Bài tham khảo số 6 - Bài thơ Bàn chân thầy giáo

Từ lâu, cái tên Trần Đăng Khoa đã trở nên quen thuộc và gần gũi với đông đảo bạn đọc Việt Nam, nhất là bạn đọc ở lứa tuổi thiếu nhi. Thơ Trần Đăng Khoa – nhất là mảng thơ viết thời thơ ấu – có sức cuốn hút đặc biệt đối với bạn đọc. Điều thú vị, hấp dẫn và cũng rất sâu sắc là hình tượng người thầy đã đi vào thơ Khoa ngay từ buổi đầu anh chập chững làm thơ và đã in dấu ấn sâu đậm trong thơ anh.


Trong những bài thơ đầu tay viết vào năm 1966, khi đang còn là một chú bé tám tuổi, Khoa đã có một chùm thơ về thầy giáo của mình. Tháng tư năm 1966, tiễn thầy giáo đi bộ đội, Khoa viết bài thơ “Thầy giáo đi bộ đội” với lời đề tặng “Kính tặng thầy Việt”. Tháng chín năm đó, Khoa viết bài “Hỏi đường” và đến năm sau (1967) anh có tiếp bài “Nghe thầy đọc thơ”.


Chùm thơ viết về thầy giáo của Khoa thể hiện những tình cảm xúc động của người học trò đối với người thầy của mình khi thầy phải tạm rời xa bục giảng để lên đường nhập ngũ. Đó là nỗi buồn rất thực, là sự kính trọng, là lòng biết ơn và tha thiết nhớ thương, là niềm mong đợi ngày thầy trở về để rồi sẽ lại được lắng nghe những lời giảng ấm áp và thân thiết của thầy. Những tình cảm đẹp đẽ, trong sáng cứ ngày một chín dần và sự trưởng thành của Khoa đã được bộc lộ qua một trong những bài hay nhất của anh, bài thơ “Bàn chân thầy giáo” (1972):


Thầy ngồi ghế giảng bài

Xếp cạnh bàn đôi nạng gỗ

Một bàn chân đâu rồi

Chúng em không rõ

Sáng nào bom Mĩ giội

Phượng đổ ngổn ngang mái trường tốc ngói

Mặt bảng đen lỗ chỗ vết bom bi

Thầy cầm súng ra đi

Bài tập đọc dạy chúng em dang dở

Hoa phượng

Hoa phượng cháy một góc trời như lửa

Năm nay thầy trở về

Nụ cười vui vẫn nguyên vẹn như xưa

Nhưng một bàn chân không còn nữa

Ôi, bàn chân

In lên cổng trường những chiều giá buốt

In lên cổng trường những đêm mưa dầm

Dấu nạng hai bên như hai hàng lỗ đáo

Chúng em nhận ra bàn chân thầy giáo

Như nhận ra cái chưa hoàn hảo

Của cả cuộc đời mình

Bàn chân thầy gửi lại Khe Sanh

Hay Tây Ninh, Đồng Tháp

Bàn chân đạp xuống đầu lũ giặc

Cho lẽ sống làm người

Em lắng nghe thầy giảng từng lời

Rung động bao điều suy nghĩ

Nghe thầm vọng bàn chân đi đánh Mĩ

Nghe âm vang tiếng gọi của chiến trường

Em đi suốt chiều dài yêu thương

Chiều sâu đất nước

Theo những dấu chân người thầy năm trước

Và bàn chân thầy, bàn chân đã mất

Vẫn dẫn chúng em đi trọn vẹn cuộc đời…


Nổi bật, xuyên suốt bài thơ là hình tượng “bàn chân thầy giáo”. Bài thơ trữ tình mang dáng dấp tự sự nên người đọc có thể hình dung được cụ thể về nhân vật trữ tình và tình cảm của chủ thể trữ tình. Từ chiến trường trở về, người lính – vốn là một thầy giáo – giờ đây là người thương binh chỉ còn một chân lại tiếp tục sự nghiệp vẻ vang của mình ở hậu phương là sự nghiệp “trồng người”. Là thương binh, thầy không thể tiếp tục cầm súng chiến đấu ở chiến trường được nữa nhưng về hậu phương thầy vẫn có thể cầm phấn tiếp tục giảng bài trên bục giảng.


Ngay từ những dòng thơ đầu tiên, hình tượng người thầy hiện ra đã khiến lòng người rưng rưng xúc động: “Thầy ngồi ghế giảng bài / Xếp cạnh bàn đôi nạng gỗ”. “Đôi nạng gỗ” giờ đây thay thế cho một bàn chân của thầy. Bàn chân ấy đâu rồi?! “Chúng em không rõ”.


Tác giả mở đầu “câu chuyện” một cách giản dị, ngắn gọn nhưng lời thơ như một nhát dao sắc cứa vào lòng người. Phải chăng tất cả chúng em đều không rõ? Không! Chúng em đều biết cả! Ấy là một buổi sáng mùa hè, bom Mĩ dội xuống trường “phượng đổ ngổn ngang mái trường tốc ngói/mặt bảng đen lỗ chỗ vết bom bi”. Trong cái buổi sáng mùa hè không thể quên ấy, hoa phượng cứ rực cháy lên như lửa ở một góc trời.


Lời thơ điệp hai lần “hoa phượng”/ “hoa phượng” như một nỗi bồi hồi xen lẫn buồn thương. Hoa phượng với màu đỏ rực vốn gắn với những ngày hè tươi đẹp của tuổi học trò giờ đây như là ngọn lửa: lửa chiến tranh và lửa căm thù. “Bài tập đọc” thầy dạy chúng em còn “dang dở” nhưng thầy phải cầm súng ra đi lên đường ra mặt trận. Chúng em tiễn thầy trong màu lửa phượng rực cháy “một góc trời”.


Hôm nay thầy đã trở về! Nụ cười vui trên đôi môi thầy vẫn “nguyên vẹn như xưa” nhưng một bàn chân của thầy không còn nữa. Thầy đã gửi lại một bàn chân ở chiến trường, đã hi sinh một phần cơ thể của mình cho độc lập tự do của nhân dân và đất nước. Bàn chân đó đã “đạp xuống đầu lũ giặc”, là bàn chân chiến thắng. Và cao hơn cả, bàn chân đó đã dạy cho chúng em “lẽ sống làm người”.


Cả dân tộc Việt Nam vùng lên đánh Mĩ. Hàng triệu triệu bàn chân đã lên đường đi khắp mọi nẻo chiến trường Khe Sanh, Tây Ninh, Đồng Tháp; lập nên những chiến công oanh liệt vẻ vang. Người thầy giáo thương binh qua hành động đẹp đẽ của mình ở chiến trường và qua giờ dạy tâm huyết trên bục giảng đã làm “rung động bao điều suy nghĩ” trong lòng lớp lớp học trò.


Dù chỉ mới lên tám lên mười, chúng em vẫn có thể lắng nghe qua lời giảng của thầy “âm vang tiếng gọi của chiến trường”; vẫn lắng nghe lời thầm thì vọng lại của những bàn chân đi đánh Mĩ; vẫn có thể cùng những dấu chân của thầy “đi suốt chiều dài yêu thương” và “chiều sâu đất nước”.


Sự hóa thân của tác giả – một chú bé mới mười bốn tuổi – vào chủ thể trữ tình: em, chúng em khiến cho hình ảnh thơ, giọng thơ vừa hồn nhiên mang dáng dấp tuổi thơ lại vừa hằn dấu trí tuệ suy tư mang tầm thời đại. Lối so sánh dấu nạng gỗ tròn thầy giáo đi qua để lại “hai bên như hai hàng lỗ đáo” thật đúng là của trẻ con nhưng từ hai hàng lỗ đáo – hai hàng dấu nạng gỗ chân thầy giáo mà nhận ra những điều “chưa hoàn hảo của cả cuộc đời mình” thì thật là người lớn, thật sâu sắc biết bao!


Hai câu cuối của bài thơ đúc kết ý nghĩa cao đẹp của hình tượng bàn chân thầy giáo. Người thầy giáo thương binh tiếp tục cống hiến tài năng, trí tuệ và phần sức lực còn lại của mình cho thế hệ trẻ; cho sự nghiệp giáo dục vinh quang của đất nước. Ngay cả phần cơ thể của thầy đã mất đi cũng vẫn có ý nghĩa lớn lao trong cuộc sống của chúng em. Bàn chân đã mất của thầy “vẫn dẫn chúng em đi trọn vẹn cuộc đời”. Hóa ra, bàn chân đó không hề mất, nó vẫn hiện diện trong tâm trí học trò của thầy, vẫn đầy sức sống như ngọn lửa rực cháy của hoa phượng vẫy gọi thế hệ trẻ vươn đến tương lai.


Với bài thơ “Bàn chân thầy giáo”, nhà thơ thiếu nhi Trần Đăng Khoa đã thay mặt các thế hệ học trò Việt Nam nói lên sự kính trọng, lòng biết ơn chân thành đối với những người thầy đã không tiếc tuổi xuân cống hiến cả cuộc đời cho đất nước. Bằng tất cả tình cảm trân trọng dành cho nhà giáo và nghề giáo, với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo”, ngọn lửa tình yêu cuộc sống, tình yêu con người, tình yêu nghề giáo sẽ mãi mãi rực sáng trong tâm trí chúng ta; thúc giục chúng ta phấn đấu xây dựng một xã hội công bằng, tốt đẹp.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy