Bài văn cảm nhận và nêu suy nghĩ về đoạn kết bài thơ "Đồng chí" số 5

Hình tượng văn học nghệ thuật là một hiện tượng thẩm mĩ đa nghĩa độc đáo. Vì vậy, nó không chỉ phản ảnh cuộc sống, mà hơn nữa, vẻ đẹp cũng chiếm một vị trí quan trọng ở lĩnh vực nghệ thuật này. Ra đời năm 1948, giữa lúc cuộc kháng chiến p của dân tộc đang bước sang giai đoạn khó khăn, gian khổ nhất, Đồng chí (Chính Hữu) nhanh chóng gây được ấn tượng thẩm mĩ đối với người đọc.


Chúng ta hãy một lần nữa đọc lại khổ thơ cuối để hiểu rõ cội nguồn vẻ đẹp vừa hiện thực vừa lãng mạn của người lính và sự hấp dẫn của thi phẩm:


Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo


Đặt ba câu thơ trên trong hệ thống toàn bài, ta mới thấy hết cái hay cái đẹp của nó, bởi người chiến sĩ chỉ làm thi sĩ khi tâm hồn có sự hoà quyện, đan xen giữa vẻ đẹp hiện thực và vẻ đẹp lãng mạn. Đọc ba câu thơ, độc giả không thấy sự hiện diện trực tiếp của người lính. Nhưng thế đứng chờ giặc tới giữa không gian thiên nhiên "rừng hoang sương muối" và hình ảnh đẹp "đầu súng trăng treo" càng làm cho hình tượng các anh càng đẹp và thiêng liêng hơn.


Toàn bộ bài thơ, Chính Hữu tập trung ca ngợi tình đồng chí, đồng đội, lí tưởng cao đẹp của người lính cụ Hồ. Tuy nhiên, ở mỗi khổ thơ, vẻ đẹp chiến sĩ hiện lên không giống nhau. Từ hoàn cảnh xuất thân khác nhau, gặp gỡ, trải qua cuộc sống chiến đấu gian khổ đến cùng chung một lí tưởng, họ đã cảm thông, gắn bó với nhau như những người tri kỷ. Nếu ở các khổ thơ đầu, vẻ đẹp đã quyện hoà cuộc sống hiện thực thì đến ba câu thơ cuối, người chiến sĩ và lí tưởng đã chắp cánh cho nhau tạo nên vẻ đẹp vừa hiện thực vừa lãng mạn:


Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo


Con người và cảnh vật dường như đang quấn quýt, cùng xẻ chia những gian khổ trong chiến đấu. Đến đây, cuộc sống của người lính không phải gặp khó khăn riêng:


Áo anh rách vai

Quần tôi vài miêng vá

Miệng cười buốt giá

Chân không giày


mà nó đã trở thành sự khắc nghiệt chung cả dân tộc. "Rừng hoang sương muối" không chỉ là một hiện thực, hơn nữa, đó còn là điều kiện thiên nhiên thử thách người lính. Nó gợi cho độc giả nhớ đến hình ảnh đoàn quân Tây Tiến đi trong sương giữa núi rừng phía Tây của Tổ quốc : "Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi". Trước hiện thực đầy khó khăn ấy, người đồng chí, đồng đội của Chính Hữu vẫn vững vàng cây súng trong tay chờ giặc tới : "Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới" như một hành động sẵn sàng chiến đấu vì lí tưởng cao đẹp, vì độc lập tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Với cây súng, các anh trở thành hồn linh của đất nước, của không gian, thời gian.


Người lính cụ Hồ đã nhận chìm mọi khó khăn gian khổ quên đi cảnh "rừng hoang sương muối" trước mặt để đoàn kết, cùng sẵn sàng "đem thân xơ xác giữ sơn hà". Hình dáng các anh giữa thiên nhiên núi rừng trong tư thế đứng bình tĩnh, tự tin, chủ động là hình ảnh của người chiến sĩ ra đi từ "áo vải chân không". Người lính không cô đơn, lạnh lẽo vì bên anh đã có đồng đội và cây súng, là những người bạn tin cậy nhất, tình đồng chí đã sưởi ấm lòng anh. Người chiến sĩ toàn tâm toàn ý hướng theo mũi súng. Lúc ấy, các anh bắt gặp một hiện tượng kì lạ :


Đầu súng trăng treo


Nét sáng tạo độc đáo thể hiện bản lĩnh nghệ thuật của Chính Hữu qua bài thơ chính là ở hình ảnh "Đầu súng trăng treo". Từ tình đồng chí, trải qua những thử thách khác nhau, Chính Hữu đã tạo nên cái nhìn đầy chất thơ. Nếu hai câu thơ trên không kết hợp với hình ảnh "đầu súng trăng treo" thì nó khó có những giá trị đặc sắc. Ngược lại, nếu không có sự nâng đỡ của hai câu thơ liền trên thì hình ảnh sẽ bị coi là thi vị hoá cuộc sống chiến đấu của người lính. Sự quyện hợp nhuần nhuyễn giữa hiện thực và chất thơ lãng mạn, bay bổng đã làm cho "đầu súng trăng treo" trở thành một trong những hình ảnh đẹp nhất thơ ca kháng chiến p. Câu thơ chỉ vẻn vẹn bốn từ nhưng nó bao hàm cả cái tình, cái ý và đặc biệt là sự cảm nhận tinh tế của Chính Hữu.


Nhờ sự liên tưởng thông minh tài tình, tâm hồn giàu cảm xúc, Chính Hữu đã gợi lên một không gian bát ngát giữa vũ trụ bao la, nó có cái gì đó rất bồng bềnh, huyền bí, khó tả. Nhưng không phải là sự mơ hồ ảo nảo như "Trăng huyết dụ xuống bên đài kỉ niệm" (Đinh Hùng - Mê hồn ca). Hình ảnh đó gây được ấn tượng thẩm mĩ sâu sắc với người đọc, đồng thời, nó trở thành hình tượng đa nghĩa độc đáo của thi ca. "Đầu súng trăng treo" được xây dựng bằng bút pháp hiện thực, nhưng không gian "Đầu súng trăng treo" là không gian lãng mạn, siêu thực, đầy chất thơ. Tại sao vậy? Chúng ta thực sự đánh giá cao không gian hiện thực của "nước mặn đồng chua", "đất cày nên sỏi đá" và đặc biệt là không gian "rừng hoang sương muối" ; nó đã góp phần tô đẹp thêm hình tượng vầng trăng, cây súng, hai hình ảnh đối lập nhau. Vầng trăng muôn thủa vẫn gây được sự hấp dẫn và sức gợi kì lạ đối với thi ca. Nhưng ở đây, trăng lại được đặt trong mối quan hệ với súng. Nó biểu tượng cho cuộc sống tươi đẹp, hoà bình, hạnh phúc của nhân loại, đồng thời, đó cũng là ước mơ muốn vươn tới của con người. Ngược lại, súng xuất hiện, biểu tượng cho chiến tranh và cái chết, nhưng súng cũng trở thành lí tưởng cao đẹp, tinh thần chiến đấu vì cuộc sống hoà bình dân tộc của người chiến sĩ.


Trăng là vẻ đẹp lãng mạn, súng là hiện thực. Tuy đối lập, nhưng hai hình tượng này đã tôn thêm vẻ đẹp cho nhau, tạo nên vẻ đẹp hoàn mĩ nhất: VẺ ĐẸP NGƯỜI LÍNH. Không phải ngẫu nhiên khi Chính Hữu đưa ra hai hình ảnh ngược nhau trong một câu thơ. Qua đó, ông muốn khẳng định cái khát vọng về một cuộc sống yên lành đầy chất thơ : để cho vầng trăng kia sáng mãi, trong hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ, mọi người phải cầm súng chiến đấu. Có thể nói, hình ảnh "Đầu súng trăng treo" là một phát hiện mới lạ, độc đáo của Chính Hữu. Tài hoa như Quang Dũng, cũng chỉ cảm nhận được "súng ngửi gửi trời" bằng bút pháp lãng mạn. Chính Hữu đã sử dụng bút pháp hiện thực để tạo nên hình ảnh thơ vừa hiện thực vừa lãng mạn.


Bao trùm lên "Đầu súng trăng treo" là một không gian tưởng tượng lãng mạn, tuy nhiên, nó được bắt nguồn từ cuộc sống hiện thực được chắt lọc dưới ngòi bút tài tình của Chính Hữu. Trước mũi súng, người lính thấy trăng lặn xuống thấp dần giữa đêm khuya yên tĩnh. Chính Hữu đã trưởng thành và gắn bó với hình tượng độc đáo "đầu súng trăng treo". Chính Hữu không dựng lên một tượng đài bi tráng về người lính trong thời kì kháng chiến p. Ông đã tạo nên một cặp "Đồng chí" giữa súng và trăng. Nhằm khẳng định thêm vẻ đẹp giữa tình "Đồng chí" con người với con người.


Tuy trước mắt, người lính vẫn gặp phải những gian khổ khắc nghiệt, nhưng lòng kiên trì sẽ giúp các anh chiến thắng. Hình tượng trăng - súng biểu tượng cho tinh thần dũng cảm, hào hoa muôn thủa của dân tộc nói chung và người lính nói riêng. Trăng và súng kết thành một không gian thơ trữ tình vừa hiện thực vừa lãng mạn. Vì lẽ đó, nó chiếm một vị trí đặc biệt trong thi ca thời kì kháng chiến chống Pháp.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy