Bài tham khảo số 8

Đặng Thai Mai đã từng khẳng định: “Với Tố Hữu, thơ là vũ khí đấu tranh cách mạng. Ðó chính là đặc sắc và cũng là bí quyết độc đáo của Tố Hữu trong thơ ca”. Để rồi đọc những dòng thơ ấy, Hoài Thanh cũng thốt lên: “Một tiếng nói yêu thương luôn luôn chan hòa ánh sáng, tự nó cũng là ánh sáng, lại hết sức linh hoạt và uyển chuyển, mỗi lúc một khác, mỗi nơi một khác, kể cả những lúc chỉ là sự im lặng giữa các dòng thơ. Đến với đoạn 3 của bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu ta sẽ cảm nhận được sâu sắc về cuộc sống kháng chiến.


“Mình đi, có nhớ những ngày

Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù?

Mình về, có nhớ chiến khu

Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?

Mình về, rừng núi nhớ ai

Trám bùi để rụng, măng mai để già

Mình đi, có nhớ những nhà

Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son

Mình về, còn nhớ núi non

Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh

Mình đi, mình có nhớ mình

Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?”


Việt Bắc là tác phẩm trường thiên, dài 150 dòng, được Tố Hữu viết vào tháng 10/1954 khi Trung ương Đảng và chính phủ, Bác Hồ và cán bộ từ giã Thủ đô gió ngàn để về với Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình. Bao trùm đoạn thơ là một niềm hoài niệm nhớ thương về những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc, là nỗi nhớ da diết, tâm trạng bâng khuâng, lưu luyến của kẻ ở người đi - người miền ngược và người đi kháng chiến.


Những câu hỏi tu từ là sự nhắc nhớ đầy ân tình, mang dáng dấp những câu đối đáp quen thuộc của ca dao giao duyên, của những câu hát huê tình đượm yêu thương chàng trai cô gái trao nhau thuở trước. Tố Hữu mượn câu hát tình yêu đôi lứa ngày xưa để nói đến một tình cảm rộng lớn hơn: tình đồng bào quân dân, mượn cái riêng để nói đến một tình cảm chung thiêng liêng, cao đẹp. Bởi vậy, những câu thơ “Việt Bắc” dẫu có tinh thần chính trị mà không hề khô khan, “chính trị mà rất đỗi trữ tình” như cách nói của nhà thơ Xuân Diệu. Hình ảnh “mưa nguồn suối lũ” đã gợi liên tưởng nhớ về những quán ngữ dân gian như “mưa rừng gió bể”, “chớp bể mưa nguồn” khi nói đến một thiên nhiên dữ dội, khắc nghiệt với nhiều thách thức. Hình ảnh “những mây cùng mù” gợi ra một không gian xa xôi, mịt mờ rất riêng của một vùng thâm sơn cùng cốc. Hình ảnh “miếng cơm chấm muối mối thù nặng vai” đã khắc họa chân thực hoàn cảnh kháng chiến và nhiệm vụ kháng chiến.


Biện pháp hoán dụ “rừng núi nhớ ai” được sử dụng: “rừng núi” chính là hình ảnh người ở lại để thể hiện nỗi nhớ da diết mà sức vóc của nó có thể sánh ngang tầm với núi rừng đại ngàn. Thiên nhiên và con người Việt Bắc nhớ cán bộ về xuôi nhiều đến mức “trám bùi để rụng”, “măng mai để già”. “Trám bùi” và “măng mai” là những đặc sản Việt Bắc xuất hiện trong bữa ăn của bộ đội, của cán bộ kháng chiến "Trám bùi để rụng măng mai để già”. Hình ảnh “hắt hiu lau xám” gợi về miền đất hoang sơ, nghèo nàn. Nhưng người Việt bắc chỉ nghèo về vật chất chứ không nghèo về tình cảm. Cụm từ “đậm đà lòng son” đã nói lên tấm lòng thủy chung, son sắc với cách mạng, hết lòng về kháng chiến của người dân nơi đây. Họ chịu đựng khó khăn, gian khổ để cưu mang giúp đỡ cán bộ cách mạng. Trong câu thơ “hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son” tác giả đã sử dụng phép tiểu đối để nhấn mạnh đất Việt bắc tuy có nghèo nhưng con người Việt Bắc luôn giàu nghĩa tình.

Nhân dân Việt Bắc vẫn tiếp tục hỏi, nhưng ở đoạn thơ này lời hỏi được nhấn mạnh hơn, thể hiện cụ thể và rõ ràng hơn: cán bộ về xuôi có nhớ cảnh vật Việt Bắc, con người Việt Bắc, nhớ những năm tháng cùng nhau kháng chiến hay không?


“Mình về, còn nhớ núi non

Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh

Mình đi, mình có nhớ mình

Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?”


Một loạt các mốc thời gian và địa danh được liệt kê: “Kháng Nhật”, “thuở còn Việt Minh”, “Tân Trào, Hồng Thái” như đang tổng kết lại hành trình mà dân tộc đã đi qua. Chúng không chỉ giản đơn là những địa danh vô cảm trên bàn đổ địa lí mà mỗi tên gọi đều là những kỉ niệm, những gian khổ, những chiến thắng mà quân và dân ta đã cùng bên nhau để đón nhận. Cách mạng hào hùng, khó phai thời kháng Nhật, khi hoạt động Việt Minh, kỷ niệm tại địa danh lịch sử Tân Trào hay người anh hùng Cách mạng Hồng Thái. Đại từ xưng hô “mình” nhà thơ Tố Hữu sử dụng xuyên suốt đoạn thơ hay cũng là xuyên suốt toàn bài đã thể hiện sự gắn bó, tình cảm bền chặt, thắm thiết giữa kẻ ở người đi. Cách xưng hô đó còn gợi người đọc nghĩ về những lời tâm tình thủ thỉ chân thành giữa quân và dân, giữa người cán bộ cách mạng với đồng bào Việt Bắc nghĩa tình.


Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời và thơ còn là thơ nữa. Những dòng thơ của Tố Hữu đã cho người đọc biết được rất nhiều những khó khăn gian khổ của đồng bào Việt Bắc thời kháng chiến chống Pháp. Giọng thơ tâm tình ngọt ngào tha thiết và nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc của Tố Hữu đã góp phần tạo nên sự thành công cho bài Việt Bắc.

Bài tham khảo số 8
Bài tham khảo số 8
Bài tham khảo số 8
Bài tham khảo số 8

Top 10 Bài văn phân tích khổ thơ thứ 3 bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu (Ngữ văn 12) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7
  8. top 8 Bài tham khảo số 8
  9. top 9 Bài tham khảo số 9
  10. top 10 Bài tham khảo số 10

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy