Bài tham khảo số 8

Mỗi nhà văn có một quan điểm sáng tác riêng theo họ xuyên suốt sự nghiệp văn học. Nhưng có lẽ, Nguyễn Tuân là một trường hợp đặc biệt khi quan điểm sáng tác và phong cách văn chương của ông có sự khác biệt rõ rệt ở thời kì trước và sau năm 1945. Nếu trước năm 1945, người ta biết đến Nguyễn Tuân với Chữ người tử tù cùng những hoài niệm về cái đẹp của quá khứ thì sau năm 1945, người ta biết đến Nguyễn Tuân với Người lái đò sông Đà cùng một năng lượng, tình yêu tha thiết dành cho cuộc sống, cho thiên nhiên mà bạn đọc dễ dàng cảm nhận được. Nổi bật trong bài tùy bút chính là hình tượng con sông Đà lúc ở thượng nguồn.


Tùy bút Người lái đò sông Đà in trong tập “Sông Đà”, là kết quả chuyến đi thực tế của Nguyễn Tuân đến vùng núi Tây Bắc để khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên, của con người và tìm kiếm “chất vàng mười đã qua thử lửa” trong chính cuộc sống thường nhật. Qua “Người lái đò sông Đà”, Nguyễn Tuân với lòng tự hào của mình đã khắc họa những nét thơ mộng, hùng vĩ nhưng khắc nghiệt của thiên nhiên đất nước qua hình ảnh con sông Đà hung bạo và trữ tình. Đồng thời, nhà văn cũng phát hiện và ca ngợi chất nghệ sĩ, sự tài ba trí dũng của con người lao động mới qua hình ảnh người lái đò sông Đà.


Mở đầu tùy bút là hai lời đề từ vô cùng đặc sắc và độc đáo: “Đẹp vậy sao tiếng hát trên dòng sông”: ca ngợi vẻ đẹp của sông Đà và tiếng hát của những con người cần mẫn lao động, làm việc ở nơi đây. “Chúng thủy giai đông tẩu/ Đà giang độc Bắc lưu” mang ý nghĩa mọi con sông đều chảy về phía Đông, riêng sông Đà chảy về phương Bắc để nói lên sự khác biệt độc nhất vô nhị của sông Đà, gợi ra những cá tính riêng của con sông. Chỉ với hai lời đề từ ngắn gọn, Nguyễn Tuân đã mang đến cho bạn đọc những vẻ đẹp vô cùng khác biệt của sông Đà với những con sông khác giúp bạn đọc phần nào thêm thích thú và muốn tìm hiểu về con sông này.


Sau lời đề từ, tác giả đi vào cụ thể vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội của con sông: “Cảnh vách đá hai bên sông dựng đứng như vách thành; có vách đá chẹt dòng sông Đà như một cái yết hầu; đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách; có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bên bờ này sang bên kia; mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời.” bằng ngòi bút tài hoa của mình, Nguyễn Tuân mang đến cho bạn đọc nhiều liên tưởng thú vị về con sông Đà: nghệ thuật ẩn dụ những khối đá bờ sông được ví như những thành trì kiên cố, vững chãi và đầy rẫy sự nguy hiểm, bí ẩn, đe doạ chực chờ. Tác giả đã sử dụng nhiều giác quan để cảm nhận được hết vẻ đẹp hung tợn ở quãng này của con sông: nó vừa hẹp lại nhiều đá dựng cao ngang ngược nhưng tiềm ẩn những sự nguy hiểm khiến con người không thể lường trước được.


Không chỉ quãng này của con sông nguy hiểm mà quãng mặt ghềnh Hát Loóng cũng nhiều hiểm nguy không kém: “Dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò sông Đà…; quãng này mà khinh suất tay lái thì cũng dễ lật ngửa bụng thuyền ra”. Đến đây, Nguyễn Tuân sử dụng nhiều câu văn ngắn móc xích với nhau, điệp từ, điệp cấu trúc gợi lên nhịp chuyển động gấp gáp của sóng gió đang phối hợp với nhau để “hoành hành” tạo thêm nét hung bạo của sông Đà; không chỉ có đá dựng thành vách hăm dọa con người nữa mà ngay cả mặt nước cũng tạo sóng hung tợn để đe dọa bất cứ con thuyền hay người nào qua đây cho ta thấy một con sông Đà ngang ngược, bá đạo và vô cùng bướng bỉnh.


Quãng Tà Mường Vát con sông cũng hung tợn không kém: “Trên sông bỗng có những cái hút nước giống như cái giếng bê tông thả xuống dòng sông để chuẩn bị làm móng cầu; nước ở đây thở và kêu như cái cửa cống bị sặc... những cái giếng sâu nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào; nhiều thuyền bè gỗ đi nghênh ngang vô ý là những cái giếng hút nước ấy nó lôi tụt xuống” Nghệ thuật nhân hoá kết hợp so sánh của Nguyễn Tuân làm tạo cho câu văn trở nên sinh động, hấp dẫn hơn bao giờ hết. Khúc sông này nguy hiểm đến mức không một con thuyền nào dám tiến lại gần, nếu không sẽ bị hút vào trong, bị dìm xuống lòng sông và biến mất một cách đáng sợ.


Không chỉ riêng những quãng trên con sông Đà mới hung tợn mà dòng chảy của nó cũng vô cùng hung tợn: “Có những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới”. Sự hung dữ này được Nguyễn Tuân liên tưởng đến một anh quay phim bạo dạn dám ngồi vào trong cái thuyền thúng tròn vành rồi cả người cả thúng cùng theo dòng xoáy xuống dưới cùng của xoáy nước và lia máy ảnh lên, thu vào tầm mắt tất cả xoáy nước như “một cái giếng mà thành giếng xây toàn bằng nước sông xanh ve một áng thủy tinh khối đúc dày, khối pha lê xanh như sắp vỡ tan ụp cả vào máy vào người quay phim cả người đang xem.” Sự liên tưởng đặc sắc, thú vị này không chỉ giúp bạn đọc hình dung ra sự hung tàn của con sông mà còn làm cho vẻ hung tàn đó trở nên đa sắc màu hơn.


Nhiều năm tháng qua đi nhưng bạn đọc chưa bao giờ quên phong cách sáng tác “ngông” độc đáo của Nguyễn Tuân cùng tùy bút và hình ảnh con sông Đà. Tác phẩm đã đóng góp không nhỏ vào nền văn học Việt Nam và được nhiều thế hệ con người đón nhận.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ
Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Top 9 Bài văn phân tích vẻ đẹp hung bạo của sông Đà trong tùy bút "Người lái đò sông Đà" hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7
  8. top 8 Bài tham khảo số 8
  9. top 9 Bài tham khảo số 9

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy