Bài văn cảm nhận bài thơ "Nói với con" của Y Phương sô 9

Bài thơ ra đời cuối những năm bảy mươi của thế kỉ XX, khi cả đất nước đứng trước hiện thực khó khăn sau chiến tranh. Với hai mươi tám câu thơ tự do, bài thơ có thể chia làm hai phần. Mười một câu thơ đầu là tình cảm gia đình, quê hương đầm ấm, tươi vui. Mười bảy câu còn lại là truyền thống nghĩa tình, sức sống mạnh mẽ của người đồng mình và mong muốn của người cha.


Gia đình, quê hương là cái nôi đầu đời của mỗi con người. Tình cảm gia đình, quê hương là sợi dây vô hình níu giữ bước chân của những con người xa quê với cội nguồn. Với giọng điệu tâm tình nhỏ nhẹ, Y Phương cho ta cảm nhận niềm hạnh phúc gia đình bình dị mà ai trong chúng ta cũng từng được trải qua:


Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười


Đó là những bước đi chập chững đầu tiên, gia đình tràn ngập trong "tiếng nói, tiếng cười" yên vui. Khi con lớn lên, cha mẹ vẫn luôn theo dõi bước chân của con trên mọi nẻo đường đời. Cha mẹ là điểm tựa vững chắc nâng đỡ từng bước con đi, không gì hạnh phúc bằng con có cha mẹ. Bảy câu thơ tiếp: Con còn lớn lên trong cuộc sống lao động, trong thiên nhiên thơ mộng và nghĩa tình của quê hương. "Người đồng mình" là người vùng mình, người quê hương. Đây là cách nói giản dị, thân thuộc, mộc mạc của người miền núi.


Đan lờ cài nan hoa
Cách nhà ken câu hát


"Đan lờ" để bắt cá, "ken" vách nhà làm chỗ che nắng, che mưa, những công việc lao động hàng ngày qua cách liên tưởng của tác giả trở nên thi vị, lãng mạn, đầy chất thơ. Động từ "cài", "ken" vừa miêu tả những động tác, cử chỉ cụ thể, vừa nối liền cuộc sống vật chất và tinh thần. Lao động, xây dựng cuộc sống no ấm, từ đó mà nảy sinh thơ ca, nhạc họa, nảy sinh đời sống tinh thần phong phú (hoa, câu hát).


Hoa biểu tượng cho cái đẹp. "Rừng cho hoa" để tâm hồn người đồng mình thêm phong phú, biết yêu thương, trân trọng những giá trị tinh thần. "Con đường cho những tấm lòng" thơm thảo, biết sẻ chia, biết đồng cảm nỗi buồn vui. Thiên nhiên thơ mộng, nghĩa tình đã nuôi dưỡng, chở che con người, nếu con người biết gắn bó với quê hương, quê hương sẽ cho tất cả những gì tốt đẹp nhất cả giá trị vật chất lẫn tinh thần. "Người không phụ đất thì đất chẳng phụ người".


Y Phương đã vận dụng lối diễn đạt của người dân tộc, thiên về cách nói cụ thể, vừa sinh động, khái quát mà vẫn không kém phần thi vị về vẻ đẹp cuộc sống lao động của người miền núi. 17 câu còn lại: Những đức tính cao đẹp của người đồng mình và mong muốn của người cha qua lời tâm sự với con. Mỗi lần người cha tâm sự với con về "người đồng mình" thì một lần phẩm chất cao đẹp của người đồng mình lại hiện ra.


"Người đồng mình" cuộc sống vất vả "lên thác xuống ghềnh" nhưng giàu chí khí, biết lấy "nỗi buồn" mà "nuôi chí lớn", lấy cái cao xa của đất trời làm thước đo "nỗi buồn" và "chí lớn" ấy. Người cha muốn con ghi nhớ lấy những truyền thống ấy để mà thương mà nhớ:


"Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn...nghèo đói".


Quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn, là mảnh đất thiêng liêng, càng nghèo khó, càng phải gắn bó sẻ chia. Bởi vậy, mà quê hương đi vào văn học với một niềm thương nỗi nhớ của bao thế hệ. Họ tự hào hát về quê hương. Người dân xứ Nghệ hát về quê mình:


"Ơi Hà Tĩnh mình, đường về có nhớ
Trời chang chang nắng ai quàng áo tơi
Cho ta thương nhau mồ hôi chát mặn
Cho ta thương nhau vầng trăng không lẻ bạn
Đứt ruột nhớ mong..."

Người Quảng Bình tự hào:

"Giữ lấy đất trời của quê hương ta
Giữ lấy con người mà ta yêu quý..."


Quê hương dù nghèo đói, khổ đau... nhưng bát cơm, dòng nước quê hương vẫn chảy trong ta, nơi đó ấp iu bao nghĩa tình. Nhạc sĩ khẳng định:


"Sông cứ chảy trong ta, núi cứ lớn trong ta
Đi xa lại muốn về, khổ đau càng muốn về"

Bởi như nhà thơ Đỗ Trung Quân từng nói:

"Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nỗi thành người".


"Người đồng mình thô sơ da thịt" nhưng không nhỏ bé về tâm hồn. Như đã nói ở trên, họ giàu chí khí, tâm hồn phong phú, biết đồng cảm, sẻ chia.


Người đồng mình... phong tục.


"Đục đá", một cách nói cụ thể diễn đạt công việc lao động vất vả theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Dẫu phải "đục đá", họ vẫn muốn lao động xây dựng quê hương giàu đẹp, "kê cao quê hương". Một tình yêu chân chính, sâu sắc phải được biểu hiện bằng hành động cụ thể. Yêu quê hương mà quê hương vẫn còn nghèo khó thì phải lao động để xây dựng quê hương. Còn "quê hương thì làm phong tục", "phong tục" là lối sống, nếp sống sinh hoạt đẹp đẽ của quê hương. Lối sống đó sẽ theo con đi bốn phương trời, nhớ về quê hương là nhớ những phong tục đẹp đẽ ấy. Từ những truyền thống đẹp đẽ của quê hương, từ những phẩm chất của người đồng mình, người cha mong muốn:


Con ơi, tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.


Lần thứ nhất người cha nói đến "Người đồng mình thô sơ da thịt" để nói cho con về sức sống mạnh mẽ của quê hương, sức mạnh truyền thống của quê hương; lần thứ hai, người cha nhắc lại như để con khắc cốt ghi xương rằng: quê hương mình tuy mộc mạc, chân chất, người đồng mình tuy thô sơ da thịt nhưng sống cao đẹp, nên trên đường đời con phải làm những điều lớn lao, con phải sống cao thượng, tự trọng để xứng đáng là "người đồng mình". "Lên đường" đi xa con phải biết tự hào về quê hương và tự tin để bước vào đời. Truyền thống của quê hương, niềm tự hào về quê hương trở thành hành trang con mang theo trên mọi nẻo đường. Người cha đã truyền cho con mình vẻ đẹp, sức mạnh của truyền thống quê hương.


Trách nhiệm của người con là phải biết tự hào, phát huy những đức tính tốt đẹp của người đồng mình, đồng thời gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của quê hương, cố gắng học tập thật tốt để góp phần xây dựng quê hương ngày một tốt đẹp.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy