá nhất của mẹ chính là con, vì thế mẹ sẽ luôn dang rộng vòng tay che chở, bảo vệ cho con. Cứ như thế, tình yêu thương của mẹ đã in sâu vào đứa bé ngay từ ngày còn trong nôi. Đứa trẻ cứ thế ngủ say, trong những ngọt ngào của lời ru, của dòng sữa mẹ. Tiếp đến, đoạn hai, nhà thơ đã tái hiện hình ảnh con cò đi vào hiện thực của tuổi thơ, hay cũng chính là người mẹ sẽ theo con suốt cuộc đời.


“Ngủ yên, ngủ yên, ngủ yên
Cho cò trắng đến làm quen
Cò đứng ở quanh nôi
Rồi cò vào trong tổ
Con ngủ yên thì cò cũng ngủ
Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi”


Cánh cò thủy chung là vòng tay mẹ, là tình yêu thương của mẹ luôn bên con, luôn truyền hơi ấm cho con. Đứa con của mẹ được mẹ chăm sóc cẩn thận từ khi nằm trong nôi, đến khi “vào tổ”, lớn hơn một chút, và cả khi đi học “cánh cò trắng bay theo gót đôi chân”, nâng đỡ từng bước chân con đến trường, trưởng thành. Người mẹ sẽ luôn dõi theo con đường của con mình, với mẹ, dù con có lớn như nào, có đi xa đến đâu sẽ vẫn là đứa con nhỏ bé trong vòng tay của mẹ, mẹ sẽ luôn là hậu phương vững chắc, là nơi để con dựa dẫm, nơi cho con thêm niềm tin, động lực vào cuộc sống. Cánh cò ấy sẽ “bay hoài không nghỉ”, bay cả vào “trong câu văn”, trong trang thơ của con. Qua hình ảnh con cò, Chế Lan Viên đã ca ngợi lòng mẹ, ca ngợi sự dịu dàng nâng đỡ của người mẹ để nuôi dưỡng con trưởng thành, chắp cánh ước mơ cho con bay cao bay xa.


Đến với đoạn thư thứ ba, nhà thơ Chế Lan Viên đã thể hiện rõ hơn, ý nghĩa của tình mẫu tử của lời ru đối với cuộc đời mỗi người. Nếu bắt đầu bài thơ là những lời thơ tâm tình, tha thiết, thì ở đây, đoạn ba bắt đầu với những dòng thơ đầy suy tư sâu sắc:


“Dù ở gần con
Dù ở xa con
Lên rừng xuống bể
Cò sẽ tìm con
Cò mãi yêu con
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”


Đoạn thơ như đúc kết lại quy luật của tình cảm, cảm xúc và tấm lòng của người mẹ. Trong dòng đời ngoài kia, dù cuộc sống có “lên rừng xuống bể” - cuộc sống có lận đận, mưa nắng, vất vả, nhọc nhằn như nào không ai biết trước, thì ở hiện tại và ở tương lai “cò mãi yêu con”, tình yêu của mẹ dành cho con bất chấp khoảng cách, thời gian, hoàn cảnh có ra sao. Và đến đây, tác giả đã khái quát, sử dụng trực tiếp hình ảnh mẹ, để khẳng định chắc chắn suốt cuộc đời này, tình yêu thương của mẹ luôn bền chặt, sắc son, bất diệt. Những câu thơ cuối là hình ảnh rất đẹp, cánh cò về qua nôi như dáng mẹ đang nghiêng mình chở che cho con, thủ thỉ với con tấm lòng mình. Dường như tất cả tình yêu thương trên thế gian đều quy tụ trong chiếc nôi ấy.”


Bằng thể thơ tự do, kết hợp sự liên tưởng phong phú, những yếu tố hình ảnh, từ ngữ lặp lại gợi âm điệu lời ru, từ hình tượng con cò trong ca dao, trong những lời hát ru, Chế Lan Viên đã một lần nữa góp thêm vào thơ ca dân tộc một tiếng nói ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng. Và ta có thể thấy hình ảnh người mẹ trong bài thơ chính là người mẹ của mỗi chúng ta, không phải ai khác. Người mẹ nào cũng dành tình yêu thương vô bờ bến cho đứa con bé bỏng của mình, có chăng chỉ là mẹ có các cách thể hiện khác nhau, vì vậy hãy cố gắng thật tinh tế, cảm nhận để nhận ra điều ấy, mà không phải hối hận.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy